13/04/2012 08:40:17 AM
Nằm gai nếm mật

Nằm trên gai nhọn, nếm mật đắng để tự đầy ải thân mình nhằm nuôi chí phục thù. Ý nói chịu đựng mọi gian khổ để mưu việc lớn. Còn có câu: Nấm mật nằm gai Ăn sương nằm gió Nằm sương gối đất Gối đất nằm gai Dãi gió dầm mưa cũng hàm chỉ ý trên.

Chuyện kể:
Chiến tranh giữa nước Việt và nước Ngô kéo dài. Trận đánh cuối cùng ở Cối Kê thật khủng khiếp. Quân nước Việt đại bại; quân nước Ngô xung trận chém giết quân nước Việt dã man. Vua nước Việt là Câu Tiễn phải mở cửa thành xin hàng quân Ngô. Vua nước Ngô là Phù Sai cho bắt vua Câu Tiễn cùng Hoàng hậu và tướng Phạm Lãi mang về đất Ngô theo hầu Câu Tiễn. Ba người tù hàng ngày phải cắt cỏ cho ngựa, quét dọn chuồng ngựa. Phạm Lãi nhiều lúc khóc âm thầm, cho rằng vì mình sức hèn, đức kém nên vua Câu Tiễn và Hoàng hậu mới nhục nhã thế này. Song vua Câu Tiễn nghĩ khác, ông cam chịu mọi khổ nhục để nuôi chí báo thù.
Vua Phù Sai thử lòng vua Câu Tiễn. Một hôm, bắt vua Câu Tiễn nếm phân của mình. Vua Câu Tiễn làm theo mà không chút phân tâm. Vua Ngô cho rằng vua Câu Tiễn đã y phục. Ba năm sau, Ngô Phù Sai trả tự do cho Câu Tiễn. Ba người về nước, chiêu hiền đãi sĩ, mưa tính việc báo thù cho đất nước. Mùa cày ruộng, vua đi cày với dân. Mùa gặt lúa, vua đi gặt với dân. Còn Hoàng hậu thì chăn tằm dệt vải. Câu Tiễn sống thật kham khổ để nuôi chí lớn, lạnh không đắp chăn, nóng vẫn nằm bên bếp lửa. Một lần, Phạm Lãi đến gần chỗ vua thường nằm phát hiện ra, dưới chỗ vua nằm là một lượt gai, phía trên treo lủng lẳng một túi mật, thỉnh thoảng vua lại nhấm một giọt. Thấy lạ, Phạm Lãi bèn hỏi:
- Muôn tâu, sao lại như thế này?
Câu Tiễn thong thả trả lời:
- Tự hành, đó cũng là nuôi chí. Ta làm như vậy là để nhớ những cay đắng, tủi nhục từ trận Cối Kê thảm hại năm xưa.
Ít lâu sau, nước mạnh, dân giàu, Phạm Lãi giúp mưu kế để vua Câu Tiễn dàn trận đánh nước Ngô. Nước Ngô suy yếu lại rơi vào tay Câu Tiễn (1)
Lịch sử đấu tranh chống xâm lược, bao gương “ngậm thù lớn”, “nuôi chí bền” mà làm nên chiến thắng. “Nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối” (Cáo Bình Ngô) cho đến thời đại ngày nay đánh đuổi giặc Pháp, giặc Mỹ vẫn là bài học nuôi chí bền nằm gai nếm mật để chiến thắng kẻ thù. Ngoại trừ phục thù mang tính cá nhân, còn nằm gai nếm mật vẫn là đức tính chịu hy sinh, gian khổ truyền từ đời cha ông. Tuy nhiên, nên hiểu “nằm gai nếm mật” với nghĩa rộng hơn, không chỉ bó khuôn trong nghĩa đen của truyện này.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1) Theo truyện “Báo thù”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, NXB Văn học, 2003.
 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Chắp cánh liền cành (06/04/2012)
  • Đứt đuôi con nòng nọc (30/03/2012)
  • Gương vỡ lại lành (23/03/2012)
  • Lá lành đùm lá rách (16/03/2012)
  • Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo (09/03/2012)
  • Đồ Sở Khanh (02/03/2012)
  • Của ít lòng nhiều (24/02/2012)
  • Nước chảy chỗ trũng (17/02/2012)
  • Cha truyền con nối (10/02/2012)
  • Rồng đến nhà tôm (02/02/2012)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Niêu cơm Thạch Sanh
Thành ngữ tục ngữ: Ba chìm bảy nổi
Thành ngữ tục ngữ: Ếch ngồi đáy giếng
Thành ngữ tục ngữ: Cạn tàu ráo máng
Lòng vả cũng như lòng sung
Ông chẳng bà chuộc
Hàng tôm hàng cá
Há miệng chờ sung
Giàu làm kép hẹp làm đơn
Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang