12/01/2018 05:48:00 PM
Tôi muốn về VN sống và sinh con, cần làm gì?

* Hỏi: Tôi đã kết hôn với người Hàn Quốc tại Hàn Quốc, nay tôi muốn cùng chồng về VN để sinh sống và sinh con. Vậy trước khi về VN tôi cần những thủ tục gì ở Hàn Quốc và khi về VN thì tôi cần làm những thủ tục gì trước và sau khi sinh?

* Trả lời:

Theo như thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu là bạn muốn cùng chồng là người Hàn Quốc về Việt Nam để sinh con và cư trú tại Việt Nam.

1. Trước khi về Việt Nam:

- Đối với bạn là công dân Việt Nam thì phải có hộ chiếu Việt Nam vẫn còn thời hạn sử dụng. Do bạn đang mang thai, bạn cần liên hệ với hãng hàng không mà bạn mua vé để tìm hiểu các quy định tại các hãng hàng không đối với phụ nữ mang thai để đảm bảo sức khoẻ và thủ tục tại sân bay.

- Đối với chồng bạn là người nước ngoài, thì chồng bạn cần phải đáp ứng được các điều kiện để được nhập cảnh đối với người nước ngoài (Điều 20 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014) là có hộ chiếu phải có thời hạn sử dụng ít nhất 03 tháng, đồng thời, không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh theo Điều 21 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.

Theo Quyết định số 09/2004/QĐ-BNG ngày 30/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về việc ban hành Quy chế tạm thời về miễn thị thực đối với công dân Nhật Bản và công dân Hàn Quốc, công dân Hàn Quốc không phân biệt loại hộ chiếu được miễn thị thực khi nhập cảnh, xuất cảnh ở Việt Nam trong thời hạn tạm trú ở Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

2. Sau khi về Việt Nam, vợ chồng bạn tiếp tục thực hiện các thủ tục sau:

2.1. Thủ tục khai báo tạm trú

Bạn sẽ tiến hành thủ tục khai báo tạm trú với tư cách là công dân Việt Nam. Chồng bạn cần thực hiện việc khai báo tạm trú tại cơ quan Công an phường, xã, thị trấn nơi cư trú theo quy định tại Điều 33 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.

Hồ sơ khai báo tạm trú: Khai báo thông tin vào Phiếu khai báo tạm trú theo mẫu NA17 ban hành kèm theo Thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 của Bộ Công an trong thời hạn 12 giờ kể từ khi đến nơi lưu trú (Điều 7 Thông tư 53/2016/TT-BCA ngày 28/12/2016 của Bộ Công an quy định cách thức thực hiện khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam – sau đây gọi là “Thông tư 53”)

Thời gian giải quyết: Giải quyết 24 giờ/07 ngày.

2.2. Thủ tục xin miễn thị thực:

Để có thể sinh sống lâu dài ở Việt Nam, chồng bạn phải thực hiện thủ tục xin miễn thị thực. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, chồng bạn đủ điều kiện để được miễn thị thực. Giấy miễn thị thực có thời hạn tối đa không quá 05 năm và ngắn hơn thời hạn sử dụng của hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của người được cấp ít nhất 06 tháng(Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24/09/2015 của Chính phủ quy định về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam – sau đây gọi là “Nghị định 82”).

Hồ sơ đề nghị cấp giấy miễn thị thực (01 bộ):(Điều 6 Nghị định 82)

+ Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ cho phép thường trú do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

+ Tờ khai đề nghị cấp, cấp lại giấy miễn thị thực kèm theo 02 ảnh (01 ảnh dán trong tờ khai).

+ Giấy tờ chứng minh thuộc diện cấp giấy miễn thị thực: Bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc kèm theo bản chính để đối chiếu giấy tờ chứng minh là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc của người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

Cơ quan và thời hạn cấp giấy miễn thị thực:

Hồ sơ nộp tại Cục quản lý xuất nhập cảnh ở Việt Nam: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (Điều 8 Nghị định 82).

Lệ phí cấp giấy miễn thị thực: 10 USD/giấy miễn thị thực (Phụ lục 2 Biểu mức thu phí trong lĩnh vực ngoại giao ban hành kèm Thông tư số 264/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài)

2.3. Thoả thuận chọn quốc tịch và thực hiện khai sinh cho con

a. Thỏa thuận chọn quốc tịch cho con

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là “Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi”), trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam. Như vậy, bạn và chồng bạn phải cùng nhau thỏa thuận chọn quốc tịch Hàn Quốc hoặc Việt Nam cho con bạn, nếu không thỏa thuận được thì con bạn sẽ mang quốc tịch Việt Nam.

Thỏa thuận chọn quốc tịch cho con bạn phải được lập thành văn bản.Văn bản thỏa thuận này là một trong những giấy tờ cần phải nộp khi thực hiện việc khai sinh cho con bạn.

b. Thực hiện việc khai sinh cho con

Trong trường hợp vợ chồng bạn thoả thuận lựa chọn cho con quốc tịch tại Việt Nam, bạn sẽ tiến hành thủ tục khai sinh cho con tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi bạn cư trú.

Hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:(Điều 16, 35, 36 Luật Hộ tịch 2014)

+ Tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

+ Văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con. Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.

+ Bản sao kèm bản chính đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực các loại giấy tờ sau: Giấy Chứng nhận ghi chú kết hôn của cha mẹ; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của cha mẹ; Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc chứng nhận tạm trú.

Thời hạn giải quyết: giải quyết ngay khi nhận hồ sơ.

Lệ phí: Tùy thuộc vào từng địa phương mà có mức lệ phí khác nhau (điểm c Khoản 2 Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, 
Thanh Xuân, Hà Nội

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Là người gốc VN thì có được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như công dân VN?
Tôi muốn về Việt Nam học đại học, phải làm sao?
Chú tôi có bị bắt khi về thăm Việt Nam? (phần 1)
Tôi có được hưởng lương bảo hiểm xã hội ở VN nữa không?
Các bước thủ tục để được nhập khẩu miễn thuế xe hơi dùng trong gia đình
Về thủ tục đổi giấy phép lái xe do nước ngoài cấp để sử dụng ở Việt Nam
Giải đáp thắc mắc liên quan quyền sử dụng nhà và đất ở
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang