22/02/2010 02:26:35 PM
Nơi xứ người, thương nhớ Tết quê

Cũng chẳng thiếu thứ gì, bánh chưng xanh, giò chả, mâm ngũ quả, bát thịt nấu đông… Tết của người Việt ở Nga giờ cũng đậm bản sắc dân tộc và quốc hồn quốc túy lắm. Nhưng cái không khí nó cứ thiếu thiếu, nhàn nhạt làm sao!

Khi những cây thông lớn, lâu đài băng, đèn điện, băng rôn được dọn đi; khi đường phố trở về với cuộc sống hàng ngày, không khí tết của người Nga đã lùi xa, thì người Việt lại chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc mình.
 
Vào giữa tháng 12 âm lịch hàng năm, tôi hay lội tuyết đi chặt một cành cây về cho vợ làm cành hoa đào giả. Cành cây trụi lá đứng giữa trời tuyết lạnh, mang về ngâm trong nước nóng khoảng nửa tháng là nảy mầm, lá non mơn mởn. Bà vợ thương chồng, sẻ chia bằng cách cặm cụi cắt, dán những cánh hoa đào phớt hồng, tuy không đẹp như đào thế Nhật tân, nhưng thôi thì đành vậy, chứ biết làm sao! Không khí cũng ấm cúng phần nào.
 



 Mâm cỗ Tết của người Việt tại Nga


Ngày Tết, trên ban thờ nhà ai cũng có một mâm ngũ quả bày biện rất chu đáo, cẩn thận. Bây giờ, hoa trái chẳng thiếu gì, nhưng để được tươi, được đẹp, mà nhất lại là cây nhà lá vườn như ở quê thì bói cũng chẳng ra.
 
Vào những ngày cuối năm, các ốp (kí túc xá) của người Việt thật náo nhiệt. Vài hộ gia đình chung nhau ra ngoại ô mua một con lợn về ăn Tết. Rồi mỗi nhà một con gà trống để thắp hương. Chị em phụ nữ ngồi gói bánh trò chuyện rôm rả. Mâm cỗ cúng tổ tiên cũng đủ giò, chả, bánh chưng, bát măng, đĩa nộm, bát đông...
 
Kênh truyền hình VTV4 – món ăn tình thần của người Việt xa quê, cứ mang mùa xuân chạy ầm ầm, nào là đào phai miền Bắc, mai vàng miền Nam, quất Nhật Tân… đến bia xuân, bim bim xuân, ngân hàng xuân!
 
Đêm giao thừa, khi công việc chuẩn bị đón Tết đã hoàn tất, các máy điện thoại hoạt động hết công suất, ai cũng gọi điện về cho người thân ở nhà, vì nơi ấy nhiều người còn bố mẹ già, còn vợ, chồng, còn con nhỏ…
 
Tết đến rồi mà lòng vẫn nao nao. Thiếu không khí se lạnh chiều đông, thiếu hoa đào, cây quất trên đường phố,… vợ chồng nhìn nhau buồn rượi! Ở nơi xứ người, cách xa hàng chục nghìn cây số, tuyết trắng xóa bao phủ, giữa cái lạnh thấu xương lại càng thấy thương nhớ quê nhà, nhớ Tết quê đến chừng nào… Nhắm mắt lục tìm trong kí ức, tôi nhớ về Tết Quê!
 
Nhớ lắm những chiều 23 Tết hàng năm, lũ trẻ đứa vác cuốc, đứa cầm bó đuốc rơm lon ton chạy theo người lớn đi khắp các cánh đồng để thắp hương và dọn dẹp sạch sẽ từng ngôi mộ. Tôi nhớ những ngày giáp Tết, mấy ông anh họ chọc tiết lợn kêu eng éc ngoài bờ giếng, làm cho mỗi nhà dăm ba cái giò. Mà giò thì ngon đến mức chỉ muốn ngậm! Tôi nhớ ngọn lửa hồng tí tách, nồi bánh chưng xanh thơm nứt mũi, chỉ ngồi đưa củi thôi cũng đã thấy khó chịu với cái sự chờ đợi lắm rồi, nhưng lòng thì vẫn cứ lâng lâng vui sướng. Tôi nhớ những làn mưa xuân phơi phới trong tiết trời se lạnh. Tôi nhớ không khí đầm ấm, hạnh phúc của gia đình, bàn thờ tổ tiên thịnh soạn trang nghiêm. Mùa xuân ngập tràn từng đường làng, ngõ xóm.
 
Nhớ nhất là chiều 30 Tết cuối năm, hình ảnh Bố mình tỉ mẩn, cẩn thận sửa soạn, chu đáo bên ban thờ tổ tiên. Chỉ vài hộp mứt Tết, mấy gói chè mậu dịch, dăm bảy hộp kẹo, mấy chai rượu Lúa Mới, cây bồng bồng lá xanh ngắt và đặc biệt mâm ngũ quả “cây nhà lá vườn”, với nải chuối xanh, cam bưởi vàng ươm, ớt chỉ thiên đỏ rực… Thêm bát hương, vài nén nhang, khói hương lan tỏa, mùi hương trầm thơm ngào ngạt khiến ta thấy yêu đời, yêu gia đình mình kỳ lạ! Mẹ thì tất tưởi ngâm gạo đỗ, rửa lá dong, gói bánh chưng cạnh giếng nước bên sân nhà. Mấy anh chị em, người thì chẻ củi, người nhóm bếp, đặt nước, cọ nồi… Khi mọi thứ đâu vào đó cũng là lúc bếp lửa bập bùng, củi nổ lách tách, tàn than bay ra như pháo hoa và nồi bánh chưng sôi sùng sục. Và còn đó cảm giác háo hức thức đợi nồi bánh chín để được nhận chiếc bánh dài, nhỏ mà Mẹ gói riêng cho mình để được buộc lạt hai đầu bánh, đeo bên sườn như một khẩu súng.
 
Đúng là cái cảm giác xa quê, đón Tết nơi xứ người thật chẳng dễ chịu chút nào. Cũng là đón Tết mà phong tục mỗi nơi thật khác. Tết của người Việt là dịp con cháu các nơi đoàn tụ, là dịp nhớ về cội nguồn, tiên tổ, là sự quây quần với những phong tục đầy tính nhân văn - “Mồng một tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy”, nhưng cũng không thiếu đi chất sống thoải mái, vui vẻ lãng mạn sau một năm làm việc mệt nhọc vất vả để “tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng 2 cờ bạc, tháng 3 rượu chè”. Còn với người Nga, tết cũng là ngày để xum họp, đoàn tụ gia đình, nhưng mà “trọng chơi” thấy khiếp! Ngày Tết chỉ để nghỉ ngơi, uống rượu, vui chơi, giải trí, thiếu hẳn cái lễ Trừ tịch đêm giao thừa, rồi tục xông đất chúc mừng năm mới mùng 1 Tết…
 
Không biết Tết ở quê mình có còn đẹp, còn nguyên bản như ngày xưa không để mà nhớ nhung, hoài tưởng. Nhà cao tầng mọc san sát, đường bê tông rải khắp, không còn những mái nhà tranh, nhũng hàng rào râm bụt, nhà nhà ngăn cách nhau bởi những bức tường cao ngất ngưởng thì cái tình quê “tối lửa, tắt đèn có nhau” chắc cũng bị vơi đi ít nhiều. Nghe nói ở nông thôn Việt Nam giờ đây, thứ gì cũng có, dịch vụ tận nơi, giò, chả, bánh chưng và thậm chí ngay cả mâm cỗ cúng, chỉ cần nhấc máy điện thoại lên là có người mang đến tận nhà… Đâu còn hình ảnh tất bật của các mẹ, các chị, cái háo hức của trẻ con. Đâu còn tiếng lợn kêu eng éc, tiếng chày giã giò, mùi lá dong tươi… Cái Tết mà tôi hằng thương nhớ phải chăng giờ chỉ là ký ức? Chợt thấy buồn, rồi miên man nghĩ, chẳng lẽ chỉ có những người Việt xa xứ thiếu thốn tình cảm thì mới cố níu giữ những nét đẹp bản sắc, phong tục Tết Việt ư! Buồn quá… Tết quê ơi!

(Theo hoidoanhnghiep.ru )

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Ngôi nhà chung của thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 2)
Người Việt ở Kazakhstan
Muốn học tốt tiếng Việt, cần hiểu rõ văn hóa Việt
Tết quê người... Tết quê nhà
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Liên bang Nga
Nhịp cầu hữu nghị Nga-Việt tại Đại học Tài chính Quốc gia Moskva ở Nga
Đông đảo kiều bào đang sinh sống tại Lào về dự Lễ Thượng Nguyên
Kiều bào tại Thái Lan dâng lễ cầu an Tết Thượng nguyên
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang