07/11/2012 03:03:48 PM
Văn học xa xứ và tình cảm người Việt với nước Nga

Nước Nga, con người và thiên nhiên Nga luôn là nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác văn học, đặc biệt là với những ai đã từng gắn bó với xứ sở bạch dương này. Đối với những người Việt sống ở Nga, những cảm xúc, tình cảm ấy dần dần được nâng lên thành ý thức trách nhiệm trong việc gắn kết hai nền văn học Việt - Nga.

Cuối những năm 80 của thế kỉ trước, trong đội ngũ của lưu học sinh, thực tập sinh, nghiên cứu sinh và đội ngũ lao động Việt Nam tại Nga có rất nhiều gương mặt có năng khiếu và lòng say mê văn học nghệ thuật. Họ tập hợp với nhau qua những bài văn, bài thơ như một cách “vịn câu thơ mà đứng dậy” nơi xa xứ. Như một sự gắn kết tự nhiên, đầy tình cảm, “người Việt yêu dân tộc Nga, yêu văn hóa Nga cũng chính là yêu dân tộc mình, yêu văn hóa mình”. Đến phút chia tay, người ta càng lưu luyến. Có lẽ vì thế mà nhà thơ trẻ Thụy Anh đã có những câu thơ đầy ắp nỗi niềm như thế này:

"Thêm tuổi đời tôi càng hiểu người hơn
Bao thất vọng không còn cay đắng nữa
Bao chuyện thế thời không làm tôi bỡ ngỡ
Chỉ tình yêu vẫn thế, vẫn nguyên sơ”.

 Tác phẩm văn học của người Việt sống tại Nga

Đến với văn chương, những người con xa xứ mong được đến với sự chia sẻ. Thân phận của người xa xứ có thêm nỗi niềm xa quê hương. Và “thậm chí khi xa quê hương, khi không có mùi quê hương thì những mùi xa lạc cũng dễ khiến cho người ta vấp ngã, đau khổ”. Theo dịch giả Thúy Toàn - tác giả của hàng trăm bản dịch tác phẩm thơ, văn học nước Nga sang tiếng Việt, dòng văn học xa xứ cũng vì thế được hình thành trong quá trình này: “Mảng văn học này không chỉ của riêng người Việt ở Nga, mà là người Việt ở khắp các nước trên thế giới. Trong số đó, cộng đồng văn chương người Việt ở Nga là có tổ chức nhất, mạnh nhất, đông nhất. Trong số vài chục ngàn người Việt sinh sống ở Nga thì có khoảng vài ba chục người viết văn”.

Và cũng có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: “Địa tầng đứt gãy” của Nguyễn Tiến Hóa, “Hai đầu một bức thư tình” (tiểu thuyết) của Hữu Đạt, “Matxcơva thời mở cửa” (truyện, kí) của Nguyễn Huy Hoàng, “Heo may xứ tuyết” (thơ) của Bùi Thanh Quang, … Các tác phẩm này không chỉ xuất hiện đều đặn trên tạp chí “Người bạn đường”, “Đất nước” mà còn được biết đến qua làn sóng phát thanh trên đất nước bạn. Nhờ đó, hơi thở nóng hổi của cuộc sống, những cung bậc vui buồn, thi vị cùng những số phận, tâm trạng con người đã để lại dấu ấn một thời được phản ánh rõ nét. Nổi lên trong đó là tình yêu quê hương Việt Nam, tình cảm thân thiết, gắn bó với bạn bè Nga và nền văn hóa Nga vĩ đại.

Dịch giả Thúy Toàn, cho biết: “Khi dở các tác phẩm của các bạn, chúng ta thấy một tư liệu quý về một giai đoạn lịch sử của người Việt cũng như của Nga, về mối quan hệ tiếp tục giữa hai dân tộc, tình cảm của nhân dân Nga với cộng đồng người Việt nói riêng và nhân dân ta nói chung”.

Có thể kể tên rất nhiều những nhà thơ, dịch giả như Nguyễn Huy Hoàng, Hồng Thanh Quang, Bùi Quang Thanh, Nguyễn Đình Chiến, Thúy Toàn, Nguyễn Thị Kim Hiền… là những người đã và đang có nhiều đóng góp cho việc kết nối nền văn học Việt Nam với nước Nga. Nhà văn Nga Mikain-Teekachop là người có công đưa các tác phẩm văn học Việt Nam như: Lĩnh Nam Chích Quái, Dế mèn phiêu lưu kí, những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng sang tiếng Nga; “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” bằng tiếng Nga vừa được xuất bản tháng 8 năm nay; Quỹ hỗ trợ xuất bản Việt Nam - Nga mới được thành lập… là một vài minh chứng cho sự kết nối văn học hai nước Việt Nam- Nga, Nga - Việt Nam. Điều đó chứng tỏ sự thân thiện và nhiệt tâm của những người Việt Nam với mong muốn kết nối hai nền văn học Việt Nam - Nga xích lại gần nhau hơn.

Dịch giả Thúy Toàn nói: "Chúng tôi nghĩ rằng, điều đó chỉ ra khả năng thích ứng của con người ở khắp nơi. Thứ hai là sức sống của con người Việt Nam qua những hoàn cảnh sống từ hòa bình sang những thay đổi của lịch sử, thấy rõ ý chí của người Việt Nam. Thứ ba là thấy được tâm sự của người Việt xa xứ thể hiện sự gắn bó với quê hương mình. Đó chính là sức mạnh".

Cho đến thời điểm nay, trải qua bao thăng trầm và thay đổi thời cuộc, mối quan hệ Việt- Nga cũng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, tiếng Nga đã và đang dần trở lại trong đời sống. Giáo sư Vũ Thế Khôi vẫn còn băn khoăn: Dòng văn học của những người đang sống và làm việc tại nước ngoài được coi là một hiện tượng văn học. Đáng tiếc là ở ta, Hội nhà văn chưa quan tâm đúng mức. Ông coi họ là những người giữ vững được nhịp cầu tình cảm Việt - Nga trong lúc khó khăn nhất, trong lúc nhiều người rời bỏ nước Nga trong cơn khủng hoảng vào hai chục năm trước. Ông còn nhấn mạnh: “Có một điều tôi tin chắc, nếu chúng ta không phụ tiếng Nga thì tiếng Nga còn phù trợ cho chúng ta”.

Văn học Nga, thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga mãi là nỗi niềm thương nhớ và mãi là nguồn cảm hứng cho những ai đã từng gắn bó với nước Nga. Song song với quá trình sáng tác ấy, văn học Việt Nam sẽ được bạn bè quốc tế biết đến, một phần lớn nhờ sự quảng bá của những người Việt Nam ở nước ngoài.

Nói như nhà thơ Nguyễn Đình Chiến: “Những bài thơ như những bông hoa nhưng không phải là bông hoa hái được trên đường của những kẻ nhàn cư mà là mồ hôi, nước mắt những con người Việt đã làm việc, đã sống hết mình và lúc nào cũng nhớ quê hương. Gia tài này chưa có nhiều để tự hào nhưng nó có đủ để yêu thương, tin tưởng”. Đã đến lúc, những tác phẩm văn học ấy cần được tập hợp lại và giới thiệu đến nước bạn với tình cảm chân thành nhất.

Hà Ni (VietQ.vn)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Liên bang Nga
Nhịp cầu hữu nghị Nga-Việt tại Đại học Tài chính Quốc gia Moskva ở Nga
Đông đảo kiều bào đang sinh sống tại Lào về dự Lễ Thượng Nguyên
Kiều bào tại Thái Lan dâng lễ cầu an Tết Thượng nguyên
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang