21/01/2023 10:32:00 PM
Đậm đà hồn Tết ở một gia đình Thái-Việt

Một gia đình ở quận Minburi, khu đô thị Bangkok tại Thái Lan đã duy trì truyền thống đón Tết Nguyên đán trong nhiều năm như một cách để lưu giữ văn hóa Việt Nam.

 Vợ chồng chị Vinh chuẩn bị mâm cỗ trước khi cúng lễ. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Nguyễn Thị Vinh, một người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Thái Lan, đã duy trì truyền thống đón Tết Nguyên đán trong nhiều năm dù xung quanh nơi gia đình chị sống không có người Việt.

Nguyễn Thị Vinh du học Thái Lan từ nhiều năm trước tại Đại học Kasem Bundit ở thủ đô Bangkok. Ngày ấy cô sinh viên có nước da trắng bóc có không ít chàng trai theo đuổi, nhưng cô đã chọn anh Tôn, một thanh niên đến từ vùng Isan (Đông Bắc Thái Lan) vì cảm mến sự chân thành của anh.

Trở thành rể Việt 10 năm nay, Tôn rất yêu thích các món ăn Việt và học cách nấu các món ăn từ quê vợ.

 Anh Tôn rất háo hức cùng vợ nấu món Việt. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Cô chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Bangkok: “Chồng em có thể nấu phở, canh khoai tây,… và anh ấy luôn giúp em nấu nướng”.

Đặc biệt khi Tết đến, Tôn lại càng háo hức vào bếp để phụ vợ cho ra đời các món ăn truyền thống Việt Nam để sau đó gia đình nhỏ cùng có phút giây quây quần bên nhau và thưởng thức hương vị Tết quê vợ.

Cả hai vợ chồng chị Vinh, anh Tôn đều làm việc cho các công ty của Thái Lan. Những ngày Tết cổ truyền, khi gia đình bè bạn ở Việt Nam nghỉ ngơi đón Tết thì vợ chồng chị vẫn phải đi làm.

Vì vậy, mặc dù vẫn thường xuyên về Việt Nam, nhưng cả chục năm nay chị chưa có lần nào được về ăn Tết ở quê nhà. Trong suốt những ngày trước Tết, chị Vinh vẫn tất bật việc công ty từ sáng đến tối nên cũng không có thời gian đi sắm đồ Tết.

Đến chiều 29 Âm lịch, chị Vinh mới có thể xin nghỉ làm sớm, tranh thủ chạy qua chợ mua hoa quả, đồ lễ để chuẩn bị cho mâm cỗ tất niên.

 Cả gia đình thành kính cúng tất niên. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Khu chợ nơi Vinh dẫn chúng tôi đến sắm Tết cũng không khác gì một chợ dân sinh điển hình ở Hà Nội ngày giáp Tết, không lớn nhưng đầy đủ mặt hàng.

Sau hơn 2 giờ đi chợ, Vinh đã chất đầy xe hoa quả, đồ lễ, hương nến và cả thực phẩm để chuẩn bị cho mâm cỗ tất niên và lễ cúng giao thừa.

Năm nay, mâm cỗ tất niên của gia đình có đủ cả gà luộc, vịt luộc, cua hấp, tôm chiên, nem rán, bánh chưng.

Khi tất cả đã xong xuôi, cả nhà cùng khoác lên mình bộ trang phục màu đỏ tương trưng cho sự may mắn và cùng làm lễ thắp hương cúng tất niên. Còn lễ cúng giao thừa luôn được nhà chị Vinh thực hiện vào thời khắc đất trời chuyển sang Năm mới.

 Chị Vinh tết tóc cho con gái. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Sáng mùng 1 Tết, hai con gái nhỏ của anh chị vẫn lễ phép chúc mừng năm mới bố mẹ an khang thịnh vượng và được bố mẹ lì xì một phong bao đỏ để có được may mắn trong cả năm. Sau đó, cả nhà lại cùng nhau đi lễ chùa rồi về nhà đón bạn bè đến nhà chúc Tết.

Anh Tôn chia sẻ Thái Lan chỉ có truyền thống cúng Phật vào Năm mới nhưng kể từ khi lấy vợ Việt Nam và được cùng vợ thực hành các phong tục đón Tết Nguyên đán cùng vợ, anh cảm thấy rất vui, thấy truyền thống đón Tết cổ truyền của người Việt Nam rất có ý nghĩa. Anh cũng mong muốn truyền thống đón Tết Việt của gia đình mình sẽ được các con lưu giữ và tiếp nối khi lớn lên.

Một mùa Xuân mới lại về và dù ở đây không có hoa mai, hoa đào thì với những người Việt xa xứ như chị Vinh, duy trì lễ cúng Tết cũng chính là lưu giữ hồn Việt./.

Đỗ Sinh-Huy Tiến (TTXVN/Vietnam+)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt tại Séc hỗ trợ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội
Người Việt Ba Lan hỗ trợ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội
Thủ tướng: Mong 2,2 triệu kiều bào tiếp tục đóng góp cho đất nước và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ
Báo Phụ nữ Thủ đô-Hiệp hội Hữu nghị Malaysia-Việt Nam: Thăm, hỗ trợ kinh phí cho 27 nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Thủ tướng gặp các doanh nghiệp Việt kiều tiêu biểu tại Hoa Kỳ
Tọa đàm về chung tay xây dựng Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản đoàn kết, vững mạnh
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với kiều bào
Đồng hành cùng kiều bào, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Khoảng 1000 bà con kiều bào về dự Xuân Quê hương 2023
Phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang