05/05/2017 09:20:00 AM
Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trên vùng biển đảo quê hương

Trên hành trình đến với Trường Sa, tàu KN 491 đã thả neo tại khu vực vùng biển gần đảo Cô Lin và khu vực gần nhà giàn DK1/11, Đoàn công tác số 8 đã làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa, các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Chiều ngày 29/4, sau khi đoàn thăm cán bộ chiến sĩ đảo Cô Lin, tại khu vực gần đảo, đoàn đã làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Tại khu vực vùng biển này, 29 năm về trước, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu. Với tinh thần yêu nước cháy bỏng, ý chí bất khuất quật cường, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên vùng biển này. Các anh đã anh dũng chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, vì độc lập và sự trường tồn của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Với tình cảm tiếc thương vô hạn những người con đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc, Đoàn công tác số 8 đã tổ chức lễ tưởng niệm trên con tàu KN 491.

Trong khói hương trầm nghi ngút, đại tá Nguyễn Xuân Thanh xúc động đọc lời tưởng niệm: “... Dẫu biết rằng vinh quang nào mà chẳng có mất mát, hy sinh, hạnh phúc nào mà không phải đổi bằng máu xương, mồ hôi và nước mắt. Sự dâng hiến của các anh đã góp phần làm nên giá trị thiêng liêng của non sông đất nước, tinh hoa gấm vóc của dân tộc. Các anh ra đi thật thanh thản và rất đỗi vinh quang. Song để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nổi nhớ không nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con đang ngày đêm đau đáu bên cánh cửa đợi trông, mong các anh về”. Trên gương mặt rưng rưng xúc động của các đại biểu, nước mắt tuôn trào trên gò má rám nắng sau những ngày đến với Trường Sa. Trời đã về chiều nhưng nắng vẫn tỏa sáng trên cả vùng biển, đem hơi ấm đến với các anh. Các thế hệ người dân Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước, ngàn đời sau vẫn nhớ các anh, vẫn luôn song hành với các anh dù dưới kia xa lắm, sâu lắm, lạnh lắm...

Bạn Nguyễn Lan Chi (kiều bào tại Slovakia) sau khi tham dự buổi lễ chia sẻ: “Trong chuyến hành trình về thăm Trường Sa, được tham dự buổi lễ này, em cảm thấy mình thật nhỏ bé trước sự hy sinh lớn lao của các chiến sĩ. Trước đó, khi được thắp hương cho mộ các liệt sĩ tại đảo Nam Yết, em rất xúc động và thương cảm bởi các anh hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Hôm nay được dự lễ tưởng niệm tại vùng biển Cô Lin, được nghe về tấm gương hy sinh anh dũng của người chiến sĩ Hải quân bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, em càng thấy mình phải có trách nhiệm nhiều hơn đối việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”.

Bác Lê Thị Tuyết Thế chia sẻ "Gặp anh em sống trên đảo, tôi thấy vô cùng xúc động; nghe về sự hy sinh anh dũng tại những lễ tưởng niệm tôi không cầm được nước mắt vì các anh đã hy sinh để chúng ta có ngày hôm nay. Dù chúng tôi ở nước ngoài nhưng vẫn luôn luôn hướng về đất nước. Đất nước kêu gọi, chúng tôi luôn sẵn sàng”.

Ngày 2/5, tại vùng biển Tư Chính, thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, chiều càng nắng gay gắt hơn, biển như xanh thêm, đoàn công tác số 8 tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên vùng biển phía Nam Tổ quốc. Hơn 200 thành viên của đoàn công tác số 8 bùi ngùi xúc động, tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh nằm lại biển khơi vì sự bình yên và toàn vẹn chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Xuân Thanh, Cục Chính trị Hải quân, đã thay mặt đoàn công tác một lần nữa lại xúc động nghẹn ngào đọc những dòng tưởng niệm tới anh linh những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc thân yêu.

Trong 28 năm qua, kể từ ngày Nhà nước ta thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam (ngày 05/7/1989), các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân chủng Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DK1 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã gác lại những tình cảm riêng tư, gác lại bao hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ để có mặt, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt này và đã có những tấm gương hy sinh. Không thể nào quên sự hung dữ và sức tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương vào những năm 1990, 1996, 1998 và năm 2000 đã làm đổ một số Nhà giàn - nơi cán bộ, chiến sỹ Hải quân đang có mặt thực hiện nhiệm vụ... Cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông chiều 4/12/1990,  khiến nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sỹ xuống biển, 3 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Các Thượng uý Phạm Tảo, Thượng úy Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sỹ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền.... đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, dũng cảm hy sinh thân mình tìm kiếm, cứu vớt đồng đội bị nạn mà không một chút ưu tư, suy tính.

3 hồi còi một lần nữa lại vang lên, hương, hoa và cả những dòng tâm niệm, khấn cầu của hơn 200 thành viên trong đoàn công tác đã được thả theo dòng nước, hòa tan vào biển gửi tới các anh, những chiến sỹ kiên trung, những người con của dân tộc mà xác thân đã hòa với biển, linh hồn sống với biển, bảo vệ chủ quyền của dân tộc.

Cảm xúc của chúng tôi càng được dâng trào khi nhìn về phía nhà giàn – những cán bộ chiến sỹ đang đứng nghiêm trang, kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm đồng đội mình dưới biển sâu.

Tàu KN 491 nhổ neo, đưa đoàn công tác về lại vùng biển Vũng Tàu. Từ trên boong tàu KN 491, chúng tôi vẫn hướng mắt về phía nhà giàn DK1. Giữa biển trời mênh mông, chỉ có gió biển và mây trời, nhà giàn DK1 vẫn hiên ngang sừng sững, vững chãi đứng nơi khơi xa gió lộng như chính niềm tin của chúng tôi - những con dân đất Việt gửi về cho các anh – những cán bộ chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió son sắt một lòng gìn giữ biển trời quê hương.

Phương Linh

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang