02/03/2010 05:39:21 PM
Người Việt ở nga 20 mùa gió tuyết - Kỳ 4: Mùa tuyết nóng

Ngày tôi trở lại Nga, tám tháng sau thời điểm chợ Vòm đóng cửa, người Việt vẫn trong cảnh lao đao tìm chợ. Họ một lần nữa rơi vào cảnh kẻ ở người về... Mùa tuyết đầu tiên sau biến cố chợ Vòm được xem là một mùa tuyết “nóng” dù nhiệt độ vẫn là âm 20 độ!



 Một gian hàng của người Việt ở chợ Sadovod


“Hậu chợ Vòm”
 

 Ngày 29-6-2009, chợ Vòm chính thức bị đóng cửa với số lượng hàng hóa bị tịch thu lên tới 2 tỉ usd. Trong đó, người Việt bị thiệt hại về hàng hóa lẫn số tiền đã đầu tư vào cửa hàng lên đến hàng chục triệu USD. Nếu như vào thời điểm thịnh vượng của chợ Vòm, ở Matxcơva ước tính có hơn 80.000 người Việt thì con số đó bây giờ chỉ còn độ 50.000 - 60.000, chiếm khoảng 1/2 số người Việt trên toàn LB Nga hiện nay. Năm 2002 - 2007 là thời điểm số người Việt ở Nga đông nhất, ước tính có đến 180.000 người.
Giữa cái rét buốt xương, tôi tìm về chợ Vòm để tận mắt chứng kiến cảnh tàn lụi của “lò sản xuất triệu phú” Việt một thời. Những gian hàng bị cháy chỉ còn tro bụi, những bãi xe sầm uất một thời nay vương vãi đầy rác và hàng hóa bị hỏng.

Các container đang được nhà chức trách tháo gỡ, cảnh tấp nập nay đã nhường chỗ cho một màu tuyết trắng! Ở các khu đông người Việt như “ốp Rư Bắc”, Dakuchaev, hay ở các quán cà phê Việt gần ga điện ngầm Xavelovxkaiya đâu đâu cũng nghe người Việt bàn tán chuyện tìm chợ bởi hàng ngàn người Việt đã mất việc làm và chỗ bán hàng sau sự kiện này.

Để giải quyết số hàng tồn còn lại sau khi chợ đóng cửa, anh Nguyễn Văn Hà, 52 tuổi, sống ở khu Dakuchaev phải bỏ ra hàng chục ngàn usd để mua lại chính hàng của mình còn mắc kẹt. Giá thuê kho, thuê cửa hàng giờ tăng gấp cả chục lần so với trước đó. Không nhiều vốn, anh chấp nhận thuê lại một cửa hàng ven đường ở ngoại ô Matxcơva với giá 3.000 USD/tháng.

Bán được hơn hai tháng thì cửa hàng bị cháy rụi, vốn liếng dành dụm biến thành tro tàn. Ở Nga là thế, chuyện buôn bán lúc lên voi xuống chó là lẽ thường tình của người Việt. Đây là lần thứ ba anh Hà trở thành nạn nhân của những cuộc giành giật địa bàn làm ăn!

Hậu chợ Vòm, số đông người Việt kéo về ba khu chợ mới để mưu sinh là chợ Liublino, Sadovod và Ludjniky. Chợ Liublino trước đây vốn được thiết kế theo mô hình siêu thị bán lẻ, nhưng kể từ ngày người Việt và người Trung Quốc kéo về đây thì nó được xem như bãi đáp của dân buôn sỉ. Giá thuê mặt bằng nhanh chóng được đẩy lên chóng mặt. Lúc đỉnh điểm mỗi gian hàng với chỉ độ 20m2 được cho thuê với giá gần 40.000 usd/tháng.

Thấy giá tăng cao, nhiều người Nga đóng cửa, chuyển qua cho người Việt và người Trung Quốc thuê lại kiếm lời. Nhưng không phải ai cũng may mắn kiếm được một chỗ bán hàng, anh Nguyễn Văn Đức, một doanh nhân ở dãy 13 chợ Sadovod, bảo phải chờ chực mãi mà vẫn không thuê được chỗ ở chợ Liublino nên mới dạt về đây. So với chợ Sadovod thì chợ Liublino bán “tít” (bán chạy) hơn nhiều nên khó có thể thuê được chỗ.

Mới đây, cái tên chợ Sadovod lại nóng lên vì vụ tranh chấp của người Việt tại dãy AH 13. Tất cả cũng vì thói quen làm ăn chỉ dựa vào lòng tin. Anh Đức kể câu chuyện lừa đảo này: “Khi dãy AH 13 hình thành thì có một người Việt nói đã đứng ra thầu mua hết 60 gian hàng tại đây, sau đó chào bán với giá 30.000 usd/quầy. Do thiếu chỗ bán hàng nên có 60 gia đình người Việt vội đưa tiền thuê. Nhưng khi dãy AH 13 đi vào hoạt động thì chủ chợ đòi họ phải nộp thêm 45.000 usd nữa mới có quyền bán hàng, cộng với mức thuế ở đây là 80.000 rúp/tháng. Sau nhiều ngày cự cãi, nhiều người phải cắn răng nộp thêm tiền để có chỗ bán hàng”.

Một nạn nhân khác, chị Nguyễn Thị Hòa ở Dakuchaev chua chát hơn: sau khi chợ Vòm đóng cửa, biết người Việt cần chỗ bán hàng nên nhiều người đến từ Trung Á đã tìm cách lừa đảo. Nghe bạn bè giới thiệu, chị đưa cho một người đàn ông Azerbaizan 20.000 usd tiền đặt cọc mua một chỗ bán hàng đang... trên bản vẽ. Đau nhất là tất cả nạn nhân phải im lặng bởi những bài học ở xứ người luôn nhắc nhở họ “im lặng chính là vàng!”.

 Thách thức mới

Hì hục quét lớp tuyết dày cộp trên xe để chuẩn bị một ngày mưu sinh ở chợ Liublino, anh Nguyễn Hoàng Song nói: “Nhiều bạn bè và người thân của tôi đã nhanh chóng bán nốt số hàng còn lại rồi rút về nước chờ thời cơ. Nhưng tôi nhanh chân tìm đến chợ Liublino khi giá thuê chưa quá cao. Những ngày sau khi chợ Vòm đóng cửa, hàng hóa khan hiếm nên bán chạy lắm mà lãi suất cao hơn rất nhiều”. Chỉ trong vòng nửa năm trở lại đây, anh Song đã tích lũy được một số vốn kha khá, chuẩn bị cho một định hướng mới trong xu thế làm ăn của mình bởi: “Luật pháp nước Nga ngày một chặt chẽ hơn, thị hiếu tiêu dùng của người Nga đang thay đổi, người Việt phải tổ chức quy củ hơn để tham gia thị trường”.

Cũng như anh Song, nhiều người Việt đã chọn giải pháp tiếp tục ở lại Nga với nhiều lý do, người thì con đang học dang dở, người thì thấy còn cơ hội làm ăn... Dù vậy, số lượng người Việt ở Nga đã giảm đáng kể. Ngày tôi qua, tức hơn nửa năm sau ngày chợ Vòm kết thúc sứ mệnh, anh Trần Văn Tiến, quê ở Nghệ An, vừa gói ghém đồ đạc chuẩn bị về nước vừa tâm sự: “Hơn 20 năm lặn lội ở đây đủ làm tôi mệt mỏi rồi. Về nước thì buồn nhưng đã 60 tuổi, mình không thể đánh đổi những ngày còn lại trong sự may rủi ở nước Nga”. Một cảnh trái ngược khác. Chị Vân, quê Quảng Bình, về nước tháng 7-2009, nhưng lại bay trở lại Nga cùng chuyến bay với tôi. Vài ngày sau chị gọi điện thông báo đã thuê được cửa hàng buôn bán ở chợ Sadovod.

Giọng chị bùi ngùi: “Tôi rời Việt Nam lúc mới ngoài 20 tuổi, bây giờ đã trên 50 rồi. Phần lớn cuộc đời gắn với nước Nga, hiểu văn hóa và pháp luật Nga hơn Việt Nam. Về nước thì không mối lái khó làm nên đành quay lại như một định mệnh!”

Trong khi các chợ mới hình thành vẫn chưa đáp ứng nhu cầu buôn bán của người Việt thì một số rủi ro khác lại đang rình rập họ. Mới đây, quanh chợ Liublino có nhiều người Việt bị cướp, bị bọn đầu trọc tấn công và công an phiền nhiễu. Những người đã kiếm được chỗ bán hàng lại đối diện những khó khăn về pháp lý vì Nga đang thắt chặt việc cấp quyền lao động cho người nước ngoài. Với người Việt, hậu chợ Vòm vẫn là một mùa tuyết nóng!

Thế Anh (Tuổi Trẻ)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Ngôi nhà chung của thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 2)
Người Việt ở Kazakhstan
Muốn học tốt tiếng Việt, cần hiểu rõ văn hóa Việt
Tết quê người... Tết quê nhà
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Liên bang Nga
Nhịp cầu hữu nghị Nga-Việt tại Đại học Tài chính Quốc gia Moskva ở Nga
Đông đảo kiều bào đang sinh sống tại Lào về dự Lễ Thượng Nguyên
Kiều bào tại Thái Lan dâng lễ cầu an Tết Thượng nguyên
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang