09/02/2016 10:35:00 AM
Những công trình kiến trúc gắn liền với Thủ đô Hà Nội

Hà Nội – Thủ đô xinh đẹp, ngàn năm văn hiến còn lưu giữ những nét văn hóa lâu đời cùng những công trình kiến trúc cổ mang đậm dấu ấn lịch sử. Đó là những địa danh góp phần làm nên bản sắc một Hà Nội thanh lịch, cổ kính và chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị trong suốt chiều dài lịch sử. Đầu Xuân năm mới, nếu có dịp đến với Hà Nội, bạn hãy dành thời gian để khám phá những biểu tượng này, để hiểu thêm hơn về Thủ đô ngàn năm văn hiến.

  • Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Văn Miếu - Quốc Tử Giám

  • Nhà hát Lớn Hà Nội

  • Cột cờ Hà Nội

  • Hồ Gươm

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nếu nói Hà Nội là trái tim của nước Việt Nam, thì quảng trường Ba Đình chính là trái tim của Hà Nội. Nơi đây đã diễn ra những sự kiện trọng đại của thủ đô và của cả nước.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hay còn gọi một cách gần gũi là Lăng Bác được xây dựng vào ngày 29/8/1975. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6 mét, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Ở mặt chính có dòng chữ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng đá hồng màu mận chín.

Lăng được xây dựng trên nền cũ của Quảng trường Ba Đình lịch sử, với sự trợ giúp từ các chuyên gia Liên Xô và vật liệu xây dựng được mang về từ nhiều miền trên cả nước. Đây là công trình kiến trúc thể hiện lòng thành kính của nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng cũng được coi là một trong những kiến trúc đẹp của thế giới.

Kể từ khi khánh thành Lăng đến nay đã có gần 50 triệu lượt người, trong đó có gần 8 triệu lượt người nước ngoài ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và tổ chức quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với mỗi người dân Việt Nam, vào Lăng viếng Bác đã trở thành một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, một sinh hoạt truyền thống biết ơn cội nguồn.

Nhiều người nước ngoài coi Lăng là một địa chỉ thiêng liêng, hấp dẫn mỗi khi tới Việt Nam. Đây còn là công trình văn hóa đặc biệt, là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của đất nước, nơi tổ chức các buổi mít tinh, duyệt binh, diễu hành chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc…

Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Được xây dựng vào năm 1070, dưới đời vua Lý Thánh Tông với mục đích dùng để làm nơi thờ Khổng Tử, đặt bia Tiến sĩ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đồng thời cũng được xem như là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Đây là quần thể di tích đặc biệt của Thủ đô, nơi hội tụ của giá trị di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, lịch sử và nghệ thuật, khoa học và giáo dục, thông tin tư liệu ký ức, niềm tự hào của người dân Thủ đô và dân tộc Việt Nam trong truyền thống ngàn năm văn hiến.

Kết cấu khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: Khu vực Nhập đạo; Khu thành đạt nơi có công trình Khuê Văn Các - biểu tượng của Thủ đô Hà Nội; Khu Nhà bia Tiến sỹ - nơi lưu giữ 82 tấm bia đá Di sản tư liệu Thế giới; Khu Điện Đại thành - nơi thờ Khổng tử và các bậc tiên hiền Nho học; Khu Thái học là nơi tôn vinh Hoàng đế Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông, thầy giáo Chu Văn An và các bậc danh nhân.

Hiện nay, UNESCO đã công nhận 82 tấm bia tại Văn Miếu là Di sản Tư liệu Thế giới. Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Chính vì mang ý nghĩa to lớn trong lĩnh vực giáo dục mà Văn Miếu luôn là điểm đến tham quan, tìm hiểu, học tập của nhân dân trong nước, du khách quốc tế và nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới.

Nhà hát Lớn Hà Nội

Tọa lạc trên Quảng trường Cách Mạng Tháng 8, tại phố Tràng Tiền, Nhà hát Lớn luôn là điểm đến lý tưởng cho những người yêu nghệ thuật cổ điển. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của Nhà hát, đồng thời còn được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam cũng như văn hóa nghệ thuật cổ điển của các nước trên thế giới.

Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành vào năm 1911. Cho đến nay, đây vẫn là nơi tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật lâu đời nhất, tiêu biểu nhất, trang trọng nhất Việt Nam, phù hợp với các chương trình nghệ thuật sân khấu và âm nhạc đẳng cấp cao, đáp ứng trình độ biểu diễn quốc tế.

Điểm đặc biệt của công trình này, đó là vẻ đẹp cổ điển hiện rõ qua từng đường nét và vóc dáng của tòa nhà. Là công trình được thiết kế theo phong cách kiến trúc cổ điển Châu Âu (thời Phục hưng), Nhà hát Lớn Hà Nội phần nào chịu ảnh hưởng từ kiến trúc Nhà hát Opera Paris của Pháp. Chính vì vậy, toàn bộ tòa nhà luôn toát lên vẻ đẹp sang trọng, quý phái và lộng lẫy.

Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình có giá trị rất lớn về mặt lịch sử, kiến trúc và giá trị sử dụng. Đây là một di tích của giai đoạn phát triển kiến trúc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và là nơi đã chứng kiến những giây phút hoà bình đầu tiên trên đất nước.

Trải qua một thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, Nhà hát Lớn vẫn tồn tại vững bền, trở thành một địa chỉ văn hóa lớn và một công trình kiến trúc đẹp của Thủ đô.

Cột cờ Hà Nội

Đứng sừng sững, uy nghi ngay bên đường Điện Biên Phủ thuộc quận Ba Đình - Hà Nội, Kỳ đài Hà Nội, hay còn gọi là Cột cờ Hà Nội, một di tích lịch sử văn hóa quốc gia, được xây dựng từ năm 1805, đến năm 1912 mới hoàn thành, trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, công trình kiến trúc độc đáo này đã trở thành chứng nhân lịch sử, chứng kiến những bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc.

Kiến trúc Cột cờ gồm 3 cấp đế và một thân cột, cao hơn 41m. Nhìn tổng thể, Cột cờ gồm những khối lăng trụ xếp chồng nhau, thu nhỏ và cao dần từ dưới lên trên, bố cục cân đối ấy tạo nên những đường nét thẳng, khoẻ khoắn, vững vàng, rất hài hòa và thanh thoát, không hề tạo cảm giác nặng nề.

Ở mỗi cấp, tường xây được trang trí bằng những hoa văn khác nhau. Đáng chú ý là cấp thứ ba bố trí 4 cửa theo hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Trừ cửa hướng Bắc, các cửa khác đều có tên riêng: cửa hướng Đông tên là Nghênh Húc, có ý nghĩa “đón ánh sáng ban mai”, cửa hướng Tây tên là Hồi Quang, nghĩa là “nhìn về hoàng hôn”, cửa hướng Nam tên là Hướng Ninh, nghĩa là “trông theo ánh mặt trời”. Những cửa này thông với nhau qua cửa tò vò, tạo nên nhiều phòng nhỏ có trần vòm cuốn.

Trên tầng này là thân cột cờ, hình trụ 8 cạnh, thon dần lên trên. Trong thân này có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Ðỉnh Cột cờ được cấu tạo thành một lầu hình bát giác, có 8 cửa tương ứng 8 mặt. Giữa lầu là một trụ tròn, cao, đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ.

Hơn nửa thế kỷ qua, trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội” luôn thường trực lá cờ đỏ sao vàng năm cánh phấp phới tung bay trên bầu trời Thủ đô. Cột cờ Hà Nội mãi mãi là biểu tượng vinh quang, là niềm tự hào của dân tộc, đất nước Việt Nam độc lập, tự do.

Hồ Gươm

Hồ Gươm là một phần không thể thiếu của Hà Nội, được ví như trái tim của Hà Nội nói riêng và của cả nước Việt Nam nói chung.

Trước kia Hồ Gươm còn có các tên gọi như: hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm), hồ Thủy Quân (dùng để duyệt thủy binh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần sau khi mượn được và đánh tan giặc Minh.

Đây là một hồ nước ngọt tự nhiên, có diện tích khoảng 12 ha, chiều dài khoảng 700 m, chiều rộng 200 m. Xung quanh hồ Hoàn Kiếm có những di tích lịch sử như: đền vua Lê Thái Tổ, đền Bà Kiệu, tháp Hòa Phong... Trên hồ có 2 đảo: đảo Rùa nằm vị trí trung tâm có xây tháp Rùa, và đảo Ngọc có cầu Thê Húc dẫn lối đến Đền Ngọc Sơn.

Hồ Gươm không lớn nhưng lại tạo nên một khung cảnh sơn thủy hữu tình nhờ những công trình kiến trúc nhỏ rất Việt Nam, rất gần gũi với con người. Chính cái tỷ lệ phù hợp đã làm cho những công trình này đẹp hơn lên trong phong cảnh Hồ Gươm, hòa quyện với thiên nhiên tạo nên một quần thể hài hòa, trữ tình.

Hồ Gươm là một thắng cảnh tuyệt vời của Hà Nội, là viên ngọc giữa chốn phồn hoa của Thủ đô. Đây là địa điểm vui chơi, giải trí cho người dân sau thời gian làm việc căng thẳng, là nơi diễn ra những buổi sinh hoạt văn hóa bản địa, cũng là nét thiên nhiên thoáng đãng, mơ mộng trong sự ồn ào chật hẹp của Thủ đô. Mỗi khi có sự kiện lớn hoặc lễ tết, giới trẻ và các gia đình lại đổ về đây để vui chơi, thưởng ngoạn.

Hồ Gươm với sự duyên dáng êm đềm đã đi vào tiềm thức của bao con người Hà Nội, chứng kiến bao sự đổi thay phát triển và thăng trầm của lịch sử. Hơn một thiên nhiên kỷ đã trôi qua, Hồ Gươm đã trở thành một di sản kiến trúc văn hóa, viên ngọc quý long lanh giữa lòng Hà Nội ngàn năm tuổi.

Nhật Việt

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Du xuân Cồn Đen
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang