10/10/2019 10:36:00 AM
Tôi muốn nhập quốc tịch hoặc thường trú tại Việt Nam, làm thế nào?

* Hỏi: Tôi là công dân Trung Quốc, đã cưới vợ Việt Nam hơn 1 năm, mang hộ chiếu E. Xin cho biết làm thế nào để tôi được nhập quốc tịch Việt Nam, hoặc ít nhất có thường trú, vì bây giờ vợ tôi sống ở Việt Nam.

* Trả lời:

Để có thể nhập quốc tịch Việt Nam hoặc thường trú tại Việt Nam, bạn cần thực hiện các công việc theo trình tự sau:

  1. Xin cấp thị thực để được nhập cảnh và tạm trú tại Việt Nam;
  2. Đăng ký Thẻ tạm trú để được tạm trú lâu dài;
  3. Đăng ký Thẻ thường trú;
  4. Đăng ký nhập quốc tịch Việt Nam.

I. Thủ tục xin cấp thị thực để nhập cảnh vào Việt Nam

Bạn có thể thực hiện thủ tục xin cấp thị thực dưới dạng thăm thân. Theo đó, vợ của bạn cần thực hiện thủ tục bảo lãnh cho bạn tại Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh của tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi vợ bạn thường trú, bằng cách chuẩn bị hồ sơ sau đây:

  1. Đơn bảo lãnh cho nhân thân là người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (Mẫu NA3 ban hành kèm Thông tư số 04/2015/TT-BCA);
  2. Bản sao công chứng chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu của vợ bạn;
  3. Bản sao Giấy đăng ký kết hôn hoặc Giấy tờ khác chứng minh mối quan hệ hôn nhân giữa bạn và vợ bạn.

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh sẽ xem xét và trả Công văn cho phép hoặc từ chối cho phép nhập cảnh.

(Theo điểm k khoản 1 Điều 14 và Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4 Điều 16 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 (“Luật Xuất nhập cảnh”)).

Sau đó, bạn cần chuẩn bị hồ sơ xin cấp thị thực và nộp trực tiếp tại Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Trung Quốc hoặc Cửa khẩu quốc tế của Việt Nam:

  1. Tờ khai đề nghị cấp thị thực Việt Nam (Mẫu NA1 ban hành kèm Thông tư số 04/2015/TT-BCA);
  2. 02 ảnh mới chụp, cỡ 4x6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính mầu (01 ảnh dán vào tờ khai, 01 ảnh để rời);
  3. Kèm theo Hộ chiếu để đối chiếu thông tin;
  4. Bản chính hoặc bản sao của Công văn nêu trên.

Sau khi hoàn thành các bước trên, bạn sẽ được cấp thị thực ký hiệu TT với thời hạn phù hợp với mục đích nhập cảnh như đã khai báo và không quá 12 tháng (Khoản 4 Điều 9 Luật Xuất nhập cảnh).

II. Thủ tục xin cấp Thẻ tạm trú

Khi nhập cảnh ở Việt Nam, bạn sẽ được cấp chứng nhận tạm trú bằng cách đóng dấu vào thị thực hoặc hộ chiếu. Theo đó, Bạn có thị thực TT thì thời gian cấp tạm trú sẽ không quá 12 tháng và được xem xét cấp thẻ tạm trú (Điều 31 Luật Xuất nhập cảnh). Để được xem xét cấp Thẻ tạm trú, bạn cần nộp hồ sơ tại Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh nơi bạn cư trú, như sau (Theo Khoản 1 và 2 Điều 37 Luật Xuất nhập cảnh):

  1. Đơn bảo lãnh cấp Thẻ tạm trú (Mẫu NA7 ban hành kèm Thông tư số 04/2015/TT-BCA quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (“Thông tư số 04/2015/TT-BCA”)) do vợ của bạn điền, cuối đơn có xác nhận của Trưởng/Công an phường, xã nơi vợ bạn cư trú rằng thông tin khai trong đơn là chính xác;
  2. Tờ khai đề nghị cấp Thẻ tạm trú do bạn điền (Mẫu NA8 ban hành kèm Thông tư số 04/2015/TT-BCA);
  3. 02 ảnh mới chụp, cỡ 2x3cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính mầu (01 ảnh dán vào tờ khai và 01 ảnh để rời)
  4. Hộ chiếu;
  5. Bản sao Giấy đăng ký kết hôn hoặc Giấy tờ khác chứng minh mối quan hệ hôn nhân giữa bạn và vợ bạn.

Hồ sơ của bạn sẽ được giải quyết trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (điểm c Khoản 3 Điều 37 Luật Xuất nhập cảnh). Thẻ tạm trú được cấp cho trường hợp của bạn có thời hạn đến 03 năm và có thể được gia hạn (Khoản 3 và Khoản 5 Điều 38 Luật Xuất nhập cảnh).

III. Thủ tục đăng ký cấp Thẻ thường trú

Để được cư trú và sinh sống lâu dài tại Việt Nam và có thể đăng ký nhập quốc tịch Việt Nam, bạn cần đăng ký cấp Thẻ thường trú. Thẻ thường trú cũng có giá trị thay thế thị thực (Khoản 14 Điều 3 Luật Xuất nhập cảnh). Bạn cần đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Được vợ là công dân Việt Nam bảo lãnh;
  2. Có chỗ ở hợp pháp và thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam;
  3. Tổng thời gian tạm trú tại Việt Nam trong vòng 04 năm gần nhất tính đến ngày nộp hồ sơ xin thường trú từ 03 năm trở lên. Thời gian này tính dựa trên dấu chứng thực xuất cảnh và nhập cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam.

(Điều 39 và 40 Luật Xuất nhập cảnh;điểm a Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 31/2015/TT-BCA hướng dẫn về cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, cấp giấy phép xuất nhập cảnh, giải quyết thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam (“Thông tư số 31/2015/TT-BCA”)).

Hồ sơ xin cấp Thẻ thường trú nộp cho Phòng Quản lý Xuất Nhập cảnh thuộc Công an tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi bạn xin thường trú, bao gồm:

  1. Giấy bảo lãnh cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam (Mẫu NA11 ban hành kèm Thông tư số 04/2015/TT-BCA);
  2. Đơn xin thường trú (Mẫu NA12 ban hành kèm Thông tư số 04/2015/TT-BCA);
  3. 03 ảnh mới chụp, cỡ 2x3cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính mầu (01 ảnh dán vào đơn và 02 ảnh để rời)
  4. Lý lịch tư pháp của bạn do cơ quan có thẩm quyền ở Trung Quốc cấp. (Lưu ý: Tài liệu này cần được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch công chứng sang tiếng Việt);
  5. Công hàm của cơ quan đại diện Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép bạn thường trú tại Việt Nam;
  6. Bản sao hộ chiếu có chứng thực;
  7. Giấy tờ chứng minh có chỗ ở hợp pháp, như: Hợp đồng thuê nhà, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà của vợ bạn, v.v.;
  8. Giấy tờ chứng minh có thu nhập ổn định, như: Hợp đồng lao động, Xác thực số dư tài khoản ngân hàng, v.v.;
  9. Bản sao Giấy đăng ký kết hôn hoặc Giấy tờ khác chứng minh mối quan hệ hôn nhân giữa bạn và vợ bạn.

(Khoản 1 Điều 41 Luật xuất nhập cảnh; điểm b Khoản 3 Điều 5 Thông tư 31/2015/TT-BCA)

IV. Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam

Điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp bạn có vợ là công dân Việt Nam (Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi 2014):

  1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  2. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
  3. Đã có thẻ thường trú và đang thường trú tại Việt Nam;
  4. Bạn đã lựa chọn tên Việt Nam;
  5. Việc nhập tịch không gây phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam;
  6. Bạn phải thôi quốc tịch nước ngoài. Điều kiện này sẽ không cần áp dụng nếu: bạn được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho phép bạn giữ quốc tịch nước ngoài.

Như vậy sau khi được cấp thẻ thường trú, bạn có thể đăng ký nhập quốc tịch Việt Nam. Bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau đây để nộp cho Sở Tư pháp - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi bạn thường trú (Điều 7 Văn bản hợp nhất 5183):

  1. Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam (Mẫu TP/QT-2010-ĐXNQT.1 ban hành kèm Thông tư số 08/2010/TT-BTP hướng dẫn mẫu giấy tờ và mẫu sổ tiếp nhận các việc về quốc tịch);
  2. Bản sao Giấy khai sinh hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị chứng minh quốc tịch Trung Quốc của bạn. Giấy tờ này cần được hợp pháp hóa lãnh sự; dịch công chứng sang Tiếng Việt;
  3. Tờ khai lý lịch;
  4. Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian bạn tạm trú và thường trú tại Việt Nam;
  5. Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc cấp đối với thời gian bạn cư trú ở Trung Quốc. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ. Phiếu này phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch công chứng sang tiếng Việt;
  6. Bản sao công chứng của Thẻ thường trú;
  7. Bản sao Giấy đăng ký kết hôn hoặc Giấy tờ khác chứng minh mối quan hệ hôn nhân giữa bạn và vợ bạn.

(Điều 20 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi 2014; Điều 5 Văn bản hợp nhất 5183/VBHN-BTP năm 2014 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam (“Văn bản hợp nhất 5183”).

Trong thời hạn 55 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp sẽ trả lời về việc bạn có được chấp nhận nhập quốc tịch Việt Nam hay không. Nếu xét thấy bạn đủ điều kiện, Bộ Tư pháp sẽ thông báo để bạn bắt đầu thủ tục xin thôi quốc tịch Trung Quốc (trừ trường hợp Chủ tịch nước chấp thuận cho bạn giữ quốc tịch Trung Quốc theo đề nghị được giữ quốc tịch). Trong vòng 40 ngày kể từ khi bạn hoàn tất thủ tục xin thôi quốc tịch Trung Quốc và nộp giấy tờ chứng minh (đã hợp pháp hóa lãnh sự và dịch công chứng sang tiếng Việt) cho Bộ Tư pháp, Chủ tịch nước sẽ quyết định việc nhập quốc tịch Việt Nam cho bạn (Điều 21 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi 2014).

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, 
Thanh Xuân, Hà Nội

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Là người gốc VN thì có được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như công dân VN?
Tôi muốn về Việt Nam học đại học, phải làm sao?
Chú tôi có bị bắt khi về thăm Việt Nam? (phần 1)
Tôi có được hưởng lương bảo hiểm xã hội ở VN nữa không?
Các bước thủ tục để được nhập khẩu miễn thuế xe hơi dùng trong gia đình
Về thủ tục đổi giấy phép lái xe do nước ngoài cấp để sử dụng ở Việt Nam
Giải đáp thắc mắc liên quan quyền sử dụng nhà và đất ở
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang