16/02/2010 08:56:30 AM
Tết Hà Nội trong ký ức người xa xứ

Mọi thứ đều có thể thay đổi, nhưng con người sống luôn nhớ tới nguồn cội, nhớ văn hóa, truyền thống của tổ tiên. Dù sống ở nước ngoài, chúng tôi vẫn luôn nhớ mình là người Việt Nam, đặc biệt bằng mọi hình thức để giáo dục cho lớp trẻ.



Chợ Đồng Xuân ngày Tết

Sau 5 năm sống ở nước ngoài, Xuân 1993 tôi về Hà Nội ăn Tết. Đây cũng là Tết để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong đời tôi. Lúc đó Nhà nước chưa có lệnh cấm đốt pháo. Giao Thừa, như thường lệ, tôi mang lễ ra sân cúng trời đất. Khi cả thành phố râm ran tiếng pháo thì trong tôi bỗng trỗi dậy một cảm xúc rất đặc biệt, mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể tả nổi, chỉ biết lúc đó cổ nghẹn lại, nước mắt cứ thế trào ra... Một tình cảm linh thiêng, bao năm sống xa xứ nay tôi chỉ có thể tìm lại được chính trên quê hương mình: Đó là mùi pháo và tiếng pháo đúng vào khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới mà ở châu Âu không có được! Sau này nhiều lần về Việt Nam ăn Tết, được xem bắn pháo hoa, mặc dù rất đẹp và Nhà nước tốn nhiều tiền, nhưng tôi không thể tìm lại được cảm giác đó.



Chợ Hoa ngày Tết xưa

Thế hệ tôi sinh ra, lớn lên qua hai cuộc kháng chiến và những năm bao cấp, cuộc sống rất nhiều khó khăn và vất vả, nhưng người Việt Nam ta có câu: No ba ngày Tết, ấm ba tháng Hè. Vì thế đến cuối năm các cơ quan phải phấn đấu vượt kế hoạch, tìm kế hoạch hai, kế hoạch ba, đề tài cấp này cấp nọ... làm sao thêm thu nhập cho mọi người có Tết. Có tiền rồi, nhưng muốn có cái chân giò để nấu măng, miếng thịt mông ngon để gói bánh chưng... đâu đơn giản. Phụ nữ ngày đó thật là đảm đang, sinh con được hai tháng phải gửi nhà trẻ, làm gì có ôsin giúp việc hoặc gửi ngoài như bây giờ. Việc cơ quan vẫn phải gánh vác như đàn ông, về nhà lại chăm con và nội trợ. Mua thực phẩm, chất đốt là cả một vấn đề, nhất là khi chuẩn bị hết hạn tem phiếu hoặc vào dịp Tết: Từ gạo ngon ăn Tết, đến gạo nếp để gói bánh, lá dong, củi để luộc bánh..., tất cả đều theo tiêu chuẩn hộ khẩu và mọi thứ đều phải xếp hàng nửa ngày mới mua được. Chỉ có người kiên trì mới đứng để chờ mua, còn đa số đều để vào chỗ đứng của mình tất cả những gì có thể thay thế con người (kể cả cục gạch) nên mới có câu xếp hàng rổ rá.



Bán lá dong 

Gói hàng Tết, nếu so với bây giờ thật chẳng có gì đáng giá: một hộp mứt 250 gram, gói chè Ba Đình, bao thuốc lá Điện Biên, ít hạt tiêu, mì chính, tí bóng, tí miến, mấy chục bánh đa nem... và một bánh pháo. Cái gì hiếm cũng là của quí, nên mọi tiêu chuẩn Nhà nước phân phối đều chịu khó mua cả. Mọi nhà ăn Tết như nhau, nhưng người Hà Nội vẫn nặng hình thức, dù thế nào thì cũng phải sống đàng hoàng, ngày Tết trong nhà vẫn phải có cành đào, hoặc quất, chí ít cũng có lọ hoa. Chợ hoa Hàng Lược, dù có chiến tranh vẫn cứ tấp nập, rộn ràng. Người Hà Nội, Ba Mươi Tết năm nào cũng đến chợ hoa để được hưởng không khí chung (dù người ta vẫn gánh hoa qua cửa nhà). Họ đến để chen chúc, ngắm nghía, khảo giá và có khi chỉ mua một bó hoa violet và vài bông đồng tiền. Nhiều cửa hàng làm bánh quy gai mở ra phục vụ dịp Tết, còn tôi hay làm thêm mứt gừng, khế, quất, cà chua...



Luộc bánh chưng Tết 

Bây giờ đời sống cao hơn, ngày nào ăn uống cũng có thể đầy đủ như Tết hoặc thậm chí hơn... Tết, ra chợ là mua được mọi thứ theo ý muốn, chuyện xếp hàng trở thành cổ tích trong mắt lớp trẻ và tem phiếu đã được đưa vào Viện Bảo tàng Dân tộc rồi, nên Tết chỉ để vui chơi chứ ít chú ý đến vật chất. Ngày xưa thường gọi là ăn Tết và thú vui chơi Tết cũng khác. Cha ông ta có câu: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Pháo ngày Tết không thể thiếu, đêm Ba Mươi xem pháo nổ giòn đoán năm mới gia đình sẽ may mắn. Sáng Mồng Một nhìn xác pháo hồng trải khắp cửa nhà trong mưa Xuân lất phất, trẻ con vừa ngủ dậy chẳng cần gì, trên tay cầm nén hương cháy dở tranh nhau tìm những quả pháo còn sót chưa nổ. Cảnh ấy giờ đây đã trở thành hoài niệm. Không có nồi bánh chưng thì chưa phải là Tết, những ngày cuối năm trên đường phố, đằng sau những chiếc xe đạp là nồi, là củi, mùn cưa hoặc trấu và lá dong. Từ 28 đến 30 các gia đình bắt đầu gói bánh. Thức canh luộc bánh chưng cũng là những kỉ niệm của ngày Tết: Tối đến bắc nồi, bên ánh lửa hồng cả nhà quây quần ôn nghèo kể khổ, nghĩ tới tương lai.



Nhà Thờ Lớn trong những ngày đầu năm 

Năm tôi mới sang Ba Lan, người Việt Nam ở đây mới chỉ có vài trăm người, chủ yếu là sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, cộng tác viên mà có cả gia đình như chúng tôi ít lắm. Năm đó gần Tết chồng tôi có sang làm việc ở Nga, lúc về xin được 2 chiếc lá dong đã héo và cong queo, song đối với tôi thật là quí. Chuyện thật như đùa, hai chiếc lá gói hai cái bánh chưng! Có sẵn gạo nếp, đậu xanh, măng, miến, mộc nhĩ, tôi mang từ Việt Nam sang trước đó; đi mua vải, không có lạt thay bằng dây nilon, lấy bìa gấp thành khuôn, lá cắt ra trải 2 mặt và 4 góc, còn ngoài là vải, chỉ cần có mùi lá dong, thế cũng thành bánh chưng, lấy chai nước khoáng bằng nhựa làm giò thủ. Mấy người bạn nghiên cứu sinh đến chơi ăn Tết cảm động lắm. Bây giờ cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã lên đến vài vạn người, có các tổ chức của người Việt, Tết đến chúng tôi thường cùng phối hợp với Đại sứ quán tổ chức Tết cho bà con. Cũng có đầy đủ mọi thứ như bánh chưng, giò, chả, dưa hành... và cành đào (giả) và cũng vài trăm người tham dự. Đông vui, ấm cúng, nhưng ra khỏi hội trường là lạnh và trắng xóa một mầu tuyết rơi. Khi về tới nhà, đóng cửa lại mở VTV4, chúng tôi mới lại tìm được không khí Tết của quê mình.

Thời ấy trí thức cũng vất vả lắm, chỉ biết trông vào lương và tem phiếu. Trước Tết vài tháng chúng tôi thường nhờ ở quê mua cho vài con gà choai choai về chăm chút như chăm con, nhặt nhạnh mấy miếng gỗ tạp về đóng cái chuồng xinh xinh hai tầng, đến ngày đông lạnh che chắn đủ thứ, chẳng may gần Tết có sương muối gà dễ bị dây, mà cái giống gà một con bị là lây rất nhanh, chỉ một hai hôm là chết cả đàn. Năm nào giữ được thì còn ăn Tết sang, nếu không thì cả nhà buồn vì mất bao công chăm sóc.

Cuộc sống khó khăn nhưng con người sống với nhau có tình có nghĩa. Chúng tôi chỉ được nghỉ Tết hai ngày rưỡi, từ chiều Ba Mươi đến hết Mồng Hai Tết. Thời ấy điện thoại như chuyện viễn tưởng, mấy ngày Tết cả nhà đèo nhau trên những chiếc xe đạp, nhiều khi từ đầu thành phố đến cuối thành phố để chúc Tết nhau, đến nơi có khi không gặp vì người kia cũng lại tương tự, mọi người đều đuổi nhau trên đường phố. Có Tết chồng ở nước ngoài, con thì ốm, sáng Mồng Một, muốn chia sẻ với chồng, tôi ra bưu điện Bờ Hồ, chờ mấy tiếng đồng hồ mới đến lượt, gọi sang lại không gặp, tủi thân muốn khóc, đâu có như bây giờ hàng ngày có thể email, chát chít hoặc nói chuyện điện thoại trực tiếp.

Mọi thứ đều có thể thay đổi, nhưng con người sống luôn nhớ tới nguồn cội, nhớ văn hóa, truyền thống của tổ tiên. Dù sống ở nước ngoài, chúng tôi vẫn luôn nhớ mình là người Việt Nam, đặc biệt bằng mọi hình thức để giáo dục cho lớp trẻ.

Ngọc Thạch (Ba Lan)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Ngôi nhà chung của thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 2)
Người Việt ở Kazakhstan
Muốn học tốt tiếng Việt, cần hiểu rõ văn hóa Việt
Tết quê người... Tết quê nhà
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Liên bang Nga
Nhịp cầu hữu nghị Nga-Việt tại Đại học Tài chính Quốc gia Moskva ở Nga
Đông đảo kiều bào đang sinh sống tại Lào về dự Lễ Thượng Nguyên
Kiều bào tại Thái Lan dâng lễ cầu an Tết Thượng nguyên
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang