28/07/2010 07:59:42 AM
Thắc mắc về điều kiện mua và sở hữu nhà ở VN của NVNONN

Hỏi: Chúng tôi sang Đức từ năm 1988 theo diện lao động hợp tác (thời Đông Đức). Sau đó ở lại đến tận bây giờ. Chúng tôi được quyền cư trú ở Đức lâu dài nhưng hiện chúng tôi vẫn dùng hộ chiếu Việt Nam. Theo chúng tôi hiểu, trường hợp tương tự như chúng tôi thì mới gọi là người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Còn trường hợp đã nhập quốc tịch nước khác thì gọi là Việt kiều hay người nước xxx nào đó gốc Việt Nam (?)...

Hiện nay chúng tôi được nghe, xem rất nhiều thông tin trái chiều, nhiều câu trả lời trong các báo rất chung chung về người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sử dụng và không được sử dụng, cũng như được phép mua và không được phép mua nhà riêng lẻ hoặc nhà chung cư ở Việt Nam.

Vậy nay tôi xin đại diện cho một nhóm nhỏ nhờ tạp chí Quê Hương giải đáp giúp một số thắc mắc. Tôi xin nêu cụ thể hai trường hợp sau:

1-      Tôi định mua một căn nhà độc lập (có thể có cả đất ngoài diện tích nhà). Vậy tôi có thể mua thêm nhà chung cư nữa không? Và tiêu chuẩn được mua có bị giới hạn không?

2-      Khi bố mẹ tôi chia bất động sản cho anh chị em tôi thì tôi có được phép đứng tên làm sổ đỏ như người ở Việt Nam không? Nếu được thì tôi cần làm những thủ tục gì?  

Xin chân thành cảm ơn.

Nguyen Toan

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 3 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”.

Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định: “Công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”; Điều 11 của Luật Quốc tịch năm 2008 quy định: một trong những giấy tờ có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam là người có hộ chiếu Việt Nam.

Như vậy, trường hợp của bạn, bạn vẫn sử dụng hộ chiếu Việt Nam thì được coi là công dân Việt Nam và theo quy định của pháp luật nêu trên, các bạn là Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

1. Quyền được mua nhà tại Việt Nam:

Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai số 34/2009/QH12 ngày 18/06/2009 của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (sau đây viết tắt là “Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai”) quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:

a) Người có quốc tịch Việt Nam;

b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

Đối với trường hợp của bạn, bạn có quốc tịch Việt Nam và nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở (không giới hạn về số lượng nhà ở riêng lẻ và nhà chung cư). Do đó, bạn có thể “mua thêm nhà chung cư”.

Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Theo đó, bạn có thể mua một căn nhà độc lập (có thể có cả đất ngoài diện tích nhà).

2. Thừa kế, tặng cho nhà ở tại Việt Nam:

Theo Điều 10 của Luật Nhà ở năm 2005, điều kiện để được cấp Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở là công dân có nhà ở được tạo lập hợp pháp thông qua việc đầu tư xây dựng, mua bán, tặng cho, thừa kế, đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong trường hợp bạn được tặng cho hoặc hưởng thừa kế thì sẽ được đứng tên trên Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đó.

3. Thủ tục đề nghị cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất:

Theo Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/10/2009 về việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, hồ sơ đề nghị cấp Giấy Chứng nhận bao gồm:

  • Giấy tờ thể hiện việc nhận tài sản được tặng cho hoặc được nhận thừa kế;
  • Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà;
  • Các giấy tờ có liên quan đến thông tin của người nhận bất động sản và người tặng cho hoặc để lại thừa kế bất động sản;
  • Hợp đồng thể hiện việc tặng cho bất động sản (chia bất động sản) hoặc văn bản thừa kế được cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực;
  • Giấy tờ thể hiện đã thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với bất động sản.

Các hồ sơ nêu trên được nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất khi nhận hồ sơ có trách nhiệm viết giấy biên nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ; trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc phải kiểm tra hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ biết nếu cần phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được quy định như sau:

  • Không quá năm mươi (50) ngày làm việc đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận lần đầu.
  • Không quá ba mươi (30) ngày làm việc đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà có nhu cầu bổ sung chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.
  • Không quá hai mươi (20) ngày làm việc đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Giải đáp về vấn đề thừa kế nhà đất do cha mẹ để lại
Giải đáp thắc mắc về tranh chấp quyền sử dụng đất liên quan đến người VN định cư ở nước ngoài
Về việc bán, tặng, cho nhà thuộc sở hữu chung của vợ chồng
Việt kiều có quyền đứng tên và xây dựng trên mảnh đất được cha mẹ ở Việt Nam chia cho không?
Giải đáp một số thắc mắc về việc xin lại nhà cũ của kiều bào đã định cư ở nước ngoài
Đi định cư ở nước ngoài có buộc phải sang tên nhà ở cho người khác?
Giải đáp một số vấn đề liên quan đến quyền sử dụng nhà đất
Giải đáp thắc mắc liên quan quyền sử dụng nhà và đất ở
Giải đáp một số thắc mắc về vấn đề sở hữu tài sản
Giải đáp về thủ tục đề nghị cấp sổ đỏ
Quy định hiện hành về việc sở hữu nhà và nhận quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Kiều bào có được phép xây cất nhà tại Việt Nam không?
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang