05/03/2010 10:57:35 AM
Người Việt ở nga 20 mùa gió tuyết-Kỳ 7: Thành đạt ở Ufa

Thành phố Ufa, thủ phủ nước cộng hòa Baskiria, đang nổi lên như một địa điểm làm ăn hấp dẫn và ổn định của người Việt. Từ vài trăm người vào năm 1989, nay nơi đây đã là một cộng đồng thịnh vượng với khoảng 5.000 người.



Một khu thuộc Trung tâm Thương mại Ural - nơi
có cả ngàn người Việt tập trung mua bán
 


Ufa được xếp thứ ba về số lượng người Việt ở Nga, sau Matxcơva và vùng Viễn Đông. Nó cũng được xem là một minh chứng cho sự thành đạt của người Việt khi chịu khó xé nhỏ, lùi về các tỉnh lẻ lập nghiệp...

Đất lành trên dãy núi Ural

Điểm khác biệt đầu tiên của Ufa mà tôi dễ dàng nhận biết ngay từ khi đặt chân xuống sân bay đó là sự khắc nghiệt của miền núi Ural. Ngoài vùng Viễn Đông ra, có lẽ đây là nơi thứ hai mà người Việt phải đối đầu với cái rét kinh khủng nhất khi nước Nga vào đông.

Nhiệt độ luôn thay đổi từng giờ với mức dao động đủ lấy mạng những ai chủ quan. Buổi sáng vào đông luôn ở mức -15oC, giữa trưa xuống dưới -30oC và khi chiều tối có ngày xuống dưới -40oC.

Những thứ đồ nghề phóng viên mà tôi mang theo từ miền nhiệt đới đều trở nên vô dụng khi ra ngoài trời chưa đến 15 phút.

Ufa là thành phố lớn thứ 6 của Nga với khoảng 1,5 triệu dân. Vào những năm dầu mỏ tăng giá, thành phố “vàng đen” này được biết đến như một điểm tiêu thụ hấp dẫn trên thị trường Nga nhờ vào mức thu nhập cao của người dân. Đó cũng là lý do mà nhiều người Việt nhanh nhạy đã chọn Ufa làm điểm dừng chân lập nghiệp.

Với đặc điểm đa sắc tộc của Baskiria, người Việt tại đây dễ dàng được chấp nhận hơn ở Matxcơva hay các vùng khác. Nếu như ở Matxcơva bạn luôn phải dè chừng đám thanh niên đầu trọc lúc ra đường thì với Ufa bạn có thể thoải mái dạo chơi kể cả lúc nửa đêm.

Ở Ufa người Việt đang độc quyền trong hệ thống phân phối hàng giá rẻ từ bán lẻ đến bán buôn. Người Việt cũng là cộng đồng người nước ngoài duy nhất mạnh và đông nhất tại Baskiria.

Khởi thủy, cộng đồng người Việt ở đây chỉ có vài trăm người xuất thân từ công nhân của nhà máy động cơ ôtô Matxcơvic. Sau biến cố năm 1991, số lượng người Việt càng giảm mạnh.

Nhưng từ năm 1996, khi một loạt trung tâm thương mại như Ural, Belebay, Birsk, Katsina... do người Việt làm chủ ra đời thì số lượng liên tục tăng. Tính đến nay đã có hơn 5.000 người đổ về đây làm ăn, sinh sống và sẽ còn tăng nữa sau khi chợ Vòm đóng cửa. Điều đáng mừng là nhiều người Việt ở Ufa đã tính đến chuyện làm ăn lâu dài, mua nhà trị giá hàng trăm ngàn USD để lạc nghiệp.

Anh Dương Minh Hướng, Giám đốc Công ty Baskiviet, một công ty của người Việt đầu tiên tại Ufa, cho biết: “Việc mua nhà định cư, làm ăn quy củ hơn cho thấy người Việt đã thay đổi tư duy kinh doanh. Đấy cũng là xu hướng họ muốn làm ăn lâu dài ở Nga. Trước đây số đông người Việt làm ăn theo lối chụp giật, đánh nhanh rồi rút. Nhưng bây giờ ở Ufa người ta đã biết xây dựng thương hiệu cho cả cộng đồng. Người dân bản địa yêu mến người Việt và tạo nhiều thuận lợi trong việc làm ăn...”.

Ông Nguyễn Văn Giáp, một doanh thương có tiếng ở chợ Zom, người cách đây 7 năm đã rời Matxcơva về Ufa mua bán, đã kể về thành phố nhỏ của mình như một xứ sở yên bình, người Việt được đối xử một cách tử tế. Họ chẳng lo bị bọn đầu trọc tấn công hay công an phiền nhiễu như ở Matxcơva.

Với đồng vốn ít ỏi ban đầu, hiện ông đã gây dựng được năm cửa hàng bán sỉ và lẻ. Năm ngoái ông mua hai căn nhà để đưa con cháu qua làm ăn. Không chỉ riêng ông, hầu như những ai về Ufa lập nghiệp cũng đều khá lên.

Vượt qua những cánh đồng trắng muốt, những rừng dương phủ tuyết, tôi được mời đến dự bữa tiệc thôi nôi của một bé trai Việt tại thành phố Birsk. Đây là một thành phố vệ tinh nằm cách Ufa chừng 70km, nơi chỉ có hơn 50 người Việt sinh sống.

Có về vùng quê thưa thớt này mới cảm nhận hết cái tình đồng hương giữa miền tuyết trắng. Cũng tiết canh heo và rau húng như ở quê nhà, bữa tiệc là dịp để những người đồng hương xóa đi nỗi nhớ quê khi Tết kề cận. Vài người Nga đến chung vui, họ quây quần như anh em một nhà. Một không gian ấm cúng, yên bình hiếm gặp trên đất Nga.

Có lẽ lùi về các tỉnh xa để lập nghiệp cũng là một hướng đi mới cho người Việt sau những thăng trầm. Điều đó phần nào được minh chứng qua sự phồn vinh của người Việt tại Ufa, Kazan, Volgagrad, Rostov, Samara, Ekaterinburg...

“Chợ Vòm” ở Ufa

Đến Ufa, chỉ cần vẫy taxi và nói đến chợ, chắc chắn tài xế sẽ đưa bạn đến thẳng chợ Zom, một trung tâm buôn bán sầm uất của người Việt. Nó nổi tiếng như chợ Vòm thời thịnh vượng ở Matxcơva vậy.

Hiện chợ Zom thu hút khoảng 1.500 người Việt về đây buôn bán, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 người dân địa phương. Chợ là một trong những hoạt động kinh doanh chính của Trung tâm Thương mại Ural do ông Trần Ngọc Tuấn làm chủ. Đấy cũng là thành quả của ông sau 20 năm lăn lộn xứ người.

Ông khởi nghiệp bằng nghề buôn với chỉ vài đồng vốn ít ỏi. Bị bầm dập trong những chuyến buôn từ Matxcơva về tỉnh xa để lập nghiệp, nhiều lần ông phải đối diện với cái chết khi xe bị cướp dọc đường, anh em bị trói bỏ mặc trong cái rét giữa rừng.

Dành dụm từng đồng, ông thành lập Trung tâm Thương mại Ural này vào năm 1996 với chỉ 20 gian hàng khiêm tốn. Khi bà con đổ về đây ngày một đông, năm 2000 ông mở ra chợ Zom với hơn 800 gian hàng.

Để xây dựng hình ảnh cộng đồng tốt đẹp trong mắt người Nga, ông lập ra các hội tương trợ như Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh... tham gia nhiều hoạt động xã hội của địa phương. Khi giàu có, nhiều chủ Việt tìm cách rút lui, gom vốn về nước. Nhưng ông nghĩ khác, các tỉnh lẻ của Nga vẫn còn rất nhiều cơ hội cho người Việt nếu biết tổ chức.

Với số vốn hàng trăm triệu USD trong tay, ông Trần Ngọc Tuấn còn đầu tư vào các nhà máy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân Nga.

Với tư cách là Chủ tịch Hội Người Việt ở Ufa, ông chia sẻ: “Mình muốn kêu gọi bà con làm ăn quy củ, lâu dài, trước tiên mình phải làm gương. Tôi mở ra nhà máy sản xuất nhựa, tận dụng nguồn nhiên liệu thải ra từ các nhà máy lọc dầu ở địa phương. Hiện công việc chỉ mới khởi đầu nhưng nó đã tạo được sự tin tưởng làm ăn lâu dài của người Việt trong lòng chính quyền Baskiria”.

Ông đưa tôi về thăm nhà máy, nơi có gần 50 công nhân Nga đang làm việc cùng các chuyên gia đến từ VN.

Từ tay trắng, sau 20 mùa gió tuyết nhiều người Việt đã trở thành những ông chủ được người Nga nể phục.

Thế Anh (Tuổi trẻ)

______________

Một khuynh hướng rất mới ở Nga: có những người Việt đã mua đến 200 ha đất để hình thành một vườn rau Việt xanh ngút ngàn trên đất Nga, với giấc mơ ngày nào đó sẽ đưa nông dân xứ mình sang Nga làm quen với một nền nông nghiệp hiện đại...

Kỳ cuối: Qua Volga làm chủ trang trại

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Ngôi nhà chung của thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 2)
Người Việt ở Kazakhstan
Muốn học tốt tiếng Việt, cần hiểu rõ văn hóa Việt
Tết quê người... Tết quê nhà
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Liên bang Nga
Nhịp cầu hữu nghị Nga-Việt tại Đại học Tài chính Quốc gia Moskva ở Nga
Đông đảo kiều bào đang sinh sống tại Lào về dự Lễ Thượng Nguyên
Kiều bào tại Thái Lan dâng lễ cầu an Tết Thượng nguyên
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang