28/09/2018 02:47:00 PM
Võ cổ truyền Việt Nam tại Ucraina: Võ sư Phạm Duy Duy - “Kim Liên Hoa Phái” và những môn sinh hiếu thuận

"Hiệp hội những người yêu võ Việt Nam" trên lãnh thổ Liên bang Xô Viết cũ được sáng lập bởi võ sư nổi tiếng Phạm Duy Duy (1952 – 2011). Năm 1989, ông đã thành lập và dùng hình ảnh hoa sen của dân tộc Việt Nam làm biểu tượng cho môn võ "Kim Liên Hoa phái" của mình tại Odessa.

  • Bà Trịnh Thị Kim Liên và các môn sinh “Kim Liên Hoa Phái”

  • Kim Liên Hoa Phái tham gia liên hoan võ cổ truyền Việt Nam tại Ucraina

  • Bà Trịnh Thị Kim Liên đại diện môn phái “Kim Liên Hoa Phái” ký chứng chỉ, bằng khen cho các võ sinh

  • Võ sư Andrey Syvast thường tới thăm hỏi bà Trịnh Thị Kim Liên

  • Võ sư Andrey Syvash cùng các học trò Việt Nam

  • Các môn sinh “Kim Liên Hoa Phái” từ Kiev, Odessa tới chúc mừng bà Trịnh Thị Kim Liên nhân dịp sinh nhật hàng năm.

Tinh hoa võ Việt được phát triển rất nhanh mạnh mẽ ở đây và Hiệp hội của ông lan tỏa rộng rãi, có hàng ngàn môn sinh trải khắp các nước cộng hòa SNG và các thành phố khác tại các nước Đông Âu.

Năm 1991, Phạm Duy Duy sáng lập "Hội văn hóa Việt Nam" tại Ucraina và làm chủ tịch. Ông Phạm Duy Duy cùng hội văn hóa Việt Nam tổ chức thường niên các hoạt động quảng bá văn hóa Việt, giới thiệu cho bạn bè Quốc tế tinh hoa của võ thuật, y học cổ truyền và ẩm thực Việt Nam.

Võ sư Phạm Duy Duy là cháu của cụ Phạm Duy Sen - từng đoạt giải vô địch kiếm thuật Đông Dương, một người yêu nước có cây kiếm tham gia cách mạng còn lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Bởi vậy có thể nói, niềm đam mê võ thuật có từ trong máu nên ngay từ nhỏ Phạm Duy Duy đã được ông truyền nghề rất cẩn thận. Do gia đình nghèo nên Phạm Duy Duy phải đi làm thêm nhiều việc để phụ giúp gia đình nhưng vẫn luôn giữ được danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, đi thi học sinh giỏi Toán cấp miền bắc. Vì vậy, đến khi trưởng thành thì vốn liếng võ thuật của Võ sư Phạm Duy Duy đã ở mức tầm cỡ của miền Bắc và nhận được những lời bình luận kính trọng với những quyền cước kỳ diệu khó tin từ sự kết hợp giữa con người của học thuật với sự ngang tàng của một thanh niên đường phố.

Võ sư Phạm Duy Duy 

Sang Liên Xô cũ từ năm 1984, cố võ sư Phạm Duy Duy – một kỹ sư Giao thông có nhiều thành tích về “sáng kiến cải tiến kỹ thuật ” xin nhận cương vị đội trưởng thay cho chức đơn vị trưởng đã được phân công để có thời gian nghiên cứu, trau dồi, truyền bá võ thuật, tinh hoa Văn hóa của người Việt Nam tới trên 60 thành phố các nước bạn thông qua “Hiệp hội những người yêu võ Việt Nam” tại các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết và Đông Âu.

Mặc dù những môn võ của Trung Quốc, Nhật Bản đã rất nổi tiếng song khi đến với võ Việt Nam, với “Kim Liên Hoa Phái” của võ sư Phạm Duy Duy thì các học trò người ngoại quốc mới hiểu rằng, võ thuật không chỉ là một môn chiến đấu. Họ đã phát hiện ra, võ Việt Nam thực sự là một nghệ thuật của sự dẻo dai, khéo léo, của sự tài trí, thông minh, giúp làm chủ được sức khỏe, rèn luyện ý chí và tinh thần thượng võ. Họ cũng biết được tại sao người Việt Nam tuy thể chất nhỏ bé mà lại có thể chiến đấu ngoan cường chống lại kẻ thù to lớn hơn nhiều.

Cố võ sư Phạm Duy Duy, một người luôn quan niệm: “Võ Việt Nam là một mảng trong nền văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam, thông qua nó có thể thấy được phong tục, tập quán, tính cách con người và tính cách dân tộc…”. Chính vì thế, võ sư Phạm Duy Duy còn mời cả các chuyên gia Việt Nam sang, dạy cho các môn sinh triết học, y học cổ truyền phương Đông, lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam. Trong võ đường lúc nào cũng sáng ngời cờ Tổ quốc Việt Nam và hai câu khẩu hiệu tiếng Việt “Nhân – Nghĩa – Lễ - Trí – Tín” và “Tổ quốc – Gia đình – Xã hội”. Nhiều môn sinh đã nói được tiếng Việt và hiểu cả từ Hán Việt, thấm nhuần lời dạy của võ sư Phạm Duy Duy về thông lệ để học và luyện võ cần phải thông thạo 5 yếu tố cơ bản như ngũ hành, Nho – Y – Lý – Số - Võ. Chính vì vậy, Tinh hoa võ Việt được phát triển rất nhanh ở trời Âu bởi cách giảng dạy của võ sư Phạm Duy Duy là sự kết hợp giữa kiến thức uyên thâm văn hóa phương Đông với khoa học hiện đại. Hiệp hội của ông lan tỏa rộng rãi, có hàng ngàn môn sinh trải khắp 66 thành phố các nước SNG và Đông Âu. Các môn sinh của ông có nhiều người thành công khi vận dụng võ Việt tham gia thi đấu, đoạt nhiều chức vô địch của các giải châu Âu và Thế giới trong nhiều thể thức khác nhau như Karate, Vật tự do, Kick – bok…

Là người sáng lập và với cương vị Chủ tịch Hội Văn hóa Việt Nam tại Ucraina, võ sư Phạm Duy Duy và Hội Văn hóa Việt Nam tổ chức thường niên các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Ông giới thiệu cho bạn bè quốc tế về tinh hoa của võ thuật, y học cổ truyền và ẩm thực Việt Nam, ông là hình ảnh của tinh thần dân tộc với vai trò như một đại sứ văn hóa.

Với gia đình, Võ sư Phạm Duy Duy là một người sống rất có trách nhiệm, là người con hiếu thảo. Với bạn bè ông thường được nhắc đến như một người hào hiệp, quân tử, thượng võ và sẵn sàng chia sẻ. Các học trò của ông luôn tự hào, yêu mến và kính trọng người thầy có lối sống trong sạch, giản dị, đức độ, có trình độ võ học uyên thâm, có uy tín và khả năng lãnh đạo… "Với tác phong làm việc nghiêm túc nhưng cởi mở, gần gũi và thường giúp đỡ mọi người, thầy đã tạo ra sự cảm mến trong lòng nhiều thế hệ môn sinh người Ucraina và các nước khác", đó là lời của võ sư Andrey Syvast – Trưởng phòng thông tin Ủy ban hành chính thành phố Odessa - theo học “Kim Liên Hoa Phái” từ khi 9 tuổi và hiện đang phụ trách huấn luyện của “Kim Liên Hoa Phái” phát biểu trong một buổi tưởng niệm cố võ sư Phạm Duy Duy.

Lòng biết ơn, yêu mến, kính trọng với người thầy của nình còn được các môn sinh thể hiện hết sức cảm động qua sự hiếu thuận giành cho Võ sư và gia đình. Khi võ sư Phạm Duy Duy mất có môn sinh tên là Andrey Stakin sống tại Odessa đã mang 3000 USD, là số tiền dành dụm dự định để lo tang lễ cho cha của mình đưa cho bà Trịnh Thị Kim Liên là vợ của võ sư để lo tang lễ cho võ sư Phạm Duy Duy. Bà Trịnh Thị Kim Liên đã rất cảm động trước tấm chân tình của môn sinh này nhưng bà từ chối không nhận số tiền đó. Hơn thế nữa, hai người học trò – Trưởng môn và người thứ hai trong môn phái từ Kiev cùng một môn sinh từ Odessa cũng về Việt Nam xin nhận ông làm cha và ở lại nhiều ngày chịu tang ông. Các môn sinh còn lại thay phiên nhau chăm sóc cho con nuôi (Võ sư Phạm Duy Duy chưa có con đẻ) của võ sư còn đang ở thành phố Odessa.

Bà Trịnh Thị Kim Liên – vợ của cố võ sư Phạm Duy Duy xúc động chia sẻ, mặc dù võ sư Phạm Duy Duy đã mất mấy năm rồi nhưng bà thấy như ông vẫn hàng ngày bên cạnh, chăm lo, chia sẻ vui buồn với bà vì có sự hiếu thuận của các môn sinh giành cho ông, bà và gia đình. Không chỉ là sự thăm viếng, tưởng nhớ về ông mỗi khi có dịp đến nơi gia đình ông, bà ở Odessa hay về được Việt Nam. Họ - những môn sinh không chỉ luôn quan tâm chăm sóc, giành cho bà những tình cảm ấm áp, thân yêu trong cuộc sống thường ngày mà còn luôn tôn trọng, lắng nghe và mời bà cùng tham dự những hoạt động của “Kim Liên Hoa Phái”. Bà nhắc lại kỷ niệm từ năm 2012 khiến bà cảm động, nghẹn ngào, rơi lệ, khi cùng “Kim Liên Hoa Phái” tham gia Liên hoan Võ cổ truyền Việt Nam tại Ucraina tổ chức tại thủ đô Kiev. Vì Võ sư Phạm Duy Duy đã mất (2011) nên Ban tổ chức giành quyền ký tên vào những chứng chỉ, giấy khen và bằng khen trao tặng môn sinh của các môn phái tham gia Liên hoan võ thuật cho võ sư trưởng môn mới của “Kim Liên Hoa Phái” là Igor German.Thế nhưng, vị trưởng môn cùng các môn sinh của “Kim Liên Hoa Phái” đã cùng đồng tâm mời bà đại diện “Kim Liên Hoa Phái” ký tên vào những chứng chỉ đó.

Kể từ khi Võ sư phạm Duy Duy mất đến nay, một mình bà sống trong căn hộ đầy ắp kỷ niệm hạnh phúc của ông bà tại thành phố Odessa. Bà vẫn nói, bà không thấy cô đơn vì ông và những môn sinh của “Kim Liên Hoa Phái” vẫn luôn ở bên cạnh mình.

Ước nguyện khi còn sống của cố võ sư Phạm Duy Duy là muốn được thấy Võ cổ truyền Việt Nam nói chung và môn phái “Kim Liên Hoa Phái” nói riêng, không chỉ là được quảng bá rộng rãi mà còn được đưa vào thi đấu chính thức tại các đấu trường quốc tế cùng các môn võ của các nước khác, cũng đang được những môn sinh hiếu thuận của ông từng bước thực hiện.

Võ sư Andrey Syvash, người học trò xuất sắc, giành được danh hiệu kiện tướng thể dục thể thao của Ucraina, từ năm 2011 tới nay phụ trách huấn luyện của “Kim Liên Hoa Phái”, đã mở lớp dạy võ “Kim Liên Hoa Phái” cho con em người Việt Nam tại hai địa điểm có đông người Việt sinh sống là Làng Sen và Làng Staritskogo thành phố Odessa. Khi được hỏi, vì sao võ sư Andrey Syvast lại giành sự quan tâm, mở lớp dạy võ cho các cháu thanh thiếu niên người Việt tại Odessa. Võ sư Andrey Syvast đã trả lời: "Tôi yêu kính người thầy- cố võ sư Phạm Duy Duy như cha đẻ của mình. Tôi đã có hơn hai mươi năm được dậy và luyện tập võ nghệ với sự tận tình, thương yêu của thầy. Tôi muốn noi gương và bày tỏ lòng biết ơn của tôi cũng như các môn sinh của “Kim Liên Hoa Phái” với thầy bằng những việc làm cụ thể, thực hiện những ước nguyện của thầy là truyền dạy, tập luyện võ cổ truyền Việt Nam để nâng cao thể lực, trí lực, đức lực, là sân chơi bổ ích, góp phần xây dựng một cộng đồng người Việt phát triển, trong sạch và vững mạnh. Khi tôi về Việt Nam (5 lần sau khi võ sư Phạm Duy Duy mất), từng được gặp Lão võ sư Vũ Đình Hiền, là một trong những người thầy của võ sư Phạm Duy Duy ở Việt Nam. Cụ Võ Đình Hiền đã làm tôi cảm phục vô cùng khi đã hơn 80 tuổi vẫn chỉ dẫn từng thế võ, đường quyền, mang những tinh hoa võ thuật truyền lại cho tôi với mong muốn những tinh hoa võ thuật Việt Nam không bị mai một và được lưu truyền, quảng bá rộng rãi tới những người yêu võ thuật Việt Nam ở các nơi trên thế giới. Và tôi muốn ước nguyện môn võ cổ truyền Việt Nam và “Kim Liên Hoa Phái” do thầy tôi – cố võ sư Phạm Duy Duy sáng lập sẽ trở thành một môn thi đấu chính thức trên sàn thi đấu quốc tế, bên cạnh những môn võ của các nước khác sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không xa". *

Mai Anh (từ Kiev, Ucraina)

* Trong bài có sử dụng một số hình ảnh, tư liệu do võ sư Andrey Syvast cung cấp.

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Australia mong muốn góp phần xây dựng và phát triển đất nước
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang