20/10/2016 10:24:00 AM
Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh

Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đang thực hiện chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức VNONN mang tri thức về đóng góp xây dựng quê hương. Về mặt chủ trương, nếu điều này được thực hiện có lộ trình rõ ràng và có cách phát triển đúng đắn thì sẽ mang lại những giá trị cao cho giáo dục đại học, cao đẳng cũng như phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế...

  • Tiến sĩ Trần Hải Linh phát biểu tại Diễn đàn chuyên gia trí thức VNONN với phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước (tháng 6/2015)

  • Cần đổi mới nội dung phương pháp đào tạo theo quy chuẩn quốc tế cho các trường cao đẳng dạy nghề và trường đại học (Ảnh minh họa)

TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ và cũng là trung tâm về giáo dục đào tạo lớn của cả nước. Thành phố cũng có lợi thế về nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động dồi dào, năng động và sáng tạo, có thể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế phát triển của TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập và phát triển của TP Hồ Chí Minh là điều hết sức cần thiết.

Nhìn tổng thể một cách khách quan thì học sinh tốt nghiệp các trường THPT ở nước ta nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng không thua kém với trình độ học sinh trung học các nước khác. Tuy nhiên, người tốt nghiệp cao đẳng, đại học của Việt Nam có thể nói là phần nhiều còn thua kém so với người tốt nghiệp ở nước ngoài, đặc biệt về các mảng kiến thức chuyên môn thực hành, kỹ năng mềm, tác phong làm việc…

Thực tế cho thấy rất rõ trong khoảng thời gian khá dài trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp nhưng thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành nghề đào tạo ngày càng cao. Điều đó cho thấy giáo dục cao đẳng, đại học là mảng cần nhiều sự thay đổi. Tôi nghĩ rằng con đường tiến bộ cho giáo dục cao đẳng, đại học ở Việt Nam chính là cần có sự tự chủ. Trong các quyền tự chủ thì có tự chủ về tuyển sinh, tự chủ về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về giảng dạy và nghiên cứu, tự chủ về tài chính, về cả chương trình học cho sinh viên... Chúng ta thấy vấn đề nan giải nhất là lương của giảng viên, cán bộ. Mức độ lương theo hệ thống lương công chức không tương ứng với mức độ cống hiến và vị trí xã hội của họ, do vậy giảng viên cũng không thể toàn tâm vào việc đào tạo thế hệ kế cận. Điều này tạo nên sự lãng phí vô cùng to lớn về tiềm năng công suất lao động của đội ngũ giảng viên, cán bộ giảng viên đại học Việt Nam vì thiếu điều kiện làm việc, rồi mất thời giờ lo chuyện cơm áo gạo tiền để bù đắp thêm cho khoản lương không đủ mức sinh sống cho gia đình. Vì chỉ khi có lương đủ sống, điều kiện nghiên cứu và làm việc đạt tiêu chuẩn, kèm theo các chính sách phù hợp với sự phát triển thì họ mới toàn tâm đào tạo ra nguồn nhân lực trình độ cao, phát triển khoa học công nghệ, hướng đến phát triển công nghiệp, tạo đòn bẩy cho việc phát triển nền kinh tế.

Một số trường đại học ở TP Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện thí điểm tự chủ về tài chính, họ đã trả lương cao hơn cho các giảng viên, cán bộ so với các đại học không tự chủ về tài chính, và thực tế cho thấy rõ là kết quả nghiên cứu, giảng dạy cũng như đầu ra của sinh viên ở các trường đó đã thay đổi và chuyển biến rõ rệt theo chiều hướng tốt.

Người ta thường nói “Thầy giỏi mới có trò hay”, và đóng góp rất lớn trong việc phát triển giảng dạy và nghiên cứu là đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên. Trong quá trình nghiên cứu vấn đề nhân sự của đa số các trường cao đẳng, đại học Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng, cách mà chúng ta làm trái ngược với quy trình tuyển chọn giảng viên của bất kỳ trường đại học nào trên thế giới. Cách thức mà các trường đại học Việt Nam thực hiện để xây dựng nhân sự cho trường mình là tạo nguồn tại chỗ. Các trường đại học của ta thường chọn những sinh viên giỏi nhất để bồi dưỡng, đào tạo họ trở thành nguồn cán bộ cho chính trường mình. Trên thế giới thì ngược lại bởi hầu hết các trường đại học đều có chính sách không tuyển sinh viên do mình đào tạo.

Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đang thực hiện chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức VNONN mang tri thức về đóng góp xây dựng quê hương. Về mặt chủ trương, nếu điều này được thực hiện có lộ trình rõ ràng và có cách phát triển đúng đắn thì sẽ mang lại những giá trị cao cho giáo dục đại học, cao đẳng cũng như phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế. Tôi cho rằng đội ngũ chuyên gia, trí thức VNONN với tiềm lực rất đáng kể và đều có mong muốn cống hiến cho đất nước nhưng vẫn còn bị những hạn chế vì một số lý do. Trong đó, bao gồm vấn đề thiếu thông tin, thiếu “cầu nối”, và phương thức thực hiện chính sách.

Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm văn hóa, lịch sử khá tương đồng. Hàn Quốc trở thành một nước phát triển như hiện nay là dựa trên nền tảng sự phát triển vượt bậc về giáo dục đại học, các trường cao đẳng nghề, đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, liên tục phát triển những ứng dụng khoa học và công nghệ cao, tạo đòn bẩy mạnh cho kinh tế quốc gia trong một thời gian ngắn. Để làm được điều này có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ người Hàn Quốc được đào tạo và làm việc ở khắp các nước phát triển trên thế giới.

Hiện có gần 4,5 triệu người Việt đang định cư, sinh sống ở nước ngoài, trong đó có hơn 400 ngàn người là chuyên gia, trí thức được học tập và đào tạo bài bản. Việt Nam sẽ thành công nếu biết khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực của đội ngũ các nhà khoa học và trí thức VNONN, cũng như tìm ra những cách thức phù hợp để kết hợp nguồn lực ngoài nước với các nguồn lực trong nước. Đoàn kết tạo ra sức mạnh là bài học đã được chứng minh qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nếu mỗi người dân Việt Nam đều cùng cố gắng, đoàn kết, từ đó tập hợp các nguồn lực trong và ngoài nước thành một sức mạnh tổng hợp, đi theo đó là chính sách và hỗ trợ của chính phủ và đồng thuận phối hợp của các cơ quan chức năng, tôi tin rằng đất nước Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng sẽ phát triển vươn xa hơn rất nhiều so với thời điểm hiện nay.

Từ những thực tế nêu trên, tôi đề xuất một số kiến nghị có thể áp dụng vào việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP HCM, như sau:

Thứ nhất, trao quyền tự chủ cho các trường cao đẳng, đại học.

Trong tình hình hiện tại của Việt Nam, trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học, cao đẳng. Trường nào không có khả năng đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của quốc gia sẽ tự dần phải thay đổi hoặc tự đào thải chính mình.

Giao quyền phong giáo sư và phó giáo sư cho các trường theo mô hình giống như các nước phát triển đã và đang làm. Giáo sư và phó giáo sư dựa trên những công bố trên tập san khoa học quốc tế, bằng phát minh sáng chế (patent), hoặc các thành tích nghiên cứu khoa học khác đã đạt được.

“Thầy giỏi ắt có trò hay”, coi nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết cần phải thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ. Chính quyền – Nhà trường – Nguồn nhân lực chất lượng cao – Doanh nghiệp phải là cầu nối và có mối quan hệ tương hỗ, mật thiết lẫn nhau.

Thứ hai, đổi mới nội dung phương pháp đào tạo theo quy chuẩn quốc tế cho các trường cao đẳng dạy nghề và trường đại học.

Không đào tạo tràn lan các mã ngành, chuyên ngành đào tạo quá giống nhau giữa các trường cao đẳng và đại học, giáo dục đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, đặc biệt có thể học tập, phối hợp và áp dụng các mô hình đào tạo quy chuẩn của các nước phát triển để ứng dụng cho các chuyên ngành mà TP Hồ Chí Minh đang có nhu cầu và đang có thế mạnh như cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - cao su, chế biến lương thực - thực phẩm (ứng dụng và phát triển các thành tựu của các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, hoặc kết hợp, hợp tác giữa các chuyên ngành để ứng dụng đạt hiệu quả cao nhất).

Thứ ba, có cơ chế thu hút phù hợp, giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ chuyên gia trí thức VNONN.

Tạo các diễn đàn trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo thành phố với đội ngũ này. Có thể tập trung và mời những người này đến thăm, làm việc và trao đổi với các đơn vị đào tạo mũi nhọn của thành phố, với các trung tâm nghiên cứu và phát triển hiện có của thành phố, với các doanh nghiệp có thế mạnh riêng biệt của từng chuyên ngành.

Tuyển chọn và hỗ trợ cho những người có chuyên môn phù hợp với những việc mà TP Hồ Chí Minh đang cần. Việc tài trợ cho đội ngũ này cần ở mức đủ để họ tập trung được vào nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ (thí dụ như họ được làm việc với điều kiện nghiên cứu tốt, có chế độ đãi ngộ lương bổng tốt). Ngược lại, họ phải đáp ứng được yêu cầu công việc, hợp tác được với nhau thành những nhóm nghiên cứu mạnh, nhận những nhiệm vụ cụ thể và chịu những trách nhiệm cam kết với TP Hồ Chí Minh. Tạo điều kiện làm việc và cho họ cơ hội để họ cống hiến và chứng minh khả năng tại TP Hồ Chí Minh trong một thời gian nhất định ban đầu, ví dụ như hỗ trợ các điều kiện làm việc tốt nhất để hợp tác với các cơ quan tại TP Hồ Chí Minh trong 2-3 năm, giao nhiệm vụ và yêu cầu cụ thể, nếu đạt thì có thể tiếp tục cộng tác cho những thời gian tiếp theo.

Giao cho một bộ phận hoặc cơ quan chuyên trách của thành phố có trách nhiệm liên hệ và kết nối với các chuyên gia VNONN trong tất cả các lĩnh vực. Khi cần, cơ quan này có thể trực tiếp báo cáo lên lãnh đạo thành phố và các cơ quan ban ngành chức năng có liên quan về các quyết sách cho đội ngũ này.

Thứ tư, các chính sách về khoa học và giáo dục cần đề cao giá trị của các nghiên cứu khoa học có chất lượng.

Điều này dựa trên số lượng bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế khoa học chuyên ngành, và chỉ số trích dẫn của bài báo; đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua những sản phẩm nghiên cứu khoa học và khả năng ứng dụng vào trong đời sống xã hội, mang lại giá trị phát triển cho nền kinh tế.

Thứ năm, cần thành lập các chương trình mang tính chiến lược lâu dài.

Tại Hàn Quốc, chương trình Brain Korea 21 đã thực hiện, định hướng và liên kết giữa giáo dục cao đẳng, đại học và các nhà nghiên cứu trẻ, nguồn nhân lực trình độ cao trong việc phát triển khoa học, công nghệ, kĩ thuật với tăng trưởng kinh tế. Hàn Quốc không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng phát triển được như ngày hôm nay một phần là nhờ biết tận dụng nguồn chất xám của đội ngũ trí thức Hàn Quốc được đào tạo bài bản ở nước ngoài trở về đóng góp cho đất nước. Bên cạnh đó, những chính sách về đổi mới giáo dục cao đẳng, đại học kèm theo các chương trình phát triển nhân lực trình độ cao trong khoa học, công nghệ, công nghiệp đã đóng vai trò then chốt trong việc phát triển nền kinh tế. Điều làm nên thành công của Hàn Quốc chính là sự đồng thuận và quyết tâm cao của Chính phủ và người dân Hàn Quốc, trong đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ Hàn kiều. Chính những con người này cùng với sự hỗ trợ chính sách đặc biệt của chính phủ và phối hợp, đồng thuận của các cơ quan chức năng, đã đưa Hàn Quốc trở thành một nước phát triển như hiện nay, dựa trên nền tảng sự phát triển vượt bậc về khoa học và công nghệ cao trong một thời gian ngắn.

Là người đang sinh sống, làm việc, nghiên cứu và học tập tại Hàn Quốc, cũng là những người luôn theo dõi bước chuyển mình của quê hương, chúng tôi có một niềm tin mạnh mẽ là Việt Nam, trong đó TP Hồ Chí Minh sẽ là một trong những địa phương đi đầu và sẽ tạo ra những “kỳ tích sông Hàn” như đất nước Hàn Quốc đã từng thực hiện và phát triển.

TS Trần Hải Linh (Hàn Quốc)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thư mời tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới
Xuân Quê hương 2018: Việt Nam rạng ngời tương lai
Chính sách kiều bào: Từ nhận thức tới hành động
Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ nhất
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Đại biểu kiều bào dự Hội nghị người VNONN lần thứ nhất vào lăng viếng Bác
Xuân Quê hương 2018: Việt Nam rạng ngời tương lai
TP Hồ Chí Minh cần có chiến lược lâu dài trong đào tạo nguồn nhân lực
Cần chủ động hơn trong việc tạo cơ hội mời gọi kiều bào
Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh
Thư mời tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang