14/08/2017 09:44:00 AM
Ý tưởng Ngày Việt Nam toàn cầu

Giáo sư Wendy Bacon (Đại học Sydney) - nhà báo điều tra nổi tiếng, trong một lần về thăm Đền Hùng đã bộc bạch: “Australia được hợp thành bởi người dân tứ xứ, cả nước không có chung một ông tổ để thờ phụng như ở Việt Nam. Có chung cội rễ, đó là niềm tự hào của người Việt các bạn mà không phải dân tộc nào cũng có được”.

Đây là lời kể của Giáo sư Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trong buổi họp bàn thực hiện ý tưởng tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu vừa diễn ra tại Hà Nội...

 Hàng đầu: Giáo sư Tạ Ngọc Tấn (thứ hai từ phải) và Đại sứ Nguyễn Phú Bình (thứ hai từ trái) tại buổi họp bàn tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu

Nhân lên sức mạnh nguồn cội

Sau khi tổ chức thành công Ngày Việt Nam tại Áo, một nhóm Việt kiều đã nung nấu ý tưởng phối hợp tổ chức ngày Việt Nam đúng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Được chọn là một trong 15 Việt kiều tiêu biểu về dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, nhà báo Bích Yến - đại diện thường trú báo Văn nghệ tại châu Âu, đã từng chia sẻ ý tưởng này và được nhiều người hưởng ứng, trong đó có Giáo sư Tạ Ngọc Tấn - Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và Đại sứ Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.

Tại buổi họp bàn thành lập Ban vận động Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta không nên nghĩ thay đồng bào ngoài nước mà cần lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của bà con. Nguyện vọng muốn lấy một ngày Việt Nam trùng với ngày Giỗ Tổ trong nước là rất đáng trân trọng. Việt Nam có nhiều ngày bà con có thể tập hợp, nhưng ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba thì dù có khác biệt về chính kiến, ai cũng dễ dàng chấp nhận, đồng thuận”.

GS. Tạ Ngọc Tấn ghi nhận đây là ý tưởng hay, cách tiếp cận hợp lý. Theo ông, chọn một ngày đại đoàn kết dân tộc và tôn vinh giá trị Việt là việc cần làm để bạn bè quốc tế thêm hiểu văn hóa, văn hiến, cốt cách Việt Nam. Giáo sư cho biết, là dòng giống con Lạc cháu Hồng, bất cứ người Việt nào cũng tự hào về nguồn cội của mình. Cá nhân ông xin tình nguyện làm hội viên của Ban vận động Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu.

Kết nối tấm lòng Việt

Ngày xưa, việc giỗ Tổ Hùng Vương không định rõ ngày nào, dân địa phương thường lựa chọn một ngày tốt vào mùa Xuân hoặc mùa Thu. Cách đây tròn 100 năm, xét bản tấu trình của quan Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc, ngày 25/7/1917, Bộ Lễ triều Nguyễn đã chính thức định lệ ngày quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày 10/3 â­­­­m lịch hàng năm. Năm 2007, Bộ luật Lao động được sửa đổi, chính thức cho phép người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày này.

Sau khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được thế giới vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, những năm gần đây, việc giỗ Tổ được truyền hình trực tiếp trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh ở Đền Hùng và được các kênh truyền hình cả nước tiếp sóng. Đồng thời, với lễ cúng giỗ vua Hùng tại Đền Hùng ở Phú Thọ, tất cả các điểm thờ tự vua cùng vợ con, tướng lĩnh thời Hùng Vương trên toàn quốc đều đồng loạt dâng hương tri ân công đức tổ tiên. Truyền thông đã và đang góp phần không nhỏ vun đắp tinh thần đồng thuận dân tộc.

Thêm vào đó, ngày nay mạng xã hội đang có sức mạnh vượt trội để kết nối những tấm lòng cùng hướng về nguồn cội. Nếu đúng ngày 10/3, sinh viên của một vài trường đại học trong nước hay một số cộng đồng cư dân Việt ở nước ngoài đồng loạt đổi avatar (ảnh đại diện), mỗi người một tấm ảnh hoặc logo hướng về nguồn cội thì sức mạnh truyền thông sẽ không hề nhỏ.

Nhà báo Hoàng Anh - phụ trách trang người Việt ở nước ngoài trên VTC10 cho biết các hội đồng hương ở nước ngoài hoạt động rất mạnh và thiết thực. Hội đồng hương Phú Thọ nên trở thành nòng cốt để thúc đẩy tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ông Tạ Quốc Huân - Chủ tịch Hội đồng hương Phú Thọ tại Slovakia cho biết: “Ngày Việt Nam tại Slovakia không được tổ chức thường xuyên nhưng Hội năm nào cũng tổ chức cúng giỗ vua Hùng. Khi kết hợp hai ngày này thành một Ngày Quốc Tổ Việt Nam, hiệu ứng sẽ lan tỏa”.

Nén tâm hương hướng về Quốc Tổ

Ban vận động thống nhất dự định Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu sẽ được tổ chức theo phương án gồm bảy nội dung: đồng loạt tiến hành tổ chức lễ dâng hương hướng về đất Tổ trước khi khai mạc sự kiện; tổ chức chương trình nghệ thuật, tái hiện câu chuyện về dòng giống con cháu Lạc Hồng, nhằm giới thiệu đến kiều bào và công chúng, bạn bè, giới chính khách, giới báo chí - truyền thông quốc tế về cội nguồn dân tộc Việt Nam; trình diễn nghệ thuật ẩm thực đa dạng của người Việt; giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu; giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể, di sản thiên nhiên thế giới, các danh lam thắng cảnh của Việt Nam tại sự kiện; phối hợp với các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng ở nước sở tại xây dựng các tiết mục nghệ thuật giao lưu, giới thiệu nghệ thuật truyền thống của Việt Nam; phối hợp mời các nhà khoa học, chính trị gia, các nhà văn, nhà báo, cơ quan báo chí truyền thông nước sở tại và các tổ chức quốc tế cùng đồng hành với sự kiện. Theo đó, bảy nội dung sẽ áp dụng cho những nơi tổ chức được sự kiện. Với những nơi chưa thể tổ chức, chỉ cần đúng ngày Giỗ Tổ, mỗi nhà đồng loạt thắp một nén tâm hương hướng về nguồn cội.

Nhà báo Bích Yến cũng cho biết, sau khi Ngày Việt Nam tại Áo được tổ chức thành công, Bộ trưởng Ngoại giao Áo Sebastian Kurz nhận xét: “Các sự kiện giống như vậy có thể góp phần làm tăng cường sự giao tiếp giữa con người với con người. Tôi muốn nhấn mạnh đến sự đóng góp rất tích cực của cộng đồng Việt Nam tại Áo và các thế hệ người Áo gốc Việt vào nền kinh tế và làm giàu thêm cuộc sống văn hóa”.

Dự kiến, năm 2018, cộng đồng người Việt tại Áo, Czech và Hàn Quốc sẽ tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu. Hy vọng rằng, nỗ lực này sẽ tiếp tục tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế.

(Theo Úy Tiểu Mai/ Thế giới & Việt Nam)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang