20/05/2020 04:15:00 PM
Nhớ bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà

Gần 3 thập kỷ tính đến năm 1976, gắn bó sống còn với phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp, nắm trọng trách là Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp những năm 1967-1976, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà là một trong những cán bộ kiên trung với Đảng, một nhà trí thức luôn son sắt một lòng với cộng đồng, đóng góp không mệt mỏi trí tuệ, tâm sức của mình, cùng anh em, đồng chí trụ vững và phát triển phong trào, gắn kết được với quê hương, vươn ra thế giới để nói lên chính nghĩa của Việt Nam.


 Đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam và một số đại biểu TP Hồ Chí Minh. Trong ảnh, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà, thứ 3 từ trái sang

Lịch sử phong trào người Việt Nam ở Pháp hơn 100 năm qua được bồi đắp, kế tiếp bởi truyền thống của các thế hệ người Việt yêu nước, đoàn kết và kiên định đồng hành cùng dân tộc, góp phần làm nên những điều kỳ diệu Việt Nam trong thế kỷ XX.

Người Việt ta vốn có truyền thống tôn trọng các giá trị cộng đồng, có lối sống gắn bó quần tụ, suy tôn những cá nhân giữ vai trò thủ lĩnh, 100 năm qua, sự hình thành và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở Pháp cho thấy nhóm người giữ vai trò lãnh đạo thường là những người Việt tiêu biểu, tiên phong, tài giỏi và dũng cảm. Họ không chỉ phải tự lao động để kiếm sống, tự đúc rút kinh nghiệm để ứng xử với chính quyền và cộng đồng sở tại, mà còn tự rèn cho mình những bản lĩnh cần thiết làm rường cột cho khối liên kết hoàn toàn mang tính tự nguyện, xuất phát từ lòng yêu nước, ý thức dân tộc và nhu cầu hỗ trợ nhau trong cuộc sống… Tài năng và bản lĩnh giúp họ trở thành trụ vững cho cộng đồng, là hạt nhân để thúc đẩy phát triển và làm mạch nối thông suốt, thống nhất do yêu cầu tự thân với cộng đồng, phong trào. Ở Pháp, nhiều thế hệ giữ vai trò thủ lĩnh được nhắc nhớ từ Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, đến Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Đình Khánh, Nguyễn An Ninh, tiếp nối là Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông… Những yếu nhân này luôn giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp, đồng thời tự nguyện và hết mình nhận trọng trách, giữ vai trò cốt cán của cộng đồng. Trong thực tế, nhiều thế hệ người Việt ở Pháp không chỉ giữ gìn, tôn vinh, mà còn luôn gắn bó với những “thủ lĩnh” mang yếu tố tinh thần ấy. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà (13/2/1931-15/5/2020) là một người như vậy.

NHỮNG NĂM THÁNG TUỔI TRẺ VÀ CỐNG HIẾN

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà sinh ra và lớn lên trong một gia đình với người cha là viên chức có truyền thống hiếu học. Với bản tính sôi nổi, nhiệt huyết, dù còn ít tuổi song Nguyễn Ngọc Hà đã tích cực tham gia hoạt động, thể hiện tinh thần yêu nước chống thực dân xâm lược trong phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bị phát hiện là “người cầm đầu”, Nguyễn Ngọc Hà nhiều lần bị cảnh sát bắt giam.

Thương và hiểu rõ việc con làm, bà cụ thân sinh của ông Hà, lúc đó là chủ một tiệm làm bánh nổi tiếng, đã đến “gặp” trình bày khéo léo, kín đáo “tặng quà” viên cảnh sát trưởng. Nhận quà biếu, hứa trả tự do cho ông Hà, song ông ta vẫn không quên “dặn” người mẹ: Trước sau con trai của bà cũng sẽ bị chúng tôi bắt vì đã theo Việt Minh xúi giục làm loạn. Biết âm mưu của chính quyền, người mẹ đã thu xếp đưa con trai sang Pháp lánh đi để tiếp tục học tập. Tháng 10/1947, tổ chức đồng ý để Nguyễn Ngọc Hà sang Pháp. Trước ngày lên đường, tổ chức bí mật đón ông về căn cứ huấn luyện chính trị và tổ chức kết nạp ông vào Đảng. Khi đó ông mới tròn 17 tuổi.

Tháng 5/1948, trước lúc lên đường, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ngọc Hà được tổ chức trao nhiệm vụ sang Pháp học tập, đồng thời vận động tập hợp những du học sinh thành một tổ chức. Ông đặt chân đến Marseille đúng vào dịp kiều bào ta ở đó kỷ niệm 3 năm ngày Cách mạng Tháng 8 thành công. Ít hôm sau đó, khi đến thủ đô Paris, ông đã may mắn kịp tham dự ngày Lễ Độc lập được tổ chức thường niên vào tuần đầu tháng 9. Đó thực sự là một ngày hội của cộng đồng những người con đất Việt xa quê và vẫn còn lưu giữ thành truyền thống đến hôm nay. Ít ngày sau đó, theo kế hoạch đã thống nhất từ bên nhà, Nguyễn Ngọc Hà chủ động tìm cách bắt liên lạc với người phụ trách và cùng Nguyễn Thị Bình (con gái nhà yêu nước Nguyễn An Ninh) và Đỗ Đại Phước lập ra nhóm nòng cốt vận động và tổ chức Đại hội thành lập Tổng hội sinh viên Việt Nam tại Pháp. Tháng 5/1949, Đại hội toàn quốc nhóm họp, Tổng hội được thành lập. Ngay trong ngày toàn thể Đại hội đã thông qua biểu quyết ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân trong nước và gia nhập Tổng hội Sinh viên Quốc tế chống đế quốc.

Tốt nghiệp Đại học Y - một ngành có vị thế trong đời sống xã hội ở Pháp, song thời gian đầu bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà dành toàn bộ thời gian để hoạt động cho phong trào, thực hiện nhiệm vụ tổ chức giao. Tuy nhiên, ở Pháp người ta không coi trọng những người chỉ hoạt động chính trị mà không có nghề nghiệp ổn định. Do vậy, để thuận lợi hơn cho hoạt động, năm 1965, ông mở phòng mạch riêng, vừa làm việc vừa hoạt động phong trào. Thời gian sau, ông tiếp tục vừa học vừa làm để lấy bằng Tiến sỹ Y khoa với đề tài “Chống nạn mắt hột ở miền Bắc Việt Nam”. Kết quả nghiên cứu được nhà trường đánh giá cao, giành được Huy chương Bạc của Đại học Y Paris.

Hơn 20 năm kiên định con đường đã chọn, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp ngày càng tin tưởng khả năng tổ chức và điều hành của bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà. Ông cùng các nhân vật nòng cốt tổ chức các hoạt động nhằm duy trì tổ chức, đoàn kết cộng đồng, cùng hướng về tổ quốc và đặc biệt là tập trung chuẩn bị việc thành lập Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp (nay là Hội người Việt Nam tại Pháp). Cuối năm 1968, một vinh dự to lớn đã đến với bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà - ông được tổ chức tín nhiệm cử về Hà Nội công tác, chuẩn bị cho chuyến biểu diễn của Đoàn nghệ thuật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris nhân dịp đón Tết Kỷ Dậu năm 1969. Trước khi lên đường, ở Paris, ông được gặp đồng chí Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy. Khi được hỏi về nguyện vọng cá nhân, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà nói chỉ có một nguyện vọng mong được gặp Bác Hồ. Điều kỳ diệu đã đến. Ông nhớ lại: 7h sáng ngày 20/01/1969, tôi nhận được điện báo đi công tác. Tôi nghĩ ngay mình sắp được gặp Bác Hồ. Trong khói lửa chiến tranh ác liệt như vậy, Bác kính yêu vẫn ung dung tự tại sống ở Hà Nội, sống giữa niềm tin của nhân dân. Nhớ về thời khắc xúc động ấy, 40 năm sau, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà viết: “Hình ảnh Ông Cụ quá quen thuộc. Tôi nhận ngay ra đó chính là Bác. Bỏ lại người dẫn đường, tôi chạy vội đến ôm tay Bác, nước mắt cứ thế trào ra. Bác khẽ mỉm cười với tôi rồi hỏi: “Cháu ở Nam Bộ à?”. Tôi cố kìm mình mới thốt ra được câu: "Thưa Bác, dạ phải". Hơn một giờ làm việc với Bác là những giây phút đặc biệt. Ông chia sẻ: “Tôi tự nhủ mình phải trấn tĩnh, nén xúc động để nhìn Bác thật kỹ… Tôi đọc thư của bà con kiều bào kính gửi Bác. Bác ngồi nghe chăm chú, thỉnh thoảng lại gật đầu mỉm cười hiền hậu. Rồi Bác hỏi thêm về đời sống, những hoạt động của bà con ta, hỏi về bạn bè và những người quen của Bác ở Pháp. Đặc biệt, Bác hỏi và nghe một cách chăm chú việc vận động thành lập Hội liên hiệp Việt kiều. Trước phút chia tay, theo đề nghị của bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vui lòng ký tặng kiều bào Việt Nam ở Pháp một bức ảnh. Đến nay, bức ảnh này được coi là bức ảnh màu duy nhất, cuối cùng Bác Hồ ký tặng kiều bào ở Pháp.

Quay lại Pháp, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà đã dành thời gian nói chuyện với bà con về tình cảm của Bác với kiều bào. Chuyến đi và được gặp Bác Hồ chính là nguồn động viên, cổ vũ khích lệ to lớn với ông nói riêng, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp nói chung. Tại Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp, tháng 5/1969, cộng đồng kiều bào vinh dự được thư Bác Hồ gửi Đại hội. Anh Lê Văn Phu, một cao niên uy tín giữ trọng trách của Hội đã đọc lá thư của Bác. Tất cả đều rất xúc động. Được tin Bác từ trần, cả cộng đồng thương tiếc, Lễ truy điệu Bác tổ chức ở nhiều địa phương. Bạn bè Pháp đến rất đông. Các anh Huỳnh Trung Đồng, Lê Văn Phu, Huỳnh Hữu Nghiệp đại diện bà con về Hà Nội viếng và dự lễ tang.

 Bộ trưởng Xuân Thủy và một số thành viên Nhóm Việt ngữ, Paris 1971 (trong ảnh hàng ngồi từ trái sang là Lâm Bá Châu,  Huỳnh Trung Đồng, Bộ trưởng Xuân Thủy, Bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Lê Văn Phu)

1 năm sau, tháng 9/1970, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà là Phó Trưởng Đoàn đại biểu Việt kiều ở Pháp về tham dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 25 tại Hà Nội. Thời gian diễn ra Hội nghị Paris trong các năm từ 1968-1973, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà làm Bí thư Nhóm Việt ngữ - tổ chức Đảng trực tiếp chỉ đạo và phân công các thành viên giúp hai phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, tham gia điều hành các hoạt động của kiều bào và bạn bè quốc tế ủng hộ hai phái đoàn. Đặc biệt, Nhóm Việt ngữ đã bí mật huy động kiều bào từ các địa phương trên toàn nước Pháp tập trung về Paris, kịp thời chuẩn bị sẵn sàng một rừng cờ hoa chào mừng lễ ký chính thức Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà cùng tập thể lãnh đạo Liên hiệp Việt kiều tiến hành thống nhất nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng thông qua việc tổ chức thành công Đại hội thành lập Hội người Việt Nam tại Pháp tháng 4/1976 với khẩu hiệu: Đoàn kết rộng rãi người Việt Nam tại Pháp, hướng về Tổ quốc thân yêu góp phần xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Gần 3 thập kỷ tính đến năm 1976, vượt lên tất cả, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà đã cùng anh em, đồng chí mình trụ vững và phát triển phong trào, gắn kết được với quê hương, vươn ra thế giới để nói lên chính nghĩa của Việt Nam. Ông khẳng định: Quan trọng là không được buông lơi, phải giữ gìn và phát huy vị thế và ảnh hưởng của một tổ chức quần chúng do Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sáng lập. Đó là niềm tự hào vì trên thế giới Hội người Việt Nam yêu nước ở Pháp là tổ chức Hội đoàn duy nhất, sớm nhất do Bác Hồ sáng lập. Ông Hà kể: Đó cũng là những năm tháng luôn phải đối diện với việc cá nhân bị chính quyền theo dõi, Hội bị đe dọa và cấm hoạt động, hoạt động nếu lộ ra là có thể bị cắt chuyển ngân, chặn nguồn sống, nặng hơn có thể bị trục xuất... Không chỉ cá nhân mình mà cả gia đình vợ con cùng phải gánh chịu. Nhiều lãnh đạo của phong trào - những người anh, người đồng chí rất tài giỏi và có nhiều kinh nghiệm - cũng có khi bị sa vào bẫy giăng của kẻ thù, bị bắt giam, trục xuất… Đó là những năm tháng khó khăn gian khổ nhưng vinh quang tự hào nhất.

TRỞ VỀ ĐỂ TIẾP TỤC CỐNG HIẾN CHO TỔ QUỐC

Năm 1976, theo sự điều động của Đảng, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà cùng vợ là Nguyễn Thị Huệ - một dược sỹ đã cùng chồng gắn bó bao năm với phong trào – trở về nước.

Ông bà là những người đầu tiên trở về sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đồng thời là cặp vợ chồng Việt kiều đầu tiên được giao đảm trách vị trí chủ chốt trong công tác về NVNONN của Đảng. Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, với phong cách làm việc chuẩn mực, tác phong kiên định, dứt khoát, ông đã chiếm được lòng tin và sự quý trọng của mọi người trong môi trường làm việc hoàn toàn mới. Ông còn được bầu là đại biểu Quốc hội 3 khóa liền với 15 năm tham gia nghị trường và nắm giữ các vị trí: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Việt kiều Trung ương (nay là Ủy ban Nhà nước về NVNONN), Trưởng Ban Việt kiều TPHCM (nay là Ủy ban về NVNONN TPHCM), Giám đốc Trung tâm Phát triển Xuất khẩu TPHCM; Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM… Ở cương vị nào, ông cũng dốc lòng tận tụy, đóng góp hết sức mình cho Tổ quốc.

Những năm sau này, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà đã dành một phần thời gian và trí lực nghiên cứu tổng kết và đưa ra đề xuất tham mưu cho các cấp lãnh đạo để có quyết sách đúng và phù hợp với thực tế của phong trào kiều bào ở Pháp và kiều bào trên toàn thế giới.

Nói về ông, không thể không nhắc đến bà Huệ, người vợ tào khang hơn 6 thập kỷ gắn bó tình nghĩa vợ chồng, dù ở Paris hoa lệ hay ở thành phố sôi động nhất của dải đất chữ S. Ông nói về người bạn đời tin yêu tận tụy của mình: “Luôn là chỗ dựa, là hậu phương lo toan, thu xếp mọi công việc gia đình, chăm sóc các con học hành; vén khéo mọi chuyện từ trong nhà ra đến Tòa Thị chính mỗi khi tôi bị chính quyền gọi thẩm vấn”. Ai đã từng sống ở Pháp trong những tháng năm khó khăn ấy mới có thể hiểu và đồng cảm với những hy sinh mà người phụ nữ nhỏ nhắn mang tên một loài hoa thơm ngát luôn khiêm nhường, chu đáo, tận tụy và rất kiệm lời, đã bên ông suốt đời.

Gần đây, nhất là từ sau khi bà Huệ qua đời, ông xuống sức rất nhanh, liên tục phải đi bệnh viện. Mỗi lần vào thăm, chúng tôi luôn thấy ông ngày càng khó thở, bệnh thường gặp khi chúng ta về già. Thế rồi 3h43’ ngày 16/5/2020, tôi nhận được tin nhắn từ Mícky - tên gọi thân tình của cháu ngoại sống cùng ông ở TPHCM: “Ông mất rồi cô ơi, lúc 22h ngày 15/5”…

***

Khi ngồi viết lại những dòng này, mắt tôi vẫn còn nhòa lệ. Hôm nay, ta thấy tên tuổi của bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà vẫn luôn được cộng đồng, phong trào nhắc đến tên, nhớ đến việc. Hình ảnh của ông luôn ở hàng đầu những hoạt động của phong trào, những hoạt động ngoại giao mang tầm vóc quốc gia và toàn cầu trên đất Pháp từ những năm 50 đến những năm 70 của thế kỷ trước. Với những người làm Sử, nếu quan tâm tìm kiếm tài liệu, khi đến các trung tâm lưu trữ của Pháp, sẽ gặp tên tuổi ông cùng các đồng chí của mình luôn hiện diện hàng đầu trong những trang tài liệu ghi chép theo dõi về hoạt động của Hội người Việt Nam tại Pháp, báo cáo từ các địa phương như Marseille, Lyon gửi đến… Nhớ về ông, chúng ta nhớ về một trong những cán bộ kiên trung với Đảng, một nhà trí thức luôn son sắt một lòng với cộng đồng kiều bào, đóng góp không mệt mỏi trí tuệ, tâm sức của mình cho phong trào kiều bào yêu nước ở Pháp và sau này là tận lực đóng góp trên mảnh đất quê hương. Dù người đã ra đi, nhưng tiếng thơm còn ở lại mãi…

Nguyễn Khánh Anh

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Australia mong muốn góp phần xây dựng và phát triển đất nước
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang