06/07/2021 11:11:00 PM
Hội thảo khoa học và triển lãm giới thiệu sản phẩm ứng dụng công nghệ Plasma

Chiều 6/7, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài- Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Y tế và Viện Công nghệ VinIT (VinIT Institute of Technology) tổ chức Hội thảo khoa học và triển lãm công nghệ và trang thiết bị Plasma cho khử khuẩn, diệt virus trong đại dịch COVID-19.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài Ngô Hướng Nam phát biểu Khai mạc Hội thảo 

Tham dự Hội thảo có ông Ngô Hướng Nam- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; PGS- TS Doãn Ngọc Hải- Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế; GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ- Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu áp dụng công nghệ plasma vào một số lĩnh vực trong đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế cùng đại diện các đơn vị của Bộ Y tế, các nhà khoa học…

Plasma (công nghệ plasma) đã và hiện đang được sử dụng, nghiên cứu mở rộng ứng dụng trên rất nhiều lĩnh vực. Với rất nhiều thử nghiệm và đã thành công, đem lại hiệu quả cao trong khử trùng, diệt khuẩn, ngăn ngừa nấm mốc, làm lành viết thương… Plasma không những có tính linh động rất mạnh, nó lại có thể dẫn điện như kim loại.

Plasma “Li tử thể” là trạng thái thứ tư của vật chất (các trạng thái khác là “rắn, lỏng, khí“) trong đó các chất bị ion hóa mạnh. Đại bộ phận phân tử hay nguyên tử chỉ còn lại hạt nhân; các electron chuyển động tương đối tự do giữa các hạt. Plasma không phổ biến trên Trái Đất; tuy nhiên trên 99% vật chất thấy được trong vũ trụ tồn tại dưới dạng plasma, vì thế trong bốn trạng thái vật chất, plasma được xem như trạng thái đầu tiên trong vũ trụ. Các ví dụ về plasma dễ thấy nhất là mặt trời, các ngôi sao, đèn huỳnh quang và sét.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Sỹ đã trình bày thành tựu nghiên cứu của mình liên quan đến công nghệ plasma. Ông cho biết công nghệ plasma đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu và áp dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên, ở Việt Nam, công nghệ này còn mới, ít người nghiên cứu. Sau những ngày tháng nghiên cứu, ông cùng với các đồng nghiệp đã cho ra những sản phẩm, trang thiết bị ứng dụng công nghệ plasma. Ông cho biết, năm 2020, khi virus corona có diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ông cùng các đồng nghiệp nghiên cứu và lắp ráp thử nghiệm thành công buồng khử khuẩn sử dụng nguồn plasma lạnh cao thế, cao tần có khả năng khử khuẩn sâu bề mặt trên người, các dụng cụ y tế, khẩu trang, quần áo bảo hộ, tiền giấy, các thiết bị điện tử, smartphone và các vật dụng cần khử khuẩn khác, có thể góp phần chống lây nhiễm chéo và diệt virus corona.

Tại hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cũng trình bày thông số kỹ thuật và các báo cáo kiểm nghiệm khoa học. Ông mong muốn các cơ quan chức năng của Bộ Y tế nghiên cứu xem xét để có thể đưa sản phẩm nghiên cứu trên áp dụng vào thực tế trong phòng chống COVID-19. Ngoài ra, ông cũng trình bày một số sản phẩm trang thiết bị trong lĩnh vực y tế do VinIT đã sáng chế và thử nghiệm sử dụng công nghệ plasma như thiết bị plasma nội soi y tế, hệ thống khử khuẩn không khí dành cho khu cách ly tập chung, hệ thống hoạt hóa plasma dùng khử trùng các trang thiết bị y tế, hệ thống tạo nước ion kiềm giàu hydrogen, công nghệ điện hóa keo tụ xử lý nước thải y tế… GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, 23 công trình nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp liên quan đến công nghệ plasma đã được Cục sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn xem xét đề xuất bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ trình bày thành tựu nghiên cứu của mình liên quan đến công nghệ plasma

Sau những chia sẻ, trình bày của GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, các nhà khoa học và những người quan tâm đến công nghệ plasma đã trao đổi, thảo luận sôi nổi. Ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: "Bộ Y tế rất hoan nghênh và đánh giá cao những nghiên cứu tâm huyết của các nhà khoa học với những sáng chế để có thể áp dụng vào ngành y như những sáng chế của GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước đang bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên những công trình nghiên cứu đặc trong ngành y liên quan trực tiếp đến con người nên việc áp dụng cần phải có quá trình kiểm nghiệm lâm sàng thận trọng và các sản phẩm phải được thương mại hóa. Do đó, GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cần làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Y tế để những nghiên cứu trên sớm được đưa vào áp dụng thực tế".

PSG.TS Doãn Ngọc Hải- Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế bày tỏ mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Viện Công nghệ VinIT để cùng nhau nghiên cứu những sản phẩm hữu ích cho người bệnh và xã hội. 

Bế mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Hướng Nam đánh giá cao và trân trọng những tâm huyết nghiên cứu của GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ. Với vai trò là cơ quan kết nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương đất nước, ông khẳng định Ủy ban sẽ luôn đồng hành cùng những nhà khoa học người Việt ở nước ngoài như GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ và mong muốn các cơ quan ban ngành trong nước, đặc biệt là Bộ Y tế quan tâm, tạo điều kiện để những sản phẩm, công trình nghiên cứu của GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ trình bày tại Hội thảo hôm nay sớm được nghiên cứu xem xét áp dụng vào thực tế, mang lại những hiệu quả tích cực cho người dân trong nước.

GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ (sinh năm 1967 tại Hà Nội) là nhà khoa học Vật lý và Công nghệ Plasma, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng Plasma nhiệt độ thấp, Giáo sư Đại học Năng lượng Quốc gia Moskva (MPEI). GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ đã có hơn 30 năm gắn bó, đam mê nghiên cứu chuyên ngành Vật lý công nghệ Plasma. Ông từng được Tổng thống Nga Vladimia Putin trao tặng Giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ của Nga năm 2006 và được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn năm 2012. Hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học của ông trong lĩnh vực vật lý công nghệ Plasma được biết đến trong giới khoa học không chỉ ở nước Nga. Nhiều công trình nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp đã được ứng dụng trong các lĩnh vực vũ trụ, quân sự, an ninh quốc phòng, kinh tế…

Hơn 30 năm sinh sống ở nước Nga, hiện GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ đã có quốc tịch Nga nhưng ông vẫn trở về Việt Nam với mong muốn đóng góp cho quê hương, ông từng chia sẻ: “Việt Nam trước hết là Tổ quốc của tôi và có một quê hương thứ 2 là nước Nga. Đối với tôi, cả nước Việt và nước Nga đều rất sâu nặng. Cũng như nhiều nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới, chúng tôi sẵn sàng trở về để giúp Tổ quốc bằng trí tuệ, khả năng trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Tôi trở về Việt Nam cũng như trở về với mẹ, như đứa con xa nhà lâu ngày, trở về trong vòng tay ấm áp của người mẹ”. 

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 Các đại biểu tham dự Hội thảo

 Ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

 Các đại biểu tham quan các sản phẩm áp dụng công nghệ plasma trưng bày tại Hội thảo của GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ và đồng nghiệp

 

 

Các đại biểu tham quan buồng khử khuẩn sử dụng nguồn plasma lạnh cao thế trưng bày tại Hội Hảo

 Nhiên Linh

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang