16/07/2018 08:00:00 AM
Nặn phỗng đất - Nghề cũ còn đây

Giữa những nhộn nhịp, ồn ào, hối hả của cuộc sống thời công nghệ 4.0, đất Kinh Bắc vẫn còn lưu giữ trong mình người xưa, nghề cũ. Ấy là nghề nặn phỗng đất. Dù bây giờ, chẳng còn mấy người biết “phỗng” là gì nhưng ở một góc làng cổ thôn Đông Khê, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh vẫn có một gia đình âm thầm giữ nghề để lưu dấu những giá trị hoài cổ và giữ “ký ức” cho đời.

 Ông Phùng Đình Giáp cặm cụi với những con giống bằng đất thó 

Hiếm hoi lắm giữa cả một làng nghề tấp nập bán buôn hàng mã vẫn còn gia đình ông Phùng Đình Giáp cặm cụi với những con giống bằng đất thó. Ông Giáp là người cuối cùng ở đất Bắc Ninh còn làm nghề nặn phỗng đất. Ông Giáp kể: Với ước mong thuận hoà, thành đạt, một bộ phỗng đất gồm 5 nhân vật: Con chim bay trên trời thể hiện cho khát vọng hoà bình; con Rùa gắn với biển cả bao la và hình tượng con Rùa trong tâm trí người Việt còn là biểu tượng thiêng liêng được thần thánh hoá; nhân vật người già và em bé nói lên sự nối tiếp truyền thống; còn nhân vật phỗng hình Phật ở vị trí trung tâm mang ý nghĩa tâm linh, giáo dục con cháu sống hiền lành, đúng mực. Phỗng đất không chỉ là đồ chơi Trung thu của trẻ con ngày xưa mà còn cất giữ những giá trị văn hoá truyền thống, thể hiện hồn cốt quê hương, sự thân thuộc đầm ấm. Trong mâm cỗ Trung thu, ngoài hoa quả, bánh trái các loại thì nhất định phải có bộ phỗng đất cùng với một ông Tiến sĩ và đèn ông sao. Vì vậy mà những bà mẹ năm xưa, gần đến Tết Trung thu là đi chợ tìm mua cho con Tiến sĩ, phỗng đất… 

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của thị trường đồ chơi hiện đại, các nhân vật phỗng đất dần trôi vào quên lãng nên số người còn giữ nghề xưa ngày càng hiếm. Hơn 40 năm qua, ông Giáp tự hào là làng trên xóm dưới năm nào cũng có người sắm phỗng của nhà ông về đón Tết Trung thu. Tuy không mang lại thu nhập cao nhưng có điều gì đó thôi thúc ông giữ nghề và năm nào gia đình ông cũng mở ra nhào đất, nặn phỗng để dạy cho con biết nghề, cháu chắt biết thế nào là phỗng trong dân gian.

Nặn phỗng không phải là một loại hình vuốt nặn đòi hỏi tinh xảo, hoa văn nhiều hay chi tiết cầu kỳ phức tạp mà đơn giản chỉ là giữ được dáng vẻ thanh thoát, thân thuộc, dân dã. Trong 5 nhân vật phỗng thì chỉ con chim mới có thể dùng tay vuốt nặn, 4 nhân vật phỗng còn lại đều có khuôn nhưng điều thực sự hấp dẫn là dù có khuôn thì những nhân vật phỗng vẫn phải dùng tay vuốt cho mịn để các góc mép không quá sắc cạnh, đường nét không sắc sảo mà trông giống như sản phẩm thủ công do các em nhỏ tự tay nhào nặn. 

 Một bộ phỗng truyền thống có 5 nhân vật

Người đồng hành cùng ông Giáp giữ nghề hơn 40 năm qua là vợ ông-bà Nguyễn Thị Điểu cho biết: Tuy kỹ thuật nặn phỗng đơn giản nhưng quá trình chuẩn bị nguyên liệu cho đến khi thành phẩm lại đòi hỏi nhiều công đoạn cầu kỳ, công phu và tỉ mẩn. Đất để nặn phỗng là đất thó (còn gọi đất sét), phải đào sâu dưới lòng đất mới có rồi mang về phơi khô, giã nhỏ, sàng lấy hạt đất mịn sau đó đem nhào trộn nhuyễn với bột giấy. Công đoạn này phải rất chú ý vì làm sao cho bột giấy ngấu với bột đất và xoe viên đất thật kỹ cho đến khi có cảm giác thấy độ dẻo, tay không dây, không dính thì lúc đó mới nặn được. Các nhân vật phỗng sau khi tạo tác sẽ được đem phơi qua dưới nắng cho se lớp mặt rồi phủ một lớp bột điệp trắng lên trước khi vẽ màu. Đáng nói là dù không nung qua lửa nhưng các sản phẩm phỗng có độ bền tốt, dai chắc vì được phơi khô kiệt dưới nắng gió mặt trời. Màu để vẽ phỗng cũng không nhiều, chỉ có vài màu cơ bản là trắng, vàng, xanh, đỏ, đen nhưng nó giúp những nhân vật phỗng trong không gian làng quê trở nên sinh động và gắn kết.

Vài năm trở lại đây, ngoài những nhân vật phỗng truyền thống, vợ chồng ông Giáp còn làm thêm nhiều loại con giống và đồ chơi bằng đất thó như: Búp bê, ôtô, máy bay, khủng long, siêu nhân… để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thiếu nhi bây giờ. Thỉnh thoảng, ông Giáp lại được các đơn vị về đón đi tham dự trưng bày sản phẩm và trình diễn nghề tại Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ hay các hội chợ, triển lãm làng nghề thủ công truyền thống. Vào dịp nghỉ hè, gia đình ông Giáp cũng là địa điểm đón tiếp các đoàn khách thiếu nhi từ Thủ đô về trải nghiệm nặn đồ chơi bằng đất thó.

Vẫn biết không có gì là mãi mãi, nhưng với ai trân quý những giá trị hoài cổ khi nhìn thấy những nhân vật phỗng đất truyền thống sẽ thêm yêu mến, xúc động cùng biết bao kỷ niệm tuổi thơ giản dị mà thân thuộc ùa về.

Thuận Cẩm/ Báo Bắc Ninh

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang