05/02/2019 04:25:00 PM
Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam

Năm 2017, UNESCO đã công nhận Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật Bài Chòi tại Phố cổ Hội An, Quảng Nam

Nghệ thuật Bài Chòi ra đời từ dân gian, nói tiếng nói của dân gian, chủ yếu phục vụ tầng lớp bình dân và được chính người dân kế thừa, phát triển trở thành một loại hình sân khấu ca kịch dân gian đặc sắc của khu vực Trung bộ.

Trong nghệ thuật Bài Chòi, thơ ca, âm nhạc, ngôn ngữ, phong tục, lối sống được chuyển tải một cách mộc mạc, tự nhiên, tạo sức hấp dẫn với công chúng. Rất nhiều tục ngữ, ca dao, bài vè… được biến tấu, diễn tả sinh động mọi cảnh đời, từ tình yêu đôi lứa đến những khúc mắc nhân tình thế thái, tạo nên sự riêng biệt của Bài Chòi. Với người dân các tỉnh Trung bộ, Bài Chòi đã trở thành một phần hồn cốt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, 9 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa là quê hương của nghệ thuật bài chòi, tồn tại và duy trì 3 phong cách âm nhạc đặc trưng 3 vùng: Quảng Bình, Quảng Trị, Huế với phong cách âm nhạc chậm rãi, dung dị; Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi là phong cách âm nhạc nhẹ nhàng, trữ tình, thanh thoát; Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với phong cách âm nhạc mang sắc thái kịch tính.

Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài Chòi được gọi là các “anh chị hiệu”. Bài Chòi có hai hình thức chính là chơi Bài Chòi và trình diễn Bài Chòi. Chơi Bài Chòi là hô, hát kết hợp với thẻ bài có ghi tên các con bài. Trong các buổi trình diễn, anh chị hiệu biểu diễn trên chiếu cói hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Họ hát, đối đáp về tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng, những bài học đạo đức.

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” tại Bình Định hồi tháng 5/2018, đã khẳng định: “Chơi Bài Chòi là để chia sẻ cảm xúc, tri thức và kinh nghiệm sống. Nghe Bài Chòi là để tu dưỡng sâu hơn về lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước. Thưởng thức Bài Chòi là để sảng khoái vui cười, phê phán thói hư tật xấu, phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ít có loại hình nghệ thuật nào vừa mang tính giải trí sáng tạo cao, vừa gắn kết nhân dân lao động như Bài Chòi”.

Những năm gần đây, phong trào chơi Bài Chòi, hội Bài Chòi diễn ra quanh năm, từ thành thị đến nông thôn, tạo không khí vui tươi, lành mạnh. Và khi nghệ thuật Bài Chòi chính thức được UNESCO ghi danh, đã mở ra cơ hội mới cho chính quyền và người dân phát huy nhiều hơn nữa giá trị môn nghệ thuật dân gian này trong đời sống văn hóa tinh thần.

Xuân Ca (tổng hợp)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang