28/07/2021 08:57:00 AM
Thanh mát gỏi rong bồng bồng

Ngoài hành, tỏi Lý Sơn khá nổi tiếng, thì vùng biển của huyện đảo này còn được xem là “ngôi nhà” của hàng chục loại rong biển. Trong số đó bồng bồng là một loại rong đặc biệc thuộc lớp sụn biển được người dân huyện đảo xem như rau xanh, dùng để chế biến thành nhiều món ăn dân dã, nhưng ngon và lạ miệng...

 Gỏi rong bồng bồng tuy trông đơn giản, nhưng ngon và lạ miệng

Đến bây giờ, sau 10 năm kể từ lần đầu tiên đến đảo Bé (Lý Sơn), tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh dung dị, chân chất và đặc biệt hiếu khách của người dân nơi đây. Năm 2011, đảo Lý Sơn chưa có điện, đảo Bé còn hoang sơ, việc đi lại vô cùng khó khăn. Hẳn vậy nên khách từ đất liền ra đảo Bé lúc ấy được người dân quý mến lắm; từ việc nhường từng ca nước ngọt ít ỏi, đến tỉ mẩn chế biến nhiều món ăn ngon để đãi khách. Trong số ấy thì gỏi rong bồng bồng (còn gọi là cum cúm, bìm bìm) là món ăn vương vấn tôi đến tận giờ.

Hôm tôi ra đảo Bé là một ngày đầu tháng 7.2011, trời nắng như đổ lửa, gió biển thổi rát da. Tôi được giới thiệu ở nhà một cán bộ hội phụ nữ xã An Bình tên Thúy. Sau hồi trò chuyện làm quen, thì cô Thúy rủ tôi ra gành biển phía sau nhà lội nước cho mát, vừa hái rong bồng bồng. Lúc ấy khoảng 16 giờ, nước thủy triều rút nên nước xăm xắp tới đầu gối. Hăm hở lội ra gành chừng 500m thì cô Thúy tấp vào mấy tảng đá nhấp nhô để tìm cắt rong, chủ yếu là rong bồng bồng.

Đi chừng 30 phút, rổ đầy rong thì cô Thúy mang về rửa, cắt thành từng khúc rồi chần nhanh qua nước sôi rồi vớt ra (cô Thúy dặn nếu sau này chế biến thì vớt rong ra ngâm ngay vào nước đá 10 phút thì rong giòn ngon hơn). Thời gian đợi rong ráo nước, cô Thúy rang ít đậu phụng; đập dập vài tép tỏi, dăm củ hành phi thơm để nguội. Sau đó, trộn đều rong với hành tỏi đã phi, rồi thêm tý muối, ít đường, một chút nước mắm Lý Sơn, thêm nước cốt chanh và rau diếp cá (hoặc húng quế).

Nhìn dĩa gỏi rong bồng bồng đặt cạnh chén nước mắm Lý Sơn nguyên chất được dằm vài quả ớt hiểm, thêm mấy tép tỏi trông bắt mắt và hấp dẫn lắm. “Thử nhé. Xem rau xanh của biển khác gì đất liền không. Hơi khó ăn đấy, nhưng nếu ăn được thì sẽ ghiền”, cô Thúy bảo vậy. Quả thật, nếm thử miếng gỏi đầu tiên, tôi nhăn nhó vì mùi tanh tanh, ngái ngái của rong bồng bồng, nhưng càng ăn, càng ghiền thật. Vị tanh tanh, giòn sần sật của rong bồng bồng; vị chua nhẹ của rau diếp cá và nước cốt chanh; vị bùi bùi béo béo của đậu phụng... không thể lẫn với bất kỳ món gỏi nào tôi đã từng ăn. Có lẽ vì vậy mà đến tận giờ, sau 10 năm, tôi vẫn thích dĩa gỏi rong bồng bồng “chay” như thế hơn là thêm bò khô hoặc tôm hay thịt heo ba chỉ.

Cô Thúy bảo, ngoài rong bồng bồng thì đảo Bé còn có đặc sản rong bông trang (còn gọi là tóc tiên). Loại rong này mọc từng cụm ở giữa các vách san hô có độ sâu từ 1,5 - 2m nên khó hái hơn rong bồng bồng, khi hái cũng chỉ cắt phần ngọn. Đây là hai loại rong được người dân huyện đảo sử dụng nhiều nhất, để thay thế rau xanh và chế biến thành khá nhiều món ăn ngon và lạ miệng. Vì vậy, vào mùa thu hoạch, người dân hái rong rồi phơi khô để dùng dần. Sau này, du khách đến huyện đảo Lý Sơn ngày càng nhiều, nên các loại rong biển, đặc biệt là rong bồng bồng và tóc tiên trở thành sản vật được nhiều người tìm mua để mang về làm quà.

Thanh Phong/ Báo Quảng Ngãi

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang