06/11/2020 03:36:00 PM
Kỷ niệm 40 năm trường số 14 ở thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ mang tên Hồ Chí Minh

Ngày 5/11, tại thủ đô Ulan Bator, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ phối hợp với Trường số 14 mang tên Hồ Chí Minh, tổ chức kỷ niệm 40 năm trường này mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại sứ Việt Nam Đoàn Thị Hương, Đại sứ Cu Ba, Đại sứ Lào tại Mông Cổ; đại diện Hội Hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam, Hội Nhà văn Mông Cổ, Hội Du học sinh Mông Cổ tại Việt Nam và đông đảo giáo viên, học sinh Trường số 14 mang tên Hồ Chí Minh cùng cộng đồng người Việt tại Mông Cổ đã đến dự trong niềm xúc động, tự hào.

 Bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” do các cháu học sinh trường số 14 mang tên Hồ Chí Chí Minh biểu diễn làm buổi lễ càng xúc động và ý nghĩa

Trường mang tên Hồ Chí Minh là niềm tự hào của hai dân tộc

Trường phổ thông số 14 được thành lập năm 1949 - là một trong những trường đầu tiên của TP Ulan Bator và là một trong những nơi đào tạo nhân tài cho đất nước Mông Cổ. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14/5/1980, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ đã ra quyết định cho phép Trường phổ thông số 14 được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và từ đó đến nay trường số 14 trở thành cầu nối quan hệ Việt Nam - Mông Cổ.

Năm 2009, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau đó là Phòng Truyền thống Hồ Chí Minh được xây dựng trong khuôn viên của Trường. Hàng năm, Trường đã tổ chức nhiều sự kiện nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn của Việt Nam như sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc khánh 2/9… đồng thời tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, tìm hiểu về lãnh tụ Hồ Chí Minh, về quê hương, đất nước, con người Việt Nam.

Đọc diễn văn chào mừng tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Đoàn Thị Hương đã điểm lại những dấu mốc quan trọng, cũng như những thành tích của nhà trường đạt được trong 40 năm qua. Đại sứ nhấn mạnh, nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các đoàn công tác của Việt Nam đã đến thăm trường, viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trường đã được Nhà nước Việt Nam hai lần tặng Huy chương Hữu nghị. Nhiều đoàn đại biểu của trường đã thăm Việt Nam, nhiều học sinh của trường đã được cử sang Việt Nam học tập; trường còn kết nghĩa với trường Chu Văn An (Hà Nội),… Những hoạt động đó đã góp phần tăng cường mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc, hai đất nước -  Ngôi trường là niềm tự hào chung của hai dân tộc.

“Và hôm nay trường vinh dự được đón nhận bằng khen của Bộ tưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, đó là minh chứng cho sự phấn đấu và những đóng góp to lớn của thầy, trò nhà trường vào việc vun đắp cho quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Mông Cổ ngày càng phát triển sâu sắc”, Đại sứ Đoàn Thị Hương khẳng định.

Đại sứ mong thầy, trò của nhà trường tiếp tục phấn đấu không ngừng để giữ vững là ngôi trường hàng đầu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng đất nước Mông Cổ ngày càng giàu mạnh; xứng đáng với ngôi trường mang tên vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Đại sứ đề nghị, nhà trường sớm triển khai các thủ tục cần thiết cho việc xây dựng công trình Nhà Văn hóa Việt Nam, để nơi đây trở thành trung tâm quảng bá, lan tỏa văn hóa Việt Nam đến với người dân Mông Cổ.

Thay mặt giáo viên, học sinh Trường số 14 mang tên  Hồ Chí Minh, phát biểu tại lễ kỷ niệm, Hiệu trưởng E. Gungaajav, bày tỏ sự xúc động và niềm tự hào về ngôi trường được mang tên Hồ Chí Minh. Hiệu trưởng E. Gungaajav nhấn mạnh, Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ ngày 14/5/1980, cho phép Trường phổ thông số 14 được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bước ngoặt, một dấu son trong lịch sử phát triển của nhà trường.

Trong suốt 40 năm qua thầy, trò của trường luôn phấn đấu là trường hàng đầu của Mông Cổ, đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Nhiều học sinh trưởng thành từ ngôi trường này đã trở thành lãnh đạo cấp cao của Mông Cổ.

“Nhà trường luôn được Chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất; tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh sang Việt Nam tham quan, học tập – Đó là nguồn động viên, khích lệ rất lớn cho thầy, trò nhà trường. Những thành tích của thầy, trò đạt được trong 40 năm qua có sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và Đại sứ quán Việt Nam. Nhân dịp này thay mặt thầy, trò nhà trường, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ và Đại sứ quán Việt Nam” - Hiệu trưởng E. Gungaajav một lần nữa nhấn mạnh.

 Thừa ủy quyền của Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ Đoàn Thị Hương trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho trường số 14 mang tên Hồ Chí Minh

Tại lễ kỷ niệm, theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ Đoàn Thị Hương đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho trường số 14 mang tên Hồ Chí Minh và trao giải thưởng cho các cháu học sinh đạt giải trong cuộc thi “Vẽ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm trường số 14 mang tên Hồ Chí Minh” do Đại sứ quán và trường phát động.

Được giảng dạy, học tập tại trường mang tên Hồ Chí Minh là vinh dự lớn

Chia sẻ về cảm xúc của mình trong lễ kỷ niệm, Hiệu trưởng E. Gungaajav cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới và là người bạn thân thiết của nhân dân Mông Cổ. Được giảng dạy, học tập trong ngôi trường mang tên Hồ Chí Minh là một vinh dự lớn đối với tập thể giáo viên, học sinh. Nhưng cũng đặt ra cho thầy trò trách nhiệm lớn để xứng đáng với vinh dự đó.

Cũng như thầy Hiệu trưởng, cô giáo G. Bayartsengel bày tỏ, “Tôi rất tự hào được giảng dạy trong trường có bề dày truyền thống mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Sự có mặt của Đại sứ cùng rất nhiều người Việt trong lễ kỷ niệm của trường hôm nay cho thấy Chính phủ, người dân Việt Nam rất yêu quý mái trường này. Và điều đó như nhắc nhở tôi phải cố gắng làm tốt công việc giảng dạy để xứng đáng với niềm tin yêu của các bạn Việt Nam.

Còn học sinh lớp 9, B.Erdene, có góc nhìn về ngôi trường rất hồn nhiên. Khi được hỏi, cháu nghĩ thế nào mình học trong ngôi trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh? Nở nụ cười tươi rói, B.Erdene nói: “ Trường cháu rất đẹp, hiện đại, có phòng máy vi tính, có phòng học nhạc, có sân bóng trong nhà, ngoài trời…thầy, cô giỏi…hàng năm có 3 chỉ tiêu học bổng học đại học của Việt Nam. Năm nào nhà trường cũng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam, các thầy, cô giáo kể cho chúng cháu rất nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Hà Nội, về làng quê Việt Nam… cháu hình dung Việt Nam rất đẹp. Cháu mơ ước được sang Việt Nam học tập”.

Lê Chiên (Mông Cổ)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang