20/12/2018 04:52:00 PM
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài 2019 sẽ hướng vào 3 trọng tâm chính

Sáng nay, 20/12, Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Uỷ ban) đã có buổi Gặp gỡ báo chí, nhằm thông tin về kết quả hoạt động năm 2018 và các hoạt động chính năm 2019 của Uỷ ban, trong đó có chương trình Xuân Quê Hương và Hội nghị kết nối kiều bào với các địa phương.

 Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Tình hình cộng đồng hiện nay

Khái quát về tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) thời gian vừa qua, Đại sứ Lương Thanh Nghị khẳng định: Cộng đồng 4,5 triệu NVNONN tiếp tục phát triển ổn định và hội nhập sâu vào xã hội sở tại. Đặc biệt, một bộ phận cộng đồng bắt đầu thể hiện được vị trí và vai trò tại địa bàn định cư, cả về mặt kinh tế và chính trị.

Về kinh tế, hiện nay, số lượng tỉ phú đô la người Việt trên thế giới, tuy chưa nhiều nhưng đã có vai trò nhất định, ví dụ như ở Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ba Lan, Nga… Vị thế về mặt chính trị của cộng đồng NVNONN ngày một được nâng cao. Gương mặt điển hình là Hạ nghị sĩ Stephanie Đỗ, hiện nay là chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp – Việt. Vị trí xã hội của bà con cũng được nâng lên rõ rệt. Về văn hóa, giáo dục, đội ngũ trí thức, nhà khoa học gốc Việt là rất đông, đã thành lập được những Hội khoa học, trí thức, trở thành cầu nối hiệu quả giữa nước sở tại với Việt Nam. Trong số đó phải kể đến đóng góp của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc với Quỹ giáo dục Odon Vallet.

Điểm đáng chú ý thứ hai là kiều bào đang ngày càng có xu hướng trở về nước, không chỉ là thăm thân, mà còn đầu tư kinh doanh, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Luật Quốc tịch năm 2008, người gốc Việt Nam có nhu cầu trở lại, nhập quốc tịch Việt Nam phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Điều này gây khó khăn cho người Việt Nam định cư và đã nhập quốc tịch nước ngoài và những cháu có bố hoặc mẹ là người Việt Nam muốn trở lại và nhập quốc tịch Việt Nam nhằm duy trì sợi dây quan hệ với quê hương. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều nước đã nới lỏng chính sách quốc tịch, cho phép công dân của mình được phép có hai hoặc đa quốc tịch, vì vậy, số lượng người gốc Việt Nam có nhu cầu nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam không ít.

Hàng năm, số lượng kiều bào về nước là trên dưới 1 triệu người. Đầu tư kinh doanh của kiều bào cũng có nhiều khởi sắc. Hiện nay có khoảng gần 3000 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỉ đô la tập trung vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước, đặc biệt là những lĩnh vực công nghệ cao, tạo việc làm và thu nhập cho người dân trong nước. Lượng kiều hối của NVNONN có xu hướng tăng mạnh. Theo đó, trong 12 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước tăng 10%-15%/năm; năm 2017 là 13,8 tỉ USD (theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới), con số này trong năm nay là 15,9 tỉ USD, tương đương 6,6% GDP cả nước.

Việc này bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã rộng mở hơn, các chính sách trọng dụng, trọng đãi đối với cộng đồng NVNONN bắt đầu phát huy hiệu quả. Nguyên nhân chủ quan là sự lớn mạnh của cộng đồng NVNONN cùng với sự phát triển trong nước đã giúp khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khuyến khích bà con trở về quê hương đóng góp vào sự phát triển chung.

Một thực trạng của cộng đồng NVNONN phải kể đến là việc ở một số địa bàn, địa vị pháp lý của bà con còn chưa vững chắc (Campuchia, Lào, Ucraina…). Ngoài lý do về chính sách nhập cư của nước sở tại, thực trạng một bộ phận người đi du lịch, lao động xuất khẩu, du học sinh định cư bất hợp pháp cũng cần phải được xét đến.

 Quang cảnh buổi Gặp gỡ báo chí

Công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

Tổng kết công tác của Uỷ ban trong năm 2018, Phó Chủ nhiệm Lương Thanh Nghị nhấn mạnh vào 3 trọng tâm: đó là thực hiện đại đoàn kết dân tộc; hỗ trợ kiều bào duy trì bản sắc văn hóa, đặc biệt là tiếng Việt; tập trung phát huy nguồn lực kiều bào, đặc biệt là nguồn lực trí thức.

Về công tác đại đoàn kết dân tộc, Ủy ban liên tục tổ chức rất nhiều hoạt động, nổi bật là các sự kiện thường niên như Xuân Quê hương, đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK, Trại hè Việt Nam… Qua đó, giúp tạo điều kiện cho bà con về nước, gặp gỡ giao lưu với chính quyền, người dân trong nước, tăng cường gắn bó, đoàn kết giữa cộng đồng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó cũng có nhiều hội nghị, hội thảo hướng đến đối tượng là trí thức, kiều bào trẻ.

Nhằm hỗ trợ bà con duy trì bản sắc văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ dân tộc, trong thời gian vừa qua, Ủy ban đã đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt, thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Đã có 3 đề án cấp Nhà nước liên quan đến việc dạy và học tiếng Việt. Ủy ban cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động cuộc thi viết sách giáo khoa tiếng Việt, cũng như phối hợp với các kênh truyền thông mở ra các chương trình học tiếng Việt. Đặc biệt, việc tổ chức chương trình tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài đã cho thấy hiệu quả và sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng trong tương lai.

Trọng tâm công tác thứ ba là tập trung phát huy nguồn lực kiều bào, đặc biệt là nguồn lực về trí thức, khoa học – công nghệ đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2016, Ủy ban đã tổ chức Hội nghị Việt kiều toàn thế giới tại TP Hồ Chí Minh. Tại đây, bà con đã đưa ra gần 50 kiến nghị, đề xuất nhằm giúp TP Hồ Chí Minh phát triển, nhiều đề xuất trong số đó được xem xét nghiêm túc và triển khai thực hiện.

Tiếp tục phát huy nguồn lực kiều bào

Đại sứ Lương Thanh Nghị cho biết trọng tâm công tác của Uỷ ban trong năm 2019 sẽ tiếp tục tập trung vào 3 nội dung nêu trên.

Cụ thể là, tiếp tục chú trọng hỗ trợ cộng đồng NVNONN củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại; vận động và thúc đẩy chính quyền sở tại sớm giải quyết cơ bản giấy tờ pháp lý cho người Campuchia gốc Việt. Định hướng, hỗ trợ hoạt động của các hội đoàn, cá nhân NVNONN, hỗ trợ mạng lưới kiều bào trẻ lập nghiệp tại Việt Nam.

Tăng cường công tác đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng NVNONN. Mở rộng hơn về phạm vi và đi vào chiều sâu công tác giảng dạy tiếng Việt, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến kiều bào.

Trên tinh thần đó, cuối tháng 12/2018 và đầu năm 2019, Ủy ban sẽ tổ chức hai hoạt động lớn:

  • Hội nghị Kết nối kiều bào với địa phương (26 – 29/12/2018) tại Nghệ An và Hà Tĩnh với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng quê hương hội nhập và phát triển”, dự kiến có sự tham dự của 200 – 250 đại biểu kiều bào đến từ hơn 20 nước trên thế giới.
  • Xuân Quê Hương 2019 (26/1/2019) tại thành phố Hà Nội do Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức.

Mai Phương

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Australia mong muốn góp phần xây dựng và phát triển đất nước
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang