25/01/2020 06:08:00 AM
Tết xa nhà

Ngày vui qua mau, háo hức chờ đợi đấy, vậy mà vèo một cái là... hết Tết! Cành đào, câu đối vẫn còn, và bọn trẻ vẫn mong mẹ rán bánh chưng ăn mỗi sáng. Thương lắm mỗi buổi chiều đi làm về, bỏ lại cái giá rét, ẩm ướt của mùa đông Bắc Mỹ nơi bậc cửa, bước vào nhà với chút hương trầm vẫn còn lưu luyến lại, hoà quện với mùi nước mùi già nấu trên bếp sáng nay. Tất cả tạo nên một ký ức đẹp đẽ về Tết, trong kí ức, hiện tại và tương lai.

 Gia đình tác giả trong ngày Tết cổ truyền ở Montréal

Mọc giữa dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc...

Montréal mùa này trắng trời là tuyết. Sáng sớm ra đường với cái lạnh cắt da cắt thịt mà câu hát về bông hoa tím với chú chim chiền chiện cứ lảnh lót đâu đây. Năm mới đã thực sự bắt đầu với những người dân Canada. Còn với tôi và cộng đồng người Việt ở Montréal, những đứa con xa nhà, thì bây giờ mới là lúc "đất trời chuẩn bị vào Xuân".

Như một thói quen từ nhiều năm nay, cứ bắt đầu gỡ các đồ trang trí Noel, là cả nhà lại bắt tay trang hoàng nhà cửa chơi Tết. Đôi khi tự thấy buồn cười, bởi trang trí nhà cửa với cành đào, câu đối... cũng chỉ vì mình thích. Bật chút nhạc Xuân, với mùi hương bài thoang thoảng, bọn trẻ con xúm xít vui đùa, mình như được sống lại không khí tuổi thơ khi còn nhỏ, bên bố mẹ, gia đình những ngày giáp Tết.

Năm nay, các bạn trẻ lớn hơn nhiều, con không chỉ biết hớn hở chờ Tết để nhận bao lì xì nữa, mà biết tự tìm hiểu, rồi đặt nhiều câu hỏi về phong tục Tết quê mình. Mẹ biết Minh rất tự hào và xúc động khi các bạn cùng lớp muốn tìm hiểu về năm mới ở Việt Nam. Bắt đầu từ rằm tháng Chạp trở đi là thấy không khí dường như hối hả hơn. Mấy gia đình thân quen lại hẹn hò nhau chuẩn bị gói bánh chưng, gói giò, rồi lên kế hoạch tổ chức Tết.

Các cuộc điện thoại về Việt Nam cho ông bà nội ngoại cũng nhiều và lâu hơn thường lệ. Đôi khi chỉ để hỏi thăm xem bố mẹ đã sắm Tết chưa, năm nay bà có gói bánh chưng nữa không… Hay là chút bâng khuâng "không biết bố đã chọn đào phai chưa nhỉ?".

Ngày Tết, luôn mong mỏi gia đình đoàn tụ, sum vầy 

Mình may mắn sống ở Montréal, thành phố đông dân thứ 2 ở Canada với rất nhiều chợ châu Á. Người Việt bên này đông, khá lâu đời nên không thiếu bất cứ nguyên liệu gì cho ngày Tết. Thậm chí lá dong tươi cũng có thể đặt mua và chuyển về từ Toronto, nhưng để đơn giản thì phần lớn các gia đình ở đây vẫn gói bánh chưng bằng lá chuối. Thứ duy nhất mình chưa thấy bán ở đây đó là lạt để gói bánh. Bởi thế nên bó lạt được chuyển từ VN sang cách đây tận 3 năm vẫn được gìn giữ trong ngăn đá nhà mình như một báu vật. Và năm nào cũng thế, cứ bắc nồi bánh chưng với canh măng đun trên bếp là mình thấy Xuân đã về trước ngõ...

Gia đình mình cũng như đa phần bạn bè ở đây là thế hệ mới của người Việt nhập cư. Xuất phát điểm chủ yếu là sinh viên du học, hội ngộ nhau từ khắp nơi trên thế giới, an cư lạc nghiệp tại Montréal với thế hệ F1 đầu tiên được sinh ra tại đây, hoặc đến cùng bố mẹ từ khi còn rất nhỏ. Vậy nên không ai bảo ai, nhưng các gia đình trẻ ở đây đều rất ý thức trong việc giữ gìn các nét văn hoá quê hương, đặc biệt là các phong tục tập quán đón Tết Âm lịch. Đầu tiên chỉ là mong muốn cho con trẻ, các bạn nhỏ ít có cơ hội đón Tết thực sự ở Việt Nam được trải nghiệm những cảm xúc, nhưng rồi chính chúng mình, những người bố người mẹ lại cảm thấy nôn nao, bùi ngùi với chính những cảm xúc một thời thơ trẻ của mình. Nhớ lắm, quê tôi!!!

Tết ông Công ông Táo! Bên mình chả có cá đâu để thả. Chỉ là nghe mẹ kể chuyện ở nhà. Bọn trẻ được bà kể chuyện đi thả cá thì vui lắm, chúng hồn nhiên hỏi ông Táo có phải giống Táo Quân mà bố mẹ vẫn xem không?!

Các em nhỏ hào hứng nhận bao lì xì 

Tết Âm lịch ở Canada thường không trùng với kì nghỉ nào. Tuy nhiên, gia đình mình cũng như nhiều bạn bè ở đây đều thu xếp lấy phép nghỉ ngày mùng 1 Tết. Đêm Giao thừa ở nhà chủ yếu là trong tuần, tuy bận nhưng các gia đình đều cố gắng làm mâm cơm tối, tuy không đủ đầy như ở nhà, nhưng cũng có bánh chưng, gà luộc, canh măng miến, nem, giò lụa, giò xào, đĩa dưa góp... và đặc biệt không bao giờ thiếu mâm ngũ quả. Những buổi chiều "Giao thừa" như thế đi làm đều thấy xôn xao khó tả, nhận những tin chúc mừng năm mới từ gia đình bố mẹ ở Việt Nam mà nước mắt cứ trào ra. Ừ nhỉ, đôi khi cảm xúc chỉ là cảm xúc! Con đi xa quá, xa đủ để hiểu thế nào là nỗi nhớ... Những cuộc điện thoại chúc mừng năm mới bố mẹ hai bên chỉ thấy sụt xịt. Lạ thế không biết nữa?! Con càng lớn lại càng mong được bé lại, càng đi xa lại càng thấy quý giá hơn những ngày ở gần. Thôi, cứ mong bố mẹ và gia đình mạnh khoẻ, để mỗi lần điện về lại được nghe "con đấy à".

Mình biết nhiều gia đình ở đây có thói quen đi chùa hái lộc đêm Giao thừa. Nhưng phần vì lạnh, phần vì ngại đông đúc nên nhà mình thường đi chùa sớm Mùng Một. Montréal có khá nhiều chùa, nằm rải rác khắp thành phố. Những ngày Tết, chùa tấp nập, phần lớn là các ông bà, các cô chú khá lớn tuổi được con cái đưa đi. Với họ, lễ chùa là một hoạt động không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần những ngày đầu năm mới. Các bà các cô xúng xính trong tà áo dài, các ông các chú đĩnh đạc trong bộ complet là thẳng nếp. Họ đi chùa không chỉ để cầu mong cho gia đình một năm mới an lành, hạnh phúc; mà còn là để gặp gỡ, thăm hỏi, chúc tụng nhau. Cùng ngồi ăn một bữa cơm chay, uống chén trà nóng, trao đổi dăm ba câu chuyện, để rồi sau đó mỗi người, mỗi gia đình lại hối hả trở lại nhịp sống thường ngày. Tà áo dài, bộ complet lại được giặt sạch sẽ treo ngay ngắn trong tủ chờ những dịp lễ Tết sau. Chỉ còn lại những cảm xúc cứ nhẹ nhàng len lỏi trong tim mỗi người về dư âm ngày Tết.

Cuối tuần sau đó mới là dịp chính thức để những người bạn hẹn hò nhau cùng vui Tết đoàn viên. Gia đình mình đã từng có cơ hội tổ chức Tết hoặc được tham gia các dịp Tết khác nhau với nhiều nhóm bạn, nhưng ấm áp và tình cảm nhất vẫn là Tết tại gia đình, bên những người bạn thân thiết, gắn bó với nhau trong cuộc sống thường ngày. Mỗi gia đình mỗi món ngày Tết của cả 3 miền Bắc-Trung-Nam thực sự rất vui. Cũng nhờ cuộc sống nơi "xứ người" này mà chúng mình mới có cơ hội được biết nhiều hơn về văn hoá và phong tục tập quán mỗi vùng miền qua những món ăn, những trò chơi dân gian ngày Tết. Bọn trẻ con thì xúng xính khăn đóng áo dài, chơi đùa chán chê nhưng vẫn nôn nao chờ đến khi nhận tiền mừng tuổi. Có một trò chơi không bao giờ thiếu của Tết nhà mình, đó là nhảy sạp. Từ trẻ con đến người lớn, từ trai đến gái, áo dài hay complet, cứ nhạc nổi lên, sạp dập dình là lại "sòn sòn sòn đô sòn".

Cùng xem mẹ gói bánh chưng, nghe mẹ kể về Tết Việt 

Ngày vui qua mau, háo hức chờ đợi đấy, vậy mà vèo một cái là... hết Tết! Cành đào, câu đối vẫn còn, và bọn trẻ vẫn mong mẹ rán bánh chưng ăn mỗi sáng. Thương lắm mỗi buổi chiều đi làm về, bỏ lại cái giá rét, ẩm ướt của mùa đông Bắc Mỹ nơi bậc cửa, bước vào nhà với chút hương trầm vẫn còn lưu luyến lại, hoà quện với mùi nước mùi già nấu trên bếp sáng nay. Tất cả tạo nên một ký ức đẹp đẽ về Tết, trong kí ức, hiện tại và tương lai.

Văng vẳng đâu đây tiếng ông bà dặn cháu: Đi học ngoan nhé, rồi sang năm bố mẹ cho về Việt Nam đón Tết với ông bà!

 Ở Montréal em cũng có bánh chưng mẹ gói

 Xúng xính trong tà áo dài đi chơi Tết

 Mâm cỗ Tết ở Montréal cũng đủ đầy hương vị Tết quê hương

Quỳnh Nga (Canada)

 

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Australia mong muốn góp phần xây dựng và phát triển đất nước
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang