20/04/2009 03:07:36 PM
Nữ doanh nhân Phùng Kim Vy: Sự nghiệp gắn liền với quê hương

Với vẻ đẹp đằm thắm, giọng nói nhỏ nhẹ và cách nói chuyện dễ gần, cuốn hút, chị Phùng Kim Vy (P.K.Vy) dễ làm cho người đối diện lầm tưởng mình là một người hoạt động nghệ thuật. Trên thực tế, chị là một doanh nhân Việt kiều thành đạt. Chị hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Doanh nhân Việt kiều, thành viên của Hội Doanh nghiệp Việt kiều tại Canada, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Seahorse Resort tại Mũi Né – Bình Thuận.


 Chị Phùng Kim Vy. (Ảnh: Internet)

QH: Được biết chị là một trong những người tiên phong đưa Việt kiều trở về và chị cũng rất thành công trong việc đầu tư ở VN. Chị có thể chia sẻ với độc giả của Quê Hương?

P.K.Vy: Tôi bắt đầu làm du lịch lữ hành từ năm 1986. Năm 1989, tôi tổ chức đưa đoàn Việt kiều đầu tiên về VN và liên tục cho đến giờ.

Năm 1990, tôi là một trong những người được TPHCM đề nghị làm sáng lập viên của Hiệp hội Doanh nghiệp NVNONN tại TPHCM. Năm 2000, tôi trở thành Phó Chủ nhiệm của CLB Doanh nhân Việt kiều. Với môi trường như vậy, tôi có điều kiện được gần gũi với nhiều Việt kiều và tham gia đóng góp ý kiến nhiều hơn vào các chính sách của Nhà nước đối với kiều bào.

Từ những chuyến đi về liên tục ấy, năm 2002, khi điều kiện chín mùi, tôi quyết định cùng hai bạn VN ở Mỹ, Pháp và một số bạn ở VN đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng. Từ một miếng đất trống bỏ hoang ở Mũi Né, Seahorse Resort & Spa mọc lên và trở thành một resort 4 sao, giành được tín nhiệm của du khách trong và ngoài nước và đạt nhiều giải thưởng quốc tế. Seahorse là một trong những resort dẫn đầu về lượng khách ở khu vực Mũi Né. Tỷ lệ phòng bận của chúng tôi có những tháng là 95%, gần như không có phòng để bán. Còn bình quân hàng năm là 75-80%.

Hiện nay tôi đang làm một resort thứ 2 có tên là The Cliff cũng ở Mũi Né, dự kiến có khoảng 200 phòng. Nếu kinh tế vượt qua được cơn khủng hoảng hiện nay thì khoảng 1 năm rưỡi nữa resort này sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Công ty Du lịch lữ hành Saigon Tours của tôi ở Canada (có chi nhánh ở Mỹ) thành lập từ năm 1986 vẫn tiếp tục hoạt động. Công việc này hỗ trợ rất tốt cho việc kinh doanh resort của tôi ở VN.

Đối với tôi thì ngành du lịch cũng như là một cái nghiệp của mình, đặc biệt là mình làm du lịch trên đất nước của mình. Trước kia thì mình quảng bá về đất nước VN, còn bây giờ, mình đích thân là người tạo ra những sản phẩm du lịch.

QH: Tại sao chị lại xây dựng thêm resort mới trong tình hình kinh tế khủng hoảng như hiện nay?

P.K.Vy: Với đường biển dài tới hơn 3 ngàn km, tiềm năng của vùng biển VN là rất lớn. Còn lượng khách thì tôi biết được thị trường, thực sự là khi Việt kiều về quê hương thì ai cũng muốn đi thăm chỗ này chỗ kia, không đi dài thì đi ngắn. Đầu tư vào những điểm du lịch thì thứ nhất là về phía mình sẽ có lợi nhuận; thứ hai, về mặt xã hội thì giải quyết được công ăn việc làm cho rất nhiều lao động. Mũi Né từ xưa đến giờ là một vùng biển hoang sơ và tuyệt đẹp; người dân nơi đây vốn chỉ sống bằng nghề nông, làm rẫy, đánh cá, chế biến thuỷ sản… Nói chung là đi vào một ngành công nghiệp cao cấp về dịch vụ là hoàn toàn không có.

Thực ra khi khủng hoảng kinh tế xảy ra thì tôi đã đang thực hiện dự án mới này. Theo tôi, tất cả các nền kinh tế một khi đã lên đến đỉnh điểm thì cũng có lúc phải xuống. Tôi nghĩ tình hình này chỉ là nhất thời và mong là thế giới sẽ sớm vượt qua cơn khủng hoảng này.



Seahorse Resort hấp dẫn du khách bởi khung cảnh nên thơ và dịch vụ tốt

QH: Lượng khách du lịch đến với resort của chị hiện như thế nào và công ty có những biện pháp gì để kích cầu trong tình hình khó khăn hiện nay?

P.K.Vy: Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2009, lượng khách quốc tế đến VN đạt trên 688 ngàn lượt, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2008. Rõ ràng đây là ảnh hưởng chung do khủng hoảng kinh tế thế giới.  

Seahorse Resort & Spa chính thức hoạt động từ năm 2004. Các giải thưởng đã đạt được:

- Excellent Performance (The Guide Award 2006-2007)

- One of the best hotels of Neckerman reisen (Neckerman Primo Award 2006)

- Outstanding Resort Style in Phan Thiet (The Guide Award 2005-2006)

- Một trong những resort tốt nhất (Giải thưởng do báo Sài Gòn Giải phóng bình chọn năm 2008)

Hiện Seahorse chưa bị ảnh hưởng nhiều vì những hợp đồng chúng tôi đã ký từ 1 năm trước và lượng khách tiếp tục về, nhưng bắt đầu từ tháng 5 thì chúng tôi cũng rất lo là sẽ giảm, vì lượng khách nội địa giảm chi tiêu, Việt kiều và khách nước ngoài cũng sẽ giảm.

Để vượt qua thời điểm khó khăn này, chúng tôi sẽ thu gọn lực lượng lại để duy trì và nuôi sống hoạt động của mình. Chúng tôi sẽ có những biện pháp kích cầu như giảm 50% giá phòng nếu khách ở dài ngày; hay những dịch vụ khác như spa, restaurant, tất cả mọi thứ chúng tôi đều phải bớt 20-30%; kế đó chúng tôi sẽ có những tour tham quan miễn phí như thăm Mũi Né v.v...

QH: Gắn bó với du lịch VN đã nhiều năm như vậy, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với chị?

P.K.Vy: Năm 1986, tôi quyết định mở công ty du lịch riêng ở CND. Chúng tôi là một trong những công ty đầu tiên đưa khách Việt kiều về VN. Tôi cũng là một trong những đại lý đầu tiên của Vietnam Airlines ở Bắc Mỹ.

Thời điểm đó, tôi tổ chức đưa khách về Việt Nam du lịch gặp rất nhiều khó khăn vì không nhận được sự đồng tình của nhiều người trong cộng đồng, đi lại cũng khá gian khổ vì phải đi vòng bằng Airoflot (Vietnam Airlines khi đó chỉ có những đường bay gần).

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm làm vì tôi tin việc mình làm là đúng. Tôi hiểu, những biến cố lịch sử đã làm cho những người rời VN ra đi cũng đầy những thương tích, mà cái đó chỉ có thể chữa lành nếu họ được về quê nhà. Thành ra khi Nhà nước thực hiện chính sách mở cửa thì tôi cảm nhận – vì khi đó tôi làm báo, tôi quan sát và cảm nhận đây là điều đúng đắn.  

Tôi vẫn còn nhớ mãi kỷ niệm năm 90 khi tôi đưa đoàn khách Việt kiều về theo tuyến Montreal-Moscow-Hà Nội, rồi sau mới vào Sài Gòn. Khi máy bay vừa đáp xuống Sân bay Nội Bài, trong lúc tất cả đang hồi hộp im phăng phắc trông ra cửa sổ, bỗng vang lên tiếng kêu “Mẹ ơi!” thắt lòng, khiến cả khoang máy bay khóc như mưa. Tiếng kêu “Mẹ ơi” ấy như sự mong chờ được thấy người mẹ ra đón mừng; cũng có thể đó là sự dồn nén tình cảm đối với gia đình, đất nước, những kỷ niệm… một cái gì đó từ tiềm thức, một cái gì đó rất sâu lắng mà bao năm ở nước ngoài có thể vì cuộc sống, vì mưu sinh mà nhiều khi phải quên đi để mà tồn tại.

Và thực tế, từ những câu chuyện của bà con Việt kiều về Việt Nam sang kể lại cho thân nhân, bạn bè... khiến chúng tôi dần nhận được sự ủng hộ trong cộng đồng. Tất cả những điều đó khiến tôi thấy là mình đang đi một con đường đúng và tôi quyết tâm đi theo ngành này.

Tôi nghĩ trong cuộc đời một con người, với những gì mình đã làm trong nghề nghiệp của mình thì tôi hoàn toàn có thể tự hào về điều đó. Từ việc tổ chức du lịch về VN, rồi những năm sau này khi quyết định về VN đầu tư… tôi rất mừng vì đã có con đường đi đúng. Và tôi nghĩ, tôi tìm được con đường đi đúng vì đã luôn gắn liền với quê hương, với những thông tin trong nước. Tôi thấy may mắn là mặc dù không thở cùng một nhịp, nhưng tôi đã bắt kịp với những nhịp thở của quê hương.  



Đêm lung linh ở Seahorse Resort
 

QH: Ngày càng có nhiều Việt kiều trở về quê hương làm việc. Chị đánh giá thế nào về xu hướng này và với kinh nghiệm của một người đi trước, chị có lời khuyên gì đối với những người - nhất là những người trẻ đang có ý định hoặc sắp sửa về VN làm việc hoặc đầu tư?

P.K.Vy: Môi trường làm ăn ở VN là một môi trường tốt, thị trường có, thị phần có. Gần đây thì thế hệ Việt kiều thứ 2 được đào tạo các ngành như ngân hàng, tài chính, chứng khoán… từ nước ngoài về khá nhiều. Tôi gặp rất nhiều bạn trẻ, chừng 25-30 tuổi về VN lập nghiệp, làm việc cho các công ty. Đối với VN thì đó là thị trường rất mới. Từ đó có thể thấy bản thân môi trường ở VN khá hấp dẫn.

Điểm thứ hai là trong rất nhiều các ngành nghề, thì Việt kiều có kỹ năng rất tốt về chất xám, về tư vấn, về chuyên môn… về đây chỉ sợ là không thích ứng được, chứ nếu thích ứng được thì rất tốt. Tôi nghiệm ra một điều rất đơn giản qua kinh nghiệm của cá nhân mình là tính thích ứng phải cao. Thực ra nếu tôi bị quăng sang một nơi khác như Phi châu chẳng hạn, thì việc đầu tiên là tôi phải thích ứng. Cái này thì ở đâu cũng thế thôi. Nhưng bên cạnh đó thì lại rất thuận lợi ở chỗ đây là quê hương của mình, ngôn ngữ của mình, văn hóa của mình, con người của mình. Thành ra tất cả những cái đó không phải là thách thức đối với Việt kiều, có cái là anh nhìn về đất nước như thế nào thôi.

Tôi có rất nhiều bạn bè ở tuổi sắp về hưu (55-60 tuổi), anh nào cũng muốn về VN làm việc, tham gia giảng dạy ở các trường… để đóng góp được một cái gì đó cho đất nước. Nguồn chất xám của Việt kiều là không đo đếm được và nếu có chính sách tốt thì đây sẽ là một nguồn lực rất lớn cho sự phát triển đất nước.



Chị Vy và Đoàn Doanh nhân Việt kiều giao lưu với sinh viên
trường Đại học Phan Chu Trinh (Quảng Nam)

QH: Chị có thể chia sẻ về những dự định của chị trong thời gian tới?

P.K.Vy: Chuyến ra Hà Nội lần này, chúng tôi đang khảo sát để mở Văn phòng Kinh doanh của Seahorse Resort tại Hà Nội, vì đây cũng là một thị trường rất tiềm năng.

Ngoài làm khu resort mới The Cliff ở Mũi Né như đã nói ở trên, tôi đang có ý định xây dựng một trường đào tạo du lịch ở Bình Thuận. Hiện nay Bình Thuận là nơi tập trung hơn 80 resort của cả nước mà lại không có một trường đào tạo du lịch chuyên nghiệp và được đầu tư dài hạn là một việc không cân đối trong chính sách phát triển du lịch của khu vực này. Chúng tôi đã làm việc với Trường Đào tạo Việt Mỹ (có 26 chi nhánh trên toàn quốc), đã làm nghiên cứu khả thi về nhu cầu của nguồn nhân lực này cho ngành du lịch tỉnh, tuy nhiên việc thực hiện như thế nào thì chắc phải chờ thêm một thời gian nữa khi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay qua đi.

QH: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện và chúc chị thành công với những công việc và dự án của mình!

Thanh Mai

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Thế Sáng và Triển lãm ảnh “Áo dài Việt Nam”
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn: “Hữu xạ tự nhiên hương”
Từ thất học trở thành nhà phẫu thuật nhi hàng đầu thế giới
Nữ doanh nhân Phùng Kim Vy: Sự nghiệp gắn liền với quê hương
Người phụ nữ trẻ nối nhịp cầu Israel - Việt Nam
Người nặng lòng đưa giảng dạy tiếng Việt vào Đại học Harvard
Sở hữu 28 bằng sáng chế ở Mỹ, Tiến sĩ gốc Việt sẵn sàng chia sẻ với quê hương
Hương vị Tết xưa theo tôi suốt cuộc đời
Lan tỏa nhiệt huyết lưu giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ
Tâm huyết xây dựng cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore
Nữ nghị sỹ Pháp gốc Việt đầu tiên truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang