Tết là dịp gia đình đoàn viên, sum vầy ấm áp bên nhau. (Ảnh minh họa)
|
Chỉ còn một tháng nữa là Tết Nguyên đán. Trên phố người châu Á ở Paris, đèn đường được bật sáng choang, các trung tâm thương mại được trang hoàng lộng lẫy. Không khí ở đây cũng nhộn nhịp tưng bừng, buôn bán tấp nập như ở quê nhà. Các đặc sản của quê hương như bánh chưng, vịt quay, heo quay… đều được bày bán. Nhưng đối với tôi, vẫn có gì đó thiêu thiếu, không thật sự như không khí đón Tết ở quê nhà.
Tết đến, nhiều năm không vào ngày nghỉ, nhưng vào ngày đầu năm mới, trước khi đi làm, tôi không quên thắp nén hương trên bàn thờ gia tiên để tưởng nhớ tri ân ông bà tổ tiên. Sau đó, cuối tuần chúng tôi tổ chức Tết muộn, mời bạn bè và con cháu cùng đón mừng năm mới. Đối với các con, tôi luôn phải nhắc nhở để các cháu ý thức giữ gìn truyền thống và nguồn gốc bản sắc dân tộc ngày Tết.
Ngày Mồng Một Tết tại nơi tập trung người Á Đông, đi đến đâu cũng nghe tiếng pháo nổ hay diễu hành trang phục truyền thống. Không khí đặc trưng đón Tết Nguyên đán của người châu Á thấy rõ trên khắp nẻo đường Paris.
Cũng vào dịp này, cộng đồng người Việt tại Pháp lại nô nức chào đón chương trình vui đón Tết của Hội người Việt Nam tại Pháp với nhiều tiết mục văn nghệ độc đáo, mang đậm nét văn hóa dân tộc như vọng cổ hay múa dân ca. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng tổ chức nhiều gian hàng ẩm thực Việt Nam, triển lãm ảnh giới thiệu về phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh Việt Nam. Chương trình ý nghĩa này của Hội người Việt Nam tại Pháp trở thành ngày gặp mặt ấm cúng của đại gia đình những người xa quê mỗi dịp Xuân về.
Dịp đầu năm mới, bà con ta ở đây cũng không quên phong tục đi chùa, cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Chùa Trúc Lâm - ngôi chùa của người Việt tại ngoại ô Paris - những ngày này rất đông bà con đến thăm viếng.
Sống xa quê hương bao nhiêu năm, nhưng cứ mỗi khi Tết cổ truyền dân tộc đến gần thì những kỷ niệm của tuổi thơ đón Tết cùng ba mẹ ở quê hương lại ùa về trong tôi…
***
Thời gian trôi thật nhanh, thấm thoắt đã gần 50 năm. Những kỷ niệm vui buồn ở quê hương tôi vẫn giữ mãi trong lòng, không thể nào quên.
Những ngày gần Tết, người mệt nhất trong nhà là mẹ tôi. Mẹ phải chạy đôn chạy đáo đi mua sắm đồ để trữ cho mấy ngày Tết. Bà nội luôn nhắc nhở trên ban thờ ngày Tết phải có đầy đủ bánh tét, hộp mứt - trong đó phải có mứt sen, mứt bí, mứt tắc, mứt dừa. Rồi biết bao điều phải kiêng kỵ trong ngày đầu năm như việc không được bỏ rác, không được tắm rửa trong ngày Mồng Một...
Nhớ về những năm thời kỳ chống Thực dân Pháp, ba phải đi xa, vì an toàn, mẹ phải về quê nội lánh mặt. Thỉnh thoảng có vài chú, hình như là đồng đội của ba, đến nhà thăm mẹ, uống trà hàn huyên. Lúc ấy, tôi còn nhớ mẹ muốn tôi ra ngoài chơi nên viện cớ làm bếp đãi khách. Nhưng một lát sau, mẹ cầm một tờ giấy gì đó và ôm tôi mà khóc. Về sau tôi mới hiểu là thư của ba gởi cho mẹ. Tôi hỏi sao mẹ khóc, mẹ chỉ yên lặng không trả lời. Giờ tôi mới biết lúc đó ba đi kháng chiến và mẹ ở lại làm hậu phương vững chắc cho cách mạng. Ba mẹ phải xa nhau vì lý tưởng đấu tranh tự do cho đất nước. Cuộc đời mẹ và ba là biểu tượng của sự hy sinh cao cả.
Ngày qua ngày, năm qua năm, cuộc sống kham khổ, tôi càng lớn nhưng hiểu rõ việc làm cao cả của cha mẹ, sự hy sinh tình cảm cá nhân vì tương lai của đất nước. Một hôm, tình cờ tôi đọc được những bức thư ba tôi viết cho mẹ, giấy bức thư đã úa vàng nhưng những dòng chữ viết trên đó vẫn còn rõ ràng, tôi hiểu thêm về tình yêu Tổ quốc của ba mẹ. Bức thư có đoạn:
“Em yêu. Anh muốn viết lên những gì anh muốn viết. Anh nói lên những gì anh muốn nói để đỡ nhớ thương… Anh vẫn khỏe, em ráng chăm lo các con để chúng lớn lên xây dựng Tổ quốc tươi đẹp. Vì bổn phận đất nước anh không thể ngồi làm ngơ, phải làm gì cho đất nước được độc lập hòa bình, Bắc Nam một nhà. Chúng ta yêu nhau trong hoàn cảnh chiến tranh, phải xa nhau dù đau khổ đến mấy, mong em ráng chịu đựng, anh tin rằng ngày thắng lợi sẽ gần đây. Anh sẽ về với em, cùng xây dựng lại gia đình. Anh rất hãnh diện về em, dù rằng em không nói nhưng anh biết tất cả những gì em làm và giáo dục con. Anh xin lỗi em nhưng bổn phận chúng mình không làm gì khác hơn, hy sinh vì Tổ quốc để tương lai các con sau này được tươi sáng. Các con sẽ hãnh diện là người dân Việt Nam và về cha mẹ của mình…”.
Hiệp định Genève năm 1954 mang thắng lợi cho đất nước nhưng không được trọn vẹn, Bắc Nam chia cắt. Ba về và gia đình trở về Sài Gòn. Mẹ hàng ngày gồng gánh ra chợ buôn bán, còn ba thì làm việc trong một cơ quan. Thỉnh thoảng người ở quê nhà lên bán trái cây và trao đổi gì đó với ba mẹ; nhiều bạn của ba đến thăm rồi ở lại nhà tôi vài ba giờ rồi đi. Tôi đem thắc mắc về những người qua lại nhà mình hỏi mẹ. Mẹ cho biết là bạn cũ của ba hồi trước và không giải thích gì thêm. Về sau, tôi mới biết đó là các chú liên lạc đưa thông tin của tổ chức đến với ba mẹ để tiếp tục đấu tranh giành độc lập thống nhất hai miền Nam Bắc.
Ngày 3/6/1968, đông đảo chính khách và Việt kiều tại Paris ra sân bay Bretigny (Pháp) đón ông Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Paris. Ảnh: TTXVN
|
Biến cố Phật giáo 1963, sự kiện đàn áp Phật giáo 1963 của chính quyền Ngô Đình Diệm là một sự kiện đỉnh điểm cao trào đấu tranh đòi quyền tự do và bình đẳng tôn giáo của Phật giáo tại miền Nam Việt Nam. Lúc ấy, tôi vừa vào đại học. Học sinh, sinh viên khi đó rất hăng hái ủng hộ phong trào đòi quyền tự do, bình đẳng tôn giáo đã xuống đường đấu tranh. Chính quyền Ngô Đình Diệm cho cảnh sát đến đàn áp nhưng không dập tắt được cuộc đấu tranh mà buộc phải chấp nhận yêu sách, hứa giải quyết nguyện vọng của chúng tôi.
Mỗi ngày, tôi đi dự nhiều hội thảo, xuống đường biểu tình, ba mẹ lo sợ tôi bị cảnh sát bắt và tra tấn. Một hôm lên thăm nhà của người bà con, ba tôi được biết có đợt cho con em đi du học ở Pháp. Khi về, ba hỏi mẹ tôi về ý định cho tôi đi du học và nhận được sự đồng tình của mẹ. Tôi nhận thông tin này vừa lo vì sợ xa nhà đến nơi xa lạ, nhưng cũng vui vì bên Pháp có người anh họ đang học tại Paris gửi hình về rất đẹp và sang trọng.
Buổi diễu hành tại Paris ngày 1 tháng 5 năm 1975
|
Tôi còn nhớ, trước khi lên đường du học, mẹ lo và chuẩn bị cho tôi tất cả, nào quần áo, nào những món ăn vì sợ tôi bị đói không có gì ăn. Mẹ khóc rất nhiều. Đêm trước ngày khởi hành, đợi khi ba mẹ ngủ, tôi đến bàn thờ vái lạy tổ tiên như để từ giã và xin tổ tiên phù hộ cho mình được nhiều điều may mắn ở nơi đất khách; tôi cũng lạy ba mẹ ba lạy trong bóng tối để nhớ ơn sinh thành. Lúc đó tôi đã khóc.
Sang Pháp, tôi học Đại học Dược Bordeaux và tạm trú trong gia đình anh họ. Anh họ tôi cũng đã tham gia phong trào yêu nước. Qua anh, tôi biết tình hình đấu tranh của phong trào yêu nước tại Pháp và anh nhắc đến Hồ Chủ tịch - người đấu tranh giải phóng đất nước, cũng là người sáng lập Hội người An Nam yêu nước. Khi còn ở quê nhà, tôi đã biết đến tên Hồ Chí Minh là người giải phóng đất nước, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Và tôi thực sự tự hào về ba mẹ mình, khi được nghe các chú, các anh chị kể lại ba mẹ đã nằm trong lòng địch đấu tranh, không sợ nguy hiểm và hy sinh đời sống gia đình cho cách mạng.
Sau đó, tôi tham gia tích cực vào phong trào yêu nước, từ Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp và sau này khi nước nhà độc lập Bắc Nam một nhà, Hội đổi tên là Hội người Việt Nam tại Pháp cho đến ngày hôm nay.
Tôi còn nhớ đêm 29/4/1975, qua theo dõi tình hình chiến sự, tôi biết là quân Giải phóng đã tiến sát Sài Gòn. Tỉnh dậy vào 7 giờ sáng ngày 30/4, nghe tin từ radio nói xe tăng đã vào tới Dinh Độc Lập, lúc đó tôi cứ tưởng như đang nằm mơ vì không ngờ mọi việc lại diễn biến nhanh đến như vậy. Tôi bật dậy và bật khóc. Đúng lúc đó, một người bạn gọi điện đến thông báo rằng sắp sửa có tuần hành mừng chiến thắng. Tự nhiên tôi muốn ra ngoài, đi dọc phố Gobelins, nơi Bác Hồ từng sống trong thời gian hoạt động tại Pháp. Khi đến bên bờ sông Seine, cảm động quá, tôi đứng đó và lặng lẽ khóc thật lâu. Lúc đó, tôi chỉ muốn hét lên: “Đất nước độc lập rồi, dân ta được tự do rồi”. Trên đường đi, tôi hạnh phúc tràn trề và cảm tưởng như tất cả mọi người đang cười và chia sẻ với mình niềm hạnh phúc lớn lao vì miền Nam đã được giải phóng.
***
Ngày Tết nói chuyện xưa và nhớ lại một thời tuổi trẻ - một ký ức đầy sống động trải qua hai cuộc chiến tranh - để tiếp tục đồng hành cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp, có vai trò và vị thế trên trường quốc tế.
Mùa Đông Paris 2019
Nguyễn Thanh Tòng (Pháp)