28/01/2017 08:00:00 AM
Tết Việt nơi tôi sống

Năm mới 2017 đã sang, Tết cổ truyền dân tộc đang đến gần. Vậy là lại thêm một cái Tết xa nhà. Dù đã ở nước ngoài nhiều năm, nhưng mỗi dịp Xuân về, và nhất là khi Tết đến, lòng dạ tôi lại nôn nao nỗi nhớ nhà, một nỗi nhớ không hề giảm đi theo năm tháng...

 Hội viên Hiệp hội cùng bạn bè chung vui đón Tết cổ truyền của Việt Nam.

Đau đáu Tết quê nhà

Bất cứ người Việt Nam nào ở nước ngoài, dù sống ở đất nước hiện đại đến đâu, cũng không thể quên được cái Tết của quê nhà, nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Cái Tết đã thấm vào nỗi nhớ, trí óc của những người xa Tổ quốc. Càng đi xa, sống ở nhiều quốc gia khác nhau, thì cảm nhận của con người ta về những nơi mà họ sống trước đó càng chính xác hơn. Tết như đẹp hơn, ý nghĩa hơn trong ý nghĩ của người Việt xa xứ. Dù một năm hay hai mươi năm xa cách, Tết vẫn hiện lên với tất cả mọi chi tiết dù nhỏ nhất trong trí tưởng tượng của mỗi người con sống xa đất Mẹ.

Cái Tết của người Việt sống ở nước ngoài là sự hồi tưởng và nhớ lại những thời sống ở quê nhà. Nhớ không khí hào hứng nhộn nhịp chuẩn bị Tết, đón Tết, nhà nhà háo hức, chuẩn bị quét dọn nhà cửa, đi sắm Tết, dù giàu hay nghèo, dù bận rộn đến mức nào cũng mua bằng được một cành hoa đào về cắm mừng Tết, mua lá dong làm bánh chưng, chuẩn bị mứt Tết... Đường phố đầy nghẹt người đi mua bán, sắm Tết, mùi hương, mùi hoa làm ấm cả không gian mùa Đông giá lạnh trong những ngày giáp Tết. Nhớ quang cảnh thiêng liêng lúc đón Giao Thừa, ngắm pháo hoa, nghe chúc Tết của Chủ tịch nước. Người Việt xa Tổ quốc cũng hồi hộp bâng khuâng chờ đón phút Giao Thừa, giây phút thiêng liêng để được nói chuyện và chúc Tết gia đình ở quê nhà.

Lại nhớ 25 năm về trước, cái Tết xa nhà đầu tiên ở nước Nga khi tôi đi làm phiên dịch bên đó. Sau giờ làm việc là tôi bươn bả đi taxi hàng chục cây số ra bưu điện thành phố để gọi điện về nhà chúc Tết bố mẹ trong cái lạnh buốt -30 độ, tuyết phủ trắng xóa trên đường, trên cây. Tôi nhớ lúc cầm điện thoại, nghe thấy bố mẹ nói bên đầu dây mà nghẹn ngào không nói được câu nào. Bây giờ với công nghệ thông tin hiện đại, được nói chuyện với người nhà và qua Skype được nhìn thấy bố mẹ và cả nhà quây quần bên mâm cỗ Tết, được hít hà mùi hương thơm của Tết vẫn luôn là niềm mơ nước của những người xa xứ như tôi.

Nhớ bữa cơm ấm cúng đoàn tụ gia đình Mùng Một Tết, nhớ lúc mẹ sắp mâm cỗ Tết đặt lên bàn thờ tổ tiên và bố mặc quần áo chỉnh tề, thắt caravat, trịnh trọng trang nghiêm thắp hương khấn vái mời ông bà tổ tiên, những người thân đã khuất về vui Tết cùng gia đình con cháu và cầu mong các đấng thần linh phù hộ độ trì cho cả gia đình trong năm mới. Nhớ lúc Mùng Một Tết hồi hộp chờ đón xem ai đến xông nhà để xem có mang nhiều may mắn cho gia đình trong năm mới không. Nhớ những lúc bé, được mẹ mua cho áo mới, xúng xính đi đến nhà bạn mừng Tết từ sớm hay rồng rắn cùng các bạn đi thăm các thầy cô giáo, một truyền thống đẹp mà không phải nước nào cũng có. Nhớ những lúc được ngồi trông nồi bánh chưng cùng với em gái cả đêm 30, đến sáng Mùng Một thì có bánh ăn, mặt mũi nhọ nhem vì củi nấu bánh chưng nhưng thật hả hê và hạnh phúc khi được thử cái bánh chưng bé tẹo mà mẹ gói thêm trong thời gian xem mẹ gói bánh chưng Tết.

 Một tiết mục văn nghệ trong chương trình đón Tết

Tết Việt Nam ở Italia

Những kỷ niệm về Tết quê nhà luôn theo tôi trong suốt thời gian sống ở nước ngoài. Bánh chưng là món ăn không thể thiếu ở nhà tôi, dù tôi sống và làm việc ở Braxin, Colombia hay ở Italia. Tết ở nước ngoài không cảm nhận được sự ấm áp như ở Việt Nam vì ngày đó mọi người vẫn đi làm bình thường và do khoảng cách địa lý cách nhau 6, 7 giờ, nên nhiều khi Giao Thừa ở Việt Nam thì nhiều người Việt ở nước ngoài vẫn đi làm hoặc đang trên đường về nhà, không thể theo dõi chương trình đón Tết trên tivi hoặc trên mạng được.

Thời điểm đó, tôi thường đón Tết bằng sự tưởng tượng khi mình còn đón Tết ở nhà. Nhưng Tết là ngày mong đợi nhất trong năm nên người Việt ở nước ngoài luôn tìm cách tạo cho mình không khí Tết bằng cách tổ chức đón Tết vào ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật để có thể cùng nhau chúc Tết, ăn các món Việt Nam, hát múa các bài hát Xuân hoặc đơn giản là tụ tập tại nhà nhau ăn cơm và hát karaoke cho đỡ nhớ nhà.

Đại sứ quán Việt Nam tại Iatalia năm nào cũng tổ chức Tết cho cộng đồng nhưng do đường xa, phương tiện giao thông đắt đỏ và nhiều khi giấy mời cũng không đến được với tất cả bà con cộng đồng nên nhiều người không đến dự được và hầu như là Tết do các nhóm hoặc các hiệp hội ở các thành phố đứng ra tổ chức.

Để tổ chức một cái Tết cho cộng đồng không phải là việc đơn giản dù dưới hình thức nào vì cộng đồng người Việt Nam ở Italia nhỏ, sống rải rác ở các thành phố nên không có nhiều cửa hàng bán đồ Việt có đầy đủ các gia vị để nấu các món ăn cổ truyền, nhiều khi mọi người phải đặt trước các đồ thực phẩm từ Pháp, Đức. Nếu có ai về Việt Nam trong dịp trước Tết thì nhiều khi phải bỏ cả quần áo đồ dùng của mình ở nhà để mang các gia vị nấu Tết sang chia cho bạn bè của mình. Các gói miến, bột gấc, nấm hương, măng, mộc nhĩ, lá chuối thay cho lá dong “bay” từ thành phố này sang thành phố khác để đến với mâm cơm Tết của người Việt ở các thành phố khác nhau. Mọi người, mọi nhà đều cố gắng có một mâm cơm Tết đầy đủ với bánh chưng xanh, bánh tét, măng, miến và các món đặc trưng của ngày Tết mà nhà mình ở Việt Nam vẫn thường làm.

Tổ chức thì luôn mong có nhiều người đến cho vui nhưng để tổ chức cho hàng trăm người không phải là dễ vì nếu thuê nhà thì quá đắt, thuê cửa hàng Trung Quốc thì phải thầu tất cả lượng khách ngày hôm đó và vẫn phải ăn đồ Trung Quốc. Còn nếu tìm được chỗ ít tiền hoặc không mất tiền thì phải đợi có khi đến hết Tết bên Việt Nam thì mới tổ chức được Tết bên này. Nếu tổ chức nấu đồ Việt Nam, cộng thêm phần văn hóa, văn nghệ đậm nét dân tộc cho ngày Tết thì quả là một kỳ công lớn đối với những người tổ chức. Nhưng hiệp hội nào cũng cố gắng làm những gì đặc sắc nhất, tạo ra những gì vui nhất cho bạn bè, đồng hương và cả bạn bè Italia đến dự. Hiệp hội Italia - Việt Nam, Nhịp cầu văn hóa của chúng tôi ở Bologna, cũng không nằm ngoài tình hình chung đó. Hiệp hội mới thành lập, vốn liếng chưa có nên mọi cái đều phải trông cậy vào sự đóng góp của các thành viên, mọi người đã phải gắng sức hết mình để có một cái Tết vui vẻ cho các bạn bè xa gần.

Mọi người đến dự cảm nhận như đang được sống trong một không khí gợi lại cảnh ăn Tết ở đồng quê Việt Nam với cổng làng bằng bìa các tông được vẽ dựng lên, bao bọc bởi lũy tre làng bằng các cụm tre xanh mà chúng tôi đi lấy được ở bờ sông cách đây hàng mấy chục cây số, rồi cành đào làm bằng giấy, đèn lồng đủ màu, rơm rạ, quang gánh của các cô bán hoa ngày Tết.. đủ cả. Mọi người cũng được ăn bánh chưng xanh, bánh tét..., được thưởng thức các bài hát mang đậm hồn quê như Quan họ mời trầu mời nước với các cô gái Việt duyên dáng trong áo tứ thân, nón thúng quai thao, mớ ba mớ bẩy cùng với các bài hát dân ca các miền và các bài hát đón Xuân do tất cả các thành viên Italia và Việt Nam tham gia. Vất vả nhưng vui vì đã có những giây phút quây quần bên nhau cùng đón Tết, để chia sẻ với những người thân trong gia đình về quê hương Việt Nam, về cái Tết quan trọng nhất trong năm với ước mong những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với mình, gia đình, bạn bè và cùng cầu chúc một năm mới an khang thịnh vượng cho tất cả mọi người Việt Nam trên thế giới.

Lê Thị Bích Hường (Italia)

 

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang