30/04/2020 08:00:00 AM
Phong trào Việt kiều tại Pháp và chặng đường hòa nhịp của vô tận lý tưởng

Sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975 có sự góp phần của nhiều lực lượng người Việt khắp nơi, hưởng ứng tích cực vào các chủ trương chung để đi đến thắng lợi, trong đó có tiến trình hòa hợp dân tộc. Tham gia tích cực trong tiến trình đó, đối với phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp, không thể quên và không thể không nhắc đến giai đoạn 1968-1975. Câu chuyện về chặng đường này đã chứng minh được một điều…


 Ngày ký Hiệp định Paris, 27/1/1973. Ảnh: Lê Tấn Xuân (st)

NƯỚC PHÁP – NĂM 1968

Một năm lịch sử bắt đầu bằng chuỗi sự kiện dồn dập từ Việt Nam chấn động thế giới: Tết Mậu Thân 1968 với cuộc tổng tiến công và nổi dậy – Tháng 3 bất ngờ với lời tuyên bố đơn phương của Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam – Suốt tháng 4 nóng bỏng những trao đổi giữa Mỹ và Việt Nam chọn nơi đàm phán trung lập.

Đến đầu tháng 5, Paris được chọn làm địa điểm chính thức cho cuộc đàm phán chính thức bốn bên giữa Mỹ và Việt Nam.Từ thời điểm ấy, Paris trở thành địa bàn trọng điểm trên mặt trận ngoại giao “vừa đánh vừa đàm”của Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH) và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (CMLTMNVN). Với ý nghĩa chiến lược hàng đầu đó, không gì hiệu quả hơn là có được lực lượng “binh chủng” tại chỗ - phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp - hỗ trợ toàn lực cho cuộc đàm phán quan trọng này. Việt kiều tại Pháp nhận nhiệm vụtham gia không chút ngần ngại; lúc ấy, họ vẫn chưa biết rằng thắng lợi lịch sử của cuộc đàm phán này, với sự đóng góp tích cực của họ, là bước ngoặt tiền đề cho chiến thắng 30/4/1975 vài năm sau đó.

Khi hai đoàn VNDCCH và  Chính phủ CMLTMNVN đặt chân đến Pháp, là bắt đầu những năm tháng không thể quên của lịch sử Việt Nam, cũng như của lịch sử phong trào Việt kiều tại Pháp..

Tại Pháp, hoạt động Việt kiều sôi nổi hơn bao giờ hết, tạo ra ba nhóm hoạt động chính vững vàng như kiềng ba chân: không những ra mặt tham gia trực tiếp vào những hoạt động của hai đoàn Việt Nam (có 5 thành viên của Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp trở thành thành viên chính thức của hai đoàn); mà còn âm thầm tham gia các lực lượng hậu cần hùng hậu (hành chính, y tế, bảo vệ, huy động mít-tinh ủng hộ, cảm tình viên quốc tế, in ấn tài liệu…); và cuối cùng là tìm đến những tổ chức, cá nhân từ nhiều phía khác nhau - “lực lượng thứ ba” theo bối cảnh và cách gọi lúc ấy – để mở rộng sự ủng hộ đa dạng theo chủ trương của Việt Nam bấy giờ.

Có thể nói, phong trào Việt kiều tại Pháp đã dành tất cả tấm lòng lẫn vật-lực cho nhiệm vụ, dành toàn bộ tâm huyết cho công việc hỗ trợ hết sức kín đáo và lặng lẽ, dành cuộc sống của mình để vận hành công việc hiệu quả và liên tục không tính theo vài ngày, vài tuần hay vài tháng màtính bằng vài năm, bằng việc tạm gác toàn bộ cuộc sống riêng tư nơi xa nhà qua một bên.

Trong những nhiệm vụ, có lẽ một trong những điều khá khó khăn là tìm kiếm và mở rộng thêm người ủng hộ từ “lực lượng thứ ba”- vốn đã không dễ dàng ở Việt Nam, ở Pháp lại còn khó khăn hơn (do phân tán địa lý, bối cảnh xã hội nước ngoài, sự nghi ngờ,..). Chỉ một số Việt kiều được phân công nhiệm vụ khó khăn, thậm chí nguy hiểm này. Họ đã đưa tay ra khắp nơi, có những sự thờ ơ, có những cái lắc đầu, và rồi cuối cùng cũng có những bàn tay khác hồi đáp lại.

Việc có thêm những sự ủng hộ mới chứng tỏ sức mạnh kết nối của lý tưởng, của nguồn cội, của ước mơ thống nhất Việt Nam.

Hoạt động cụ thể có thể thấy rõ nhất tầm quan trọng của việc đoàn kết các lực lượng là trường hợp Hội Y học tại Pháp, ngoài những bác sĩ Việt kiều chính như ông Đào Văn Tỵ, ông Tạ Trung Quấc, bà Thérèse Ký, nha sĩ Ngô Thuần Phương, dược sĩ Cao Xuân Toàn… đã chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho hai đoàn Việt Nam; mà còn có thêm những bác sĩ trung lập, thuộc lực lượng ba, bắt đầu tham gia vào đoàn thể với những công việc cần niềm tin nhau.

Tại Pháp, thật ra không thể gọi là “lực lượng ba” vì số lượng không đủ nhiều để thành các hội nhóm, mà chủ yếu là những cá nhân riêng lẻ. Sự ủng hộ của họ chủ yếu tượng trưng cho sự đoàn kết; nhưng ý nghĩa hơn hết là việc họ từng bước trở thành một phần của khối thống nhất Việt kiều, hỗ trợ hết lòng cho hai đoàn Việt Nam, đã thể hiện được sức mạnh liên kết từ nội tại lý tưởng dường như vô tận và vô cùng mãnh liệt của các thế hệ Việt kiều yêu nước tại Pháp. 

NƯỚC PHÁP - NĂM 1973

Những con đường rợp bóng cờ, rợp tiếng cười, rợp nước mắt, rợp tình quê hương… Trải dài khắp các nẻo đường là những con người đã cùng tham gia vào một cuộc đàm phán dài nhất lịch sử thế giới, lại giữa một nước nhỏ và một cường quốc.

Và thời điểm đó, giữa bóng cờ rợp trời hùng tráng, họ không có tên, không có số, không thuộc về lực lượng nào nữa, họ đều giống nhau: ĐỀU YÊU VIỆT NAM ĐẾN TẬN CÙNG! Và vì tình yêu đó, mọi việc đều có thể! Sự hòa hợp - thống nhất đã đến từ trái tim tự nhiên như thế.

NƯỚC PHÁP – NĂM 1975

Hai năm sau khi ký Hiệp định Paris, Pháp vẫn là “mặt trận ngoại giao” quan trọng cho mục tiêu tiếp theo – cũng là mục tiêu quan trọng nhất: TIẾN ĐẾN THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC!

Việt kiều tại Pháp được giao nhiệm vụ tăng cường và phối hợp hoạt động với các tổ chức, nhân sĩ thuộc lực lượng ba để lên tiếng đấu tranh cho việc hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Trong tập san tiếng Anh Vietnamese Studies, số 39, năm 1974, do bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chủ biên, trang 47-48 đã đăng câu trả lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Pháp nổi tiếng Jean Lacouture như sau: “Việc thành lập một chính phủ hòa hợp dân tộc ở miền Nam là chìa khóa dẫn đến hòa bình, và lực lượng thứ ba là một thành phần không thể thiếu được của giải pháp này.” Điều này cho thấy, việc hướng đến việc hòa hợp dân tộc với sự tham gia của lực lượng thứ ba là một chiến lược quan trọng tại Việt Nam, do đó đối với mặt trận ngoại giao tại Pháp cũng tương tự như vậy.


Hội Y học Việt Nam tại Pháp chọn thuốc gửi về VN, năm 1976-1977. Ảnh: Thérèse Ký (st) 

Trong hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã cho biết: Vào thời điểm này, nhiều trí thức Việt kiều đang sinh sống ở Paris đã được vận động về nước, trong đó có bà Tôn Nữ Thị Ninh, ông Trần Hà Nam, bà Thái Thị Ngọc Dư, bà Bùi Trân Phượng, linh mục Phan Khắc Từ… “ Số anh chị em này về nước đã hoạt động rất tích cực trong lực lượng thứ ba và sau này đều là những cán bộ nòng cốt trong công cuộc xây dựng đất nước”.

Hoạt động của Việt kiều tại Pháp hưởng ứng tinh thần hòa hợp-hòa giải dân tộc rất tích cực, không những ra mặt lên tiếng ở nước ngoài về việc Việt Nam cần được thống nhất, mà còn là nơi tập hợp nhiều thông tin quốc tế nhanh chóng và chính xác để Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, mà Đại sứ bấy giờ là ông Võ Văn Sung, tham khảo, gửi về trong nước.

Trong hồi ký của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Võ Văn Sung, ông đã viết: “Nhìn chung, chúng tôi đã nhận thức đúng rằng cơ quan ta ở Paris là một trong những đài quan sát quan trọng nhất ở nước ngoài và đã lấy việc thu thập tin tức, nghiên cứu các vấn đề phối hợp với chiến trường làm công tác trọng tâm trong thời kỳ này và điều đáng mừng là những tin tức chúng tôi cung cấp đã khớp với các nguồn tin khác của nhà”.

Ngày 16/1/1975, lực lượng thứ ba ở Paris đã tổ chức “Ngày hướng về miền Nam” đòi Mỹ phải từ bỏ Thiệu.

Các tổ chức như Lực lượng tự do với ông Trần Đình Lan làm Chủ tịch, phong trào Công giáo và dân tộc với ông Nguyễn Văn Công làm Chủ tịch, Đoàn Sinh viên Phật tử, nhân sĩ Nguyễn Văn Cổn, nhà báo Cao Minh Chiếm, linh mục Nguyễn Hồ Đinh, nhân sĩ Hoàng Xuân Hãn… đã hòa mình vào dòng chảy mạnh mẽ của lịch sử và của phong trào Việt kiều tại Pháp.

Cuối tháng 4/1975, Việt kiều tại Pháp theo dõi thông tin từ trong nước, ai cũng khấp khởi đợi tin thắng lợi, nhưng không ngờ tin lại đến nhanh như vậy - chỉ vài giờ sau một cuộc họp của Ban lãnh đạo Việt kiều còn đang đặt ra nhiều câu hỏi thì tin vui đã đến!

Khi tin cuộc tổng tiến công ngày 30/4 thắng lợi, lúc ấy là rạng sáng cùng ngày tại Pháp, tất cả người Việt đều xúc động vỡ òa sung sướng, hạnh phúc. Vào ngày 1/5, giữa Paris là cuộc diễu hành đầy nụ cười và nước mắt của phong trào Việt kiều, tập hợp tất cả những người đã cùng bước với nhau trong suốt thời gian qua, giơ cao lá cờ giữa bầu trời Paris, hô to những tiếng “Việt Nam” đầy tự hào.

Trong sự xúc động tột cùng ngày 30/4/1975 tại Pháp, đối với một số người, thời điểm ấy là thời khắc chứa đựng toàn bộ thời thanh xuân của họ trong hành trình hoạt động yêu nước suốt chục năm qua. Đối với những người khác, ngày hôm ấy là một kỷ niệm tuổi trẻ không bao giờ quên, để họ tiếp tục một hành trình vừa bắt đầu…

Về phía lực lượng ba, theo hồi ký của nguyên Đại sứ Võ Văn Sung, ông đã kể rằng: “Đối với các nhân sĩ người Việt Nam tại Pháp thì từ ngày 29/4 đến ngày 1/5, nhiều người đã xin gặp anh Phạm Văn Ba và tôi. Trong đó có nhiều vị đã từng hành động chung với Liên hiệp Việt kiều như các ông Trần Đình Lan, Cao Minh Chiếm, Nguyễn Văn Cổn, Nguyễn Văn Công, Hồ Thông Minh... đều chỉ hỏi là họ sẽ làm được gì cho đất nước và không ai tỏ ra lo ngại.

Sau đó, nhiều người đã tiếp tục tham gia vào các hội đoàn Chi hội của Hội người Việt Nam tại Pháp – tên mới của Liên hiệp Việt kiều trong giai đoạn mới – tại Đại hội năm 1976. Ban Chủ tịch của Hội người Việt Nam tại Pháp được thành lập, quy tụ nhiều thành phần, lực lượng đại diện cho sự đa dạng của Việt kiều và sức mạnh đoàn kết mà phong trào Việt kiều yêu nước đã làm được.


 Ban chủ tọa Đại hội Hội người VN tại Pháp, 24-25/4/1976. Ảnh: Lê Tấn Xuân (st)

Đặc biệt, Hội Y học Việt Nam tại Pháp với sự đóng góp quan trọng về y tế: thiết bị, thuốc men, kỹ thuật, học bổng đào tạo, chuyển giao công nghệ,… từ năm 1976 trở đi, đều có sự tham gia tích cực của các hội viên từng thuộc lực lượng thứ ba, như ông Trần Đình Lan là người đã góp phần mở đường kết nối với những tổ chức quốc tế để từ đó Hội Y học Việt Nam tại Pháp có thể đưa những bác sĩ giỏi về Việt Nam, tạo ra cầu nối hữu nghị cho hợp tác lâu dài về đào tạo, giáo dục, lẫn xây dựng, hỗ trợ các trung tâm sức khỏe, bệnh viện tại Việt Nam vốn còn khó khăn trong giai đoạn sau khi thống nhất.

Dù xuất phát điểm ở đâu, bối cảnh như thế nào, thì ở một thời khắc lịch sử, tất cả họ - hay đúng hơn, “tất cả chúng tôi” - đã cùng xuất hiện ở chung một chiến tuyến, nhìn nhau bằng ánh mắt, nụ cười, cái rưng rưng của những người đồng đội.

NĂM 2020

Đã 45 năm trôi qua từ ngày 30/4 năm ấy. Bao nhiêu trang sử đã được viết ra, nhưng thông tin về dòng chảy song song của hoạt động phong trào Việt kiều tại Pháp cùng sử đất nước vẫn còn rất ít.

Tất cả những câu chuyện đều có thể bị quên lãng, những con người lần lượt thành cát bụi, nhưng điều mà tất cả họ đã làm là góp một chút sức lực từ tất cả mơ ước, tình yêu của bản thân dành cho độc lập, tự do của đất nước.

Câu chuyện về một trong những chặng đường của phong trào Việt kiều tại Pháp mà trong đó có hoạt động hòa hợp-hòa giải dân tộc, đã chứng minh được một điều rằng: Một khối thống nhất về lý tưởng và tình yêu nước sẽ có sức mạnh nội tại lớn lao dường nào, có thể truyền cảm hứng và thu hút những thành viên mới, không phân biệt vị trí địa lý, bối cảnh và những khác biệt.


Tiết mục Tết của Trường Về nguồn. Ảnh: Quốc NT 

Lịch sử đã làm nên những kỳ tích, thành tựu, gắn kết nhờ vào sức mạnh vô tận ấy của lý tưởng. Và chúng ta, những thế hệ đi sau, cũng cần lắm những dấu mốc để nuôi dưỡng thật sâu sắc những tình yêu trong đời – những tình yêu lớn lao hơn cả bản thân, xuất phát từ câu hỏi “Tôi có thể làm gì được cho đất nước?”.

Nguyễn Thanh Hằng (CH Pháp)

----

* Nguồn tham khảo chính:

  1. Sách “Một thế kỷ - Một con đường (1919-2019)”, Hội người VN tại Pháp, 2019.
  2. Hồi ký của Đại sứ Võ Văn Sung
 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Australia mong muốn góp phần xây dựng và phát triển đất nước
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang