24/08/2017 09:12:00 AM
Nhà nữ khoa học biến rác thành hàng hóa

Biến rác thành sản phẩm phục vụ sản xuất sạch, bền vững là điều mà Phó Giáo sư, Tiến sỹ (PGS.TS) Tăng Thị Chính (Trưởng phòng Vi sinh vật môi trường, Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam) theo đuổi trong hơn 20 năm nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường. Với chế phẩm vi sinh vật do bà nghiên cứu, rác hiện được xử lý trở thành mùn hữu cơ dùng để sản xuất phân bón hữu cơ, gạch không nung.

 PGS.TS Tăng Thị Chính. Ảnh: Tất Sơn

Hành trình biến rác thành hàng hóa

Ở tuổi 57, PGS.TS Tăng Thị Chính vẫn thường xuyên tham gia các chuyến công tác dài ngày, đến các địa phương để tư vấn về quy trình xử lý rác thải hiệu quả, an toàn và bền vững cho các doanh nghiệp, nông dân và cả các nhà máy rác.

PGS.TS Tăng Thị Chính được biết đến là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu thành công các chế phẩm ủ rác ở đồng ruộng từ những năm 2003, 2004. Bà cũng là một trong những nhà nữ khoa học gắn bó với rác thải môi trường lâu nhất và kiên trì nhất.

Nhắc đến cơ duyên gắn bó với ngành công nghệ môi trường, nền tảng để sau này thực hiện hành trình cải tạo rác, theo PGS.TS Tăng Thị Chính đó là những ngày học ngành Công nghiệp thực phẩm tại Bungary, chuyên ngành Công nghệ vi sinh (chủ yếu nghiên cứu công nghệ lên men để sản xuất rượu, bia, kháng sinh). Khi về Việt Nam, bà cũng đã từng làm việc trong ngành chế biến thực phẩm trước khi rẽ sang nghiên cứu về môi trường.

 Từ năm 1993, PGS.TS Tăng Thị Chính đã thành công trong việc xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững. Ảnh: Tất Sơn

 

 PGS.TS Tăng Thị Chính trong một buổi khảo sát xử lý chất thải chăn nuôi tại Trang trại nuôi bò sữa Ba Vì Farm. Ảnh: Tất Sơn

 

 PGS.TS Tăng Thị Chính kiểm tra quá trình phát triển của cây trồng tại Trang trại rau hữu cơ Ba Vì Farm (Doanh nghiệp sử dụng chế phẩm vi sinh để biến chất thải thành phân bón). Ảnh: Tất Sơn

 PGS.TS Tăng Thị Chính kiểm tra để giải quyết vấn để ô nhiễm tại một Trang trại nuôi lợn trên địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Tất Sơn

Khi quyết định rẽ sang ngành Công nghệ môi trường, nhiều người đã khuyên bà không nên chuyển vì đây là vấn đề vô cùng khó. “Thời điểm đó ở Việt Nam mới chỉ có nghiên cứu Biogas trong chăn nuôi, còn vấn đề xử lý rác chưa được quan tâm, chủ yếu là chôn lấp. Tôi nghĩ cứ như vậy thì rác sẽ ngày một nhiều, nếu không tìm cách giải quyết sẽ rất nguy hại cho tương lai”, PGS.TS Tăng Thị Chính nhớ lại. Chính với tâm huyết và suy nghĩ này, khiến bà quyết tâm theo đuổi ngành công nghệ môi trường, với mong muốn sẽ góp phần xử lý vấn đề rác thải ở Việt Nam.

Chế phẩm sinh học vào xử lý tàn dư đồng ruộng của bà lần đầu tiên được đưa vào sử dụng thực tế đó là dự án xử lý 70ha đất thuộc 5 huyện của tỉnh Nam Định. Những ngày đó, bà cùng ăn, ngủ, làm cùng những người nông dân. Để thuyết phục họ về hiệu quả chế phẩm sinh học của mình, bà đã không ngần ngại lội xuống ruộng, trực tiếp thu gom phế phẩm lại một góc rồi cho chế phẩm vi sinh vào ủ. Bà tự tay làm để người nông dân hiểu và dễ hình dung ra được cách làm, quy trình. Chính sự lăn xả này khiến người dân tin tưởng và nhiệt tình hơn trong việc ứng dụng chế phẩm.

Hiệu quả chế phẩm của bà cũng được khẳng định khi những người nông dân này nhận thấy quá trình phân hủy chất thải hữu cơ diễn ra nhanh hơn, thời gian ủ được rút ngắn, không sinh mùi hôi thối, lại tiêu diệt được các vi sinh vật gây bệnh, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ sạch. Chế phẩm vi sinh của bà còn được ứng dụng vào xử lý các chất thải hữu cơ khác như: thân lá các loại rau; phân gia súc, gia cầm... để sản xuất phân bón.

Chế phẩm Sagi Bio của PGS.TS Tăng Thị Chính cũng đã được nhà máy sản xuất, chế biến phân hữu cơ từ rác thải ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh sử dụng. Đây là nhà máy rác đầu tiên sử dụng chế phẩm Sagi Bio của bà để xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp ủ đống có đảo trộn do vi sinh vật tự nhiên phân hủy. Nhà máy không còn mùi hôi như nhiều nhà máy khác.Mùn hữu cơ thu được sau quá trình xử lý cũng được chế biến thành phân hữu cơ vi sinh phục vụ nông nghiệp, hoặc sản xuất gạch không nung.

Và thông điệp thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường

Là một trong những nhà nữ khoa học đầu tiên theo đuổi công nghệ môi trường, PGS.TS Tăng Thị Chính cũng đã gặp phải những khó khăn nhất định với vai trò người tiên phong. Một trong những khó khăn đó là nhận thức của người dân về vấn đề xử lý rác thải và ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên với tâm thế của một người làm khoa học chân chính, bà vẫn luôn kiên trì theo đuổi con đường đã chọn, mặc dù trong hàng chục năm bà vẫn như “một kẻ sỹ độc hành” trên con đường này.

Hiểu rõ để thay đổi được nhận thức của con người phải cần có quá trình nên bà suy nghĩ rất lạc quan trong vấn đề này. Trước năm 2005, khi bà triển khai những dự án hỗ trợ người nông dân xử lý rác thải đồng ruộng và sản xuất, họ còn không mặn mà mặc dù được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí. Thế nhưng hiện nay, các dự án này khi triển khai, người nông dân, họ đều rất hưởng ứng. Với PGS.TS Tăng Thị Chính thì đây là những tín hiệu tích cực giúp bà có thêm động lực để theo đuổi lĩnh vực còn nhiều khó khăn và bất cập như hiện nay.

PGS.TS Tăng Thị Chính trong phòng thí nghiệm Vi sinh vật môi trường - Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam. Ảnh: Tất Sơn 

 

 PGS.TS Tăng Thị Chính hướng dẫn cho học trò về cách xử lý, kiểm tra chất lượng nguồn nước tại phòng thí nghiệm Vi sinh vật môi trường - Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam. Ảnh: Tất Sơn

 

 Những cây trồng đã cho năng suất cao sau khi sử dụng phân HCVS để cải tạo những vùng đất hoang hóa ven biển.
Ảnh: Tư liệu

Với PGS.TS Tăng Thị Chính, điều làm bà luôn luôn trăn trở đó là làm sao để ngày càng nhiều nông dân tiếp cận và ứng dụng cách xử lý rác hữu cơ thân thiện với môi trường. “Vì dùng hóa chất nhiều không phải là hướng đi đúng của một đất nước muốn phát triển bền vững”, bà cho biết.

Cũng theo PGS.TS Tăng Thị Chính, vấn đề nan giải nhất trong xử lý rác thải sinh hoạt ở Việt Nam đó chính là quá trình phân loại rác. Trong quy trình xử lý rác, chi phí về phân loại rác chiếm từ 70% - 80%. Bởi vậy, ở các nước phát triển như Nhật Bản, các hộ gia đình, khi bỏ rác ra khỏi nhà mà không phân loại thì các đơn vị môi trường sẽ không tiến hành thu gom rác cho gia đình đó.

Theo bà, ở Việt Nam nếu mỗi gia đình chỉ cần bỏ ra từ 5 - 10 phút/ngày để phân loại rác, thì sẽ tiết kiệm hàng tỷ đồng/ngày cho các nhà máy xử lý và tái chế rác thải.

Do đó, điều mà PGS.TS Tăng Thị Chính mong muốn là công tác tuyên truyền về ý thức cho người dân được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là công tác giáo dục. Phải giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người ngay từ khi còn nhỏ. Có như vậy, tư duy và nhận thức về môi trường của con người mới được cải thiện. Và “cuộc chiến” với rác thải mới có hiệu quả thực sự để môi trường của Việt Nam cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn từ chính các thế hệ tương lai./.


Bài: Thảo Vy - Ảnh: Tất Sơn/ Báo Ảnh Việt Nam

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Chị Võ Thị Sáu - vọng mãi lời ca
Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc
Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang