29/05/2021 01:24:00 PM
Đời người như mộng...

Đời người như mộng, đúng thế và mộng đến rồi qua, tỉnh mộng đẹp hôm qua và đối mặt khó khăn hôm nay, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu vẫn mải mê với ngân hàng, với các định chế tài chính, với hiểu biết sâu rộng, trải nghiệm thực tế của Mỹ, Đức, Canada… mang về truyền đạt lại cho các tổ chức tín dụng và các ngân hàng tại Việt Nam.

 Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi (thứ 6 bên trái) cùng các đại biểu kiều bào (Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - thứ 2 bên phải, tác giả Nguyễn Hoài Bắc - thứ 5 bên phải)

Mùa hè năm 2006, tôi từ Toronto, Canada bay sang California, Hoa Kỳ thăm mấy anh bạn thân bên Quận Cam (Orange County). Thời tiết vẫn thế, không có mùa đông lạnh kéo dài, chỉ có mùa mưa từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm. Thành phố, đường phố, những căn nhà vẫn đầy nắng. Nơi đây được ví như thủ đô của người Việt, vẫn đường xưa, quán cũ, nhà hàng, quán phở, tiệm cà phê.... mang dáng dấp đặc sệt Việt Nam bởi những dòng quảng cáo bằng chữ Việt còn nhiều hơn chữ Anh, ra chợ mua sắm người ta nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ (Việt Nam).

Con phố dài, được coi là đại lộ chính mang tên Bolsa, với vài ba quán cà phê, nơi tập trung của những người chống đối Việt Nam. Ngày xưa khi tôi và bà xã cùng cậu út Bắc Sơn đến đây ăn sáng uống cà phê, út Bắc Sơn mới 6 tuổi, cậu nhóc đâu biết gì, ăn xong cậu đứng trên ghế hát vang bài “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Trời ạ, mẹ cậu tái mặt lo sợ những vị khách già đang bàn chuyện đại sự bàn bên, tóc tai rối bù, muối nhiều hơn tiêu sẽ gây sự hoặc phản ứng. Bố cậu vẫn nhâm nhi ly mạc sửu nóng, phớt lờ các quan bác, quan anh ngồi trong quán đang đổ dồn cặp mắt che sau cặp kính lão dày cộm nhìn về phía cậu nhóc Bắc Sơn. Bố cậu cũng là dân chơi từ Hà Nội dạt vô Sài Gòn, Sài Gòn bơi sang Malaysia, và cũng có máu mặt trên hòn đảo tỵ nạn Bidong đầy bất công và tệ nạn do chính người Việt vượt biên dựng nên. Cũng may mắn các quan bác không chấp cậu nhóc và hình như thấy bố cậu nhóc ngoan hiền, mặt không đổi sắc, mắt trắng dã không biết nheo, thái độ bất cần và như muốn nói “nếu cần xong ngay” nên mọi việc đều ổn, vui vẻ cả làng. Cậu Bắc Sơn ca nốt bài ca về Bác Hồ kính yêu của cậu.

Buổi chiều, tôi làm việc với các đối tác bên Cali là các luật sư, bác sĩ, chủ doanh nghiệp có tiếng như bác sĩ Trần Hạnh, bác sĩ Kiều Chẩn, chủ doanh nghiệp Huỳnh Hồng… là những nhân vật có uy tín và tiếng tốt trong cộng đồng người Việt tại đây. Qua câu chuyện, tôi được biết nơi đây mới thành lập một ngân hàng do người Việt Nam làm chủ, tôi được mời tới tham quan bởi bạn tôi là thành viên hội đồng quản trị.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, ông là ai? Ông là người có tên tuổi trong giới tài chính ngân hàng ở Mỹ. Ông sang Mỹ và làm việc tại Mỹ vào khoảng năm 1997, ông là công dân mang quốc tịch Hoa Kỳ. Ông và các cổ đông thành lập ngân hàng đầu tiên của người Việt trên đất Mỹ với tên gọi First Vietnamese - American Bank (FVAB) năm 2005, đi vào hoạt động năm 2006 tại quận Cam (Orange County), bang California. Từ đó, tôi biết sơ qua về ông, biết được người Việt xa xứ không phải dạng vừa đâu, họ đủ các thành phần trong xã hội, đủ các mánh lới làm ăn, dân da trắng cũng phải ngả mũ.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu với gần 50 năm trong nghề tài chính ngân hàng, với công phu đã đến độ thượng thừa. Ông là nhân vật chính (founder) mở được ngân hàng tại Hoa Kỳ, đất nước giàu có, hùng mạnh nhất thế giới, luật pháp nghiêm minh, tài chính minh bạch. Điều này minh chứng rằng ông và các cổ đông là những người Việt tài giỏi, có máu mặt tại nước Cờ Hoa.

Bẵng đi thời gian, ngân hàng đầu tiên của Việt Nam không trụ nổi bởi chính sách tiền tệ và luật pháp của Hoa Kỳ vô cùng chặt chẽ, huy động vốn gấp đôi vốn đăng ký nhưng không được chấp nhận nên Ngân hàng của ông chỉ có vốn 15 triệu đô la Mỹ, cơn bão tài chính, sự khủng khoảng nghiêm trọng về kinh tế Hoa Kỳ và thế giới năm 2008-2010. Cơn bão tài chính đã quét sạch nhiều ngân hàng lớn của Mỹ và Châu Âu, thì First Vietnamese - American Bank của Tiến sĩ Hiếu chỉ là con muỗi, cái tép, con tôm trong chốn kim tiền bị cuốn phăng cũng là chuyện thường tình bên xứ người.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (trái) cùng tác giả Nguyễn Hoài Bắc 

Tôi thì không, bởi tôi ít tiền, lấy công làm lãi nên đầu tư hãng xưởng bé và nhỏ tại Việt Nam, tần tảo tháng ngày để mơ dựng nghiệp vừa phải đủ ăn cho con cháu. Tôi gặp lại Tiến sĩ vào những ngày thu Hà Nội, năm 2013 tại văn phòng của Công ty IQLinks của chúng tôi ở 36 Hoàng Cầu, Hà Nội. Ông lúc này đã trở về Việt Nam, là thành viên hội đồng quản trị, cố vấn cấp cao của nhiều ngân hàng thương mại như ngân hàng AnBinh Bank, OceanBank. 

Đời người như mộng, đúng thế và mộng đến rồi qua, tỉnh mộng đẹp hôm qua và đối mặt khó khăn hôm nay, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu vẫn mải mê với ngân hàng, với các định chế tài chính, với hiểu biết sâu rộng, trải nghiệm thực tế của Mỹ, Đức, Canada… mang về truyền đạt lại cho các tổ chức tín dụng và các ngân hàng tại Việt Nam. Nói gì đi nữa trong giới ngân hàng quốc tế và Việt Nam, Tiến sĩ Hiếu vẫn là ngôi sao về chuyên ngành, uyên thâm và uy tín.

Tôi cũng nhiều lần gặp gỡ, trao đổi công việc với Tiến sĩ Hiếu, khi thì trong Hội nghị dành cho kiều bào do Bộ Ngoại giao – Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, khi thì trên sóng truyền hình bàn về chính sách và đối thoại, về lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ông nói về các thiết chế, các định chế tài chính, tôi nói về doanh nghiệp cần tiền nhưng vướng phải khó khăn khi làm việc với ngân hàng bởi tôi đã một lần vay vốn ngân hàng, sau lần đó tôi không dám vay mượn của ngân hàng, có chăng chỉ gửi tiền vào ngân hàng.

Dòng đời vẫn trôi, hoa vẫn rụng rơi trên sông hay trên suối, dòng chảy cuốn trôi về miền xa thẳm, về biển lớn. Tôi vẫn là tôi trong vòng nhỏ hẹp công ty mình, và Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng vẫn là ông, một người tài giỏi trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính ở Mỹ và Việt Nam. Nhưng sự thăng hoa cũng chỉ như giấc mộng.

Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, người tôi luôn ngưỡng mộ và nể phục trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Qua ông, tôi cũng học và tiếp cận được nhiều điều hữu dụng, cũng khai mở cho tôi định hình được bước đi của mình trong kinh doanh. Cũng may biết ông, biết thăng trầm của ông nên tôi không dấn thân vào ngành ngân hàng, nếu có thì chắc chắn rằng, tôi không còn là tôi bởi tôi hiểu được chính mình.

Kính chúc ông và gia đình mạnh khoẻ, mong và hy vọng ông luôn là người tiên phong, hiểu biết cặn kẽ về các định chế tài chính ngân hàng để truyền dạy cho các thế hệ trẻ Việt Nam bước tiếp, sự nghiệp và lòng yêu nghề của ông sẽ lan toả, sẽ giúp cho các Start up Việt Nam muốn khởi nghiệp và trở thành giàu có trong lĩnh vực tiền tệ hôm nay và tương lai./.

Nguyễn Hoài Bắc (Canada)

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu sinh năm 1947. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Ludwig-Maximilian, Đức. Tính đến năm 2021, ông có 32 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính - ngân hàng tại Mỹ, Đức và 15 năm tại Việt Nam. Ông là người Việt đầu tiên thành lập ngân hàng của người Việt Nam tại Mỹ và cũng là một trong những chuyên gia có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam. 

Ngay từ khi được gia đình cho đi du học vào cuối năm 1966, Nguyễn Trí Hiếu đã luôn luôn tâm nguyện là một ngày nào đó sẽ trở về phụng sự quê hương. Vì thế, sau 2 lần về Việt Nam (lần đầu vào năm 1990 khi tham gia một phái đoàn thương mại của Mỹ, lần thứ hai từ năm 1995 - 1997 về làm việc với Deutsche Bank), năm 2009 ông trở về làm việc trên quê hương cho đến ngày hôm nay. Không chỉ là một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế và tài chính - ngân hàng, ông còn được biết đến là một bậc thầy lão luyện môn Aikido tại Mỹ và hiện nay dù đã 74 tuổi nhưng ông vẫn đang giảng dạy môn Aikido tại võ đường Việt Nam. 

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Australia mong muốn góp phần xây dựng và phát triển đất nước
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang