18/11/2016 10:17:00 AM
Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga và cầu nối hợp tác phát triển thương mại Nga – TP Hồ Chí Minh

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga và các nước thuộc Liên xô cũ được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước. Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, các doanh nghiệp của người Việt từ chỗ buôn bán nhỏ đã vươn lên trở thành những doanh nghiệp có uy tín, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau và phân bố khắp các vùng miền của nước Nga.

 Ông Lê Trường Sơn

Cầu nối hợp tác kinh tế Việt - Nga

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mở rộng cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Từ chỗ chủ yếu tham gia trong lĩnh vực thương mại ở các chợ, các doanh nghiệp đã mở rộng sang lĩnh vực đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ bà con người Việt làm ăn sinh sống tại Nga. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư sang lĩnh vực sản xuất hàng thực phẩm, nông sản, giày dép và hàng may mặc, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương và ngân sách LB Nga.

Trong lĩnh vực sản xuất, đa số các doanh nghiệp tập trung vào sản xuất quần áo và giày dép. Nhờ xác định đúng các mặt hàng mà thị trường Nga có nhu cầu tiêu thụ lớn, với chính sách bảo hộ trong nước, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam hoạt động trong mảng này đã vươn lên chiếm lĩnh được thị trường với các thương hiệu được người tiêu dùng biết đến. Sản xuất đồ ăn nhanh, thực phẩm cũng là lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt thành công tại Nga.

Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp như đất đai rộng lớn, phì nhiêu, nhưng nước Nga lại chủ yếu nhập lương thực, thực phẩm từ nhiều nước khác. Nắm bắt được cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đã gặt hái được các thành công đáng kể khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ngay trên lãnh thổ Nga.

Trong một vài năm trở lại đây, để đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được ổn định lâu dài, một số công ty của người Việt Nam tại Nga đã chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực sản xuất các mặt hàng như bao bì, đồ gỗ, đồ nhựa…

Trong lĩnh vực thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga chủ yếu tham gia hoạt động bán buôn. Kể từ khi Nga chuyển sang nền kinh tế thị trường, hệ thống phân phối của người Việt cũng được hình thành. Nhiều doanh nghiệp Việt có quy mô sản xuất lớn đã xây dựng hệ thống phân phối với các đại lý đặt tại các thành phố trên khắp Liên bang. Một số doanh nghiệp có chiến lược đầu tư lâu dài để tham gia vào thị trường bán lẻ và gặt hái được những thành công đáng khích lệ.

Lĩnh vực dịch vụ và tư vấn đầu tư thu hút đông đảo các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Do những đặc thù nhất định nên lĩnh vực này phát triển mạnh và đa dạng trong cộng đồng người Việt tại Nga: giấy tờ cư trú, tư vấn pháp lý, cung ứng lao động, tài chính, du lịch và tổ chức sự kiện, khách sạn – nhà hàng, dịch vụ xuất nhập khẩu…

Có thể kể đến một số doanh nghiệp Việt đã phát triển mạnh và có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường LB Nga như: Công ty INCENTRA, Tập đoàn Milton Group, Tập đoàn UPSWAY, Công ty Volga-Viet, Công ty Mareven Food Central, Công ty Pacific, Tập đoàn Mekong Group, Công ty Ural Prom Torg, Công ty “Ẩm thực không biên giới”...

Ngoài kinh doanh đầu tư tại LB Nga, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Nga cũng đã về đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như: Tài chính – ngân hàng (VP Bank, VIB, Techcombank), trung tâm thương mại (Melinh Plaza), sản xuất vật liệu xây dựng (Eurowindow), thực phẩm (Masan), du lịch, khu nghĩ dưỡng (dự án khu nghỉ dưỡng Milton Phú Quốc)… Nhiều công ty đã rất thành công, chiếm thị phần không nhỏ trên thị trường Việt Nam, được người dân trong nước tin tưởng sử dụng sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động Việt Nam, góp phần đổi mới bộ mặt kinh tế - xã hội của nước nhà.

Với sự phát triển ngày càng mạnh của các doanh nghiệp Việt tại Nga, Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga (Hiệp hội) đã được ra đời để liên kết các nhà doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trên lãnh thổ LB Nga. Tôn chỉ mục đích của Hiệp hội là nhằm xây dựng và nâng cao vị thế cho giới doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga; làm cầu nối, đầu mối xúc tiến và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư giữa hai nước Việt Nam – LB Nga. Hiệp hội tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên trong việc tìm hiểu các chính sách mới của sở tại liên quan đến hoạt động kinh doanh, tổ chức các chuyến đi khảo sát tìm hiểu thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư tại các địa phương của Nga, tổ chức thành công hội chợ thương mại để quảng bá sản phẩm và kết nối các doanh nghiệp Việt – Nga; tổ chức các hội thảo và tọa đàm về những vấn đề mà doanh nghiệp và cộng đồng người Việt tại Nga quan tâm, qua đó đưa ra các kiến nghị và đề xuất các biện pháp giải quyết lên các cơ quan quản lý của cả Nga và Việt Nam; tích cực tham gia hoạt động từ thiện và tài trợ cho các hoạt động của cộng đồng người Việt tại LB Nga.

Hiệp hội đã xây dựng được mối quan hệ làm việc và hợp tác với các cơ quan chính quyền LB Nga, với các nhà sản xuất và phân phối hàng đầu tại LB Nga. Các thành viên trong Hiệp hội sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn và hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam và LB Nga quan tâm đến việc đầu tư vào thị trường Nga và Việt Nam; góp phần phát triển hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.

 Nông sản Việt có khả năng xuất khẩu cao vào Nga sau Hiệp đinh FTA VN – EAEU

Phát triển thị trường hàng hóa Việt Nam tại Nga

Trong những năm qua, Việt Nam luôn là đối tác thương mại lớn của Nga tại khu vực Đông Nam Á. Tính chung tất cả các thị trường trên thế giới, trong 8 tháng tính từ đầu năm 2016, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 25 của Việt Nam, trong đó là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 26 của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và ở chiều ngược lại Nga là nguồn hàng lớn thứ 17 của các nhà nhập khẩu Việt Nam.

Chính phủ hai nước đều nhất trí triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên trong các hoạt động xuất nhập khẩu; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; triển khai mở rộng thanh toán trực tiếp bằng đồng nội tệ của hai nước.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Theo Hiệp định này, có đến 90% dòng thuế xuất khẩu giữa hai bên được miễn thuế ngay hoặc giảm theo lộ trình về 0%. Các mặt hàng của Việt Nam được kỳ vọng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao vào thị trường Liên minh kinh tế Á – Âu là nông sản, cá, gạo, trái cây, rau quả, sản phẩm dệt may, da giày, đồ gia dụng,… Hiệp định hứa hẹn sẽ mang lại những cơ hội to lớn cho hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp Việt - Nga trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương 10 tỷ USD vào năm 2020.

TP Hồ Chí Minh là thành phố kết nghĩa với St Peterburg, cũng như đã ký kết những hiệp định về việc hợp tác với Moscow, Ekaterinburg, Vladivostok… Kim ngạch thương mại TP Hồ Chí Minh – Nga đạt hơn 300 triệu USD. Ngày 10/5/2015, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh và chính quyền tỉnh Moscow đã ký Thỏa thuận về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật và văn hóa; mở ra tiền đề thuận lợi cho việc phát triển hợp tác của doanh nghiệp hai bên.

Vừa qua, Tuần lễ hàng TP Hồ Chí Minh (từ 6-16/10/2016) được tổ chức tại Trung tâm Thương mại Hà Nội – Moscow đã diễn ra thành công ngoài dự kiến. 43 công ty, hãng kinh doanh, sản xuất tham gia Hội chợ thuộc riêng khu vực TP Hồ Chí Minh. Tại Hội chợ, lần đầu tiên hàng Việt Nam được đưa sang Nga một cách bài bản, với số lượng lớn và đa dạng về danh mục sản phẩm. Lần đầu tiên người tiêu dùng Nga được tiếp cận với các mặt hàng truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam ngay tại địa bàn của họ một cách phong phú, đầy đủ.

Với những điều kiện thuận lợi như vậy, việc hợp tác phát triển đầu tư, thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga có nhiều tiềm năng. Để phát huy tốt được tiềm năng ấy, thành phố, các doanh nghiệp trong nước cần những nỗ lực và thay đổi trong một số vấn đề cụ thể được kể đến như dưới đây.

Thứ nhất, việc thành lập các doanh nghiệp, nhà phân phối chuyên kinh doanh hàng hóa Việt Nam tại Nga.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song vị thế của hàng Việt Nam trên thị trường Nga còn rất khiêm tốn so với hàng hóa xuất xứ từ các nước khác. Điều này không hẳn là do hàng hóa Việt Nam kém chất lượng hơn hay không được người tiêu dùng Nga ưa chuộng. Nguyên nhân của thực trạng này là do các doanh nghiệp trong nước muốn xuất khẩu sang Nga chưa tìm hiểu kỹ thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng Nga; mẫu mã chưa bắt mắt, kích cỡ, quy cách đóng gói không phù hợp. Việc quảng bá các sản phẩm còn hạn chế, mang tính tự phát, thiếu sự chuyên nghiệp trong marketing nên hàng Việt Nam khó được biết đến. Đặc biệt, một số doanh nghiệp chưa coi trọng chữ tín trong kinh doanh, cung ứng hàng không đều về số lượng và chất lượng.

Do vậy, để đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường Nga, các doanh nghiệp trong nước cần tìm hiểu kỹ hơn về thị trường Nga. Vấn đề này có thể thực hiện thông qua sự hỗ trợ trực tiếp của các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động thành công tại Nga.

Thứ hai, xây dựng kênh thông tin về nhu cầu hàng hóa Việt Nam ở nước sở tại để hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, xét về tiềm năng và chỗ đứng hiện tại của hàng Việt Nam trên thị trường Nga, giải pháp này là chưa cần thiết và chưa mang lại hiệu quả. Hiện tại, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Nga chủ yếu dưới dạng nguyên liệu thô và bán thành phẩm; việc đóng gói, gắn nhãn mác, thương hiệu và phân phối do chuỗi cung ứng bán lẻ tại Nga thực hiện. Số lượng lớn hàng hóa có nhãn mác “Made in Vietnam” lại là các sản phẩm điện tử, may mặc, giày dép của các hãng sản xuất quốc tế đặt hàng sản xuất và gia công tại Việt Nam. Do vậy, chỉ khi xây dựng được thương hiệu, xâm nhập vào chuỗi bán lẻ, được người tiêu dùng Nga biết đến thì mới có cơ sở để tạo kênh thông tin thống kê về nhu cầu hàng hóa Việt Nam tại Nga.

Thứ ba, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh kinh tế Á -Âu có hiệu lực, không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam có ưu thế mà các đối tác Nga cũng có được lợi thế tương tự. Vấn đề đặt ra là bên nào nắm được phần nổi trội hơn trong chuỗi giá trị gia tăng từ xuất khẩu hàng hóa qua lại giữa hai bên. Để tận dụng tối đa ưu thế từ Hiệp định, chiếm ưu thế trên thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng hàng hóa – từ khâu sản xuất cho đến khi sản phẩm đến với người tiêu dùng. Có như vậy, hàng Việt Nam mới khẳng định được chỗ đứng trên thị trường Nga và hoạt động kinh doanh được lâu dài, bền vững.

Lê Trường Sơn
Chủ tịch Hiệp hội các nhà doanh nghiệp VN tại LB Nga
Tổng Giám đốc Công ty Incentra

 

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang