02/06/2005 02:50:58 PM
Ca dao tục ngữ về danh lam thắng cảnh

Ca dao tục ngữ về danh lam thắng cảnh 

 

Bắc Cạn có suối đãi vàng
Có hồ Ba Bể có nàng áo xanh

 

Bình Định có núi Vọng Phu (1)
Có đầm Thị Nại (2), có cù lao Xanh (3)
Em về Bình Định cùng anh
Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa
---------

 

Bóng đèn là bóng đèn hoa
Ai về vùng Bưởi (4) với ta thì về
Vùng Bưởi có lịch có lề
Có sông tắm mát cò nghề seo can (5)
-------------

 

Cát Chính (6) có cây đa xanh
Có đường cái lớn chạy quanh trong làng
Cát Chính có giếng rìa làng
Vừa trong vừa ngọt cả làng chắt chiu.
----------------

 

Cổ Đô (7) tốt đất cao nền
Ai đi đến đó cũng quên ngày về.
---------

 

Cổ Đô thực chốn giang hồ
Ai đi đến đất Cổ Đô cũng nhìn
Trên bờ gió thổi rung rinh
Dưới sông sóng đánh rập rình thêm vui
Thuyền bè lên ngược xuống xuôi
Tiện đường buôn bán, tiện nơi đi về.

 

Cổ Loa là đất Đế Kinh
Trông ra lại thấy tòa thành Tiên xây.

 

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh (8)
----------

 

Chẳng vui cũng thể hội Thầy
Chẳng đẹp cũng thể Hồ Tây xứ Đoài.

 

Chẳng vui cũng thể hội Thầy (9)
Chẳng trong cũng thể Hồ Tây xứ Đoài
Rửa chân đi hán, đi hài
Rửa chân đi đất chờ hoài rửa chân
--------------

 

Chuồn chuồn bay thấp bay cao
Bay ra ngoài Huế, bay vào Phú Yên.

....................

 

(1) Núi Vọng Phu: Núi Vọng Phu ở trên núi Mô-o, gần bãi Khách Thử, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

(2) Đầm Thị Nại: thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

(3) Cù lao Xanh: một hòn đảo thuộc Bình Định, gần cửa biển Quy Nhơn.

(4)Vùng Bưởi, kẻ Bưởi: Chỉ chung mấy xã thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, trước thời kỳ thuộc Pháp gồm các làng Hồ Khẩu, Yên Thái, Trích Sài, Bái Ân cũ. Bưởi xưa có hai nghề nổi tiếng là nghề làm giấy (Hồ Khẩu, Yên Thái) và nghề dệt lĩnh (Bái Ân, Trích Sài).

(5) Seo can: “Seo” giấy tức là đem nhúng vào tàu seo - một thùng hay bể nhỏ đựng nước có bột dó và nhựa gỗ - một cái khuôn có liềm giấy ở trong rồi lắc chao khuôn đó thành hình tờ giấy. “Can” là can giấy: giấy bóc ở khuôn ra đem can tức là đem vào lò (gọi là bồi) phết từng tờ lên tường.

(6) Cát Chính: ở xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.

(7) Cổ Đô: tức xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

(8) Thượng Kinh: Có sách viết, đất kinh đô ở trên hết mọi nơi khác trong nước, đây chỉ kinh đô Thăng Long.

(9) Hội Thầy: tức hội chùa Thầy. Chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây, là nơi Từ Đạo Hạnh tu hành. Trên núi có hang Thánh Hóa, tục truyền là chỗ Từ Đạo Hạnh hóa thân. Chùa Thầy còn có tên Thiên Phúc Tự, là công trình kiến trúc và điêu khắc có giá trị thế kỷ XVII. Hội chùa Thầy tổ chức hằng năm vào ngày mồng 7 tháng 3 âm lịch.

 

 

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Ca dao về lao động sản xuất
Ca dao về tình cảm vợ chồng
Ca dao tục ngữ về hôn nhân gia đình
Ca dao, tục ngữ về mùa Xuân
Những câu tục ngữ, thành ngữ về thầy cô
Những câu ca dao về thầy cô
Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về phụ nữ thời phong kiến
Ca dao tục ngữ về vẻ đẹp người phụ nữ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang