18/03/2020 10:02:00 AM
Làng rèn Phúc Sen

Nghề rèn thủ công truyền thống của người Nùng An đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách thập phương, góp phần làm phong phú thêm hành trình khám phá vùng đất Cao Bằng. Làng Phúc Sen cách thành phố Cao Bằng khoảng 30km, nghề rèn nơi đây có lịch sử trên 300 năm.

Xã Phúc Sen có khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động địa phương 

Ban đầu, làng chỉ rèn các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật dụng sinh hoạt. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề phong phú đa dạng hơn, có uy tín không chỉ trong phạm vi tỉnh Cao Bằng mà còn có mặt ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, thành phố Hà Nội của nước ta cũng như các huyện biên giới của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.  Mặc dù các sản phẩm ở đây không bóng bẩy, bắt mắt, lại có giá bán cao gấp hai, ba lần sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nhưng hàng sản xuất ra tới đâu, bán hết tới đó. Hiện nay, ở Phúc Sen có khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

 Ngoài những sản phẩm phục vụ gia dụng, các hộ dân làm rèn còn cho ra một số sản phẩm mang tính chất trang trí, trưng bày

Để làm ra một con dao sắc, người Nùng An có những bí quyết riêng. Nguyên liệu rèn dao được làm từ những miếng nhíp ô tô đã hỏng, đặc biệt từ nhíp xe U-oát là tốt nhất. Ở những nơi khác người ta thường dùng than đá để nung thì ở làng Phúc Sen lại dùng than củi từ các loại gỗ cứng như gỗ nghiến mới giúp giữ nhiệt và làm than mau đỏ. Để giữ được nhiệt, lò nung thép cũng phải làm bằng đá, rồi dùng rơm và trấu làm chất liệu xây lò. Theo những người làm nghề lâu năm trong làng, nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ cảm nhận tinh tế của tai, đôi mắt cùng kinh nghiệm của người thợ.

Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng trong đời sống người Nùng An, tháng 1 năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận nghè rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Công đoạn tôi thép là công đoạn khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, thường do các thợ cả giàu kinh nghiệm thực hiện. Cụ Lương Văn Vảng, một thợ rèn giàu kinh nghiệm ở Phúc Sen cho biết, khi tôi thép, người thợ chỉ nhúng vật đang rèn xuống nước chỉ 1 đến 2 giây, nếu nhúng quá lâu, thép sẽ bị hỏng. Đối với từng loại thép, người thợ sẽ nhìn ánh thép màu xanh, trắng hoặc vàng để biết được độ già hoặc non của thép mà có cách tôi cho phù hợp. Tôi thép như thế nào, đó là kỹ thuật gia truyền của từng dòng họ, từng gia đình và chỉ truyền cho con trai, người ngoài không thể biết.


 Không khí làm việc ở một lò rèn thôn Phia Chang, xã Phúc Sen

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người dân Phúc Sen đã cải tiến một số khâu sản xuất để giảm sức lao động như: sử dụng máy dập thay cho quai búa, máy mài, máy tạo khuôn... Tuy nhiên, những công đoạn quan trọng nhất vẫn phải làm thủ công.

Có thể nói đây là một trong những làng nghề độc đáo nhất ở tỉnh Cao Bằng. Chính vì vậy mà hàng năm lượng khách du lịch đến với xã Phúc Sen tương đối lớn, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nghề rèn vẫn được đồng bào Nùng An ở Phúc Sen gìn giữ, phát triển, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo Công Đạt/  Báo Ảnh Việt Nam

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang