26/01/2020 08:00:00 AM
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 2)

Rất nhiều du học sinh đã lựa chọn ở lại lập nghiệp ở nước ngoài; bên cạnh đó, cũng có người lại lựa chọn trở về đất nước vì họ nhìn thấy ở quê hương những cơ hội phát triển tốt. Cùng phóng viên Mộc Lan, Tùng Chi tìm hiểu về một số trường hợp như vậy.

Kỳ 2: MIỄN LÀ TRÁI TIM HƯỚNG VỀ TỔ QUỐC,
SẼ CÓ CÁCH ĐÓNG GÓP HIỆU QUẢ

Du học là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với thế giới ngày càng mạnh mẽ. Ai lựa chọn đi du học cũng nhằm có được một môi trường học tập tốt hơn, có tính ứng dụng cao hơn, phát triển tư duy, rèn luyện mình trong môi trường quốc tế tiên tiến, năng động để sau này dù ở đâu cũng có một tương lai sáng lạn hơn.

Trong khi rất nhiều du học sinh lựa chọn ở lại và sinh sống, làm việc hoàn toàn ở nước ngoài, thì cũng có không ít người lựa chọn trở về, một số lại lựa chọn đi đi về về - vừa làm việc ở nước ngoài, vừa làm việc ở Việt Nam. Tạp chí Quê Hương có cuộc chuyện trò với một nhóm bạn trẻ từ Mỹ về thăm quê hương dịp đầu Xuân năm mới.


Nhóm ba bạn trẻ Liên, Thọ, Dũng thăm Tạp chí Quê Hương 

THẤY MÌNH CÓ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN Ở VIỆT NAM

Sang Mỹ du học đã được 8 năm, Lê Tú Mỹ Liên chuẩn bị tốt nghiệp thạc sỹ truyền thông trường University of San Francisco. Cô là một du học sinh rất năng động và chủ động hội nhập vào môi trường quốc tế và đa văn hóa của Mỹ. Bên cạnh học tập, cô cũng chủ động tham gia vào các hoạt động dành cho sinh viên, hiện cô là đồng Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại San Francisco, Trưởng Ban Truyền thông của Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam ở Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc Maketting của VietChallenge - cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất dành cho người Việt trẻ toàn cầu.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, rằng sẽ trở về Việt Nam hay ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp, Liên thẳng thắn chia sẻ những ưu điểm và nhược điểm của việc trở về Việt Nam hay ở lại Mỹ. Nhưng cuối cùng, cô khẳng định: “Tôi thấy Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển rất mạnh mẽ, nên việc quay trở về đất nước, đóng góp thêm vào sự phát triển này là điều cần thiết cho xã hội bây giờ. Tôi hoàn toàn có thể lựa chọn ở lại nước ngoài, nhưng vì gia đình ở Việt Nam và tôi cảm thấy mình có tiềm năng phát triển hơn ở đất nước, có rất nhiều cơ hội mới đang mở ra nên tôi quyết định đầu quân về Việt Nam và đóng góp thêm một phần công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển của đất nước”.

VƯỢT QUA BĂN KHOĂN, XÂY DỰNG CON ĐƯỜNG RIÊNG

Xuất phát điểm là giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trần Ngô Đức Thọ sang Mỹ học cao học chuyên ngành Quy hoạch đô thị tại University of Texas A&M.

Thọ cho biết, ban đầu anh rất băn khoăn về việc mình cần trở về giúp đất nước hay ở lại hoàn thiện bản thân hơn, rồi trở về vào thời điểm nào thì phù hợp... “Nhưng tôi nghĩ rằng mục đích chính là đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước thì dù có ở đâu mình cũng có thể đóng góp được”, Thọ bày tỏ.

Thọ quan sát và suy ngẫm về rất nhiều tấm gương của những anh chị đi trước, tuy không có mặt ở Việt Nam nhưng sự đóng góp và sức lan tỏa của họ thì cũng không hề nhỏ so với những người đang ở trong nước. Những cái tên như GS Trần Ngọc Anh (nghiên cứu và giảng dạy tại trường Chính sách công và Môi trường, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Việt Nam tại Đại học Indiana, Mỹ; 1 trong 15 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc), GS Nguyễn Đình Phú (giảng dạy và nghiên cứu tại UC Irvine, người có nhiều đóng góp nổi bật trong các hoạt động cộng đồng tại Mỹ và hướng về Tổ quốc), hay anh Hùng Trần (founder của Công ty Got It), anh Vũ Duy Thức (Công ty chuyên nghiên cứu về robot ở Mỹ)... giúp Thọ có nhìn nhận thoáng hơn về con đường của mình sau này. “Tôi nghĩ rằng dù ở đâu - Mỹ hay Việt Nam, miễn là trái tim mình hướng về Tổ quốc thì mình đều có cách tìm ra hình thức đóng góp phù hợp với mình ở thời điểm đó nhất”, Thọ nói.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, dù còn đang đi học, Thọ đã bắt đầu dự án của mình ở Việt Nam. Anh hợp tác với một giáo sư Việt kiều Mỹ làm về quy hoạch đô thị để cùng nghiên cứu các dự án ở Việt Nam. “Hiện tại chúng tôi đang triển khai Dự án nghiên cứu về nhà ở thu nhập thấp cho công nhân các Khu công nghiệp Nội Bài, Thạch Thất, Quang Minh, Sài Đồng và Bắc Thăng Long. Chúng tôi đang kết thúc giai đoạn 1 của Dự án này và hy vọng trong thời gian tới sẽ có những kết quả nhất định của giai đoạn 1 và công bố trên các tạp chí khoa học của nước ngoài. Bước sang giai đoạn 2 của Dự án, chúng tôi sẽ nghiên cứu ra một mô hình phù hợp để phát triển nhà ở thu nhập thấp không chỉ cho công nhân các khu công nghiệp mà còn cho đại đa số người dân ở Việt Nam”, Thọ cho biết.

MUỐN VỀ VIỆT NAM VỚI TÂM THẾ CÓ THỂ ĐÓNG GÓP TỐT

Khác với Liên và Thọ còn đang đi học, Phan Huy Dũng đã tốt nghiệp tiến sĩ và ở lại làm việc tại Hoa Kỳ. Anh hiện là chuyên gia nghiên cứu dữ liệu và là Chủ tịch Mạng lưới chuyên gia Việt Nam tại Mỹ (Vietnamese Professionals Network—VNPN). VNPN ra đời với sứ mệnh kết nối giữa các chuyên gia người Việt đang công tác tại Mỹ để cùng trao đổi kinh nghiệm, thông tin và cùng hỗ trợ nhau phát triển bản thân và sự nghiệp; bên cạnh đó là định hướng, truyền đạt kinh nghiệm cũng như hỗ trợ những bạn trẻ đang trong quá trình tìm kiếm việc làm tại Mỹ.


Mạng lưới chuyên gia Việt mở ra cơ hội kết nối không giới hạn cho trí thức Việt ở nước ngoài

Theo Dũng, khi một người mới học xong, nếu về nước ngay thì giá trị bản thân của họ chưa cao; nếu về ngay và lại gặp môi trường không phù hợp thì cũng không phát huy được năng lực của mình. “Bản thân tôi sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, tôi đã ở lại đi làm, và khi đi làm thì tôi học được rất nhiều thứ. Nhiều khi tôi còn cảm giác là ‘Ôi, tại sao họ trả tiền cho mình mà mình lại học được nhiều thứ như thế này, trong khi đáng lẽ mình phải trả tiền lại cho họ’…”, Dũng vui vẻ tâm sự.

Những thực tế trải nghiệm đã thôi thúc Dũng và các bạn thành lập ra VNPN với mong muốn các du học sinh sau khi học xong sẽ có một giai đoạn thực hành những cái mình đã học hoặc thực sự tiếp xúc, làm việc trong các công ty của Mỹ để xem khả năng đến đâu. “Sau khi năng lực được nâng cao trong môi trường tiên tiến như ở Mỹ thì giá trị bản thân của họ sẽ cao hơn và khi đó thì lý tưởng nhất là họ sẽ tìm được những cơ hội ở quê hương. Tôi nghĩ là Việt Nam mình đang phát triển thực sự rất nhanh, tôi về sau 1-2 năm đã thấy khác hẳn rồi! Tôi nghĩ là cơ hội ở Việt Nam đang rất nhiều. Và khi đấy với những giá trị, những điều đã học hỏi được không chỉ ở nhà trường mà trong thực tế các công ty ở Mỹ thì khi quay về, chúng tôi sẽ phát huy được rất nhiều... Nếu Việt Nam có các cơ hội tốt thì chắc chắn là mọi người sẽ về và về trong một tâm thế là mình có khả năng để đóng góp rất tốt chứ không phải bị thui chột đi”, Dũng thẳng thắn chia sẻ.

*

Quyết định ra đi du học là mong muốn một cơ hội tốt hơn cho tương lai. Hành trình du học không phải là một con đường trải đầy hoa hồng, mà cũng đầy những chông gai, khó khăn. Đứng trước những ngã rẽ cuộc đời khi con đường học tập hoàn tất, các bạn trẻ sẽ lựa chọn như thế nào không quan trọng, quan trọng vẫn là “miễn là trái tim hướng về Tổ quốc”, các bạn sẽ có cách đóng góp hiệu quả!

Tùng Chi

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Australia mong muốn góp phần xây dựng và phát triển đất nước
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang