04/11/2016 02:51:00 PM
Khoa học công nghệ - Động lực phát triển TP Hồ Chí Minh

Đảng và Nhà nước ta nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng, có chủ trương lớn coi khoa học và công nghệ (KHCN) là nền tảng và động lực giúp thúc đẩy nhanh, mạnh các mục tiêu đề ra để phát triển mọi mặt đời sống xã hội. Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành trung tâm nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ của cả nước.

 Mô hình Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh tập trung cho phát triển KHCN

Tại buổi Tọa đàm “Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo-Phấn đấu vì Thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”, được tổ chức vào tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành KHCN của Thành phố đã không ngừng trưởng thành và đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố từ chiều rộng sang chiều sâu.

Tuy nhiên, thời gian qua, ở Thành phố, KH & CN còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn chậm, trong khi trình độ công nghệ các doanh nghiệp chủ yếu là trung bình và thấp, dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao.

Xác định KHCN là nội dung then chốt trong hoạt động của tất cả các ngành, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian tới, Thành phố phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội gắn với kinh tế tri thức; hỗ trợ kinh phí cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành dịch vụ ưu tiên; hoàn thiện chính sách để thu hút nguồn lực xã hội; định hình cơ chế thúc đẩy, tạo điều kiện hình thành Quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực KHCN; phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ KHCN và dịch vụ chuyển giao công nghệ.

Giai đoạn 2011-2015, ngân sách Thành phố chi cho KHCN luôn chiếm tỷ lệ trung bình trên 2% tổng chi ngân sách hàng năm. Ngoài ra, còn có kinh phí đầu tư cho KH & CN từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp thông qua Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp, chương trình kích cầu của Thành phố, tạo điều kiện về vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, vốn đăng ký hoạt động của các tổ chức KH & CN trên địa bàn. UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành “Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, nhằm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có sử dụng ngân sách sự nghiệp KHCN của Thành phố. Trong đó, mỗi dự án khởi nghiệp được hỗ trợ mức kinh phí tối đa 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đầu tư ngân sách, TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra nhiều định hướng, chính sách, trong đó đã xây dựng và phát triển cơ chế đặt hàng, mua sản phẩm trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Thành phố cũng đã đầu tư phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao nhằm nội địa hóa công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ và phát triển ứng dụng như pin mặt trời, năng lượng sinh khối, dầu diesel sinh học, thiết kế vi mạch, robot công nghiệp, tế bào gốc, dược liệu… đều có triển vọng thương mại hóa, kỳ vọng tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Thành phố tập trung quy hoạch, đầu tư mở rộng các mô hình KH & CN điển hình như Khu công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ Sinh học, Công viên phần mềm Quang Trung, Viện Khoa học Công nghệ Tính toán.

Để thúc đẩy thu hút đầu tư cũng như khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo KHCN, Thành phố đang xúc tiến đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao thứ hai với tên gọi Công viên Khoa học Công nghệ. Các thiết chế đặc thù cho KHCN phát triển trong tình hình mới sẽ được định hình trong mô hình Công viên khoa học này rồi từng bước nhân rộng; góp phần đưa Thành phố thành trung tâm KHCN hàng đầu Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á.

 Công viên phần mềm Quang Trung

Nhiều khó khăn trong lĩnh vực KH & CN tính toán

Tiến sĩ Mai Xuân Lý  - Giáo sư thuộc Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, hiện tại đang công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán TP Hồ Chí Minh – cho rằng:  “Những điểm mạnh của TP Hồ Chí Minh là thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam, năng động và cởi mở. Sự ra đời của Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (VKHCNTT) là minh chứng điển hình cho sự cởi mở của lãnh đạo Thành phố. Chúng tôi được phép hoạt động theo cơ chế đặc thù với viện trưởng khoa học và các trưởng phòng thí nghiệm là các nhà khoa học Việt kiều không thường trú tại Việt Nam. Trao đổi khoa học giữa nghiên cứu viên trong nước và các thầy hướng dẫn ở nước ngoài chủ yếu thông qua mạng. Theo tôi được biết, VKHCNTT là đơn vị duy nhất trong phạm vi cả nước hoạt động theo mô hình này”.

 TS Mai Xuân Lý

Nói về những hạn chế và thách thức của Thành phố, cụ thể là lĩnh vực KH & CN tính toán, TS Lý cho biết, hạn chế lớn nhất là đội ngũ khoa học, đặc biệt là những nhà khoa tầm cỡ thế giới còn rất mỏng. Ngay so với Hà Nội, số lượng tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư công tác tại TP Hồ Chí Minh ít hơn đáng kể. Thiếu đội ngũ chất lượng này sẽ khó có thể làm tốt công tác nghiên cứu cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành, kể cả khoa học ứng dụng.

Khó khăn tiếp theo là tầm nhìn chiến lược. Với một đất nước có dân số trên 90 triệu người, xem vai trò khoa học cơ bản là thứ yếu so với khoa học ứng dụng là sai lầm, vì mọi tiến bộ lớn trong kỹ thuật, công nghệ đều dựa trên thành tựu của khoa học cơ bản. Hãy lấy giải thưởng Nobel hóa học năm nay (2016) làm ví dụ về tính quan trọng của nghiên cứu cơ bản. Giải thưởng được trao cho ba nhà khoa học tạo ra cỗ máy siêu nhỏ kích thước nano. Người ta phỏng đoán trong tương lai sẽ dùng nó diệt tế bào ung thư… và tầm quan trọng của nó có thể ví với sự ra đời của động cơ điện vào những năm 1830.

Một trong những thách thức cho những người làm công tác khoa học là một số chính sách chưa hợp lý. Ví dụ về KH & CN tính toán, hiện nay nhiều nhóm nghiên cứu không được cấp kinh phí mua máy tính. Thay vào đó, họ có thể được cấp kinh phí mua giờ máy tính tại các trung tâm tính toán hiệu năng cao ở Việt Nam. Chính sách này nói chung là tốt vì thay vì tài trợ mua máy tính dàn trải, người ta tài trợ cho các trung tâm máy tính hiệu năng cao. Nhưng rất tiếc nó lại chưa phù hợp ở Việt Nam, vì trong phạm vi cả nước chưa có nơi nào có đủ hệ máy tính mạnh để thực hiện mô phỏng lớn như ở Viện vẫn làm. Nghĩa là chưa có chỗ để mua giờ máy và mọi hoạt động liên quan đến tính toán hiệu năng cao bị tê liệt.

“Tôi muốn nhấn mạnh hơn về nguồn nhân lực. Dĩ nhiên là muốn có đội ngũ cán bộ chất lượng cao thì quan trọng nhất là phải có mức lương hợp lý, tương xứng với khả năng của từng người. Theo tôi, chúng ta phải có bước đột phá để thu hút không chỉ kiều bào mà cả những nhà khoa học giỏi nước ngoài. Phải tạo điều kiện để các nhà khoa học nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở Việt Nam. Bài học này được rút ra từ phát triển vũ bão của Singapore - nơi tỉ lệ các nhà khoa học phương Tây cao hơn nội địa. Thái Lan cũng đi theo con đường này nhưng ở mức khiêm tốn hơn. Ở Việt Nam và TP Hồ Chí Minh đang lác đác làm thí điểm, nhưng theo tôi chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa”, TS Mai Xuân Lý chia sẻ thêm.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch, không chỉ là mối quan tâm ưu tiên của TP Hồ Chí Minh nói riêng mà còn là của cả nước chung để đưa nền nông nghiệp ta phát triển, đảm bảo đáp ứng trước hết cho nhu cầu tiêu dùng, tiến tới cạnh tranh cùng thế giới.

 TS Nguyễn Thanh Mỹ (trái) và TS Nguyễn Quốc Vọng (giữa)

Nguyễn Thanh Mỹ (kiều bào tại Canada) cho rằng những thách thức trong chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam bao gồm: lạm dụng nhiều chất bảo vệ thực vật khiến nông sản thiếu chất lượng, ô nhiễm môi trường; việc canh tác còn nhỏ lẻ, phí phạm lao động, tài nguyên đất và nguồn nước; hơn 40% nông sản hư hỏng do thu hoạch, vận chuyển và tồn kho không đúng quy trình, phương pháp đóng gói, bao bì; nhiều tầng lớp thương lái và trung gian làm giảm thu nhập cho nông dân; nông sản và thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, TS Mỹ cho biết, việc sử dụng công nghệ thông tin tiến tiến như điện toán đám mây (CTT), Internet vạn vật (IOT)… sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho chuỗi giá trị nông nghiệp. Cụ thể: Vật tư đầu vào sẽ biết chọn lọc phân bón thông minh, thuốc trừ sâu vi sinh và thảo mộc; khi canh tác ứng dụng, CTT-IOT quản lý, phân phối nước và phân bón để tăng năng suất và giảm khí nhà kính; CTT-IOT trong chế biến và bảo quản, đóng gói với công nghệ đóng gói bao bì khí cải tiến (MAP) và khí cải tiến cân bằng (EMAP) để giảm lượng hư hỏng và thực phẩm; phát triển thương mại điện tử và hệ thống để phân phối nông sản và thực phẩm; người tiêu dùng có thể ứng dụng Internet và thiết bị di động để truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả, thông tin sản phẩm và thanh toán trực tuyến.

TS Nguyễn Quốc Vọng (kiều bào tại Úc) cho rằng, TP Hồ Chí Minh nên nghĩ tới việc phát triển nông nghiệp đô thị. Một vấn đề mà khá ít người quan tâm đó là nhu cầu trồng rau quả sạch ở người dân nội thành đang tăng cao. Bởi vậy, nhiều người thường trồng rau quả trên sân thượng hoặc ban công. Ứng dụng công nghệ thủy canh rất thích hợp cho vấn đề này. Ngoài ra, các sở, ngành nên có những chỉ dẫn cụ thể vì người dân còn phân vân về việc lựa chọn giống, loại thuốc, phân bón phù hợp. VietGap có hướng dẫn, tuy nhiên lại hướng vào việc sản xuất rộng chứ không trồng nhỏ lẻ.

TS Vọng chia sẻ thêm: “Đối với những vùng ven đô như huyện Củ Chi, Hóc Môn… là những khu vực tốt để áp dụng những công nghệ cao trong nông nghiệp như mình vẫn hay thường nghĩ. Đây là giải pháp bắt buộc để có chất lượng rau quả tốt. Hơn nữa, TP Hồ Chí Minh có dân số rất đông, nếu như không phát triển vùng ven đô, thì người lao động ở những khu vực đó càng ngày sẽ vào vùng nội thành Thành phố để tìm kiếm việc làm và sinh sống. Hệ thống nhà kính thường được dùng trồng cho rau quả. Đối với rau quả, một phần chúng ta dùng để cung cấp thực phẩm tươi và một phần chúng ta sẽ sử dụng để chế biến. Xuất phát từ vấn đề này, Thành phố có thể mở các công ty, nhà máy chế biến. Nhìn sâu xa hơn, việc xây dựng các nhà máy chế biến sẽ kéo được người lao động ra khỏi Thành phố. Nhờ đó, chúng ta sẽ giảm thiểu sự tập trung quá đông người dân trong khu vực nội thành; đồng thời là tiền đề trong tương lai vùng nông thôn có thể tham gia vào sản xuất công nghiệp chế biến, không chỉ rau quả mà còn lúa gạo. Ở Việt Nam, khi thu hoạch lúa thường chỉ lấy gạo, rồi đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường. Ở Úc một phần rạ sẽ được chuyển đến nơi nuôi trâu bò, một phần sẽ được chuyển biến thành than, cám chế thành dầu. Và như vậy, việc sản xuất rất thân thiện với môi trường”.

Việc ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp đã giúp đưa nước ta từ chỗ là nước nhập khẩu lương thực trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, v.v... hàng đầu trên thế giới. Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, việc nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH&CN vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường, sẽ giúp nước ta sớm đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra. Mong rằng tới đây, với những chủ trương đúng đắn và biện pháp mạnh mẽ, TP Hồ Chí Minh sẽ đi đầu cả nước trong việc tạo cơ chế và môi trường thuận lợi cho KH & CN phát triển theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, thu hút sự đóng góp của đông đảo kiều bào cho sự nghiệp phát triển. 

Bá Công

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang