08/11/2019 05:55:00 PM
Tôi muốn về Việt Nam học đại học, cần làm gì?

* Hỏi: Cháu là người Việt nhưng có quốc tịch hiện tại là Canada. Cháu sắp tốt nghiệp cấp 3 bên này và muốn về Việt Nam học đại học thì thủ tục cần như thế nào ạ?

* Trả lời:

Theo thông tin được cung cấp, chúng tôi hiểu rằng bạn là người gốc Việt đang sinh sống, học tập và có quốc tịch tại Canada. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, bạn muốn về Việt Nam để học đại học. Vì câu hỏi không nêu rõ bạn có quốc tịch Việt Nam hay không nên chúng tôi chia ra hai trường như sau:

  1. Nếu bạn có quốc tịch Việt Nam thì việc học tập tại Việt Nam, thủ tục về nước, nhập học không khác gì so với một công dân Việt Nam, một học sinh, sinh viên trong nước;
  2. Nếu bạn không có quốc tịch Việt Nam, thì bạn phải thực hiện các thủ tục và tuân thủ các điều kiện áp dụng đối với lưu học sinh học tập tại Việt Nam. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về điều kiện tiếp nhận lưu học sinh mà bạn phải đáp ứng được quy định tại Thông tư số 30/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 24/12/2018 quy định về quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam (“Thông tư 30/2018/TT-BGDĐT”), cụ thể:

  1. Điều kiện về học vấn, chuyên môn (Điều 4 Thông tư 30/2018/TT-BGDĐT): Phải có văn bằng tốt nghiệp tối thiểu tương đương văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam theo quy định pháp luật của Việt Nam hoặc các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước gửi lưu học sinh là thành viên đối với từng cấp học và trình độ đào tạo. Bạn cần liên lạc với trường đại học tại Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Canada để hỏi về việc công nhận tương đương văn bằng tốt nghiệp cấp 3 của bạn tại Canada.
  2. Điều kiện về sức khỏe và tuổi (Điều 5 Thông tư 30/2018/TT-BGDĐT):
    - Phải có đủ sức khỏe để học tập tại Việt Nam. Sau khi đến Việt Nam, bạn phải kiểm tra lại sức khỏe tại cơ sở y tế do cơ sở giáo dục tiếp nhận đào tạo hoặc cơ sở phục vụ lưu học sinh của Việt Nam chỉ định.
    - Tuổi: không hạn chế.
  3. Điều kiện về ngôn ngữ (Điều 6 Thông tư 30/2018/TT-BGDĐT): bạn phải đáp ứng trình độ ngôn ngữ phù hợp với chương trình đào tạo. Nếu chương trình đào tạo chính thức bằng tiếng Việt thì bạn phải đạt đủ yêu cầu về tiếng Việt của chương trình, nếu không đạt đủ thì phải học dự bị tiếng Việt đến khi đạt đủ trình độ.

Bạn cần liên lạc với cơ sở đào tạo đại học tại Việt Nam nơi dự kiến theo học để tham khảo hướng dẫn, yêu cầu xét tuyển người nước ngoài vào học tập tại đại học của từng trường.

Thứ hai, thủ tục về Việt Nam học đại học:

Sau khi hoàn tất thủ tục trên và nhận được thông báo trúng tuyển và giấy hẹn nhập học từ trường đại học, bạn cần thực hiện các thủ tục nhập cảnh, cư trú để học tập tại Việt Nam, được quy định tại Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (“Luật Xuất nhập cảnh”) và các văn bản hướng dẫn thi hành khác, cụ thể:

Bước 1: Thủ tục xin cấp thị thực để nhập cảnh vào Việt Nam:

  1. Trong trường hợp bạn nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích học tập, thị thực của bạn sẽ được cấp mang ký hiệu DH, có thời hạn không quá 12 tháng (khoản 12 Điều 8, khoản 4 Điều 9 Luật Xuất nhập cảnh).
  2. Điều kiện cấp thị thực (Điều 10 Luật Xuất nhập cảnh): (i) có hộ chiếu còn thời hạn; (ii) Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam bảo lãnh; (iii) không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 Luật Xuất nhập cảnh; (iv) có văn bản tiếp nhập của trường đại học tại Việt Nam.
  3. Hồ sơ xin cấp thị thực (khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 18 Luật Xuất nhập cảnh): Sau khi thực hiện xong thủ tục bảo lãnh tại Việt Nam bởi trường đại học tại Việt Nam, bạn cần chuẩn bị hồ sơ xin cấp thị thực và nộp tại cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở Canada hoặc nhận tại cửa khẩu quốc tế thông qua việc thực hiện thủ tục nhận thị thực, bao gồm:
    - Hộ chiếu (còn thời hạn tối thiểu 06 tháng);
    - Công văn trả lời của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh về việc cấp thị thực;
    - Tờ khai đề nghị cấp thị thực (mẫu NA1 ban hành kèm theo Thông tư số 04/2015/TT-BCA của Bộ Công an ngày 05/01/2015 quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (“Thông tư 04/2015/TT-BCA”)), giấy tờ chứng minh mục đích vào Việt Nam.
    - 02 ảnh cỡ 4x6 cm (01 ảnh dán vào tờ khai, 01 ảnh rời).

Bạn nên liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Canada để chuẩn bị các giấy tờ cần thiết tương ứng với yêu cầu của nơi bạn nhận thị thực.

Bước 2: Thực hiện thủ tục tạm trú tại Việt Nam:

  1. Khi thực hiện thủ tục nhập cảnh, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh sẽ cấp chứng nhận tạm trú bằng hình thức đóng dấu vào hộ chiếu, thời hạn tạm trú bằng thời hạn thị thực (khoản 1 Điều 31 Luật Xuất nhập cảnh).
  2. Vì bạn về Việt Nam học đại học trong thời gian liên tục nên bạn cần thực hiện thủ tục làm thẻ tạm trú. Đối với thị thực DH – cấp cho người nước ngoài đến Việt Nam để học tập, bạn sẽ được cấp thẻ tạm trú với thời hạn không quá 05 năm, có giá trị ngắn hơn thời hạn còn lại của hộ chiếu ít nhất 30 ngày (khoản1, khoản 2 Điều 38 Luật Xuất nhập cảnh).
  3. Thủ tục xin cấp thẻ tạm trú: bạn phải thông qua bên bảo lãnh của mình tại Việt Nam, thực hiện thủ tục nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi cơ quan, tổ chức bảo lãnh đặt trụ sở (khoản 1 Điều 4 Thông tư 31/2015/TT-BCA của Bộ Công an ngày 06/07/2015 hướng dẫn một số nội dung về cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, cấp giấy phép xuất nhập cảnh, giải quyết thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam (“Thông tư 31/2015/TT-BCA”)).
  4. Hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú (Khoản 1 Điều 37 LuậtXuất nhập cảnh và khoản 2 Điều 4 Thông tư 31/2015/TT-BCA), bao gồm:
    - Văn bản đề nghị cấp thẻ tạm trú (mẫu NA6 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT);
    - Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (mẫu NA8 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA);
    - Giấy tờ chứng minh thuộc diện xem xét cấp thẻ tạm trú; thị thực ký hiệu DH;
    - 02 ảnh cỡ 3x4 cm (01 ảnh dán vào tờ khai, 01 ảnh rời).
  5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và cấp thẻ tạm trú cho bạn tại Việt Nam (Khoản 3 Điều 4 Thông tư 31/2015/TT-BCA và điểm c Khoản 2 Điều 37 Luật Xuất nhập cảnh).

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, 
Thanh Xuân, Hà Nội

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Là người gốc VN thì có được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như công dân VN?
Tôi muốn về Việt Nam học đại học, phải làm sao?
Chú tôi có bị bắt khi về thăm Việt Nam? (phần 1)
Tôi có được hưởng lương bảo hiểm xã hội ở VN nữa không?
Các bước thủ tục để được nhập khẩu miễn thuế xe hơi dùng trong gia đình
Về thủ tục đổi giấy phép lái xe do nước ngoài cấp để sử dụng ở Việt Nam
Giải đáp thắc mắc liên quan quyền sử dụng nhà và đất ở
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang