25/04/2017 03:58:00 PM
Lửa trong bếp người Hà Nhì không bao giờ tắt

Theo quan niệm từ xa xưa, nếu nước là nguồn sống, thì lửa là sức mạnh duy trì cuộc sống. Bởi vậy, trong những ngôi nhà của người Hà Nhì, lửa trong bếp không bao giờ tắt. Và người Hà Nhì ngày nay vẫn giữ tục thờ thần bếp.

 Với người Hà Nhỉ, trong bếp không bao giờ có thể vắng lửa  (Ảnh: baomoi.com)

Theo truyền thống, khi ngôi nhà trình tường hoàn tất, thì việc đầu tiên của một gia đình người Hà Nhì là rước thần lửa về nhà. Theo nhà thơ, nhà nghiên cứu Chu Thùy Liên, Phó Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên: Với người Hà Nhì, lửa rất quan trọng, vì lửa là cội nguồn của mọi thứ có thể sinh sôi được. Đặc biệt trong bếp của người Hà Nhì không bao giờ có thể vắng lửa. Người Hà Nhì ở trên vùng lạnh nên lúc nào nhà cũng ấm lửa, cứ hết củi lại tiếp vào và người ta ủ lửa.

Từ xa xưa, người Hà Nhì cho rằng lửa được sinh ra từ đá, nên trước khi về nhà mới, đồng bào lên núi cao chọn một hòn đá nơi con người chưa dẫm chân hoặc bước qua. Khi chọn được hòn đá ưng ý, đồng bào mang về đặt ngay bên cạnh bếp để cúng thần. Bởi họ quan niệm hòn đá thiêng này chính là nơi trú ngụ của vị thần lửa, thần bếp, thần thổ địa trong nhà. Vào các ngày lễ tết, người ta cúng viên đá ấy chính là cúng thần bếp, thần thổ địa và cúng thờ tổ tiên.

Người Hà Nhì luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt, mang lại nhiều may mắn, ấm no và hạnh phúc, ấm êm. Bà Liên giải thích: "Viên đá người ta gọi là Thổ Tý, tượng trưng cho thần đất, cũng là biểu tượng của mặt trời xuống đất mẹ. Ngày xưa người Hà Nhì còn ở những vùng đất dễ tìm hòn đá trắng, người ta sẽ lấy những hòn đá trắng, quan niệm đó là ánh sáng của mặt trời mang đến vùng đất này, và người ta cũng thường thờ bằng đá trắng".

Với quan niệm như thế, mỗi khi vào ngôi nhà mới, cùng với việc rước thần lửa, chủ nhà bao giờ cũng làm lễ to, mổ lợn để dâng cúng vị thần bếp, mong thần phụ trợ cho gia đình làm ăn may mắn.

Không chỉ vào dịp làm nhà mới, mà trong rất nhiều các lễ hội cộng đồng, người Hà Nhì đều làm cơm dâng thần bếp. Như các dịp Lễ tết tháng 2 “Gạ ma thú”; Lễ cầu mưa, cầu sấm chớp; Tết cơm mới "Hồ sự chà"; Lễ hội cúng rừng… bên cạnh các mâm cơm cúng thần rừng, thần bản, thần đất, thần nước, thì mâm cúng thần bếp luôn được người Hà Nhì chuẩn bị với tất cả tấm lòng thành kính, trân trọng nhất.

Dân tộc Hà Nhì, tên tự gọi là Hà Nhi gia, hay còn gọi bằng những tên U Ní, Xá U Ní. Thuộc nhóm địa phương Hà Nhì, Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì đen. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến (ngữ hệ Hán-Tạng).

Phần lớn tổ tiên người Hà Nhì là lớp cư dân di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm trở lại đây. Họ quần cư chủ yếu trên dọc biên giới Việt-Trung, Việt-Lào, thuộc các huyện Bát Xát (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu), Mường Nhé (Điện Biên). Họ tin có linh hồn, thờ cúng tổ tiên, cúng bản và các nghi lễ nông nghiệp.

Thu Hòa (VOV4)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang