06/11/2016 03:10:00 PM
Môi trường, Đời sống và Phát triển bền vững

LTS: Môi trường là nền móng của sự sống trên Trái Đất. Nếu để mất định hướng môi trường trong xây dựng và phát triển thì không những mục tiêu phát triển bị sụp đổ nhanh chóng, mà còn tác hại trầm trọng đến nhiều khía cạnh về an toàn đời sống của con người và các sinh vật khác. Bài viết của Tiến sĩ Khoa học Đặng Trung Phước - Chủ tịch Hiệp hội bảo tồn Sinh vật đa dạng Quốc tế (Canada) trình bày những cấu trúc cơ bản của môi trường một cách đơn giản, dễ hiểu và đóng góp một số giải pháp hữu ích cho sự phát triển môi trường bền vững của TP Hồ Chí Minh.

Quyết tâm xây dựng TP Hồ Chí Minh thành một thành phố tiên tiến và hiện đại có tầm cỡ khu vực là một hướng đi rất đúng đắn, thiết thực. Tuy nhiên, môi trường luôn luôn phải là dữ kiện đầu tiên và đồng hành với các bước đi trong tiến trình xây dựng trong hiện tại và tương lai. Điều này không chỉ áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh mà cho tất cả những công trình xây dựng bất kỳ ở đâu trong nước.

 Rừng ngập mặn Cần Giờ - lá phổi xanh của Thành phố Hồ Chí Minh

Sự đa dạng của sinh vật gắn liền với sự tồn vong môi trường

Môi trường có nghĩa rất rộng, diễn tả một tập hợp của một số điều kiện lý hóa ở mọi vùng trong vũ trụ. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng ta chỉ đề cập đến môi trường trên Trái Đất, đặc biệt là môi trường liên quan đến sự sống.

Cách đây hơn 4 tỷ năm, khi Trái Đất đang nguội dần và hơi nước có thể cô đọng thành sông, hồ, biển cả, môi trường trong thời điểm này hoàn toàn không có sự sống - gọi là môi trường vô sinh, bao gồm: nước, khí quyển, áp suất, trọng lực, nhiệt độ, ánh sáng, thời gian đêm ngày, phóng xạ, từ trường, địa hình... Môi trường vô sinh tiếp tục diễn biến hàng trăm triệu năm do tác động của ánh sáng, tia cực tím (UV) và những tia xạ vũ trụ, nhiệt độ và nhiều yếu tố khác cho đến thời điểm một vài điều kiện thuận lợi cho sự sống được hình thành và tồn tại cho đến ngày nay.

Sự đa dạng của sinh vật là điều kiện thiết yếu cho sự tồn vong của sự sống trên trái đất. Nó giúp sinh vật có khả năng thích ứng để sinh tồn gần như trong mọi tình huống của môi trường.

Sinh vật đa dạng đã tạo dựng ra môi trường và cũng là thành quả của sự tạo dựng này. Thật vậy, môi trường gồm có hai thành phần riêng biệt: thành phần vô sinh (abiotic) và thành phần hữu sinh (biotic). Hai thành phần vô sinh và hữu sinh có sự tương quan rất chặt chẽ và liên tục trong tiến trình tiến hóa và đa dạng hóa của sinh vật và của môi trường.

Thành phần vô sinh gồm có các cấu trúc lý hóa như nước, đất, không khí, nhiệt độ, trọng lực, áp suất, ánh sáng mặt trời, khoảng thời gian đêm ngày, từ trường, khí hậu và 2 yếu tố đặc biệt ôxy và vành đai ozone. Hai yếu tố vô sinh này là sản phẩm của thành phần hữu sinh.  

Thành phần hữu sinh gồm tất cả các loài sinh vật. Thành phần này cũng có sự liên hệ mật thiết với thành phần vô sinh, trong đó: (i) ôxy và vành đai ozone trong tầng khí quyển là 2 yếu tố vô sinh trụ cột. Vành đai ozone trên thượng tầng khí quyển với chức năng ngăn chặn những tia xạ vũ trụ cực nguy hại và tia cực tím (UV) xâm nhập vào tầng sinh quyển bên dưới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự sống. Hai yếu tố trụ cột này không những đã tạo điều kiện cho sự sống tiến hóa vượt bậc, từ sinh vật đơn bào lên sinh vật đa bào và sinh vật đa bào tiến lên đất liền, phân tán khắp nơi kể cả tầng khí quyển cho đến ngày nay; (ii) đường carbohydrate (thức ăn hữu cơ cho mọi sinh vật) do cây xanh tổng hợp từ chất vô cơ (khoáng chất) trong thành phần vô sinh.

Tác hại gây ô nhiễm một trong hai thành phần trên hoặc cả hai sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường. Những sự cố ô nhiễm môi trường chỉ xảy ra khi lượng ô nhiễm (chất thải, hóa chất nguy hại…) trở nên quá tải, ngoài khả năng hóa giải hoặc thích ứng để sống sót của sinh vật. Các nguồn ô nhiễm tác hại môi trường hầu hết là do những hoạt động của xã hội loài người gây nên.

Môi trường và sự phát triển của TP Hồ Chí Minh

Gần đây, sau sự cố ô nhiễm môi trường Formosa, đã bắt đầu xuất hiện trên các truyền thông khẩu hiệu “Kiên quyết không đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” của các lãnh đạo Nhà nước, trong đó có lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Đây là một khích lệ, song cũng là một sự kiện cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý môi trường khắp các miền đất nước trong thời gian trước vụ việc Formosa.

Một thành phố tiên tiến, hiện đại và văn minh phải là một thành phố xanh thực sự. Do đó, TP Hồ Chí Minh nên tích cực đầu tư phát triển môi trường với một định hướng ổn định môi trường, trong đó các nguồn chất thải, trong vòng 10 năm, phải được xử lý 100%. Thêm nữa, nỗ lực gây dựng lại các khu rừng đồng bằng Nam Bộ nên có trong lịch trình phát triển thành phố vì nguồn sinh vật đa dạng của loại rừng này là cốt lõi của thành phần hữu sinh của môi trường trong địa hạt TP Hồ Chí Minh trước đây. Một lợi thế cho nỗ lực này là nguồn sinh vật đa dạng của rừng đồng bằng Nam Bộ vẫn còn tồn tại trong khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên cách TP Hồ Chí Minh khoảng 60 km về phía Bắc.

Để bảo vệ thành phần vô sinh, cần xử lý các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, y tế và sinh hoạt. Cho đến thời điểm hiện tại, không riêng TP Hồ Chí Minh, mà nhiều thành phố khác trong cả nước, trong đó có thủ đô Hà Nội, vẫn đang phải đối mặt nghiêm trọng với ô nhiễm từ mọi nguồn chất thải (công nghiệp, nông nghiệp, y tế và sinh hoạt). Hầu hết những chất thải này được xả thẳng vào môi trường, gây nên ô nhiễm môi trường trầm trọng. Sự cố cá chết ở Hồ Tây (Hà Nội) hay sự cố cá chết ở kênh Nhiêu Lộc và sông Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) vừa qua, là những biểu hiện báo động.

Xây dựng các hệ thống tập trung xử lý nước thải ở TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn đang được khẩn trương triển khai. Đây là một điều đáng khích lệ và tạo tiền đề mở ra một tương lai tốt.

Để bảo vệ thành phần hữu sinh, cần bảo vệ nguồn sinh vật đa dạng. TP Hồ Chí Minh có một cộng đồng sinh vật đa đạng rất phong phú bao gồm 1.515 loài thực vật và gần 600 loài động vật. Trung tâm TP Hồ Chí Minh cũng là nơi tập trung nhiều cây quý, cao, to, trên trăm tuổi. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là một hệ sinh thái rừng ngập mặn quan trọng, tọa lạc trong địa hạt thành phố, gồm nhiều loài động thực vật duy biệt. Khu sinh quyển này luôn được tự hào là lá phổi xanh của thành phố. Tuy nhiên, ô nhiễm từ các nguồn chất thải chưa xử lý đang liên tục đổ vào sông Sài Gòn và rừng ngập mặn Cần Giờ đe dọa cho sự sinh tồn của khu sinh quyển và các sinh vật bản địa trong vùng.

TP Hồ Chí Minh đã có chương trình hành động về bảo tồn sinh vật đa dạng cho giai đoạn 2015-2020 nhưng chỉ hoạt động giới hạn vì ngân quỹ của chương trình quá hạn hẹp.

Ô nhiễm sinh vật ngoại lai là một nguồn ô nhiễm rất nguy hại, nhất là những loài ngoại lai này lại được cấy trồng lan tràn. Hai cây ngoại lai là keo và bạch đàn được trồng khắp mọi nơi hoàn toàn không quy hoạch, chung quanh thành phố (nếu không nói là khắp cả nước) và được “mị gọi là rừng” để che đậy cái sai của sự trồng rừng không đúng nghĩa của nó. Đây là một sai lầm to lớn về môi trường. Nhiều khu rừng nguyên sinh bị đốn bỏ để trồng keo, bạch đàn làm kinh tế là điều nghịch lý tột cùng. Rừng keo ngoại lai đơn loài đang thay thế rừng bản địa mà tổ tiên gọi là “rừng vàng” với nguồn sinh vật đa dạng to lớn gồm hàng ngàn cây quý, trong đó có những thảo dược chưa được định tên và bao nhiêu sinh vật bản địa như: chim muông, khỉ, vượn, voọc, các loài bò sát, cóc, ếch, côn trùng… Thay thế “rừng vàng” nguyên sinh, phong phú và đa dạng thành rừng keo, bạch đàn đơn loài và nghèo nàn là một điều mà Nhà nước phải kiểm định và quy hoạch chặt chẽ. Động vật bản địa là chim muông, khỉ, vượn, côn trùng… không thể sống trong rừng keo và rừng bạch đàn vì keo và bạch đàn không phải là thức ăn của chúng. Rừng keo còn làm gián đoạn sự liên hệ và kết nối trao đổi gien của động thực vật ở các vùng của đất nước, gây suy thoái môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên sinh vật đa dạng quý báu, ngay cả đẩy nhiều sinh vật xuống hố diệt chủng.

 Cần xử lý các nguồn chất thải đổ vào sông Sài Gòn gây ô nhiễm môi trường

Một số kiến nghị

Hai thành phần của môi trường là thành phần hữu sinh và thành phần vô sinh là 2 thành phần không thể tách rời vì chúng có một sự tương quan rất mật thiết trong suốt 4 tỷ năm hành trình tạo dựng và tiến hóa. Do đó, nỗ lực bảo vệ 1 trong 2 thành phần đều là nỗ lực bảo vệ môi trường. Mong vài ý kiến liệt kê sau đây có thể đóng góp một số hữu ích trong sự phát triển bền vững TP Hồ Chí Minh và những nơi khác lấy môi trường làm nền móng:

Thứ nhất, môi trường phải là viên gạch đầu tiên trong bất cứ công trình xây dựng nào. Cấu trúc hạ tầng về môi trường phải được quy hoạch, xây dựng và giám sát đúng chuẩn định trước khi được phép triển khai xây cất.

Thứ hai, cần huấn luyện và thiết lập một đội ngũ nhân sự thông thạo, sẵn sàng nghiêm túc làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường;

Thứ ba, tiếp tục dùng chuyên viên nước ngoài là bước đi không bền vững, cần đào tạo chuyên viên kỹ thuật về môi trường hoặc thuyết phục kiều bào có kinh nghiệm, trình độ trong lĩnh vực này để đảm nhiệm trọng trách thiết kế và vận hành hệ thống xử lý nước thải.

Thứ tư, lãnh đạo nếu không phải là chuyên gia môi trường vừa nên tự tìm hiểu tường tận và vừa nên được cố vấn cặn kẽ để hiểu và có những quyết định phù hợp trong phát triển môi trường. 

Thứ năm, cần giáo dục học đường từ lớp nhỏ nhất về môi trường và đời sống để tạo ý thức và sự hiểu biết về môi trường.

Thứ sáu, bảo vệ sinh vật đa dạng chính là bảo vệ phần nòng cốt của môi trường; không có sinh vật đa dạng, môi trường sống trên Trái Đất sẽ bị sụp đổ nhanh chóng. 

Thứ bảy, cần bảo vệ sinh vật đa dạng bản địa. Nên khẩn trương quy hoạch trồng cây keo và cây bạch đàn theo vùng ấn định từ Bắc vào Nam; Nghiêm cấm đốn rừng nguyên sinh “rừng vàng” để trồng keo “rừng rác”; Cấm trồng keo trong những sinh môi duy biệt như sa mạc vì có rất nhiều sinh vật duy biệt bản địa sống trong những sinh môi này; Khuyến khích dùng cây bản địa để phủ xanh những nơi cần phủ xanh.

Thứ tám, gây dựng lại các rừng đồng bằng Nam Bộ. Đề nghị thiết lập vành đai xanh cho TP Hồ Chí Minh để: (i) tạo dựng lại thành phần hữu sinh tầm cỡ lớn cho môi trường thành phố; (ii) tái thiết nguồn sinh vật đa dạng của môi trường rừng Nam Bộ, nếu có thể, trong thời điểm đầu thế kỷ 20; (iii) góp phần bảo vệ nguồn “gien” sinh vật đa dạng cho Tổ quốc.

Đặng Trung Phước (Canada)

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang