02/04/2019 03:27:00 PM
Ngây ngất với cung đường Măng Đen

Hơn 100 năm trước, người Pháp đã chọn Măng Đen như một Đà Lạt thứ 2 để công chức và binh lính nghỉ dưỡng, chạy trốn cái nóng mà họ diễn tả là thứ khủng khiếp ở xứ An Nam.

Những con đường tuyệt đẹp, sạch sẽ, rợp bóng thông già và không một bóng người. 

Tôi quyết định di chuyển từ Tam Kỳ vào Quảng Ngãi để lấy điểm xuất phát từ ngã ba Thạch Trụ huyện Mộ Đức. Tỉnh Quảng Nam cũng có tuyến nối liền với quốc lộ 24 lên Tây Nguyên, nhưng điểm xuất phát cách quốc lộ 1 rất xa. Thời tiết đang rất thuận lợi nên không có gì thú vị bằng đi xe máy bon bon dưới tán rừng, đường vắng bóng xe qua lại, điểm giữa của cung đường dài gần 200km là địa danh Măng Đen nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển.

Lúc 8 giờ sáng, chân đèo Vi-ô-lắc đã hiện ra trước đầu xe. Quán ăn cuối cùng dưới chân dốc bán món thịt trâu và lòng đắng. Chị chủ quán nói năng có vẻ bình dân và diễn tả, thứ lá đắng này được hái từ núi cao giống lá răm ray ở Tây Giang tỉnh Quảng Nam. Khi hái lá đắng phải đi bộ khoảng 10km và trèo lên vách núi, gần các mạch nước. Loại lá này khi nấu với lòng và thịt trâu sẽ tạo ra hương vị thơm, hơi đắng, hậu ngọt.

Trước đây, tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi bị tắc nghẽn khi quốc lộ 24 tới chân đèo Vi-ô-lắc, nhiều người đứng dưới chân đèo nhìn lên ngọn núi cao 1.300m phủ đầy mây trắng, lòng ước ao có ngày được đi xuyên Kon Tum - Quảng Ngãi. Giờ đường đèo đã thông. Đèo Vi-ô-lắc là bức tường ngăn đôi thời tiết nên nhiều khi phía Quảng Ngãi nắng vàng, bên Kon Tum mây trắng.

Bon bon trên đèo Vi-ô-lắc, nhờ có công nghệ vệ tinh thì mọi người mới nhận ra được rằng, mình đang đi trên con đường có hình chữ M khổng lồ. Thôn Tà Ê được xem như giao điểm chia cắt 2 tỉnh nằm cuối chân chữ M đầy kỳ thú. Không khí mát rượi làm lồng ngực căng tràn khí trời, vì bên cạnh chữ M kia là cánh rừng xanh thẳm thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được cắt đôi 2 nửa thuộc về 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Vài trạm kiểm soát ngăn vận chuyển gỗ và động vật quý hiếm của kiểm lâm nằm ngay dốc đèo đã mang lại cảm giác rừng đang rất gần và con đường phía trước còn đầy kỳ thú.
Đi được khoảng 20km, rừng hiện ra mỗi lúc một dày. Thoang thoảng bóng dáng của Đà Lạt là những rặng thông già nằm cheo leo trên vách núi, có lúc phủ tán dày đặc bên lối đi. Những địa danh xóm làng đìu hiu hiện ra bên đường với chút buồn tẻ - Vi K’lung, Vi Chong, xã Hiếu. Có lẽ xã Hiếu với những cụm nhà thưa thớt nhưng so ra lại là điểm dừng chân “sầm uất” nhất trên tuyến hành trình.

Qua khỏi xã Hiếu là chạm vào ngã 4 đường Đông Trường Sơn. Tuyến đường này chưa rõ có thông được toàn tuyến, nhưng trên bản đồ chỉ dẫn thông về huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi và chạm với cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Khi qua khỏi xã Hiếu, những cung đường cùi chỏ hiện ra càng nhiều. Cảm giác cô độc và bí hiểm bủa vây khi đi qua lưng núi không một bóng người và nhìn xuống vực bên đường là khóm nhà nhỏ, bóng người cheo leo với gùi nặng thấp thoáng dưới bóng mây trôi.

Một ngã ba hiện ra dưới rừng thông và được cắm bảng đường 676 dẫn về Quảng Nam. Con đường này nằm song song với sông Đắk Bla, hướng về phía núi Ngọc Linh và trên bản đồ chỉ dẫn, đường kết thúc khi vừa tới điểm giáp ranh giữa Kon Tum với Quảng Nam. Những cung đường kết thúc sớm đã biến núi rừng nơi đây càng trở nên hiu quạnh.

Đi thêm 20km, con đường dày đặc rừng thông hiện ra phía trước. Không khí mát lạnh báo hiệu đang ở độ cao trên 1.000m. Cuối cùng, một thị trấn trong mơ hiện ra với bảng chỉ dẫn đường vào khu du lịch Măng Đen. Đây là địa danh hấp dẫn nhưng lại xa lạ với nhiều người. Ở Quảng Ngãi, chỉ người dân ở các địa phương nằm cách đèo Vi-ô-lắc vài chục kilômet thì mới đi về hướng Măng Đen. Còn ở các địa phương nằm về phía đông thì Măng Đen là cái tên xa lạ.

Măng Đen cách TP.Kon Tum 50km, cách Quảng Ngãi 137km. Người M’Nông từng gọi nơi này là T’măng Deeng với hàm nghĩa là vùng đất rộng lớn và bằng phẳng. Khi vào giữa Măng Đen, không khí se lạnh và nhiệt độ vào mùa này luôn ở ngưỡng 18 – 27 độ C. Khung cảnh thơ mộng của thị trấn yên bình này là hồ Đắk Ke soi bóng liễu rũ, hồ Toong Đam, nhà thờ Đức Mẹ, sân bay, đồi sim, hoa nở rực rỡ trước những ngôi nhà ẩn mình dưới rừng thông reo…

Trong quá khứ, Măng Đen nổi tiếng và in dấu chân của người Pháp. Nhưng 50 năm sau, những dãy biệt thự ẩn hiện trong rừng thông đầy rong rêu, thỉnh thoảng có vài chiếc xe chở khách đến hồ Đắc Ke đã nói lên một điều – nàng công chúa Măng Đen xinh đẹp đang chìm trong giấc ngủ.

Theo Báo Quảng Nam

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Chị Võ Thị Sáu - vọng mãi lời ca
Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc
Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang