26/01/2020 08:00:00 AM
Một thoáng tết Cali, tết Hà Nội trong tôi

Tôi nhận ra rằng, sự khác biệt của hai nơi, trong cùng không khí Tết, chính là con người. Và câu bố mẹ vợ tôi nói: “Không đâu bằng quê nhà, con nhỉ” thật là chí lý!

 Trên phố Hàng Mã ngày Xuân

Mỗi năm một lần, tôi về Mỹ thăm gia đình lớn của mình.

Vùng California là nơi quy tụ hơn một triệu người Việt sinh sống, và có thể nói, nét văn hóa Việt Nam còn mang đậm nhất. Tôi từng ở Mỹ hơn 30 năm, nhưng từ năm 2013, tôi quyết định về Việt Nam sống và làm việc.

Năm nay, tôi về đúng vào dịp lễ Tạ ơn (Thanksgiving), tiếp đó là lễ Giáng Sinh rồi năm mới. Một chuỗi lễ hội liên tục kéo dài từ cuối tháng 11 đến hết năm.

Những ngày lễ buồn chán trong gia đình ở California

Cả nhà tôi đều ở Mỹ đã trên 30 năm. Mỗi gia cảnh mỗi khác. Bố mẹ tôi không hợp tính nhau, nên bố ở với gia đình chú em, mẹ tôi ở với cô em gái. Mỗi thành phố cách nhau 45 phút lái xe. 5 anh chị em tôi, mỗi gia đình nhỏ đều có một cuộc sống riêng. Người ở California, người ở Texas, thi thoảng lắm mới có dịp thăm nhau. Tôi xin nói lòng vòng như vậy để bạn đọc có thể hiểu được một chút về không khí lễ tết trong gia đình một người Việt ở Mỹ là thế nào.

 Thương xá Phước Lộc Thọ ngày giáp Tết

Sự hiện diện của tôi trong mấy tuần ở Mỹ dường như không tạo ra sự khác biệt nhiều với sự tất bật của người thân trong gia đình. Dù là mấy ngày nghỉ lễ Tạ ơn, nhưng ai nấy đều quá bận rộn cho những việc phải lo. Người lớn thì lo dọn nhà, mua sắm đồ dùng cần thiết trong ngày Black Friday, có một chút vui vẻ bên nhau. Trẻ con thì bận túi bụi cho việc học thêm hay sinh hoạt đoàn thể. Dường như những ngày nghỉ của họ càng bận rộn hơn bao giờ hết. Việc dành cho nhau một bữa ăn gia đình thật là hiếm hoi. Gần như là không có. Tôi dành nhiều thời gian để qua lại thăm bố mẹ tôi, mỗi lần đi về hai nơi, tôi suy nghĩ rất nhiều về tình cảnh của bố mẹ mình. Nhà ở Mỹ thì rộng, nhưng cả bố lẫn mẹ tôi đều tự nhốt mình trong mỗi căn phòng khoảng 15m2. Con cháu đi làm đi học suốt ngày. Xung quanh hàng xóm vắng lặng. Cuối tuần, con cháu mới cho đi chợ một lần, đi nhà thờ một lần. Có dịp cùng đi với các cụ, tôi thấy bố mẹ tôi vui như đứa trẻ được quà. Ông bà mải mê tìm món này món nọ như không muốn dứt ra về. Khổ, các cụ trên 80 tuổi có nỗi buồn không tả xiết. Bố mẹ tôi thích những món ăn Việt, nên cứ muốn mua những gia vị, thực phẩm có chất Việt, nhưng lại không phù hợp với thực đơn của những đứa trẻ, nên các cụ đành phải im lặng thở dài!

Trong gia đình, khác biệt giữa người già và người trẻ khiến những cãi vã vụn vặt diễn ra thường xuyên, không có hồi kết thúc. Thế hệ bố mẹ và con cháu có quá nhiều khác biệt. Chính hai cụ cũng không cùng quan niệm sống với nhau.

Chuyện nhà thật chán. Những ngày nghỉ ở California thật dài…

Lang thang phố Việt ngày lễ hội

Chán ở nhà, tôi lang thang vào các khu mua sắm của người Việt như khu Bolsa, Thương xá Phước Lộc Thọ (Asian Mall), khu phố Westminster, Garden Grove, Santa Ana, nơi quy tụ nhiều chợ, hàng quán của người Việt. 

 Khu mua sắm của người Việt ở California

Các ngôi chợ Việt đầy ắp hàng Việt nhập từ Việt Nam. Made in Vietnam! Kể cả cái mùi thực phẩm nồng nồng trong các khu bán hải sản, bán nông thực phẩm nhập từ Việt Nam khiến tôi cảm thấy gần gũi và thân thương đến lạ lùng. Dường như cái phần hồn Việt nó lẩn quẩn đâu đó trên những bao bì, hình ảnh vùng miền, đặc sản quê hương được bày bán khắp nơi. Và thấp thoáng đâu đó những tiếng nói Mỹ Việt lẫn lộn trong từng nhóm người già trẻ đi mua sắm cũng làm nên chút gì đó thật là mới lạ. 

Các chợ Việt ở Mỹ, sau ngày lễ Tạ Ơn, cũng bắt đẩu chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh và năm mới với nhiều nét Á Đông. Những gói bánh mứt, phần lớn là đặc sản quê hương như cà phê G7, bánh mứt miền Tây, kẹo bánh khắp các vùng miền, trà Thái Nguyên… bày nhan nhản. Tôi như lạc vào trong một khu chợ ở Việt Nam, chứ không phải ở Mỹ!

Dừng chân trò chuyện với mấy bác lớn tuổi đi chợ, khi biết tôi vừa từ Việt Nam về Mỹ thăm gia đình, họ đều hỏi thăm chuyện quê nhà. Nhiều bác khá lâu rồi không về thăm quê hương. Có người 10 năm, 20 năm, thậm chí từ năm 1975 chưa từng về! Ai nấy đều háo hức hỏi chuyện này chuyện nọ, kể lể hoàn cảnh riêng không về được. Có một bác là cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa nói vẫn còn e dè chuyện chính trị, nên dù muốn nhưng chưa về được. Cũng có bác vì hoàn cảnh con cái, vì điều kiện kinh tế không dư giả; lại có người vì sức khỏe yếu, ngại đường xa không kham nổi 20 giờ ngồi trên máy bay.

Điều chung nhất là niềm khao khát của họ về những ngày Tết xum vầy đoàn viên ở quê hương. Những ngày ấy như những kỷ niệm thật đẹp, thật lộng lẫy trong ký ức của mỗi người. Có bác nói chuyện lễ Tết còn rơi nước mắt: “Thèm ngửi mùi bánh chưng vớt lên từ nồi bánh đêm Giao thừa quá!” hay “Cái mùi hương trầm trong mấy đình chùa đêm Mùng 1 sao mà nhớ thế!”

Nghe tâm sự của mấy bác già ở California thèm ăn Tết ở Việt Nam mà không được, tự dưng tôi thấy thương cho các bác, và thương cho cả bố mẹ mình!

Những câu chuyện buồn trong gia đình, đến tâm cảm của các bác khiến tôi bỗng thấy mình lạc lõng giữa đất California quá, nên thay vì ở lại qua năm mới, tôi quyết định từ giã gia đình lớn để về lại Việt Nam sớm hơn dự định.

 Du Xuân làng hoa Nghi Tàm

Niềm vui đón Tết ở Việt Nam

Chuyến bay dài từ Los Angeles đưa tôi về Hà Nội không còn dài như tôi vẫn ngại. Sự háo hức về với gia đình nhỏ của tôi ở Việt Nam càng khiến tôi cảm nhận đường bay như ngắn lại nhiều lắm.

Tôi về với vợ và con trai 10 tuổi, với bố mẹ và anh chị bên vợ trong niềm hân hoan hơn lúc nào hết.

Cả nhà đón tôi ở phi trường Nội Bài trong những vòng ôm thật chặt. Những tình thân gia đình ấm áp tôi cảm nhận qua những thăm hỏi ríu rít. Con trai tôi đòi quà, xin ba dẫn đi chơi hàng Mã đến xem đồ chơi ngày Tết. Một nguồn tình cảm thật chan chứa trong từng câu chuyện ở bữa ăn đoàn viên bên những món ăn thuần Việt sao mà đậm đà. Bố mẹ vợ tôi nghe tôi kể chuyện buồn California, hai cụ đều xuýt xoa thương cảm. “Chẳng đâu bằng quê nhà, con nhỉ” hai cụ nói với tôi. Bữa ăn gia đình đông đủ bố mẹ, anh chị dâu rể, các con cháu, còn có thêm cả các cậu mợ cùng đến, kéo thêm thành 2 mâm lúc nào cũng đầy tiếng cười! Những ly rượu được rót ra, tiếng mời, tiếng chúc nhau ồn ào vui vẻ. Không khí gia đình rộn ràng. Tôi chợt chút so sánh hai không khí gia đình lớn của mình ở California và Hà Nội, sao mà khác nhau thế.

Vợ chồng tôi có một đêm mặn nồng, thủ thỉ kể nhiều chuyện buồn vui của chuyến đi lần này cho nhau nghe. Vợ tôi nói tôi khuyên bố mẹ nên về Việt Nam sống cho vui vẻ tuổi già, chứ cái cảnh buồn bã bên xứ người sao mà rùng rợn quá! Tôi rất tán đồng ý kiến của nàng. Và muốn thuyết phục bố mẹ tôi ngay ngày mai!

Hôm sau, tôi dậy thật sớm vì chưa quen giấc ngủ thay đổi, rủ con trai cùng xuống phố. Đi xe máy qua cầu Chương Dương, tôi cảm thấy một niềm vui đang len lỏi. Một niềm vui rất lạ! Tôi không thấy khó chịu như vẫn khó chịu với dòng người, xe chen chúc nhau qua cầu. Tôi bỗng thấy trong cái đám đông tất bật như kiến lũ lượt chen nhau từng chút một, sự gần gũi chung đụng đáng yêu(!), không lạnh lẽo xa cách như ở California. Dường như cuộc sống đã thay đổi trong tôi sau một chuyến đi về Mỹ.

Hai ba con ăn phở Lý Thái Tổ. Vị phở tôi thấy ngon hơn bình thường. Gia vị cũng ngon hơn, đậm đà hơn ở Mỹ. Vì nó rất Việt!

Rủ nhau vào khu chợ Đồng Xuân, dạo một vòng khắp phố cổ, đến Hàng Mã để con trai chọn đồ chơi, tôi miên man suy tưởng về không khí sống và mùa lễ tết ở hai nơi. Cậu con trai vô tư ngắm chọn đồ chơi, nó đâu biết rằng ba nó đang say sưa, đắm chìm trong hạnh phúc được trở về quê hương với một tâm thế mới.

Những món hàng đón Giáng Sinh, đón năm mới 2020 đầy màu sắc ở phố Hàng Mã không làm tôi thấy nhức mắt, mà ngược lại, tôi thấy thật là vui mắt. Tôi thầm nhủ, phải rủ vợ tôi cùng đi chơi Bờ Hồ, đi dạo phố Tràng Tiền, thăm Nhà thờ Lớn, thăm Cầu Long Biên… Tôi sẽ nói với nàng rằng, em muốn chụp bao nhiêu ảnh anh cũng chiều, không nhăn nhó như trước. Tôi muốn nói với vợ tôi rằng, sau chuyến đi Mỹ về, anh thấy gia đình nhỏ của mình không cần đi đâu hết, cứ ở lại quê hương mà tận hưởng niềm vui của đời sống. Vì hiện nay, đời sống của vợ chồng tôi ở Việt Nam tuy không giàu có, nhưng khá ổn. Đời sống êm đềm nhẹ nhàng, thoải mái, không bon chen. Điều quan trọng nhất là tình người với nhau luôn tràn đầy tình cảm. Mùa xuân đang đến thật gần, hơi hướng Tết ở quê nhà rộn ràng trên các kênh truyền hình, quảng cáo, hàng quán, phố xá. Hà Nội chuẩn bị mừng xuân mới với nét đằm thắm sâu sắc. Mọi gia đình, dù giàu hay nghèo, cũng đang hướng đến Tết bằng tất cả những gì có thể. Nên, ăn Tết ở Việt Nam là hưởng trọn vẹn tất cả những gì tinh túy văn hóa nhất của người Việt.

Tôi nhận ra rằng, sự khác biệt của hai nơi, trong cùng không khí Tết, chính là con người. Và câu bố mẹ vợ tôi nói: “Không đâu bằng quê nhà, con nhỉ” thật là chí lý!

Nguyễn Quang Trường (Hoa Kỳ)

(tạp ghi)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Ngày Tết nói chuyện xưa (21/01/2020)
  • Những vần thơ thao thức (20/11/2019)
  • Từ Hoa Kỳ nghĩ về đổi mới giáo dục Việt Nam (08/11/2019)
  • Nghị quyết 36 và một nhà báo người Mỹ gốc Việt (04/10/2019)
  • Nghị quyết 36 và một nhà báo người Mỹ gốc Việt (04/10/2019)
  • Chuyện người chiến sĩ (30/09/2019)
  • Hương quê (18/09/2019)
  • Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu (11/09/2019)
  • Nhật ký của Linh (28/08/2019)
  • Đình làng tôi (26/07/2019)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Chủ tịch nước gặp gỡ đại diện các thế hệ người Việt Nam tại Nhật Bản
Đoàn đại biểu Phật giáo An Nam tông Thái Lan thăm Việt Nam
Chủ tịch nước thăm cộng đồng người Việt Nam tại khu vực Kyushu của Nhật Bản
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thăm bà con gốc Việt tại Campuchia
Đoàn đại biểu Phật giáo An Nam Tông thăm tỉnh Quảng Ninh
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với kiều bào
Đồng hành cùng kiều bào, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang