19/10/2018 07:00:00 AM
Chồng tôi muốn định cư ở Việt Nam, làm thế nào?

* Hỏi: Em là người mang quốc tịch Việt Nam, hiện tại em có dự định sẽ kết hôn với người nước ngoài. Chồng sắp cưới của em là người Iran, nhưng sống và làm việc tại Malaysia được hơn 5 năm. Em muốn chồng em về Việt Nam sống và định cư. Em đọc trên quehuongonline thì được biết nếu như vậy phải đăng kí tạm trú cho chồng em trước, sau 3 năm có thể đăng ký thường trú...

Xin hỏi:

  1. Vậy sau 3 năm là chồng em sẽ được công nhận là công dân Việt Nam đúng không ạ?
  2. Sau khi được công nhận là công dân Việt Nam thì bao lâu chồng em được cấp hộ chiếu Việt Nam?

* Trả lời:

1. Về việc nhập quốc tịch Việt Nam

Khoản 1 điều 5 Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH năm 2014 hợp nhất Luật quốc tịch Việt Nam do Văn phòng Quốc hội ban hành ngày 10/07/2014 (Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH) quy định: “Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam”. Theo đó, muốn được công nhận là công dân Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam theo khoản 1 và điểm a khoản 2, Điều 19 Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH. Điều này có nghĩa, chồng của bạn muốn nhập quốc tịch Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện sau:

- Được cấp thẻ thường trú (tham khảo câu hỏi ngày 24/03/2017 trên quehuongonline);

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

- Đã kết hôn với công dân Việt Nam.

Về hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 20 Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH và điểm a khoản 2 điều 7 Nghị định 78/2009/NĐ-CP, chồng bạn sẽ phải chuẩn bị những giấy tờ sau:

- Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;

- Bản sao giấy khai sinh, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;

- Bản khai lý lịch;

- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam.

- Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn chứng minh quan hệ hôn nhân.

Tuy nhiên cần lưu ý, trong trường hợp bạn đăng ký kết hôn ở nước ngoài, bạn nên làm thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn tại Phòng tư pháp huyện nơi bạn (công dân Việt Nam) cư trú để được Uỷ ban nhân dân cấp trích lục, tạo căn cứ pháp lý vững chắc hơn. Thủ tục này được quy định cụ thể tại Điều 34, Điều 35, Điều 36 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch 2014.

Về thủ tục, trình tự xin nhập quốc tịch Việt Nam:

- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú. 

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người xin nhập quốc tịch Việt Nam để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài của người xin nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

- Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài thì trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin nhập quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

2. Về việc cấp hộ chiếu Việt Nam

Sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam, chồng của bạn có thể xin cấp hộ chiếu phổ thông Việt Nam. Thủ tục xin cấp hộ chiếu phổ thông Việt Nam được quy định tại Văn bản hợp nhất 18/VBHN-BCA năm 2014 hợp nhất Thông tư hướng dẫn việc cấp, sửa đổi hộ chiếu phổ thông ở trong nước theo Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam do Bộ Công an ban hành ngày 21/04/2014. Cụ thể như sau:

* Hồ sơ:

- 01 tờ khai mẫu X01 ban hành tại Thông tư 07/2013/TT-BCA;

- 02 ảnh mới chụp, cỡ 4cm x 6cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền màu trắng.

* Thủ tục:

- Nộp hồ sơ:

+ Trực tiếp nộp hồ sơ: Người đề nghị cấp hộ chiếu trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh. Khi đến nộp hồ sơ phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn giá trị sử dụng để đối chiếu. Đối với trường hợp tạm trú, khi đến nộp hồ sơ phải xuất trình thêm sổ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp. 

+ Ủy thác cho cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân nộp hồ sơ: Người ủy thác khai và ký tên vào tờ khai đề nghị cấp, sửa đổi hộ chiếu theo mẫu quy định, có dấu giáp lai ảnh và xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được ủy thác. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được ủy thác có công văn gửi cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh đề nghị giải quyết. Nếu đề nghị giải quyết cho nhiều người thì phải kèm danh sách những người ủy thác, có chữ ký, đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được ủy thác.

Cán bộ, nhân viên của cơ quan, tổ chức được ủy thác khi nộp hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi hộ chiếu của người ủy thác phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, chứng minh nhân dân còn giá trị sử dụng của bản thân và của người ủy thác để kiểm tra, đối chiếu. 

- Cán bộ quản lý xuất nhập cảnh tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:

+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp và yêu cầu nộp lệ phí cho cán bộ thu lệ phí.

+ Trường hợp hồ sơ thiếu, hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để người đến nộp hồ sơ làm lại cho kịp thời.

- Nhận hộ chiếu tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an:    

+ Người trực tiếp nhận kết quả đưa giấy biên nhận, biên lai thu tiền và xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để đối chiếu.

+ Cán bộ, nhân viên của cơ quan, tổ chức được ủy thác khi nhận hộ chiếu của người ủy thác phải đưa giấy biên nhận, xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân của bản thân và của người ủy thác để kiểm tra, đối chiếu.   

+ Cán bộ trả kết quả kiểm tra và yêu cầu người đến nhận hộ chiếu ký nhận, trả hộ chiếu cho người đến nhận hộ chiếu.        

- Lệ phí: 200.000 VNĐ/lần cấp mới hộ chiếu.     

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, 
Thanh Xuân, Hà Nội

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Là người gốc VN thì có được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như công dân VN?
Tôi muốn về Việt Nam học đại học, phải làm sao?
Chú tôi có bị bắt khi về thăm Việt Nam? (phần 1)
Tôi có được hưởng lương bảo hiểm xã hội ở VN nữa không?
Các bước thủ tục để được nhập khẩu miễn thuế xe hơi dùng trong gia đình
Về thủ tục đổi giấy phép lái xe do nước ngoài cấp để sử dụng ở Việt Nam
Giải đáp thắc mắc liên quan quyền sử dụng nhà và đất ở
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang