Những ngày đầu tháng 9, tiết trời hanh hao dịu nhẹ. Mùa thu về nhẹ nhàng như gió thoảng. Không khí mát dịu, các loài hoa đua nhau nở đủ sắc màu và tỏa hương thoang thoảng. Trước thiên nhiên thơ mộng ấy, tôi chợt nghĩ đến lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 15/9/1945: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Suy rộng ra thì Hoa Kỳ cũng vậy, xứ sở Cờ Hoa này không thể mạnh nếu thiếu đi nền giáo dục tốt. Đó là điều chắc chắn!
HỆ THỐNG GIÁO DỤC HOA KỲ
Nền giáo dục Hoa Kỳ cũng chia làm 2 hệ như Việt Nam.
1. Hệ giáo dục phổ thông và hướng nghiệp:
Đầu tháng 9 là những ngày khai trường ở Mỹ. Xe đưa đón học sinh màu cam chạy nhộn nhịp trên các tuyến đường. Đó là những hình ảnh để mọi người biết đã bắt đầu vào năm học mới. Ở đây không tổ chức lễ khai giảng. Nếu các cháu lần đầu tiên đến trường thì sẽ học lớp đệm chuẩn bị vào lớp 1. Xe school bus đưa các cháu đến trường. Xe chỉ có một người lái kiêm luôn giao nhận học sinh nhưng có gương chiếu hậu và camera lái xe quan sát vị trí từng cháu. Khi đến trường đầu năm học mới, cô giáo phụ trách sẽ nói chuyện với các cháu những điều sắp tới các cháu sẽ học. Phụ huynh cần chuẩn bị một số dụng cụ học tập cho cháu. Sau đó cô giáo dẫn các cháu đi thăm trường từ lớp học nhạc, bể bơi, sân bóng rổ trong nhà, phòng tập thể hình, khu ăn trưa... Vì ở bậc tiểu học, giáo dục thể chất và năng khiếu cá nhân rất cần thiết.
Trường trung học phổ thông và trung học cũng vậy. Vào năm học mới là chương trình cả năm học đã được thiết kế và cập nhật trên mạng. Mỗi em tự chọn cho mình 7 môn học tự nhiên hoặc xã hội nhưng đều có mấy môn bắt buộc là toán, tiếng Anh, lịch sử và năng khiếu nghệ thuật, thể thao. Phụ huynh và các em học sinh đều biết để thực hiện thông qua trang web của trường.
Cô giáo hướng dẫn học sinh trong giờ học thực tế tại siêu thị
|
Thường là bắt đầu từ lớp 8 trở đi học sinh đã có hướng nghiệp. Một số cháu hè đã tham gia đi làm thêm ở các nơi. Nếu không học đại học hoặc cao đẳng thì hết lớp 9 một số sẽ học nghề và đi làm. Thường học nghề có 2 cách: (1) Đến cơ sở dạy nghề để học và lấy chứng chỉ. Sau này có kinh nghiệm có thể tự mở tiệm hoặc cơ sở sản xuất riêng. (2) Nếu muốn đi làm luôn thì vào các doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn và vừa làm, vừa học, tự hoàn thiện nghề nghiệp để nâng cao tay nghề. Tuy nhiên cứ 3-6 tháng họ lại kiểm tra nghề trên mạng của cơ sở sản xuất ấy. Nếu muốn học lên cao hơn thì những công việc làm ấy sẽ ghi vào hồ sơ khi thi vào các trường cao đẳng hoặc đại học. Thông qua việc làm ấy các cháu sẽ hiểu cách tự kiếm tiền để lo một phần chi phí cho bản thân.
Cụ bà đi học lớp học cuối giờ chiều
|
Có lớp học thì đa phần thanh niên đến 70 tuổi. Ban ngày họ đi làm, tối về đến lớp. Trường dạy đủ các môn cần thiết cho cuộc sống từ ngoại ngữ, nội trợ, ẩm thực, sửa chữa đồ gia dụng, nhà cửa, vườn và thực vật...
Hình ảnh các cụ đi học gợi tôi bất chợt nhớ đến cụ Lê Văn Xê mà tôi đọc trên Báo Dân trí ngày 5/10/2019. Theo báo thì cụ Xê quê Thủ Thừa, Long An, đã 75 tuổi, đang theo học khoá cao học 2018-2020 ngành khoa học cây trồng do Đại học Nông Lâm Bắc Giang và Trường Nông nghiệp Nam bộ phối hợp đào tạo. Theo cụ, mục tiêu học là “trước hết phục vụ tốt cho công việc”, vì gia đình cụ vừa làm nông còn kinh doanh thêm các sản phẩm chăm sóc thực vật. Đây là tấm gương cho việc học suốt đời ở ta.

Cụ Lê Văn Xê trong ngày thi cuối khóa tại lớp cao học – Theo Báo Dân trí
|
Có lần, tôi vào một cửa hàng làm bằng tấm nhựa trong suốt trong khuôn viên rộng chuyên kinh doanh hoa, hạt giống, phân bón và các thiết bị chăm sóc cây cảnh, làm vườn... Chủ cơ sở là 2 cụ già trên 80 tuổi là cựu chiến binh, từng qua nhiều cuộc chiến ở nước ngoài. Trở về, tuy có cuộc sống ổn định nhờ chế độ của chính phủ, nhưng lúc nghỉ hưu họ đã theo học các khoá học vào buổi tối như vậy. Khi thi đủ tín chỉ, họ được cấp giấy phép kinh doanh và đủ điều kiện để mở cửa hàng kinh doanh này. Dù cao tuổi, các cụ đều sử dụng máy tính để cập nhật mua bán, hạch toán và giao dịch với khách hàng. Mục tiêu của các cụ kinh doanh không phải là lo cho bản thân và gia đình, mà gây quỹ để làm thiện nguyện cho Hội Cựu chiến binh và gia đình những người bạn cũ không may mắn, cho các cháu học sinh nghèo, cho các nhà trường, bệnh viện...
Cửa hàng kinh doanh thực vật trong nhà của người cao tuổi
|
2. Hệ cao đẳng và đại học:
Những ngày tháng 9, các trường đại học thật sôi động, tấp nập và vui vẻ. Học sinh từ khắp thế giới về nhập học. Sinh viên cũ thì chuyển ra đi thuê ngoài ký túc xá. Sinh viên mới chuyển vào. Các trường đại học cũng không tổ chức lễ khai giảng.
Hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ gồm 3 loại hình và mỗi loại đều có cả trường công và trường tư: (1) Các trường cao đẳng cộng đồng 2 năm; (2) Các trường kỹ thuật đào tạo 4 năm; (3) Các trường đại học tổng hợp.
Sinh viên quốc tế đến Mỹ thường chọn học về kinh doanh, quản trị, công nghệ, kỹ thuật... Sở dĩ sinh viên quốc tế thường chọn học các trường cao đẳng và đại học Mỹ vì chất lượng tốt; hệ thống kiểm định giáo dục của Mỹ được đánh giá có chất lượng rất cao. Sinh viên có nhiều lựa chọn, linh hoạt trong thiết kế chương trình khoá học tương thích cho mỗi cá nhân để phục vụ cho năng khiếu và sở thích của mỗi người.
Từ lâu sinh viên nước ngoài trở thành bộ phận không thể thiếu trong nền giáo dục Hoa Kỳ. Cũng như một số nước trên thế giới, càng ngày số sinh viên Việt Nam đến đây càng đông. Số sinh viên xuất sắc thì thường theo học các trường Ivy League Hoa Kỳ; còn phần đông lựa chọn vào các trường cao đẳng cộng đồng. Các trường cao đẳng cộng đồng là cửa ngõ để bước vào đại học hệ 4 năm. Đối với những sinh viên học trung bình và kinh phí hạn chế, học bổng thấp thì học cao đẳng cộng đồng sẽ rất phù hợp vì hệ này có học phí thấp và diện tuyển dụng rộng.
THỰC TẾ GIÁO DỤC HOA KỲ VÀ ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ
Bộ Giáo dục Hoa Kỳ mới chính thức thành lập từ ngày 5/8/1980. Tuy nhiên, Bộ không quản lý mọi thứ từ chương trình học, chất lượng đội ngũ giáo viên, lương, xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị... cho các cấp của toàn liên bang. Các cấp chính quyền và Bộ Giáo dục tập trung cho lĩnh vực kiến tạo vĩ mô. Chính quyền bang có thể cấp phép cho các trường hoạt động, nhưng uy tín của các trường cả về chất lượng giảng dạy và học thuật do hiệp hội phi chính phủ đánh giá. Nó thể hiện sự khách quan và phi tập trung hoá quyền lực cho chính quyền bang, liên bang hay Bộ Giáo dục.
Mỗi trường học bất cứ ở cấp bậc nào của các bang và các thành phố lớn hoặc các địa phương, doanh nghiệp đều phải tự chủ toàn bộ mọi mặt. Chính sự chủ động từ cơ sở đã giúp nền giáo dục ở Hoa Kỳ thay đổi một cách nhanh chóng trong gần hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Nó tạo ra sự khác biệt với một lớp học hay trường học của những năm cuối của thế kỷ 20. Khác về chất lượng cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ phục vụ giảng dạy, cũng như chất lượng giáo viên. Nó tạo ra sự khác biệt về phương pháp tư duy trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Tất cả mọi thay đổi nhằm tạo nên giá trị riêng và vai trò giáo dục là tiên phong trong kỷ nguyên mới để đáp ứng kịp thời sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, công nghệ cũng như xu thế thời đại. Mặc dù đổi mới nhanh chóng nhưng nó vẫn cùng chung một dòng chảy xuyên suốt để gắn kết cũng như kế thừa mọi vấn đề trong cuộc sống của một quốc gia phát triển trong đa dạng. Mặt khác, nó vẫn tiếp tục truyền bá giá trị tri thức nhân loại cùng với giá trị cá nhân, tính nhân văn và phẩm giá con người cho thế hệ sau. Hơn thế nữa, giáo dục phổ cập chất lượng của Hoa Kỳ trở nên một phương tiện hữu ích và cơ bản cho mọi cá nhân vươn lên thành công trong cơ hội bình đẳng.
Để cải tổ hệ giáo dục phổ thông nhằm nâng cao nguồn chất lượng đáp ứng cho hệ thống đại học, ngoài quỹ của ngân sách bang và liên bang, còn có một nguồn quỹ của Bill Gates tài trợ để tái thiết lại hệ thống giáo dục phổ thông. Hầu như tất cả các trường ở Hoa Kỳ đều được sử dụng một phần tài trợ về cơ sở vật chất hoặc những chương trình của Bill Gates để tạo ra những nhà trường của thời đại công nghệ mới.
Bill Gates và vợ đến thăm và trao quỹ học bổng cho sinh viên
|
Gần đây, các trường trong hệ Ivy League cũng như các trường đại học khác cũng hỗ trợ tài chính cho các gia đình thu nhập thấp và trung bình. Việc một sinh viên có hàng chục trường của hệ thống đại học công hay tư ở Hoa Kỳ mời học đều thể hiện sự cạnh tranh quyết liệt trong giáo dục Hoa Kỳ. Chính sự cạnh tranh này cũng tạo nên thương hiệu cho các trường đại học. Ngoài việc tăng số lượng sinh viên để duy trì giảng dạy và thu hút sinh viên xuất sắc để duy trì thứ hạng của trường, thì nó còn nhằm mục đích lớn hơn là phổ quát tri thức trên diện rộng để mọi thành viên trong xã hội có cơ hội vươn lên kịp với tốc độ phát triển của quốc gia và không bị bỏ rơi.
Tại Hoa Kỳ gần đây thường xảy ra tranh luận gay gắt về việc làm thế nào để đánh giá và nâng cao kết quả học tập tốt nhất trong thời đại công nghệ. Ở đây, từ cấp tiểu học, máy tính và internet đã được phổ cập 100%. Các cháu đến trường hầu như đều được sử dụng miễn phí để học tập. Các trang web của trường từ mẫu giáo đến trung học là phương tiện thông dụng để chuyển tải mọi nội dung từ nhà trường đến phụ huynh và học sinh, đó có thể là thư điện tử hay bài tập và là phương tiện liên lạc trực tiếp của phụ huynh và giáo viên. Vì thế hầu như các trường ở Hoa Kỳ không có hội phụ huynh và không họp phụ huynh nên không hề có quỹ phụ huynh. Sau hệ trung học trở lên thì việc truy cập mạng internet là kênh giáo dục trực tuyến cho cộng đồng. Vì mọi thứ bạn muốn làm (VD: những việc trong nhà từ sửa máy lau nhà, hút bụi, máy giặt, tủ lạnh, ô tô…) đều có kênh trực tuyến hướng dẫn cách làm hoặc sửa chữa..., nên một người có thể biết làm nhiều việc cho bản thân và gia đình bên cạnh việc chuyên môn.
Về giảng dạy thì dù các trường và giáo viên ở mỗi nơi đều thiết kế chương trình và đề cương giảng dạy khác nhau, nhưng các khoá học và bằng cấp được công nhận trên toàn liên bang.
Khi viết những dòng này tôi nghĩ đến một bộ sách tiếng Việt và toán lớp 1 giảng dạy thực nghiệm đã hơn 40 năm của ta, gần đây hội đồng thẩm định lại không công nhận mặc dù đã qua nhiều lần sữa chữa, bổ sung và giảng dạy trên diện rộng. Theo tôi tìm hiểu và được biết thì chương trình thực nghiệm có ưu điểm là bên cạnh tiếng Việt thì dạy ngoại ngữ và toán để phát huy vai trò chủ thể, tố chất cá nhân. Tuy nhiên, mặt hạn chế là dạy cấu tạo ngữ âm và khái niệm toán trừu tượng từ lớp 1 như điểm và mặt phẳng... Cuộc tranh luận đã xảy ra và mọi việc đang chờ hồi sau sẽ rõ. Tôi còn nhớ năm trước, câu chuyện về bộ sách này đã được đưa ra tranh luận tại nghị trường. Chỉ có điều năm nay thì hội đồng thẩm định đề xuất loại khỏi chương trình giảng dạy phổ thông của giáo dục Việt Nam.
Thực tế gần 75 năm qua, giáo dục nước ta đã làm nên những kỳ tích. Bên cạnh những thay đổi tích cực và mặt sáng của sự phát triển, giáo dục nước ta cũng nhìn thấy những thách thức lớn đang đặt ra. Một trong những vấn đề ấy là khoảng cách lớn giữa cung và cầu về nhân lực chất lượng để đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Con đường đổi mới giáo dục vẫn còn dài và còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm của hệ thống chính trị, các nhà quản lý, chuyên gia và các nhà khoa học về giáo dục cùng sự đồng hành của toàn dân tộc, tôi tin là giáo dục Việt Nam sắp tới sẽ có nhiều thay đổi tích cực.
***
Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 và ở một số trường đại học Việt Nam đang triển khai đại học tự chủ và đổi mới sáng tạo cũng như thay đổi toàn diện hệ thống giáo dục Việt Nam, tôi xin chia sẻ những điều nhỏ nhặt nhưng thực tế hàng ngày đang diễn ra trên lĩnh vực giáo dục của Hoa Kỳ. Cũng qua bài viết này, tôi xin gửi lời tri ân thành kính đến những người thầy, người cô, những người đang miệt mài say mê xây dựng một nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc để thực hiện thành công lời Bác Hồ ước nguyện lúc sinh thời.
Hà An (Hoa Kỳ)