10/07/2019 09:00:00 AM
Mai một phố cổ Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) không chỉ khiến người ta mê đắm trước khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, “thiên đường đá xám” hùng vĩ, phiên chợ tình Khau Vai trăm năm…, mà còn hấp dẫn ở những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng như dinh thự nhà Vương hay khu phố cổ Đồng Văn. Là niềm tự hào của người dân cao nguyên đá, nhưng khu phố cổ Đồng Văn hiện đang có nhiều ngôi nhà xuống cấp. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp tu sửa, bảo tồn nhà trong phố cổ Đồng Văn, để gìn giữ những nét đặc trưng tại cái nôi văn hóa cổ xưa nhất của người Mông nơi địa đầu Tổ quốc.

 Những ngôi nhà xây mới không theo quy hoạch đang phá vỡ cảnh quan cổ kính của  phố cổ Đồng Văn. Ảnh: Thanh Thuận

Phố cổ Đồng Văn trong kí ức

Phố cổ Đồng Văn nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Văn. Khu phố cổ gồm 40 nóc nhà nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá. Từ xa nhìn lại, khu phố cổ như một nét chấm phá sinh động dưới chân núi đá.

Người cao tuổi ở Đồng Văn cho biết, những ngôi nhà trong phố cổ Đồng Văn xưa mang đậm nét đặc trưng vùng cao nguyên đá là nhà hai mái, tường trình (đất) rất dày, nhà xây một hoặc hai tầng (tầng gác và tầng trệt), phần mái nhà là những vì kèo, đòn tay bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, nền đất. Số gian trong mỗi ngôi nhà thường không cố định, nhưng phổ biến nhất là loại nhà ba gian, hai mái.

Riêng những ngôi nhà gần khu vực chợ Đồng Văn đều được xây dựng theo kiểu nhà ống như phố cổ Hà Nội. Nhìn tổng thể, phong cách kiến trúc của phố cổ Đồng Văn có sự giao thoa kết hợp giữa kiến trúc truyền thống của cư dân bản địa với kiến trúc của người Hoa còn tồn tại đến ngày nay.

Tọa lạc ở trung tâm phố cổ Đồng Văn là chợ cổ Đồng Văn được hình thành từ những năm 20 của thế kỷ trước. Khu chợ gồm 3 dãy nhà xây một tầng theo hình chữ U, bằng đá, hầu như còn nguyên vẹn đến ngày nay. Chợ phiên Đồng Văn họp vào ngày chủ nhật hàng tuần không chỉ là nơi giao thương của đồng bào các dân tộc trong vùng, mà còn là nơi giao lưu văn hóa của đồng bào dân tộc khắp các vùng miền Tây Bắc. Bởi vậy, cứ tối thứ bảy, từng đôi trai gái người Mông, Tày, Dao, Giáy... lại đưa nhau về đây dạo chơi, thổi khèn, uống rượu, hát múa... tạo nên không gian văn hóa sôi động giữa cao nguyên đá.

Nhiều ngôi nhà xuống cấp

Trải qua bao thăng trầm và biến đổi của thời gian, đến nay, những nét xưa trong khu phố cổ Đồng Văn đang dần bị mai một. Dạo một vòng phố cổ, được tận mắt chứng kiến những gì đang xảy ra tại đây, chúng tôi ngỡ ngàng khi những ngôi nhà hai tầng trình tường, mái lợp ngói âm dương đã bị thay thế bằng những căn nhà xây khang trang, có nhà còn xây 3 tầng, đổ mái bằng kiên cố. Những ngôi nhà xây không theo khuôn khổ đã đe dọa phá vỡ không gian khu phố cổ. Bên cạnh đó, vẫn còn những ngôi nhà trình tường nhưng lại đang trong tình trạng xuống cấp.

Chúng tôi tìm ghé thăm nhà ông Lương Triệu Đông, Tổ trưởng Tổ dân phố 4, thị trấn Đồng Văn, chủ nhân của ngôi nhà trình tường có niên đại 90 năm. Ngôi nhà của ông Đông từng là nơi sinh sống của 3 đời người. Nhìn bên ngoài cũng có thể thấy rõ tường đất đã nứt toác, có chỗ bị lở do nước mưa ngấm lâu ngày, dưới chân tường bị thủng do chuột đào lỗ. Mái nhà thì bị thủng nhiều chỗ, gia đình phải che bạt để chống dột.

 Ông Lương Triệu Đông trước căn nhà bị xuống cấp của mình. Ảnh: Thanh Thuận

Ông Lương Triệu Đông bức xúc: “Chúng tôi sống trong ngôi nhà mà cứ nơm nớp lo lắng mỗi mùa mưa bão đến. Tuy nhiên, do nằm trong khu phố cổ nên gia đình không được phép tự ý sửa chữa, phải chờ cơ quan chức năng có ý kiến chỉ đạo. Nhưng chờ để được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang rà soát thì phải là những nhà trên 100 năm mới đủ tiêu chí nhà cổ để được tu sửa. Những nhà như của tôi dù 90 năm và nhiều nhà khác nữa dưới 100 năm chưa đủ tiêu chí để tu sửa, nên phải chịu cảnh sống trong tình trạng nhà xuống cấp thế này. Hơn nữa, 90 năm với 100 năm cũng không cách nhau là mấy, vì vậy, chúng tôi đề nghị, nếu để nguyên trạng phố cổ thì chính quyền nên có giải pháp để người dân đỡ lo lắng khi phải sống trong ngôi nhà quá cũ mà không được tu bổ”.

Ngôi nhà trình tường khác của ông Nguyễn Gia Hạnh cũng trong tình trạng “nhà dột, cột xiêu”. Ông Hạnh cho biết, gia đình ông đã 4 đời sinh sống trong ngôi nhà này, hiện giờ tường đất nhiều chỗ đã bị nứt, cột chống gác mái yếu, mái nhà bị thủng nhiều chỗ, gia đình phải che bạt để chống dột. “Không chỉ tôi mà nhiều bà con trong phố rất bức xúc, rất muốn sửa nhưng cứ phải chờ sự đồng ý của chính quyền” - Ông Hạnh bày tỏ.

Nỗi niềm mong mỏi

Dừng chân trước ngôi nhà ống xây bằng gạch còn mới, đối diện chợ Đồng Văn, kinh doanh homestay và bán đồ ăn sáng, chúng tôi gặp ông bà chủ của ngôi nhà. Đó là ông Nguyễn Ngọc Văn và bà Nguyễn Thị Bích, quê gốc ở Nam Định lên Hà Giang lập nghiệp đã mấy chục năm. Ông bà được thừa hưởng căn nhà cổ của cha ông để lại. Tuy nhiên, do ngôi nhà quá cũ nát, với sự tác động của khí hậu khắc nghiệt, ngôi nhà đã bị đổ sập xuống, phải xây mới lại theo quy chuẩn của Nhà nước.

Ông Nguyễn Ngọc Văn cho biết: “Nhà tôi tuy xây mới nhưng vẫn theo kiến trúc nhà cổ nên trông khá đẹp. Có vài nhà có niên đại mấy chục năm, tuy không bị đổ nhưng cũng rất xuống cấp. Khi thấy nhà tôi bị đổ, được xây mới, họ cũng phá tường đất đi để được xây lại. Nếu tu sửa, nâng cấp khiêm tốn cũng phải mất khoản kinh phí từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng. Có nhà được Nhà nước tu sửa, nhưng sửa xong cũng không khá hơn. Tốt nhất là nên xây mới”.

Được biết, cách đây mấy năm, chính quyền đã có đợt trùng tu, nhưng chỉ có 6 nhà trên 100 năm được Nhà nước tiến hành trùng tu. Những ngôi nhà còn lại đều phải chờ đến khi đủ 100 năm. Người dân cũng vì muốn được ở trong một ngôi nhà khang trang, sạch sẽ hơn và kết hợp kinh doanh, làm homestay trong chính ngôi nhà của mình, nên mong muốn chính quyền sớm có phương án trùng tu nhà cho dân. Thực tế cho thấy, mấy ngôi nhà được trùng tu, làm homestay cho khách du lịch lưu trú cùng với lối sinh hoạt của người bản địa đã mang lại thu nhập cao cho chủ nhà.

Mong rằng, trong tương lai gần, những ngôi nhà trong khu phố cổ Đồng Văn sẽ được các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết để người dân an tâm ổn định cuộc sống, để những nét xưa phố cổ Đồng Văn được bảo tồn, tạo ra nơi thu hút du khách khi đến du lịch khám phá cao nguyên đá.

Thanh Thuận/ Báo Biên Phòng

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Về Mường Lò học cách làm đẹp của cô gái Thái (08/07/2019)
  • Đi Chợ tình Ba Tiên (05/07/2019)
  • Tục "đi sim" của đồng bào Pa Cô (03/07/2019)
  • Tục cân nước để dự báo thời tiết của người Mông (01/07/2019)
  • Tín ngưỡng Then của người Tày, Nùng (28/06/2019)
  • Lễ Tơ Mon của người Bana (26/06/2019)
  • Nghề làm đệm truyền thống của người Thái ở Chiềng Khoang (24/06/2019)
  • Tục “đóng cửa rừng“ của người Mường Thanh Sơn (21/06/2019)
  • Nhà lang trong văn hóa Mường (19/06/2019)
  • Đến Cổng Trời… xem người Mông vẽ sáp ong (17/06/2019)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang