20/07/2009 03:42:38 PM
Doanh nhân Việt làm du lịch ở Hungary

Về Việt Nam dịp này, chị Phan Bích Thiện không quên tặng tôi chai rượu Fried do chính khách sạn lâu đài Fried của chị sản xuất. Nhãn hiệu rượu này cũng từng đoạt giải bạc tại hội thi rượu của Hungary.


 Nữ doanh nhân Phan Bích Thiện trên bìa đĩa CD những ca khúc Phan Bích Thiện vừa được phổ nhạc

Đây cũng là một bí quyết làm nên thương hiệu Việt trong ngành du lịch ở nước này.

Chị cho biết, những chai rượu này được sản xuất từ nho, được trồng ở ruộng nho của lâu đài.

Cứ đến mùa nho chín, khách du lịch tới đây được hòa mình với những người thợ làm rượu để hái nho, và được xem các công đoạn sản xuất rượu.

Năm sau, họ lại trở lại đây để thưởng thức những ly rượu vang được làm từ những trái nho do chính họ hái từ trên cây.

Thúc đẩy du lịch Hungary

Đó là cách kinh doanh du lịch rất hiệu quả để níu chân du khách trở lại đây hàng năm. Hệ thống khách sạn lâu đài vốn là một trong những thế mạnh của ngành du lịch của Hungary. Khách sạn lâu đài Fried của vợ chồng chị Thiện ở thành phố Simontornya cũng từng lọt vào top 20 khách sạn hàng đầu của Hungary.

Năm ngoái, Liên minh Châu Âu có chương trình hỗ trợ phát triển du lịch Hungary, khách sạn lâu đài Fried là một trong hơn một trăm khách sạn khác trên toàn Hungary có dự án được xét duyệt. Ở vòng xét duyệt cuối cùng, dự án của khách sạn lâu đài Fried là một trong ba dự án nhận được tài trợ này.

Mặc dù chỉ được hỗ trợ 40 phần trăm kinh phí để đầu tư nâng cấp khách sạn, chị Thiện rất phấn khởi vì điều đó cho thấy họ đã tin tưởng vào dự án của mình. Theo kinh nghiệm của chị tại châu Âu, không bao giờ người ta hỗ trợ toàn bộ kinh phí dự án vì họ luôn muốn gắn trách nhiệm của chủ dự án vào đó.

Khách sạn lâu đài Fried đang xúc tiến dự án này bằng việc mở rộng qui mô của khách sạn. Chị cho biết, trên diện tích quả đồi bên cạnh khách sạn lâu đài, chị sẽ xây thêm một tòa nhà nữa. Dự án sẽ hoàn thành vào mùa thu năm 2010. Thành công của dự án sẽ góp phần không nhỏ vào chương trình phát triển du lịch Hungary, và đó cũng là cơ hội tốt để quảng bá văn hóa Việt Nam.

Giới thiệu văn hóa Việt

Phan Bích Thiện là tiến sỹ kinh tế tại Nga. Người chồng Hungary của chị là bạn học cùng trường ở bên Nga.

Chuyến buôn nước mắm từ Hungary sang Nga cách đây 20 năm được coi là một trong những kinh nghiệm thực tiễn đắt giá của chị.

 Hiện nay, chị là Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary. Bên cạnh công việc kinh doanh, chị còn đam mê làm thơ.

Một số tập thơ của chị đã được xuất bản tại Việt Nam như Tình yêu không đáy, Khoảnh khắc và sắp tới là Bóng sâm cầm. 

Bà chủ người Việt này luôn muốn quảng bá văn hóa của đất nước mình với du khách châu Âu. Tòa lâu đài Fried vẫn giữ nguyên được dáng vẻ cổ kính, một nét kiến trúc rất đặc trưng của Hungary, nhưng toàn bộ nội thất bên trong khách sạn được bài trí theo kiểu Việt Nam được thợ Việt Nam chế tác từ nguyên vật liệu mang từ Việt Nam sang.

Chiếc tay vịn cầu thang bằng gỗ chạm trổ hình rồng công phu, những bộ bàn ăn kiểu Việt Nam và những món ăn Việt đã làm nên một phong cách Việt Nam trong khách sạn lâu đài.

Một trong những món ăn Việt được khách Hungary rất ưa chuộng tại khách sạn lâu đài Fried là nem. Chính bà chủ khách sạn này truyền lại cách làm món ăn này cho đội ngũ đầu bếp người Hungary.

Mới đây, trong một chương trình truyền hình của Hungary về ẩm thực, món nem của khách sạn lâu đài Fried cũng là một trong những món ăn độc đáo được giới thiệu. Trong dự án mở rộng khách sạn này, chị cũng lặn lội về nước tìm những đồ nội thất cổ truyền của Việt Nam để mang sang Hungary.

Bên cạnh việc giới thiệu văn hóa Việt cho bạn bè quốc tế, chị Thiện cũng đau đáu việc giữ gìn văn hóa Việt cho hai cô con gái. Chị luôn chịu khó nói tiếng Việt với các con, dạy các con học tiếng Việt. Trong chuyến trở về Việt Nam năm nay, chị đã mời cô giáo tiếng Việt dạy thêm cho hai con.

Chị không ngờ, chỉ trong một thời gian ngắn, các cháu có thể đọc và viết tiếng Việt thành thạo. Đó chính là niềm vui sướng vô bờ của người mẹ Việt Nam như chị.

Ở Hungary, chị cũng là một trong những thành viên tích cực trong việc mở lớp tiếng Việt cho con em người Việt. Mỗi lần gặp gỡ những người có trách nhiệm ở Việt Nam, chị cũng luôn bày tỏ mong muốn có được bộ sách tiếng Việt phù hợp với các cháu con em người Việt ở nước ngoài.

Trong chuyến trở về Việt Nam vừa rồi, chị cho các con đi tham quan một số danh thắng quê cha đất tổ. Chị cũng không quên dắt các con đi dạo trên Hồ Tây thơ mộng, nơi gắn liền với tuổi thơ của chị cũng như nơi người chồng Hungary đã ngỏ lời cầu hôn với chị.

Lan Anh/ Tiền Phong

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Thế Sáng và Triển lãm ảnh “Áo dài Việt Nam”
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn: “Hữu xạ tự nhiên hương”
Từ thất học trở thành nhà phẫu thuật nhi hàng đầu thế giới
Nữ doanh nhân Phùng Kim Vy: Sự nghiệp gắn liền với quê hương
Người phụ nữ trẻ nối nhịp cầu Israel - Việt Nam
Người nặng lòng đưa giảng dạy tiếng Việt vào Đại học Harvard
Sở hữu 28 bằng sáng chế ở Mỹ, Tiến sĩ gốc Việt sẵn sàng chia sẻ với quê hương
Hương vị Tết xưa theo tôi suốt cuộc đời
Lan tỏa nhiệt huyết lưu giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ
Tâm huyết xây dựng cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore
Nữ nghị sỹ Pháp gốc Việt đầu tiên truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang