13/07/2017 02:21:00 PM
Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh thăm và làm việc với trường Đại học Phụ nữ châu Á

Nhân chuyến công tác tại Chittagong, ngày 6/7, Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Trần Văn Khoa đã tới thăm và làm việc với Ban Giám hiệu và các sinh viên Việt Nam đang học tập tại trường Đại học Phụ nữ châu Á.

Tại buổi làm việc, Ban Giám hiệu trường và các sinh viên Việt Nam tại trường Đại học Phụ nữ châu Á đã thông báo với Đại sứ Trần Văn Khoa về mô hình hoạt động và chương trình đào tạo của nhà trường. Chương trình học tập của trường được thiết kế theo mô hình giáo dục tại Anh, Mỹ với đội ngũ giáo viên quốc tế giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Điều kiện cơ sở vật chất của trường khang trang, hiện đại; sinh viên được bố trí ăn, ở tại ký túc xá ngay trong khuôn viên nhà trường với điều kiện an ninh tốt.

Các bạn sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường đã có những chia sẻ với Đại sứ. Các bạn cho biết, vượt qua những thử thách, khó khăn ban đầu, từ những cô gái rụt rè, nhút nhát, chưa tự tin khi giao tiếp, thuyết trình, thảo luận bằng tiếng Anh, đến nay các bạn đã rất tự tin khi phát biểu, thuyết trình bằng tiếng Anh trước đám đông. Bên cạnh đó, các bạn được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích và có cơ hội phát huy tối đa khả năng sáng tạo và tư duy phản biện, giúp  hình thành và phát triển những kỹ năng của một người lãnh đạo bản lĩnh và tự tin. Ngoài việc học tập, các bạn có cơ hội tham gia các câu lạc bộ ghita, piano, võ thuật,… cũng như nhiều hoạt động ngoại khóa, qua đó có cơ hội giao lưu với các sinh viên từ nhiều nước châu Á và hiểu thêm những nét đặc sắc trong văn hóa, phong tục, tập quán của các nước. Về dự định sau khi tốt nghiệp, một số bạn cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm những học bổng thạc sỹ ở nước ngoài; một số bạn sẽ quay trở về quê hương, tìm kiếm cơ hội việc làm nhằm đem những kiến thức và kỹ năng đã học đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ Trần Văn Khoa cảm ơn những hỗ trợ mà Ban Giám hiệu trường đã dành cho các sinh viên Việt Nam và đề nghị trường tiếp tục cấp học bổng cho các nữ sinh Việt Nam, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng núi hay những địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Đại sứ cũng động viên các sinh viên tiếp tục nỗ lực học tập, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống xa nhà, đồng thời mong muốn các sinh viên sau khi ra trường sẽ phát huy những kiến thức và kỹ năng đã học đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò của người phụ nữ.

Thay mặt Ban Giám hiệu trường, bà Rosie Bateson, Trưởng Khoa các vấn đề học thuật đánh giá cao sự chăm chỉ, năng động, sáng tạo của các sinh viên Việt Nam. Bà bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tăng cường hợp tác với trường trong việc giới thiệu, tuyển chọn các sinh viên, đặc biệt là ở phía Bắc nhằm mở rộng cơ hội cho nhiều sinh viên Việt Nam ở những khu vực khó khăn được nhận học bổng học tập tại trường.

Trường Đại học Phụ nữ châu Á không chỉ là một ngôi trường, mà còn là ngôi nhà chung - nơi các nữ sinh đều rất tự hào vì đã là một thành viên trong đại gia đình đó, nơi đã nuôi dưỡng và chắp cánh ước mơ cho các bạn sinh viên nữ. Ở nơi đó, dù mỗi em đến từ những quốc gia khác nhau, có những hoàn cảnh khác nhau và có những dự định khác nhau sau khi ra trường, nhưng điểm chung là các em đều dám nghĩ, dám ước mơ và dám quyết tâm thực hiện với mong muốn khẳng định vai trò và vị trí của người phụ nữ trong xã hội hiện đại và đóng góp nhiều hơn cho đất nước, cho cộng đồng.

Trường Đại học Phụ nữ châu Á tại thành phố Chittagong (Bangladesh), là ngôi nhà chung của 605 nữ sinh viên đến từ 16 quốc gia châu Á, trong đó có 27 nữ sinh Việt Nam. Đây là trường Đại học quốc tế tư nhân đầu tiên trên thế giới dành cho phụ nữ, được thành lập năm 2006, dưới sự bảo trợ của nhiều nhà lãnh đạo, chính khách nổi tiếng của Bangladesh và thế giới như Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Đệ nhất phu nhân Nhật Bản, Tổng Giám đốc UNESCO…; hiện Hiệu trưởng của trường là bà Cherie Blair, phu nhân cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Trường cũng nhận được sự đóng góp, hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Thế giới, các tổ chức phi chính phủ và các tập đoàn, công ty lớn của nhiều nước trên thế giới. Mục tiêu của trường là đào tạo và trang bị những kiến thức và kỹ năng trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành giúp các nữ sinh viên phát huy năng lực của bản thân để trở thành những nhà lãnh đạo của doanh nghiệp và cộng đồng. Từ khi thành lập đến nay, trường đã cấp hàng trăm học bổng cho các nữ sinh của nhiều nước châu Á, trong đó đặc biệt chú trọng tới các nữ sinh đang sống tại những vùng xa xôi, hẻo lánh, khó khăn, những vùng chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh. Số lượng học bổng trường cấp hàng năm dành cho sinh viên của mỗi nước là không cố định, tùy thuộc vào kết quả thi tuyển của các ứng viên.

Hiện nhà trường đang đào tạo 27 sinh viên Việt Nam trong các chuyên ngành như kinh tế, chính trị, khoa học sinh học, khoa học môi trường, y tế… Các em đến từ nhiều vùng, miền khác nhau của đất nước như Tiền Giang, Biên Hòa, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Đà Nẵng… Trong đợt tuyển sinh năm 2017, đã có thêm 4 sinh viên Việt Nam được cấp học bổng học tập tại trường. Từ năm 2009 đến nay đã có trên 20 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp. Một số sinh viên Việt Nam sau khi ra trường đã nhận được học bổng thạc sỹ tại các trường đại học ở Mỹ, Úc…; một số được chọn là gương mặt nữ sinh viên tiêu biểu tham dự và có bài thuyết trình tại các hội nghị quốc tế; một số đang làm việc tại các công ty, tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam và ở nước ngoài. Trong quá trình học tập tại trường, một số sinh viên Việt Nam xuất sắc cũng đã nhận được học bổng đi thực tập ngắn hạn tại Nhật Bản và nhiều nước khác.


(Tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang