27/02/2010 09:44:41 AM
Hát bội Việt Nam hồi sinh ở Mỹ

Bà Ngọc Bầy chụm hai bàn chân, nghiêng người sang trái rồi sang phải, làm những động tác uyển chuyển, diễn cảnh trong một vở tuồng cổ hàng trăm năm tuổi của người Việt.

Trong âm điệu cao vút của tiếng kèn ô-boa và nhịp trống đều đặn, người nghệ sĩ 68 tuổi với mái tóc hoa râm buộc túm sau đầu đang hướng dẫn cho một cậu bé đi đôi xăng-đan. Cậu cố làm theo, nhưng hai đầu gối va vào nhau và cậu ngã lăn xuống đất. “Cháu không làm được!” Lê Quốc than thở bằng tiếng Việt. Sau khi bị trượt chân, cậu lại đứng dậy tập tiếp. Lần này, bà Bầy giữ chặt hai vai cậu để giúp cậu bé xoay người trên nền nhà được trải thảm, và thế là Quốc nhoẻn miệng cười sung sướng. 



Nghệ sĩ Ngọc Bầy hướng dẫn học sinh trong lớp  


Lớp học hát bội nằm ở trung tâm khu Little Saigon, Nam California. Nơi này khác xa những rạp hát ở Việt Nam - nơi mà cô gái trẻ Ngọc Bầy một thời ngân nga trước sự ngưỡng mộ của đông đảo những người yêu mến cô. Nhưng tại đây, ngay trong căn phòng không cửa sổ, bà Bầy đang thực hiện một chiến dịch nhằm hồi sinh loại hình nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ mai một này.

Hát bội không còn được yêu thích ở quê hương bà nữa, và cũng mất chỗ trong lòng những người yêu nghệ thuật ở ngay trung tâm của cộng đồng Việt ở Mỹ. Nhưng bà Bầy hy vọng sẽ truyền lại môn nghệ thuật này cho các học trò của mình, hoặc ít nhất cũng làm cho chúng yêu thích môn nghệ thuật mà bà đã đắm say từ khi còn là một cô bé. “Tôi hy vọng chúng có thể thuần thục như tôi trước khi tôi qua đời”, bà Bầy mỉm cười nói. “Ở đây chẳng có ai biết hát bội là gì, họ chỉ thích nhạc phương Tây thôi”.

Ở Việt Nam, các vở tuồng dành cho diễn viên hát bội thường là dựng lại những trận chiến hay thiên tình sử nổi tiếng theo điển tích Việt hoặc Trung Hoa. Diễn viên trang điểm và mặc trang phục rực rỡ, các lối múa và hát đều được cách điệu và theo khuôn mẫu nhất định. Hát bội đã có từ hàng trăm năm trước và chiếm vị trí độc tôn vào thế kỷ 18 do được triều đình phong kiến ủng hộ. Nhưng vào đầu thế kỷ 20, khi các rạp chiếu phim hiện đại tràn vào Đông Nam Á, hát bội dần bị phai nhạt đi.

Những năm gần đây, chính phủ Việt Nam cố gắng phát triển loại hình nghệ thuật này bằng cách tài trợ cho các chương trình đào tạo, nhưng theo như nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Nguyễn Phương thì hát bội vẫn chỉ được biểu diễn khi có yêu cầu mà thôi. Thời niên thiếu, bà Bầy cùng với chị gái và một người họ hàng đã biểu diễn hàng đêm ở quanh Sài Gòn. Họ cũng kiếm được một số tiền nhỏ nhờ có chiếc micro mà cha bà đã mua cho. Bà đam mê âm nhạc kể từ khi theo cha đi xem buổi biểu diễn của các gánh hát từ lúc còn là một cô bé.

Thế nhưng niềm mơ ước của bà không phải lúc nào cũng là hát bội. Như nhiều cô gái cùng trang lứa thời đó, với giọng hát du dương của mình, bà đã từng mong muốn được biểu diễn trong các rạp hát hiện đại ở Việt Nam. Nhưng sau một lần thử giọng không thành cho khoá học Cải lương ở Nhạc viện Sài Gòn năm 1960, bà Bầy rất thất vọng và nghĩ rằng mình đã bỏ lỡ cơ hội trở thành một diễn viên. Thế nhưng vận may đã đến với bà khi đúng lúc đó, một giảng viên chợt trông thấy và mời bà tham gia vào một buổi tuyển chọn cho một chương trình được chính phủ tài trợ nhằm thúc đẩy môn nghệ thuật hát bội.

Thế là từ đó, bà đắm mình vào những vần thơ và những điệu hát cổ xưa, bỏ ngoài tai những lời giễu cợt của đồng nghiệp ở các môn nghệ thuật khác. Bốn năm sau, bà tốt nghiệp và trở thành nghệ sĩ tuồng vô cùng thành công với những buổi biểu diễn trên khắp cả nước. Sau khi chồng mất trong chiến tranh, bà bắt đầu dạy hát bội cho một nhóm những người trẻ tuổi khao khát trở nên nổi tiếng.

Thỉnh thoảng bà tham gia biểu diễn hát bội miễn phí và nhận được khá nhiều tiền từ các khán giả. Họ kẹp tiền vào những chiếc quạt giấy và ném lên gần chân bà, bà Bầy kể lại. Năm 1992, bà di cư sang Mỹ, đem theo tất cả những băng cát-xét, sách và các bản nhạc với hy vọng sẽ mở được một lớp dạy hát bội trong cộng đồng Việt kiều bận rộn tại đây. Nhưng khi đến nơi, bà hoàn toàn thất vọng. “Khi đến đây, tôi chẳng hề thấy bóng dáng của hát bội”, bà nhớ lại, “Họ còn hỏi lại tôi "hát bội à? Nó là cái gì thế?". Cuối cùng thì bà trở thành một trợ lý y tá, dành dụm đủ tiền để về hưu và đón con gái cùng gia đình của họ đến cùng sống trong một căn nhà nhỏ ở quận Cam.

Hát bội không có chỗ trong thế giới của các trung tâm thương mại, phim Hollywood và nhạc rock này. Năm năm trước, bà được đề nghị biểu diễn hát bội tại trường Đại học California, Los Angeles. Buổi biểu diễn đã làm cho các giáo sư và những người hâm mộ rất hứng thú và họ đã tìm cách gây quỹ để mở ra lớp học hát bội đầu tiên ở khu vực này. Lớp được mở vào năm ngoái tại một phòng tập của Hội văn học và nghệ thuật Việt - Mỹ. 



Các diễn viên nhí thuộc lớp học của nghệ sĩ Ngọc Bầy trong buổi biểu diễn ra mắt nhân dịp Xuân Canh Dần ở California 

Vào các tối thứ năm, có một nhóm các cô bé, cậu bé khoảng 4, 6 hay 8 tuổi vui vẻ đứng tụ tập quanh một chiếc bàn để uống nước hoa quả trước khi xếp hàng học các điệu múa tuồng một cách thật nghiêm túc. Trong khi đó, những học viên lớn tuổi thì đứng trên sân diễn, tay cầm những chiếc quạt có đính tua rua đỏ và vàng. Một vài người nhớ được mặt của cô giáo thông qua những bức ảnh trên các tờ báo Việt.

Cuối tháng 2 này, những học viên của bà Bầy đã có buổi biểu diễn đầu tiên. Thước đo đánh giá thành công của lớp học này là mức độ yêu thích của bọn trẻ với hát bội: liệu loại ca kịch truyền thống này có sánh được với những ca khúc của các ban nhạc đình đám trên đài phát thanh hay không. “Dù có thế nào thì hát bội cũng sẽ trở thành một phần cuộc sống của chúng”, bà Y Sa Lê, Giám đốc Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Mỹ, nói. “Một khi bạn học thứ gì, thứ đó sẽ đi cùng bạn đến suốt cuộc đời”.

Hà Thu (VnExpress)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Ngôi nhà chung của thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 2)
Người Việt ở Kazakhstan
Muốn học tốt tiếng Việt, cần hiểu rõ văn hóa Việt
Tết quê người... Tết quê nhà
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Liên bang Nga
Nhịp cầu hữu nghị Nga-Việt tại Đại học Tài chính Quốc gia Moskva ở Nga
Đông đảo kiều bào đang sinh sống tại Lào về dự Lễ Thượng Nguyên
Kiều bào tại Thái Lan dâng lễ cầu an Tết Thượng nguyên
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang