23/01/2020 08:00:00 AM
Trí thức Việt Nam ở nước ngoài: Vươn xa nhưng không quên nguồn cội

“Đối với một nhà khoa học, không có mong muốn nào lớn hơn là được cống hiến cho quê hương” - GS. Trần Thanh Vân (CH Pháp).

 TS. Nguyễn Thị Kim Thanh và các đại biểu tại Hội nghị các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ tư,
Đà Nẵng tháng 7/2019

Tháng 10/2019, GS.TS. Nguyễn Thị Kim Thanh xuất sắc nhận huy chương Rosalind Franklin 2019 của Hội Khoa học Hoàng gia Anh vì những thành tích nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vật liệu nano. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, cùng với những cái tên không còn xa lạ trong giới chuyên gia, nhà khoa học NVNONN như GS.TS. Nguyễn Đức Khương (Pháp), GS.TS. Trần Văn Thọ (Nhật Bản), vợ chồng GS Trần Thanh Vân (Pháp)… đã trở thành niềm tự hào của dòng máu Việt, đang góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước và của cả cộng đồng.

NGƯỜI SÁNG LẬP VIỆN HÀN LÂM TRẺ VIỆT NAM

Năm 1992, GS. Nguyễn Thị Kim Thanh tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngay sau đó, bà nhận được học bổng từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế về Giáo dục Đại học Hà Lan (NUFFIC), và đã nhanh chóng bắt đầu quá trình học tập, nghiên cứu tại Hà Lan, Mỹ và Anh. Từ năm 2013, bà trở thành giáo sư người Việt đầu tiên tại Đại học College London (UCL) và dẫn đầu một nhóm thực hiện nghiên cứu liên ngành tiên tiến về thiết kế và tổng hợp vật liệu nano cho ứng dụng y sinh.

Với những thành tựu nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn về ứng dụng vật liệu nano trong lĩnh vực y-sinh và chăm sóc sức khoẻ, cùng với dự án tổ chức trại hè khoa học để truyền cảm hứng và thúc đẩy các em học sinh lớp 8 thuộc các hộ gia đình nghèo ở London chọn các môn khoa học tự nhiên cho chương trình GCSE (cấp hai), bà đã xuất sắc nhận huy chương Rosalind Franklin 2019 của Hội Khoa học Hoàng gia Anh. Rosalind Franklin là giải thưởng của Viện Hàn lâm Vương quốc Anh và các nước liên bang hàng năm trao cho một cá nhân có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) và khuyến khích vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực STEM.

Là một chuyên gia khoa học người Việt thành công và có ảnh hưởng đối với nền khoa học thế giới, GS. Thanh luôn trăn trở về nền khoa học nước nhà, đặc biệt trước thực tế các em học sinh, sinh viên tại Việt Nam còn chưa có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất và khả năng tiếp cận với nền khoa học hiện đại. Đó cũng chính là một trong những động lực thúc đẩy GS. Thanh sáng lập nên Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam (Vietnam Young Academy - VYA) với hy vọng đây sẽ là nơi kết nối các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam và các nhà khoa học NVNONN.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay PGS.TS Trần Ngọc Anh (Mỹ)
tại cuộc họp của Thủ tướng với Tư vấn kinh tế

Ngày 2/11/2014, VYA được thành lập, trở thành thành viên của mạng lưới Viện Hàn lâm trẻ toàn cầu, mang sứ mệnh tạo nên một nền tảng mang tính cộng đồng dành cho những học giả thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau đang trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, từ đó tạo điều kiện để các thành viên cùng thảo luận mang tính định hướng và xây dựng về những chủ đề quan trọng của đất nước cũng như toàn cầu. VYA hiện đang hoạt động với hội đồng cố vấn 10 thành viên là những giáo sư và chuyên gia khoa học xuất sắc, do GS. Nguyễn Thị Kim Thanh làm Chủ tịch.

Kể từ khi thành lập, các thành viên và ban tư vấn của VYA đã tham gia trình bày các nghiên cứu khoa học tại 15 hội nghị với tư cách diễn giả chính và khách mời chính, tổ chức 6 hội nghị chuyên ngành tại Việt Nam, chủ yếu về các chủ đề mũi nhọn, gồm: công nghệ nano, vật liệu nano, vật liệu đa chức năng, công nghệ nano ứng dụng trong sức khỏe và chống bệnh truyền nhiễm, công nghệ về chất lỏng, công nghệ hóa học cho phát triển bền vững và y sinh học. Các hội thảo đều được đánh giá cao về chuyên môn và đã đưa ra nhiều định hướng nghiên cứu, khuyến nghị chính sách có ích đối với đất nước.

Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên Hội thảo các Viện Hàn lâm trẻ thế giới được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam, thu hút đại diện của các Viện Hàn lâm trẻ đến từ hơn 30 nước trên thế giới. Đây là kết quả nỗ lực của VYA  trong việc vận động Viện Hàn lâm trẻ Toàn cầu chọn Việt Nam làm điểm đến. Chuỗi sự kiện bao gồm “Hội nghị các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ tư” (WWMYA) và “Hội thảo Khoa học Ứng dụng vật liệu nano trong chăm sóc sức khỏe” (NHM). Tại Hội nghị, VYA đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm khuyến khích nghiên cứu khoa học dành cho thanh thiếu niên Việt Nam.

Sự kiện diễn ra thành công đã đem lại những đóng góp cho sự phát triển khoa học và công nghệ của nước nhà, cũng như góp phần quảng bá về hình ảnh và môi trường học thuật của Việt Nam, làm cầu nối đưa nền khoa học của Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Về kế hoạch sắp tới của VYA, GS. Thanh cho biết bà cùng các thành viên VYA đang nỗ lực để đưa Việt Nam trở thành chủ nhà tiếp theo của Diễn đàn Khoa học thế giới 2025.

TRÍ TUỆ VIỆT NGÀY CÀNG TỎA SÁNG

Hiện nay, ước tính có khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Hàng năm, có khoảng 300-500 lượt trí thức, chuyên gia về nước làm việc với các cơ quan giảng dạy và nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản và chuyên môn khác.

 Mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng được thành lập tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng,
Paris tháng 3/2019

Ngày càng có thêm nhiều hội, nhóm tập hợp các cá nhân chuyên gia trí thức với nhiều hoạt động đóng góp cho sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế-xã hội của đất nước. Một trong những cái tên nổi bật là vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân (Pháp) với chương trình Gặp gỡ Việt Nam và Học bổng Vallet. Được tổ chức liên tục trong 26 năm qua, Gặp gỡ Việt Nam không chỉ là nơi hội tụ các nhà khoa học, mà còn truyền đi cảm hứng cho các thế hệ nhà khoa học trẻ Việt Nam, xây dựng mạng lưới nghiên cứu khoa học, kết nối lớp trẻ Việt Nam với bạn bè năm châu. Từ năm 2000 đến nay, Quỹ học bổng Gặp gỡ Việt Nam -Vallet với sự tham gia của Quỹ Vallet (Pháp), đã tặng hơn 30 nghìn suất Học bổng Vallet với tổng giá trị trên 320 tỷ đồng Việt Nam cho các bạn trẻ ưu tú và có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước; 300 bạn trong số đó đã giành được huy chương quốc tế, 150 bạn đã được nhận vào Đại học Ecol Polytechnic danh tiếng của Pháp.  

Cũng chung mục đích đưa tri thức, các kinh nghiệm quốc tế và công nghệ cao vào phục vụ cho sự phát triển của đất nước, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tập hợp gần 250 nhà khoa học và chuyên gia cấp cao trên nhiều lĩnh vực, sinh sống ở khắp nơi trên toàn thế giới. Suốt 8 năm qua kể từ khi được thành lập, Hội đã hoạt động tích cực trên các mảng hội thảo-diễn đàn chính sách, tham vấn-tư vấn chính sách và đào tạo quản lý cấp cao. Đặc biệt, sự kiện lịch sử “Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng” được Hội phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức cuối tháng 3/2019 đánh dấu lần đầu tiên những người Việt xuất sắc trên thế giới cùng tụ họp, hướng trái tim và trí tuệ về Việt Nam.

Việc GS.TS. Nguyễn Đức Khương (CH Pháp), GS.TS. Trần Văn Thọ (Nhật Bản), PGS.TS Trần Ngọc Anh (Mỹ), PGS.TS Vũ Minh Khương (Singapore) trở thành thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thể hiện vai trò ngày càng lớn của các chuyên gia, trí thức người Việt đối với sự phát triển của đất nước.

Có thể thấy, trí tuệ Việt Nam đang ngày càng tỏa sáng và chứng tỏ được vai trò của mình đối với sự phát triển của đất nước, góp phần cho sự thịnh vượng của quê hương./.

Thạch Anh

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 - Cơ hội tìm kiếm nhân tài
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang