24/01/2020 08:00:00 AM
Ngôi nhà chung của thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ

LTS: Hội Thanh niên Sinh viên (TNSV) Việt Nam tại Hoa Kỳ được thành lập năm 2012, hiện là Hội TNSV VNONN lớn nhất với con số hội viên lên tới 15 ngàn người. Hội cũng được đánh giá là Hội trẻ, năng động và tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa, có sức lan tỏa lớn. Tạp chí Quê Hương có cuộc trò chuyện đầu Xuân với chị Mai Phan Zymaris, Chủ tịch Hội.

PV: Chào chị Mai Phan Zymaris, trước hết, xin chị giới thiệu với độc giả của Quê Hương hành trình đến với nước Mỹ của chị như thế nào? 

Mai Phan Zymaris – Chủ tịch Hội TNSV Việt Nam tại Hoa Kỳ

Mai Phan Zymaris: Tôi tốt nghiệp Khoa Luật Quốc tế của Học viện Ngoại giao và từng làm tại một công ty luật lớn của Mỹ tại Hà Nội. Năm 2010, tôi sang Mỹ theo học bổng học thạc sỹ luật của trường Đại học Tufts University, rồi Đại học luật Harvard Law School. Sau đó, tôi học tiếp tiến sỹ Luật (J.D.) tại trường Đại học Luật Boston College. Hiện nay, tôi đang là luật sư mảng luật doanh nghiệp tại Foley Hoag - 1 trong 6 công ty luật lớn nhất tại Boston. Foley Hoag cũng là công ty luật đã đại diện Philippines thắng Trung Quốc trong vụ kiện trọng tài về Biển Đông. 

Ngoài công việc luật, tôi cũng tham gia tích cực vào các công việc của cộng đồng du học sinh và người Việt trẻ đang đi làm tại Hoa Kỳ. Tôi sáng lập và hiện nay là Chủ tịch cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu VietChallenge. Ngoài ra, tôi cũng là Chủ tịch Hội TNSV Việt Nam tại Hoa Kỳ.  

PV: Được biết, chị là nữ Chủ tịch đầu tiên của Hội TNSV Việt Nam tại Hoa Kỳ. Chị có thể giới thiệu đôi nét về Hội?

Mai Phan Zymaris: Hội TNSV Việt Nam tại Hoa Kỳ được thành lập chính thức vào ngày 1/6/2012, được Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ công nhận vào ngày 06/6/2013. Hội trở thành tổ chức phi lợi nhuận được đăng ký theo luật pháp Hoa Kỳ tại bang Massachusetts từ ngày 03/3/2014.  

Qua 7 năm thành lập và phát triển, Hội đã có 19 hội thành viên với gần 15 ngàn hội  viên tại hơn 40 tiểu bang. Hội có nhiều hoạt động lớn tổ chức thường niên như sự kiện Vòng Tay Nước Mỹ, chương trình mạng lưới chuyên gia Việt VNPN, cuộc thi khởi nghiệp VietChallenge, cuộc thi Hành trình nước Mỹ, Tết Việt trên đất Mỹ; bên cạnh đó là các chương trình hướng nghiệp, văn hoá, thể thao diễn ra khắp nước Mỹ.  

PV: Hội TNSV Việt Nam tại Hoa Kỳ được đánh giá là một hội trẻ, năng động và đã tổ chức được nhiều hoạt động rất hữu ích cho cộng đồng du học sinh, trí thức trẻ Việt tại Hoa Kỳ. Chị có thể chia sẻ rõ hơn về các hoạt động và các chương trình lớn mà Hội tổ chức?

Mai Phan Zymaris: Các hoạt động tiêu biểu nhất của Hội chúng tôi là Vòng Tay Nước Mỹ, VietChallenge và mạng lưới chuyên gia Việt VNPN.  

Vòng Tay Nước Mỹ là sự kiện thường niên lớn nhất của Hội và được tổ chức mỗi năm tại một tiểu bang khác nhau. Trong khuôn khổ của sự kiện có các hoạt động như hội thảo nghề nghiệp, gala văn nghệ, giải bóng đá, chương trình I-Lead tập hợp các dự án vì cộng đồng của các bạn du học sinh. Đây là chương trình tạo dấu ấn của Hội, giúp kết nối cộng đồng du học sinh và người Việt đang làm việc tại Mỹ. Hội thảo cũng thúc đẩy và mở rộng các hoạt động của thanh niên, sinh viên Việt tại nhiều thành phố, tiểu bang khác nhau và thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng. Ngoài ra, chương trình thu hút được một lượng lớn những người Việt thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau và điều này mở ra rất nhiều cơ hội cho các bạn du học sinh được tiếp cận với các tấm gương thành đạt, mở ra các cơ hội mới để hợp tác trong công việc, học hỏi và chia sẻ trong cuộc sống.

VNPN là mạng lưới chuyên gia người Việt tại Mỹ lớn nhất, thu hút được hơn 5 ngàn chuyên gia đăng ký và chia sẻ kinh nghiệm. Đăng ký vào VNPN, các bạn du học sinh được tiếp cận với các cơ hội nghề nghiệp cũng như tham gia chương trình cố vấn hỗ trợ tìm việc (mentorship) mỗi năm thu hút khoảng từ 300 - 500 cố vấn và du học sinh tham gia. Ngoài ra, các công ty Việt Nam và Mỹ cũng có thể đăng tin tuyển dụng trực tiếp trên nền tảng của VNPN.  

VietChallenge là cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất dành cho người Việt trên toàn thế giới; tổng giải thưởng hàng năm lên tới 150 ngàn USD, trong đó đội chiến thắng nhận được 50 ngàn USD. Bên cạnh cuộc thi, các đội tham gia dự còn được tham gia vào chương trình cố vấn 1-1 với các chuyên gia và các founder người Mỹ dày dạn kinh nghiệm. Thông thường, hàng năm các đội lọt vào chung kết sẽ được VietChallenge đài thọ vé máy bay và chỗ ở để tham gia chung kết tại Học viện Công nghệ Massachusetts. Năm 2020, nhân kỷ niệm 5 năm VietChallenge, chúng tôi sẽ phối hợp với Công ty chứng khoán SSI (nhà tài trợ VietChallenge từ những ngày đầu tiên), cùng với nhiều nhà tài trợ và các bộ ban ngành khác, tổ chức chung kết VietChallenge tại Việt Nam.  

 


 Vòng Tay Nước Mỹ là sự kiện thường niên lớn nhất của Hội

PV: Là một trí thức người Việt ở Mỹ, có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều du học sinh, các chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt mới khởi nghiệp hay đã thành đạt ở nước ngoài, theo chị, tâm tình lớn nhất của họ đối với quê hương Việt Nam là gì? 

Mai Phan Zymaris: Phần lớn trí thức Việt tại Mỹ vẫn quan tâm, dõi theo về tình hình kinh tế trong nước, sự phát triển của Việt Nam nói chung, và đều có nguyện vọng kết nối và đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, có thể bằng cách trở về nước hoặc hỗ trợ từ xa.  

Những năm gần đây, Bộ Ngoại giao, đặc biệt là các cơ quan ngoại giao tại Hoa Kỳ và Ủy ban Nhà nước về NVNONN, đã có nhiều hoạt động và cổng thông tin giúp Việt kiều và du học sinh nắm được nhiều thông tin trong nước. Điều này rất hữu ích và đáng trân trọng. 

Theo tôi, điều trí thức Việt cần thêm là những thông tin thực tiễn về môi trường làm việc và nhu cầu trong nước. Ví dụ với những người muốn trở về nước, họ sẽ cần các thông tin cụ thể về việc tổ chức cuộc sống tại Việt Nam (như chỗ ở, giá thuê/mua nhà, giao thông...), các vị trí công việc và thông tin về môi trường làm việc tại các công ty, cùng với những chương trình hỗ trợ hoà nhập văn hoá tại Việt Nam. Với những người muốn giúp đỡ Việt Nam từ vị trí của mình ở nước ngoài, họ sẽ cần hiểu thêm nhu cầu trong nước thực sự cần liên quan đến lĩnh vực mà họ có thể hỗ trợ, giúp đỡ, các nhóm trong nước họ có thể trao đổi và kết nối. Nếu chúng ta có một kênh thông tin trực tuyến cập nhật thường xuyên những thông tin này thì tôi nghĩ là rất hữu ích.  

Chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc khác biệt với nước ngoài là điều rất nhiều người trăn trở. Tuy nhiên, tôi nhận thấy với sự phát triển của khối kinh tế tư nhân và nước ngoài tại Việt Nam, ngày càng có nhiều công ty đưa ra các chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc chuyên nghiệp không kém các công ty nước ngoài. Điều quan trọng là có thể kết nối người cần việc từ nước ngoài và các công ty cần tuyển dụng nhân tài. Tôi nghĩ nền tảng VNPN của Hội chúng tôi có thể giúp giải quyết vấn đề này, và hy vọng qua Tạp chí Quê Hương, sẽ nhiều người Việt biết tới VNPN và đăng ký vào VNPN nhiều hơn.  

PV: Chị nhìn nhận thế nào về khả năng và con đường đóng góp cho đất nước của trí thức, doanh nhân Việt ở nước ngoài? Theo chị, để phát huy hiệu quả nguồn lực này cho sự phát triển của quê hương, chúng ta nên làm gì?

Mai Phan Zymaris: Với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Việt Nam, nhiều người Việt trên các lĩnh vực ngày càng có mong muốn trở về hoặc tạo lập các mối quan hệ kinh doanh, học thuật, nghiên cứu với Việt Nam. Với hơn 4,5 triệu NVNONN và lượng kiều hối tăng trưởng mạnh hàng năm (gần 17 tỷ USD năm 2019), nguồn lực của NVNONN là rất lớn và cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.  

Có nhiều cách mà người Việt có thể đóng góp cho đất nước. Trực tiếp bằng cách về nước làm việc, mở các chi nhánh công ty tại Việt Nam, giảng dạy hay tham gia các buổi chia sẻ kiến thức... Gián tiếp bằng cách kết nối các cơ hội làm ăn giữa các công ty Việt Nam với các công ty nước ngoài, đưa vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tư vấn pháp luật, chính sách và thị trường cho các công ty Việt Nam và các cơ quan chính phủ...

Ngoài việc có các cổng thông tin trực tuyến để cập nhật các thông tin hữu ích cho đồng bào người Việt, tôi nghĩ việc Chính phủ tiếp tục thực hiện những cải cách để minh bạch hoá và cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là điều rất cần thiết để trí thức Việt có thể làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam hoặc thực hiện việc đầu tư vào các công ty tại Việt Nam.  

Cải thiện môi trường sống, đặc biệt là giao thông và môi trường, cũng sẽ giúp cho nhiều người Việt dễ dàng hơn trong việc lựa chọn Việt Nam là nơi trở về không chỉ về du lịch, mà còn về môi trường học tập, sinh sống của họ và con cái họ.  


 Mai Phan Zymaris và ông xã – một người Mỹ rất yêu Việt Nam

PV: Tết cổ truyền dân tộc đã gần kề. Chị có thể chia sẻ về Tết Việt trên đất Mỹ của Hội TNSV Việt Nam ở Hoa Kỳ, cũng như của chị và gia đình?

Mai Phan Zymaris: Theo thường lệ, Hội sẽ phát động và hỗ trợ các hội địa phương thực hiện các chương trình Tết. Trên nhiều bang, các hội địa phương của từng bang sẽ tổ chức chương trình Tết cho du học sinh và người Việt trẻ đang đi làm tại tiểu bang của mình. Các chương trình thường diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ sôi nổi, thu hút hàng nghìn du học sinh tham gia.

Cá nhân tôi cùng ông xã sẽ tham gia đón Tết cùng các bạn Hội TNSV Việt Nam tại vùng Boston mở rộng. Hội Boston là tiền thân của Hội TNSV Việt Nam tại Hoa Kỳ và là một trong những hội hoạt động sôi nổi nhất. Ví dụ như năm ngoái, chương trình Tết của Hội Boston đã thu hút được hơn 500 người tham gia, bao gồm các hoạt động sôi nổi như nấu bánh chưng, văn nghệ, chương trình ca nhạc Tết với nhiều bài hát quen thuộc về Tết cũng như nhiều ca khúc hiện đại để mọi người giao lưu và quên đi nỗi nhớ nhà ngày Tết.  

Ngoài ra, tôi sẽ trang hoàng nhà cửa để đón Tết truyền thống; còn ông xã - một người Mỹ rất yêu Việt Nam và rành ẩm thực Việt, sẽ giúp tôi nấu các món truyền thống để đãi bạn bè dịp Tết này.   

PV: Vâng, xin cảm ơn chị Mai Phan Zymaris! Xin chúc Hội TNSV Việt Nam tại Hoa Kỳ ngày càng phát triển mạnh mẽ và có nhiều chương trình hoạt động ý nghĩa và lan tỏa rộng khắp. Chúc chị và gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Thanh Thủy

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 - Cơ hội tìm kiếm nhân tài
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang