11/02/2022 02:34:00 PM
Du Xuân... ở Bình Liêu!

Đến Bình Liêu mùa nào cũng đẹp và ấn tượng. Nếu mùa Xuân, du khách sẽ được đắm chìm trong các cung đường xanh mướt của cỏ cây. Mùa Hè là những thửa ruộng bậc thang vàng ngọt như những tấm thảm. Mùa Thu Đông là sắc trắng bạt ngàn của cánh đồng cỏ lau, những rừng hoa sở trắng muốt tỏa hương thơm ngát, đẹp mộng mị như ở xứ thần tiên.

 Du Xuân ở Bình Liêu! Ảnh: Sống lưng khủng Long, QUảng Ninh. Nguồn: Vyctravel

Nằm cách TP. Hạ Long hơn 100 km về phía Đông Bắc, giáp với biên giới Trung Quốc, Bình Liêu được ví như "Sapa thu nhỏ" của Quảng Ninh nhờ phong cảnh thiên nhiên vừa hoang sơ, hùng vĩ lại vừa thơ mộng.

Sapa của Quảng Ninh

Là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu nổi tiếng với cảnh sắc đặc trưng, riêng có.

Khác với những cung đường phượt Tây Bắc, đường lên Bình Liêu không quá khó đi. Dù vậy, "sống lưng khủng long" vẫn được coi là điểm đến không phải ai cũng dễ dàng chinh phục. Trước đây, con đường mòn trên đỉnh núi hoang sơ này bằng đất, nhỏ hẹp, khúc khuỷu, khá nguy hiểm. Nay con đường nổi tiếng đã được xây dựng lại, với khoảng 2.000 bậc thang cho đoạn đường 2 km. Chinh phục thành công cung đường "sống lưng khủng long", du khách sẽ đến Cột mốc 1305, cột mốc cao nhất ở tỉnh Quảng Ninh.

Đứng từ đây dễ dàng "thu nhỏ" Bình Liêu vào trong tầm mắt, cảm nhận được những nét tuyệt sắc, những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa tiên cảnh, những cung đường uốn lượn trắc trở, lúc ẩn lúc hiện, chạy thẳng vào mây, những sóng núi lô xô, xanh thẳm đến chân trời.

Tuyến biên giới trên đất liền dài cùng với tuyến đường hành lang biên giới và hệ thống cột mốc biên giới, cửa khẩu Hoành Mô… là những điểm đến quan trọng khi du khách muốn khám phá những dấu mốc thiêng liêng của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Bình Liêu còn có nhiều lợi thế về phong cảnh miền núi với rừng hồi, rừng quế thơm ngát; vẻ đẹp tự nhiên mà hùng vĩ của di tích danh thắng như: bãi Đá thần, núi Cao Xiêm, thác Khe Vằn, thác Khe Tiền, thác Sông Moóc. …

Điểm nhấn ấn tượng trên bản đồ du lịch Bình Liêu không thể không nhắc đến những thửa ruộng bậc thang khi vào mùa lúa chín nhìn như những “tấm thảm vàng”.

Trải dài trên các dãy núi trập trùng xanh thẫm là những cánh rừng hồi, rừng quế thơm ngát…, tạo nên bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Với 96% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, Bình Liêu còn có những nét văn hoá truyền thống đa dạng và độc đáo. Các dân tộc trên địa bàn đã hình thành nên một bề dày văn hoá với nhiều giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc vẫn được bảo tồn đến ngày này và được phát huy như: nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày, hội Soóng cọ của người Sán Chỉ, lễ hội đình Lục Nà, hội hát Sán cố của người Dao...

Huyện Bình Liêu cũng đang tập trung xây dựng các mô hình bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc như: Bản văn hóa người Tày ở Đồng Thanh (xã Hoành Mô), bản văn hóa người Dao ở Nà Nhái (xã Vô Ngại), Sông Moóc (xã Đồng Văn), hình thành các cơ sở lưu trú, điểm du lịch cộng đồng (homestay) đặc sắc.

 Phong trào đá bóng của phụ nữ Sán Chỉ tại huyện Bình Liêu


Đáng chú ý, phong trào đá bóng của phụ nữ Sán Chỉ tại huyện Bình Liêu đã được đưa vào các lễ hội, các chương trình tuần văn hóa - thể thao. Chị em dân tộc Sán Chỉ mặc váy, chân đi tất, đầu quấn khăn mấn truyền thống ra sân thi đấu như những cầu thủ bóng đá thực thụ đã tạo nên sự hấp dẫn riêng cho du khách đến Bình Liêu…

Đi chợ Tết ở Bình Liêu

Có lẽ, trong số các phiên chợ vùng cao thì chợ phiên Bình Liêu là phiên chợ giữ được nhiều bản sắc nhất

So với những chợ phiên vùng cao khác, chợ phiên tại Bình Liêu có những đặc trưng riêng, mang màu sắc văn hóa của đồng bào dân tộc các vùng, miền. Mảnh đất này vốn là nơi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc như Tày, Dao, Sán Chỉ... Vì thế, những phiên chợ cuối năm tại Bình Liêu không chỉ là nơi trao đổi mua bán của người dân bản địa và du khách gần xa mà còn mở ra không gian văn hóa đầy hấp dẫn dành cho du khách thập phương.

Khi nắng ấm dần lên, những nhành đào đá chớm nở cũng là lúc bà con các dân tộc ở Bình Liêu nô nức đổ về chợ phiên buôn bán sắm Tết. Sắc màu văn hóa của chợ phiên sẽ đem lại cho du khách nhiều trải nghiệm độc đáo, xúc cảm khi du Xuân tới Bình Liêu.

Khác hẳn không gian ngày Tết ở phố thị, những phiên chợ của đồng bào dân tộc ở Bình Liêu sẽ cho du khách cảm nhận hương vị, sắc màu gợi nhớ tới những ngày Tết xa xưa mà đã rất lâu rồi chúng ta chưa có cơ hội hồi tưởng. Hiện nay, giao thông đi lại từ TP. Hạ Long lên Bình Liêu đã khá thuận lợi. Du khách có thể chỉ mất vài tiếng cho quãng đường khoảng 100km theo Quốc lộ 18A để đến được Bình Liêu.

Trước đây, phiên chợ truyền thống ở Bình Liêu thường họp vào các ngày lẻ, nay điều kiện kinh tế của nhân dân khá lên, nhu cầu mua bán các mặt hàng hóa tăng mạnh nên chợ chuyển sang họp thường xuyên, nhộn nhịp nhất vào ngày Chủ Nhật.

Chợ huyện Bình Liêu nằm ngay trung tâm thị trấn Bình Liêu. Bước vào cổng chợ là một không gian rộng, thoáng, chợ phiên họp ngay ngoài trời. Hàng hóa bày bán dưới nền sân, gồm nông, lâm thổ sản do bà con nuôi trồng, sản xuất như: gia cầm, rau, củ quả, lá tắm người Dao, thuốc nam, gạo nương, mật ong rừng, thuốc từ lá rừng dùng để tắm cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mới sinh...

Du khách cũng dễ dàng tìm thấy các loại nông, lâm sản đặc sắc của Bình Liêu như mật ong rừng, mật ong hoa hồi. Ở góc cuối chợ là khu bán nông cụ, đồ đựng thóc lúa.

Tới phiên chợ Tết, du khách còn có thể thấy những món hàng phục vụ Tết như lá dong rừng, hoa chuối rừng, lạt tre để gói bánh...

Ngoài chợ trung tâm huyện, Bình Liêu còn có chợ phiên Đồng Văn họp vào thứ 7 hàng tuần. Đây cũng là một địa chỉ rất thú vị dành cho du khách. Ghé chợ phiên, du khách có cơ hội lắng nghe làn điệu hát pả dung, tấu kèn “tiêng gẹt” của người Dao và đặc biệt là thưởng thức đặc sản phở xào rất ngon ở những hàng ẩm thực phía sau chợ. Du khách sẽ trải nghiệm tự đi chợ, chọn thịt, rau, phở... và những đầu bếp người dân tộc chỉ lấy công chế biến.

Phát triển du lịch bền vững, gắn với giảm nghèo

Phát huy lợi thế hiện có, Bình Liêu tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác, tuyên truyền quảng bá phát triển thị trường du lịch; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp, văn hoá, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá trên địa bàn huyện.

Những thửa ruộng bậc thang khi vào mùa lúa chín nhìn như những “tấm thảm vàng” 

Đồng thời, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đến tìm hiểu, triển khai dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn, nhất là tại các khu vực được ưu tiên triển khai Đề án Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo Quyết định số 4839/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 29/12/2020 trên địa bàn huyện, gồm: Du lịch cộng đồng thôn Bản Cáu và Ngàn Pạt (xã Lục Hồn) và du lịch cộng đồng tại thôn Khe Vằn và Lục Ngù (xã Húc Động).

Đầu năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã phê duyệt Đề cương và dự toán Đề án phát triển du lịch bền vững, gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu đến năm 2030.

Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để huyện tiếp tục đưa ra các định hướng phát triển du lịch thông qua việc lựa chọn các điểm, tuyến du lịch trọng điểm; hình thành các sản phẩm và loại hình du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; xúc tiến và quảng bá, quản lý, khai thác và giám sát hoạt động du lịch, hợp tác phát triển du lịch...

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, khẳng định: Huyện Bình Liêu tiếp tục ưu tiên các nguồn lực cũng như đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển du lịch. Mặc dù vẫn chịu tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, song Bình Liêu cũng luôn chủ động kịch bản cũng như các phương án đảm bảo cho hoạt động du lịch diễn ra thuận lợi trong trạng thái bình thường mới theo đúng chỉ đạo của tỉnh trong thực hiện “mục tiêu kép”.

Hà Phương/ baoquocte.vn

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Phú Thọ - miền đất của những di sản văn hóa và danh thắng
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử
Chị Võ Thị Sáu - vọng mãi lời ca
Lê Lợi - Vị anh hùng giải phóng dân tộc
Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"
Hà Nội 1010 năm: Thủ đô anh hùng - Từ thành phố vì hòa bình đến thành phố sáng tạo
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Cù lao Chàm - Hòn ngọc giữa biển Đông
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang