22/08/2017 05:25:00 PM
Gìn giữ tiếng Việt từ ý thức mỗi người Việt Nam ở nước ngoài

Sáng 22/8 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm “Trao đổi thực trạng dạy và học Tiếng Việt cho NVNONN và các giải pháp”.

  • Ông Lương Thanh Nghị phát biểu tại Tọa đàm

  • Ông Nguyễn Công Hinh phát biểu dẫn đề

  • Cô Phạm Thị Trinh trình bày tham luận

  • Quang cảnh Tọa đàm

Đây là chương trình nằm trong Khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN được tổ chức từ ngày 13/8 – 27/8.

Việc giảng dạy tiếng Việt cho NVNONN còn nhiều khó khăn

Việc dạy và học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu thiết yếu của các cộng đồng NVNONN. Nhưng do điều kiện khách quan và chủ quan, việc dạy và học tiếng Việt diễn ra với các mức độ và kết quả khác nhau tùy thuộc vào từng địa bàn, và thuận lợi hơn ở các quốc gia nơi tiếng Việt được công nhận, coi trọng.

Tham gia giảng dạy 4 năm tại hơn 10 trường tiểu học, một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm gia đình tân di dân và 2 trường đại học cộng đồng, cô Đồng Thị Dung tại Đài Loan (Trung Quốc) đã đúc rút ra một số thực tiễn về việc học tiếng Việt ở Đài Loan. Theo cô Dung, việc học tiếng Việt đối với học sinh tiểu học gần như trở thành áp lực; vì vậy giáo viên phải lên kế hoạch dạy thế nào để lôi cuốn học sinh ham học hơn, cũng như đến đăng kí tham gia học ngày một đông hơn. Đối với học sinh THCS, đây là môn học cộng thêm điểm, nhưng các em lại có rất nhiều môn để lựa chọn, Tiếng Việt là một trong các lựa chọn đó. Đa phần chỉ là học sinh hiếu kỳ và học thử để biết tiếng Việt như thế nào.

Chính quyền Đài Loan quan tâm đến việc dạy và học tiếng mẹ đẻ cho con em thế hệ thứ hai của di dân mới, đồng thời khuyến khích cộng đồng học các ngôn ngữ Đông Nam Á. Rất nhiều người vì hiếu kỳ như muốn học và tìm hiểu về văn hóa, con người Việt Nam, đất nước Việt Nam nên tham gia chương trình học, một số vì trong công việc có tiếp xúc với di dân mới, muốn học ngôn ngữ của họ. Một số khác muốn học để đi du lịch Việt Nam, tiện cho việc giao tiếp...

Cô Dung cho biết thêm: Mỗi lớp được mở ra với số lượng học viên khác nhau, lứa tuổi, mục đích học tập khác nhau..., nhưng khi học xong thường không được phổ biến sử dụng rộng rãi. Có lớp được mở theo chương trình liên tục, nhưng tại các trường học thì các khóa học này chỉ ngắn hạn, kết thúc một học kỳ hoặc một kế hoạch sẽ dừng lại. Một số trường có tổ chức lớp học dài hạn thì kết quả học tập tốt hơn rất nhiều nhưng số học sinh tham gia vẫn chưa cao, nhiều học sinh thắc mắc "Học tiếng Việt để làm gì?! Học tiếng Anh mới có tương lai "....

Về việc dạy tiếng Việt cho các em tại Malaysia, cô Phạm Thị Trinh chia sẻ: Lớp tiếng Việt tại Kuala Lumpur khai giảng ngày 16/10/ 2016, bắt đầu từ ý tưởng và sự nhiệt tình gây dựng từ đầu năm 2015 của một số thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia. Hiện nay có hơn 25 em học sinh tham dự lớp học, được chia làm 2 nhóm: nhóm lớp 1 dạy các em chữ cái và ghép vần, nhóm lớp 2 luyện kĩ năng hiểu, đọc, viết văn bản. Mặc dù còn non trẻ nhưng lớp đã và đang hoạt động đều đặn hàng tuần, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức vì những hoạt động này rất có ý nghĩa đối với cộng đồng người Việt sinh sống tại Malaysia. Lớp có sự tham gia của 2 cô giáo đã tốt nghiệp chuyên ngành ngữ văn và có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại các trường trung học uy tín ở thành phố Hồ Chí Minh.

Cô Trinh cho biết, cũng như ở các địa bàn khác, lớp học còn gặp phải những khó khăn như: thiếu địa điểm học; kinh phí hoạt động hầu như không có nên chưa đủ để tạo một môi trường dạy học chuyên nghiệp, lâu dài; các giáo viên và trợ giảng đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện, đồ dùng dạy học tự đóng góp; các gia đình ở rải rác trên nhiều địa bàn, có học sinh phải di chuyển 20 km, có cô trợ giảng ở thành phố khác, phải chạy xe 35 km mới đến nơi dạy…

Thụy Sỹ là một đất nước tập trung rất ít người Việt Nam sinh sống và học tập. Theo cô Vũ Thị Hải Hà, việc giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá Việt Nam nói chung và việc dạy và học tiếng Việt nói riêng cho cộng đồng người Việt ở Thụy Sỹ còn hạn chế. Thứ nhất, do số lượng học sinh quá ít, độ chênh lệch tuổi quá lớn. Thứ hai, lớp học chưa có tài liệu phù hợp. Thứ ba, các em dành ít thời gian để học Tiếng Việt. Chương trình giáo dục phổ thông của Thụy Sỹ bắt đầu từ lớp mẫu giáo, các bé từ độ tuổi 5 - 7 tuổi trở lên sẽ đi học mẫu giáo hàng ngày, cuối tuần còn có thể đi học thêm các môn ngoại khoá như âm nhạc, thể thao. Bên cạnh đó, giáo viên và học sinh tại thành phố Zurich rất thiếu thốn về giáo trình, dụng cụ dạy và học nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của chương trình giảng dạy nói chung.

Những khó khăn mà các thầy cô giáo chia sẻ cũng là những khó khăn chung trong công tác dạy và học tiếng Việt ở bất cứ địa bàn nào.

Nỗ lực gìn giữ tiếng Việt

Việc gìn giữ tiếng Việt ở nhiều nước được duy trì là nhờ sự nỗ lực không ngừng của các cô giáo tình nguyện, tràn đầy nhiệt huyết và sự ủng hộ tích cực của các phụ huynh học sinh.

Cô Nguyễn Thị Sông Hương (Pháp) bày tỏ việc học tiếng Việt, trước tiên là nghe và nói, cần phải có chỗ đứng trong sinh hoạt hàng ngày của đứa trẻ trong gia đình. Chỉ có sự kiên trì của bố mẹ mới duy trì được cho con thói quen dùng tiếng Việt. Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Pháp, phần lớn thời gian là nói tiếng Pháp, chỉ có rất ít thời gian sau giờ học, vào ngày nghỉ cuối tuần hay nghỉ hè là có thể nói chuyện với bố, mẹ, với anh chị em bằng tiếng Việt. Thông thường các cháu có thói quen tùy đối tượng để chọn ngôn ngữ giao tiếp. Tuy trong gia đình có anh chị em cùng học tiếng Việt nhưng bọn trẻ lại không nói với nhau bằng tiếng Việt. Vậy phải làm sao để hình thành thói quen nói tiếng Việt trong nhà ngay từ nhỏ để đứa trẻ không cảm thấy tiếng Việt không phải như một ngoại ngữ mà như tiếng mẹ đẻ, để có thể hình thành phản xạ sử dụng tiếng Việt một cách tự nhiên, chứ không phải là nghĩ trước bằng tiếng Pháp rồi dịch ra tiếng Việt. Các cháu cũng có thói quen pha trộn tiếng Việt và tiếng Pháp. Nếu bố mẹ không uốn nắn, dần dần vốn tiếng Việt của các cháu sẽ giảm đi, và đến một lúc nào đó các cháu sẽ chuyển sang nói tiếng Pháp hoàn toàn.

Cô Đồng Thị Dung chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân: “Tôi luôn không ngừng học hỏi qua bạn bè, đồng nghiệp cũng như nghiên cứu từ sách vở, trang mạng... và điều đặc biệt hơn cả là tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian để về Việt Nam tham gia những lớp học về sư phạm do một số trường đại học có danh tiếng của Việt Nam tổ chức cũng như học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước”.

Cô Dung cũng đưa ra đề xuất cho việc dạy tiếng Việt tại Đài Loan như: Giáo viên giảng dạy cần được tham gia nhiều lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu hơn nữa; Sách biên soạn cần được chú thích cách dùng từ của hai miền (đại diện Bắc, Nam) và có sách dành riêng cho giáo viên; Có những chính sách chung và cụ thể hơn nữa để giáo viên dạy môn Tiếng Việt có một hướng đi mạnh mẽ hơn, mang lại những kết quả tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn…

Cô Vũ Thị Hải Hà (Thụy Sỹ) thì chia sẻ, với những khó khăn đã nêu ở phần trên, để duy trì được việc dạy và học tiếng việc cho con em NVN tại Thụy Sỹ,  các giáo viên tình nguyện phải tự đầu tư, bỏ công nghiên cứu và soạn giáo án, sáng tạo sao cho phù hợp với sự nhận biết tiếp thu của học sinh ở Thụy Sỹ. Việc giảng dạy Tiếng Việt cho con em kiều bào Việt Nam tại đây là công việc tình nguyện vì cộng đồng. Ngày thường các cô vẫn phải hoàn thành tốt các công việc của mình, nên việc khắc phục những khó khăn như dành thời gian để chuẩn bị giáo án, lên giáo trình, dành thời gian cho buổi dạy, di chuyển đến chỗ dạy cũng là một sự đóng góp rất lớn của các giáo viên.

Sự quan tâm lớn đối với việc dạy và học tiếng Việt cho NVNONN

Ông Nguyễn Công Hinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT cho biết: Cho đến nay, Chính phủ đã phê duyệt 3 đề án tập trung nguồn lực đầu tư cho việc dạy tiếng Việt cho NVNONN. Năm 2004, Chính phủ đã phê duyệt dự án và chúng ta đã có bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt, xây dựng một số chương trình dạy tiếng Việt trên truyền hình. Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án Dạy tiếng Việt online và sẽ xây dựng một cổng thông tin để giúp người Việt Nam học tiếng Việt trực tuyến, tạo công cụ để bà con có thể học tiếng Việt ở mọi lúc, mọi nơi.

Ông Nguyễn Công Hinh cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ GD& ĐT dự kiến sẽ tổ chức một cuộc thi viết sách giáo khoa trên toàn thế giới. Các thầy cô giáo có thể viết những bộ sách phù hợp với địa bàn mình đang giảng dạy. Những bộ sách đạt giải sẽ được công khai và sử dụng miễn phí.

Về phía Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lương Thanh Nghị nêu rõ về các chương trình, hoạt động mà thời gian qua cũng như sắp tới Ủy ban cùng các cơ quan liên quan thực hiện để hỗ trợ cộng đồng NVNONN trong dạy và học tiếng Việt như: công tác vận động, truyền thông, tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN; tổ chức các chương trình trại hè Việt Nam trau dồi tiếng Việt cho con em kiều bào; hỗ trợ sách giáo khoa, giáo viên dạy tiếng Việt; vận động chính quyền các nước sở tại hỗ trợ các cơ sở dạy tiếng Việt của kiều bào và từng bước đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục của nước bạn… Đối với một số địa bàn khó khăn đặc biệt như Campuchia, Lào, Ủy ban đã trực tiếp hỗ trợ cũng như vận động các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ kinh phí xây dựng hoặc  sửa chữa cải tạo các điểm trường, lớp học tiếng Việt cho cộng đồng. Trong năm 2015 và 2016, Ủy ban đã cấp khoảng 2.000 bộ sách học sinh, 1.000 đầu sách lẻ và 30 bộ sách giáo viên lớp 1 cho địa bàn Campuchia; 20 bộ sách tiếng Việt vui và Quê Việt cho Đài Loan…Ngoài ra còn cung cấp sách giáo khoa cho các địa bàn Séc, Ucraina, Úc, Đức, Hàn Quốc, Lào, Nhật Bản, Phần Lan, Thái Lan, New Caledonia, Hoa Kỳ, Maroc, Senegal, Bờ Biển Ngà… 

Tuy xuất phát điểm khác nhau, ra đi và định cư ở nước ngoài vì những lý do khác nhau, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay khác nhau, thậm chí trong cộng đồng còn tồn tại một số khác biệt về mặt này mặt khác, nhưng bà con kiều bào ta vẫn mong muốn và nỗ lực gìn giữ ngôn ngữ dân tộc. Đây là nguyện vọng chính đáng cần được hỗ trợ. Đó cũng là quan tâm của Chính phủ Việt Nam và nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, làm sao để có thể đẩy mạnh hơn nữa và nâng cao tính hiệu quả của các hoạt động gìn giữ và duy trì tiếng Việt trong cộng đồng hơn 4,5 triệu NVNONN. Tuy nhiên, dù bằng biện pháp nào, thì một trong những điều quan trọng để có thể gìn giữ tiếng Việt hiệu quả chính là từ ý thức của mỗi NVNONN. 

Thủy Nguyên

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang