24/09/2018 05:19:00 PM
Trung thu ở Bình Vọng

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 17 km về phía Nam, làng Bình Vọng (Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với cách tổ chức mừng Trung thu độc đáo nhất miền Bắc. Những ngày này, trẻ em trong làng không chỉ được quan tâm bằng những món đồ chơi ngộ nghĩnh, mà còn được thưởng thức những màn múa lân với lửa đặc biệt hấp dẫn.

Người dân thôn Bình Vọng lâu nay vẫn giữ được không khí hào hứng mỗi dịp Tết Trung thu cho con em trong làng. 

Độc đáo nhất phải kể đến là những chiếc hình nộm đầu sư tử để múa trong dịp trăng rằm. Hình thù của chúng không giống nhau mà thay đổi biến hóa tùy sở thích của trẻ, nhưng cách làm và chất liệu vẫn giữ nguyên theo kểu truyền thống. Người ta dùng tre làm khung, bồi giấy để tạo hình rồi sơn lại cho thật đẹp. Phải mất cả tuần để làm xong một chiếc đầu sư tử kích thước lớn. 

Theo ông Trần Phương Hùng nhà ở xóm 8, người dân ở đây mấy chục năm qua vẫn tự làm đồ chơi vì muốn giữ vẹn nguyên không khí trung thu từ xưa cho trẻ. Năm nào vào dịp này thanh niên ở mỗi xóm đều tụ tập các em nhỏ cùng làm đầu sư tử rồi lập đội múa rước đèn. "Cứ có thời gian rảnh là chúng nó lại í ới gọi nhau cùng làm đồ chơi. Đứa lớn hướng dẫn đứa nhỏ, cứ thế năm nào chúng nó cũng làm được những món đồ độc đáo. Ngày rằm Trung thu năm nào cũng vui vẻ, nhộn nhịp" - ông Hùng chia sẻ.

Mỗi dịp Trung thu, khắp đường làng ngõ xóm lại rộn rã tiếng nói cười, gọi nhau đi làm đầu múa sư tử, binh khí, đuốc...để chuẩn bị cho đêm rước đèn truyền thống. Là người lớn tuổi nhất trong Đội sư tử Ba Đa (xóm 8, thôn Bình Vọng), ông Trần Văn Cường cho biết: "Khi xưa, chúng tôi làm đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi, binh khí, đao kiếm...chơi Trung thu. Đến nay, chúng tôi vẫn giữ nguyên truyền thống này để mang đến màu sắc, không khí Tết Trung thu xưa cho các con, các cháu".

Theo ông Cường, sự phát triển của xã hội và nhịp sống hối hả ngày nay khiến không khí trung thu tại nhiều nơi phai nhạt dần.Trẻ con đôi khi chỉ còn được bố mẹ mua cho một món đồ chơi hiện đại mà không hề biết đến ý nghĩa của ngày Tết Trung thu cổ truyền.Thế nhưng, ở thôn Bình Vọng, Tết Trung thu luôn là dịp nhộn nhịp nhất, người già trẻ nhỏ cùng nhau múa sư tử, phun lửa dầu, rước đèn đón hội.

Người dân Bình Vọng chơi Trung thu 3,4 ngày liên tiếp nhưng ngày vui nhất là đúng đêm rằm. Vào ngày này, trên khắp những con đường làng rộn rã tiếng trẻ gọi nhau vui hội trăng rằm. Mọi người hào hứng tập hợp, tham gia rước đèn ở các thôn từ rất sớm để cuối cùng các đoàn rước hợp tại trước Hội trường xóm 10.

Theo anh Lương Mạnh Hà, đội trưởng đội sư tử Ba Đa, trước rằm tháng Tám khoảng 10 ngày, người dân trong làng bắt đầu tự tay làm những món đồ chơi, những chiếc đầu sư tử và kết hợp tập luyện cho các cháu nhỏ để chuẩn bị cho đêm rước đèn.Từ ngày 13/8 âm lịch, đội sẽ đi biểu diễn quanh làng đến hết ngày 15/8 âm lịch. "Đội sư tử chúng tôi có 25 người, người trẻ có, người già cũng có nhưng tất cả cùng chung niềm khao khát biểu diễn hết mình cho khán giả xem vào đêm phá cỗ", anh Hà chia sẻ.

Tại đây, trong tiếng nhạc “tùng rinh” rộn rã, các thanh niên trong làng thổi lửa, múa lân. Những động tác nhảy múa khéo léo của các đội lân cùng những màn thồi lửa rực sáng khiến đám đông trẻ con, người lớn vô cùng phấn khích, thích thú reo hò cổ vũ. Các đội múa lân thi nhau biểu diễn cho đến nửa đêm, rồi cả cùng nhau quây quần bên mâm ngũ quả, phá cỗ trung thu với niềm vui trọn vẹn, ý nghĩa../.

Một số hình ảnh ghi lại không khí náo nhiệt trong dịp Tết Trung thu ở làng Bình Vọng:

 Đội sư tử Ba Đa biểu diễn màn phun lửa dầu tại xóm 8, Nhà văn hóa thôn Bình Vọng trong ngày phá cỗ.

 Cùng với múa sư tử, màn múa đuốc lửa rất thu hút sự chú ý của các em nhỏ.

 Các em nhỏ đánh trống rất điêu luyện.

 Khắp đường làng ngõ xóm, lửa sáng rực một góc trời.

(Báo Ảnh Việt Nam)

 

 

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Chị Võ Thị Sáu - vọng mãi lời ca
Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc
Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang